Thứ Ba, 2024-11-05, 8:53 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2011 » Tháng Mười Hai » 23 » Hương hoa nhài đang tỏa vào Việt Nam
12:03 PM
Hương hoa nhài đang tỏa vào Việt Nam
DaVang


"…Sau hơn 30 năm những hậu duệ của giai cấp Nomenklatura này mới khám phá ra rằng những cựu "lính Ngụy”, "tay sai đế quốc Mỹ” sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ những hòn đảo ngoài khơi Biển Đông, lòng yêu nước của họ rất đáng kính trọng…”

Chủ nhật 27/11/2011, công an, cảnh sát và mật vụ Hà Nội ồ ạt đổ về Hồ Gươm để bắt một số người đang có dự định "tụ tập”. Tụ tập để làm gì? Hỏi ra mới biết những người này qui tụ lại với nhau để ủng hộ những tuyến bố của thủ tướng Việt Nam về chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời cũng để ủng hộ việc soạn thảo Luật Biểu tình. Lời kêu gọi tụ tập này lúc đầu chỉ xuất hiện trên blog cá nhân của tiến sĩ Hán Nôm Nguyễn Xuân Diện, sau đó được phổ biến một cách rộng rãi trên các mạng internet và bị khựng lại… trước phản xạ chống biểu tình của chính quyền. Lực lượng chống biểu tình không cần biết mục tiêu của cuộc tụ tập này là gì, họ chỉ biết những cuộc biểu tình tự phát, không do chính quyền phát động, là có ý đồ xấu, những người tổ chức bị ghép vào tội chống chính phủ. Do đó khi được hỏi những người biểu tình bị bắt vì lý do gì, lực lượng an ninh cho biết họ không cần biết.

Ngày 29/11/2011, các ông André Menras Hồ Cương Quyết, Lê Hiếu Ðằng, Cao Lập… dự định chiếu phim "Hoàng Sa Việt Nam: nỗi đau mất mát” tại quán café Ami Art, Khu du lịch Văn Thánh, Sài Gòn, nhưng đã bị lực lượng an ninh đến ngăn chặn.

Dân chúng thắc mắc tại sao chính quyền cộng sản Việt Nam lại có những hành động bất nhất, trống đánh suôi kèn thổi ngược đến như vậy. Một mặt Hà Nội lớn tiếng xác nhận chủ quyền Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mặt khác sẵn sàng ra tay đàn áp, ngăn chặn và bắt bớ những người ủng hộ chính quyền trong việc xác nhận chủ quyền trên hai quần đảo này. Thật là khó hiểu. Khi bị chất vấn, các cấp lãnh đạo chối quanh và đổ lỗi cho các cấp thừa hành, "trên bảo dưới không nghe”. Những xảo thuật kiểu này không còn che mắt được ai, đây chỉ là hành vi của những người không dám nhận lãnh trách nhiệm, đổ vấy cho kẻ thi hành bất tuân lện cấp trên để phủi tay trốn tránh trách nhiệm.

Thực chất của vấn đề là chính quyền cộng sản Việt Nam lo sợ dân chúng xuống đường biểu tình chống chế độ. Trong một nước dân chủ thực sự, biểu tình là một quyền tự nhiên như các quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp. Trong một thể chế độc tài, mặc dù được ghi trong hiến pháp, xuống đường là một hành vi đe dọa chế độ. Chỉ đảng và nhà nước mới có quyền tổ chức xuống đường biểu tình… ủng hộ đảng cầm quyền, những người ngoài guống máy đảng và nhà nước tự động tổ chức xuống đường biểu tình là một vi phạm, phải bị trừng trị. Vì tự nhận là giai cấp lãnh đạo đất nước, đảng cộng sản Việt Nam tự quyền đứng trên luật pháp do chính họ ban ra và không chấp nhận bất cứ một sự chỉ trích nào. Chính vì muốn che giấu những hành vi xấu xa của mình nên chính quyền luôn tìm cách bóp nghẹt những tiếng nói trung thực, vạch trần những hành vi gian tham, lạm dụng quyền thế, coi thường người dân, chà đạp nhân phẩm người khác.

Chị Tạ Phong Tần bị bắt từ ngày 5/9/2011 đến nay vẫn không biết mình bị bắt vì lý do gì, những người đại diện chính quyền không buồn cho biết chị Tạ Phong Trần này bị bắt vì lý do gì.

Chị Bùi Thị Minh Hằng bị bắt tại Sài gòn ngày 27/11/2011 và chuyển giao cho công an Hà Nội, không ai biết chị bị bắt vì lý do gì và cho đến nay vẫn biệt âm vô tín.

Hai sự kiện kể trên chỉ là phần nổi của tảng băng, làn sóng bắt người trái phép của chính quyền vẫn đang tiếp diễn và không ngừng gia tăng cường độ.

Thấy gì qua những sự kiện này? Chính quyền cộng sản có đầy đủ mọi phương tiện và dụng cụ đàn áp : công an, nhà tù, quyền trấn áp… Nhưng vũ lực không phải lực lượng tất cả, muốn được dân chúng ủng hộ đảng cộng sản phải tranh thủ lòng dân bằng những phương pháp hòa bình chứ không phải bằng bạo lực. Xu thế của thời đại hiện nay là tự do và dân chủ, chống lại chỉ là một hành động điên cuồng. Trong cuộc đọ sức không cân sức này, lẽ phải thuộc về người dân, đàn áp hay chống lại người dân chính quyền cộng sản Việt Nam chỉ sẽ chuốc lấy thất bại vì sẽ bị thế giới lên án. Sự ủng hộ của thời chiến nay không còn nữa.

Cái gì giúp chế độ cộng sản Việt Nam tồn tại? Đó là những công bộc chịu ơn mưa móc các chế độ, những thành phần công an mật vụ, những người trong guồng máy cầm quyền và hệ thống kinh tế tài chánh. Ngày nay buôn bán khó khăn, khả năng mua chuộc, đút lót các cấp chính quyền địa phương không còn dồi dào như trước, sự trung thành với chế độ cũng thưa giản dần, vòng đai bảo vệ sự an toàn của chế độ đang từ từ bị thu hẹp lại. Ông thủ tướng đang tìm cách thu phục nhân tâm bằng những tuyên bố ngoạn mục. Trong tương lai người ta sẽ không còn ngạc nhiên khi chứng kiến những câu tuyên bố nảy lửa kiểu thùng rỗng kêu to của chính quyền. Tuyên bố xoa dịu dư luận để sau đó tiếp tục đàn áp cũ không còn hấp dẫn được ai.

Nhiều người ai tấm tắc khen ông thủ tướng can đảm công nhận gương hy sinh của những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa bảo về những quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trước năm 1975. Nhưng đây cũng chỉ là động thái e sợ của một người cầm quyền buộc phải nói lên sự thật mà bấy lâu nay họ vẫn che giấu. Sau hơn 30 năm những hậu duệ của giai cấp Nomenklatura này mới khám phá ra rằng những cựu "lính Ngụy”, "tay sai đế quốc Mỹ” sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ những hòn đảo ngoài khơi Biển Đông, lòng yêu nước của họ rất đáng kính trọng. Tuyên dương những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa bảo vệ quần đảo Hoàng Sa có một chủ ý rõ ràng, chính quyền cộng sản muốn xoa dịu sự bất mãn của dân chúng miền Nam. Vì là miền đất của những người bại trận, dân chúng miền Nam không bày tỏ sự bất mãn một cách công khai như tại miền Bắc, nhiều người cho rằng dân chúng miền Nam ươn hèn.

Thực tế không hẳn như vậy. Sự bình lặng của biển cả báo hiệu một cơn giông dữ dội. Chính sự ù lì và im lặng này của dân chúng miền Nam đang khiến Hà Nội lo sợ. Lên tiếng khen ngợi gương hy sinh của các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa trong lúc này không ngoài mục đích xoa dịu bạt mãn và vuốt ve dư luận để mua chuộc an bình xã hội. Nhưng làn sóng dân chủ đi từ Trung Đông qua Miến Điện đang tiến dần đến Việt Nam.

Làn sóng dân chủ thứ tư đang lan tỏa

Làn sóng dân chủ thứ tư đang lan tỏa từ Tunisia sang Syria. Nhắc lại một vài cột móc :
Ngày 17/12/2010, Mohammed Bouazizi, một thanh niên buôn bán rong bị chèn ép đã tự thiêu để phản đối. Cái chết của người thanh niên này đã gây một làn sóng chống đối trên khắp lãnh thổ buộc nhà lãnh tụ độc tài Ben Ali, một tháng sau phải chạy sang vương quốc Ả Rập Saudi tị nạn, sau 23 năm độc quyền cai trị đất nước.

Ngày 25/1/2011, dân chúng Ai Cập xuống đường đòi tự do dân chủ và quyền được sống trong danh dự. Chưa đầy một tháng sau, ngày 10/2/2011, tổng thống Hosni Moubarak từ chức sau 30 năm độc quyền lãnh đạo đất nước và bị đưa ra tòa xét xử.

Ngày 17/2/2011, dân chúng Lybia nổi dậy đòi quyền sống tại Misrata. Làn sóng chống đối lan tỏa ra khắp nước và chỉ trong tám tháng chế độ độc tài bị sụp đổ. Ngày 20/10/2011, lãnh tụ Gaddafi bị hành quyết sau hơn 40 năm độc quyền lãnh đạo đất nước.

Trong hai cuộc chiến chống Pháp giành lại độc lập và chống Mỹ giải phóng miền Nam, đảng cộng sản Việt Nam đã được thế giới ủng hộ tận tình. Ngày nay, sau 35 năm độc quyền lãnh đạo đất nước dư luận thế giới đang không những xa lánh dần Việt Nam mà còn công khai lên án đảng cộng sản vi phạm nhân quyền và trấn áp ước vọng tự do dân chủ của dân chúng trong nước.

Tại miền Bắc sự chống đối rất công khai, tại miền Nam sự chống đối rất kín đáo, nhưng không ai phủ nhận ở cả hai miền sự ủng hộ chế độ không còn nữa. Vết thương của cuộc chiến "huynh đệ tương tàn” đang kéo liền da, dân chúng hai miền ngày nay chỉ còn một hoài bão chung là đánh đổ chế độ độc tài để xây dựng một thể chế tự do dân chủ.

Phương pháp đấu tranh đòi tự do dân chủ của mỗi miền mỗi khác. Anh em miền Bắc, một số đã từng là công bộc của đảng và nhà nước cộng sản hoặc những người đã từng theo chủ thuyết xã hội chủ nghĩa, ngày nay công khai lên tiếng đòi tự do dân chủ và đào sâu suy nghĩ về cách xây dựng một thể chế dân chủ tương lai. Anh em miền Nam, đã số là những người thuộc chế độ cũ bày tỏ thái độ chống đối bằng cách tích cực tham gia sinh hoạt kinh tế để giữ vững tay nghề, chuẩn bị sự cất cánh cho giai đoạn xây dựng dân chủ. Mặc dù có khác nhau về cách tổ chức và phương pháp đấu tranh, mục tiêu sau cùng của hai miền đất nước vẫn là một: xây dựng một thể chế tự do dân chủ.

Tuy vậy, trước làn sóng chống độc tài tại các quốc gia ả rập, sự tồn tại quá lâu dài của một chế độ độc tài trên lãnh thổ Việt Nam khiến dư luận trong và ngoài nước thắc mắc. Người Việt Nam ù lì, không có dũng khí, nói thẳng ra là ươn hèn ? Có đúng vậy không? Không có câu trả lời nào ngắn gọn và giản dị. Quần chúng Việt Nam đang đi tìm người lãnh đạo và chưa tìm thấy đó thôi.

Quần chúng vô cảm?

Ngày 13 tháng 3 năm 1964, khoảng ba giờ sáng, một người đàn bà 28 tuổi tên là Catherine Genovese trở về nhà tại số 82-70 Austin Street tại Kew Gardens, vùng Queens, thành phố New York. Trên đường từ bãi đậu xe của nhà ga về đén nhà cáh đó không xa, cô linh cảm như có người đang theo dõi. Cô vội chạy đến trạm điện thoại báo động cảnh sát, nhưng chưa kịp đến cô đã bị kẻ gian đuổi kịp và dùng dao đâm vào người cô ta tới tấp. Cô Genovese vùng vẫy, la hét, kêu cứu. Ánh đèn từ một vài căn nhà lân cận bật lên. Có người ló đầu từ một cửa sổ nói vọng xuống : "Ðừng có làm phiền cô ấy nữa”. Nghe tiếng động, nhiều căn hộ khác đồng loạt bật đèn lên. Kẻ gian bỏ chạy và nấp đàng sau một chiếc xe cách đó không xa. Nhưng không một ai chịu khó mở cửa chạy đến giúp. Bị thương nặng, cô Genovese cố gắng lê lết về đến nhà, nhưng kẻ gian lại xuất hiện và nào tới đâm tiếp. Cô Genovse thét to kêu cứu : ” Tôi chết mất, tôi chết mất”. Ánh đén từ những cửa sổ lân cận liền bật lên, kẻ gian lại bỏ chạy. Lúc đó là 3 giờ 35 sáng. Nhưng vẫn không một ai chịu khó mở cửa hay ló đầu ra cửa sổ để quan sát, nói chung không ai muốn đến cứu giúp người đàn bà xấu số này. Sau một hồi im lặng và khi ánh đèn từ những cửa sổ lân cận chợt tắt, tên sát nhân liền quay trở lại. Cuộc hành hung lần thứ ba này đã kết thúc tính mạng của cô Genovese. Khi biết nạn nhân đã tắt thở, tên sát nhân bình thản bỏ đi. Cô Genovese trút hơi thở cuối cùng trong đau đớn trước sự dững dưng của những người hàng xóm. Mãi cho đến 4 giờ sáng có người đi ngang và phát hiện thi thể nhầy nhụa máu của cô Genovese mới gọi báo cảnh sát.

Khi được biết tin, cả nước Mỹ rúng động trước sự việc này. Cô Genovese đã chết vì không ai chịu can thiệp mặc dù có nghe tiếng kêu cứu. Rất nhiều nhà phân tâm học quan tâm đến sự kiện này v cố gắng tìm lời giải thích. Cuối cùng hai ông John Darley thuộc đại học Princeton và Bibb Latane thuộc Ohio State University, sau bốn năm nghiên cứu và thử nghiệm về động thái của quần chúng, giải thíchg rằng những người bàng quan tê liệt đứng nhìn là vì họ rơi vào tình trạng "phân tán trách nhiệm” (diffusion of responsiblity). Ðộng thái của một người bàng quan trước khi nhảy vào can thiệp phải trải qua năm giai đoạn:

1. Lưu ý (notice). Ðương sự ý thức được một sự việc bất thường đang diễn ra;

2. Nhận biết (recognition). Ðương sự phải có khả năng đánh giá sự việc và nhận thấy đây là một trường hợp khẩn trương;

3. Quyết định (decision). Ðương sự quyết định phải làm một cái gì đó, và tìm thấy một lý do chính đáng để hành động;

4. Phân công (assignment). Sau đó người bàng quan phải chỉ định một người nào đó, chính đương sự hoặc một người khác, lấy trách nhiệm hành động ; đương sự phải trả lời câu hỏi : "Ai phải hành động trong những trường hợp này?”;

5. Thi hành (implementation) Một khi đã quyết định hành động như thế nào, đương sự phải xét xem công việc đã được thực hiện chưa. Nếu bất cứ một giai đoạn nào trong năm giai đoạn này có một sự lưỡng lự không rõ ràng, thì tiến trình hành động phải trở lại từ đầu.

Nói tóm lại, vì không thông hiểu sự việc, không nắm bắt được vấn đề nên quần chúng chưa dám can thiệp. Do đó khi thấy quần chúng thờ ơ, chúng ta chớ nên vội đánh giá họ là hèn nhát. Quần chúng rất khoan ngoan và chỉ hành động khi biết rằng hành động của mình chắc chắn đạt kết quả.

Trước cuộc nổi dậy của quần chúng tại các quốc gia ả rập, dân chúng Việt Nam không thể bàng quan. Vấn đề chỉ là thời gian, phải chờ đến giai đoạn chín muồi cuộc nổi dậy mới qui mô. Bây giờ đang là gian đoạn quan sát và chuẩn bị.

Hương hoa nhài đang lan tỏa đến Myanmar (Miến Ðiện), trong nay mai sẽ xâm nhập vào Việt Nam. Đây là xu thế của thời đại, phong trào chống độc tài như cơn sóng thần đang sắp tràn vào Việt Nam. Chưa lúc nào như lúc này, chính quyền Việt Nam càng ngày càng thấy cảm thấy cô đơn, các chế độ độc tài đảng trị như một chủng loại đang bị diệt chủng. Khác với các loài vật quí hiếm, sẽ không một ai luyến tiếc sự triệt tiêu của các chế độ độc tài tại Việt Nam hay trên thế giới.

Một lời khuyên, những người còn gắn bó với chế độ cộng sản Việt Nam nên biết phải dừng tay. Không ai có thể bảo đảm sự an toàn của những công bộc của chế độ khi đường phố đến chất vấn. Trắng tay và tính mạng bị đe dọa. Phải cẩn thận đừng đề máu gọi máu. Chính quyền cộng sản nên khôn ngoan tìm đường thoát hiểm khi còn nắm quyền lực trong tay. Ðàn áp ngày nay không còn là giải pháp hữu hiệu để bảo vệ chế độ toàn trị.

Nguyễn Gia Thưởng (Bruxelles)

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 817 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 550
Khách: 550
Thành Viên: 0