Hàng trăm người trong đó có các tướng lĩnh và trí thức có tiếng đã Bấm ký đơn kiến nghị đòi hủy án và trả tự do cho tiến sỹ Hà Vũ.
Thư kiến nghị gửi các nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam cùng Viện Kiểm sát và Tòa án Tối cao viết:
"Phiên tòa [xử ông Hà Vũ] đã gây ra một làn sóng phê phán và phản đối mạnh mẽ trong nước và trên thế giới vì cách thức điều hành của thẩm phán đã vi phạm luật tố tụng hình sự, không đảm bảo quyền được bào chữa của bị cáo."
Kiến nghị cũng nói lực lượng an ninh đã "ngăn cấm thô bạo người dân tham dự hoặc theo dõi phiên tòa, vô hình trung xóa bỏ tính công khai của phiên tòa như đã được chủ tọa phiên tòa tuyên bố.
Những người ký tên trong bản kiến nghị đòi "xóa bỏ kết quả của phiên tòa sơ thẩm, xóa bỏ vụ án Cù Huy Hà Vũ và trả tự do cho công dân Cù Huy Hà Vũ."
Ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hồ Chí Minh, một trong những người ký tên vào kiến nghị nói với BBC ông không có nhiều hy vọng nhà nước Việt Nam sẽ làm theo kiến nghị.
"Riêng bản thân tôi kiến nghị thì tôi cũng kiến nghị để mình có cái tỏ thái độ chứ còn hy vọng rằng từ cái kiến nghị này mà Đảng và Nhà nước Việt Nam thay đổi thì tôi không hy vọng," ông nói
"Bởi vì chúng ta thấy rằng ngay cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp, làm một người cách mạng khai quốc công thần như vậy mà thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong vụ bauxite Tây Nguyên, trong vụ phá hội trường Ba Đình vẫn không được trả lời. Nói về văn hóa ứng xử đã là không được rồi.
"Tôi không hy vọng [kiến nghị sẽ] có hiệu quả nhưng rõ ràng cái hiệu ứng về mặt xã hội thì ít nhất trong đất nước Việt Nam vẫn còn nhiều người có lương tri và nói lên tiếng nói của người ta.
"Chớ không phải người ta sợ người ta im lặng. Bây giờ phải phá tan cái sợ đi để vì tất cả, vì lợi ích của đất nước, của dân tộc để chúng ta tìm đường đi cho đất nước Việt Nam ngày càng phú cường hơn.
"Nếu không cứ dẫm chân tại chỗ như thế này thì rất nguy hiểm."
'Trơ trẽn'
"Nếu xử án thấy mình đúng, ta phải làm công khai minh bạch, làm một cách đàng hoàng.
"Nhưng mà đây rất tiếc là vụ án kiểu như chạy tang vậy, xử một cách vội vã rồi vi phạm một cách nghiêm trọng các thủ tục tố tụng, làm cho các luật sư phải bỏ phòng xử ra ngoài.
"Tôi thấy nó rất trơ trẽn.
"Thế mà vẫn tiếp tục xử và cuối cùng xử với mức án là bẩy năm tù giam và ba năm quản chế.
"Tôi đi khắp nơi, gặp rất nhiều người dân, bạn bè trong phong trào sinh viên học sinh cũ rồi nhân sĩ trí thức trước đây cùng làm việc với tôi trong phong trào đấu tranh ở Sài Gòn, thì ai người ta cũng rất phẫn nộ về việc này.
"Người ta buồn cho đất nước Việt Nam tại sao lại có những con người như thế, tại sao lại xử sự một cách như thế trong lúc đó thì nói hội nhập rồi thế này thế kia.
Người ta buồn cho đất nước Việt Nam tại sao lại có những con người như thế, tại sao lại xử sự một cách như thế trong lúc đó thì nói hội nhập rồi thế này thế kia.
Ông Lê Hiếu Đằng
Ông Đằng cũng nhắc tới lời của giáo sư Ngô Bảo Châu nói rằng "không còn ai có thể làm hơn để mất thanh danh và danh dự của nước Việt Nam, của dân tộc Việt Nam".
Ông nói ông không hài lòng với các diễn biến trong vụ Cù Huy Hà Vũ ngay từ ban đầu trong đó có việc bắt ông Hà Vũ với 'hai bao cao su đã qua sử dụng'.
Ông nói: "Với tư cách là một đảng viên tôi cảm thấy xấu hổ, không thể nào đồng tình với cách làm, cách xử lý như vậy được."
Quyền tự do
Đài BBC cũng nhắc lại với ông Đằng những tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam rằng quyền tự do ngôn luận được "quy định rõ trong Hiến pháp và pháp luật và được đảm bảo trên thực tế" và ông nói:
"Cái đó là họ nói họ nói lấy được thôi. Họ nói cho có vậy thôi chứ không có lý lẽ gì. Họ không biết cái lời nói có ai nghe và có sức thuyết phục không.
"Nếu một đất nước có luật pháp đoàng hoàng thì không thể xử vụ án như vừa qua.
"Như vậy bà Phương Nga bà ấy chỉ nói cho có thôi. Nhiệm vụ của bà ấy bà ấy phải nói thôi.
"Bất cứ người nào biết suy nghĩ thì không thể chấp nhận được."
Ông nói ông tin rằng có rất nhiều người có chính kiến khác với quan điểm chính thức của nhà cầm quyền:
"Trong hàng ngũ cán bộ đảng viên, chẳng hạn bản thân tôi là cán bộ đảng viên, trên 40 năm tuổi Đảng, tôi vẫn có thái độ của mình, vẫn có chính kiến của mình thì tôi nghĩ là trong đảng và trong nhà nước Việt Nam cũng có nhiều người như vậy.
"Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cũng đã có những ý kiến rất xây dựng về nhiều vấn đề của đất nước.
'Đáng lo'
Ông Đằng nói với BBC: "Tôi nghĩ những nhà cầm quyền bây giờ thì họ cứ làm nhưng bên cạnh đó một xã hội dân sự, một xu thế phát triển, không có thế lực nào có thể ngăn cản nổi."
"Tất nhiên là báo chí công khai bây giờ quá sợ rồi, không đăng được thì họ có những phương tiện thông tin khác, thí dụ mạng chẳng hạn.
"Bây giờ rất nhiều người người ta đã nói rồi. Các tập đoàn lợi ích nó đang chi phối chính quyền. Vì vậy mà vì một lý do nào đó người ta muốn bảo vệ cái ghế, bảo vệ cái vị trí của người ta.
"Thành ra người ta cứ khăng khăng thực hiện theo cái ý đồ mặc dầu biết rằng cái đó nó đi ngược lại cái xu thế chung hiện nay.
Nhiều công dân mạng cũng lên tiếng nói rằng ông Cù Huy Hà Vũ bị xét xử một phần vì đã kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người họ nói đã đứng đằng sau những gì diễn ra.
Còn ông Lê Hiếu Đằng nói với BBC:
"Tôi cho rằng không chỉ riêng ông Thủ tướng đâu mà ở Việt Nam là lãnh đạo tập thể.
"Cái đáng ngại nhất là nếu một tập thể mà suy nghĩ như vậy thì rất đáng lo cho đất nước."
Trong khi đó, hôm 10/04, Bấm báo Quân đội Nhân dân có bài nói ông Cù Huy Hà Vũ "có những hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam, phải đưa ra xét xử theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam."
Đây được xem là một trong vài bài bình luận hiếm hoi trên báo chí nhà nước sau khi phiên tòa kết thúc.