Trung Điền
Kịch bản của Lê Hồng Anh Dư
luận không ngạc nhiên về vụ Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ bị Nguyễn Tấn Dũng cho
lệnh bắt giữ. Nhưng người ta ngạc nhiên về kịch bản của Lê Hồng Anh:
công an Sài Gòn đã đột nhập vào khách sạn Mạch Lâm vào đêm mồng 4 tháng
11 để bắt giữ Tiến sĩ Hà Vũ, khi được báo rằng tại phòng số 101 của
khách sạn có một đôi nam nữ trong trang phục "nhạy cảm” (theo tường
thuật của báo Công an nhân dân).
Có lẽ kịch bản quá ấu trĩ và hạ
cấp - đã tạo ra một luồng phản cảm trong dư luận khắp nơi, nên Lê Hồng
Anh đã phải gấp rút cho thay kịch bản khác với cuộc họp báo của Trung
tướng công an Hoàng Kông Tư, Tổng cục trưởng tổng cục an ninh điều tra
tại Hà Nội thay vì ở Sài Gòn vào sáng ngày 6 tháng 11. Tại cuộc họp báo
này, Hoàng Kông Tư cho biết là đã bắt giữ Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ vì ông
vi phạm điều 88 của bộ luật hình sự. Hoàng Kông Tư nói là sau khi "lục
soát” máy laptop của ông Hà Vũ đã phát giác ra nhiều tài liệu tuyên
truyền chống phá nhà nước nên cơ quan an ninh đã ra lệnh bắt khẩn cấp
và sẽ khởi tố Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ để "điều tra và làm rõ” (theo tường
thuật của Vietnamnet).
Không
biết ông Hoàng Kông Tư và bộ công an Công sản Việt Nam sẽ điều tra và
làm rõ vấn đề gì qua những bài viết hay các phát biểu can đảm, thẳng
thắn của Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ được phổ biến rộng rãi không che đậy
trong những năm qua; nhưng nhìn vào các kịch bản bắt giữ Tiến sĩ Hà Vũ,
quả là Cộng sản Việt Nam đang tự bắn vào chân. Nếu Lê Hồng Anh và bộ
chính trị Cộng sản muốn "điều tra để làm rõ” những bài viết của ông Vũ,
thì chỉ cần đưa giấy xuống công an phường Điện Biên, Hà Nội, nơi Tiến
sĩ Hà Vũ cư ngụ, triệu ông ta lên bộ công an thẩm vấn như đã từng làm
đối với nhà văn Phạm Toàn, nhà giáo Nguyễn Huệ Chi của mạng Bauxite
Việt Nam. Cách làm này vừa không tốn công soạn kịch bản, vừa không bị
dư luận chửi là ấu trĩ, hạ cấp.
Nhưng Lê Hồng Anh và bộ công an
Cộng sản Việt Nam đã chọn phương cách bịt miệng Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ
với hai kịch bản nói trên, có lẽ có hai dụng ý.
Một là bêu rếu
thanh danh giòng họ Cù Huy về việc Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đi "chơi
gái”... ở tận Sài Gòn. Hà Nội tưởng rằng triệt hạ như vậy sẽ hạ nhục
được ông, nhưng vô hình chung đã đụng chạm tới cả giòng họ Cù Huy, và
họ sẽ không thể để yên cho công an muốn làm gì thì làm.
Hai là
tạo sự bất ngờ cho gia đình Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ để công an có thể thu
tóm tất cả những tài liệu gọi là "tang chứng” chống phá chế độ khi ông
không có mặt tại nhà, kể cả bà vợ là Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà cũng
đang vắng mặt khi công an ập vào nhà khám xét.
Tuy đã đạt được
điều muốn làm nhưng bộ công an đã hại bộ chính trị và trung ương đảng
Cộng sản Việt Nam vì chọn thời điểm ra tay không phù hợp, khi mà dư
luận ở trong nước đang nổi lên hai vấn đề nghiêm trọng. Đó là hàng ngàn
trí thức đang yêu cầu quốc hội ra Nghị Quyết ngưng dự án khai thác
Bauxite tại Tây Nguyên sau thảm kịch bùn đỏ tại Hungary; và một số đại
biểu quốc hội, đứng đầu là ông Nguyễn Minh Thuyết, đại biểu Tỉnh Lạng
Sơn, yêu cầu quốc hội đình chỉ chức vụ của Nguyễn Tấn Dũng và những cán
bộ liên hệ đến vụ phá sản tổng công ty đóng tàu (Vinashin - lên đến 5
tỷ Mỹ Kim) trong thời gian điều tra.
Ai cũng thấy rõ việc bắt
giữ Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ là đòn bịt miệng của bộ chính trị để ngăn chận
làn sóng phê phán tư cách và khả năng lãnh đạo của 15 ủy viên bộ chính
trị hiện nay trước đại hội đảng XI. Việc gán ghép điều 88 để bắt Tiến
sĩ Hà Vũ chỉ cho thấy là bộ chính trị Cộng sản Việt Nam đang rơi vào
tình trạng lúng túng khi phải giải quyết sức ép "dân chủ trong nội bộ
đảng”. Trong thời gian gần đây, không chỉ có Tiến sĩ Hà Vũ là người duy
nhất nêu những vấn đề mà Hoàng Kông Tư cho là có nội dung "chống phá
nhà nước”, mà còn có những đảng viên đảng Cộng sản lâu năm như ông Tống
Văn Công, nhà văn Phạm Viết Đào, cựu Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu
Đại sứ Nguyễn Trung và nhất là của 23 đảng viên lão thành cùng ký tên
vào lá thư phê phán tư cách, khả năng lãnh đạo yếu kém và thuần phục
Bắc Kinh của 4 uỷ viên bộ chính trị là Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng,
Nguyễn Phú Trọng và Tô Huy Rứa.
Những bài viết của Tiến sĩ Hà Vũ
không chỉ là quan điểm của riêng ông mà là những quan tâm chung của
nhiều trí thức, đảng viên về thực trạng lạc hậu của nền chính trị độc
tài độc đảng. Những bài viết của ông đang lưu truyền trong nội bộ đảng
Cộng sản và trở thành đầu đề của những thảo luận trong các buổi sinh
hoạt nội bộ. Câu chuyện Tiến sĩ Hà Vũ kiện Nguyễn Tấn Dũng đang là đề
tài bùng nổ trong các đại hội đảng bộ cấp địa phương khiến ban tuyên
giáo của Tô Huy Rứa phải khổ công giải thích.
Bộ công an Cộng
sản Việt Nam nghĩ rằng bắt giữ Tiến sĩ Hà Vũ sẽ là đòn răn đe nội bộ để
ngăn chận làn sóng chống đối trước khi đại hội đảng XI diễn ra; nhưng
tình hình nhiều năm qua cho thấy là càng đàn áp, càng bắt bớ, số người
công khai chống lại chế độ càng gia tăng - không chỉ ở những người
ngoài đảng mà cả ở trong đảng. Nói cách khác, công an Cộng sản Việt Nam
đang tuyên chiến với chính nội bộ của họ khi ra lệnh bắt Tiến sĩ Cù Huy
Hà Vũ.
Tóm lại, đảng Cộng sản Việt Nam thường hay nhân danh ổn
định và định hướng xã hội chủ nghĩa để quy chụp tất cả những phát biểu
khác với họ đều là chống đảng, thậm chí còn cho là cấu kết với các thế
lực phản động ở bên ngoài để lật đổ chế độ. Điều này đã và đang biến
thành tử huyệt cho guồng máy bạo lực đang cố bóp nghẹt mọi tiếng nói
lương tâm từ trong và ngoài đảng.
Trung Điền Ngày 7/11/2010
|