Thứ Ba, 2025-01-21, 4:50 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2011 » Tháng Mười Một » 3 » Hiểu thế nào là ‘Phản động’?
7:35 PM
Hiểu thế nào là ‘Phản động’?
hennhausaigon2015.com

Trương Hùng- Viết từ Hà Nội

Đã theo dõi nhiều cuộc tranh luận trên diễn đàn BBC, tôi nhận thấy những ai bênh vực cho chế độ hiện hành thường kết luận những ý kiến khác là "phản động”, hoặc "nói xấu tổ quốc”. Ở đây tôi xin mạn phép nói về nội hàm của hai chữ này.

Từ điển Hán Việt Thiều Chửu trang 55 định nghĩa: "Động (1) động, bất cứ vật gì, không bàn là tự sức mình, hay tự sức khác mà chuyển sang chỗ khác, đều gọi là động”. "Phản” có khá nhiều nghĩa, nhưng có thể hiểu đơn giản là chống lại, đi ngược lại. Kết hợp hai chữ này ta có một định nghĩa về ngôn ngữ học như sau: Phản động là chống lại với sự thay đổi do tác động của nội lực hay ngoại lực khách quan. Ví dụ như nếu tồn tại một nguyên tử đứng yên không chuyển động thì nó phản động, vì bản thân nó và sức hút của những nguyên tử khác tạo ra những lực bắt nó phải chuyển động.

Chế độ phong kiến Việt Nam ở vào những năm 1900 là phản động vì nó không chịu thay đổi trong khi sự vận động của xã hội Việt Nam cũng như những biến động của tình hình thế giới tạo ra những lực tác động bắt nó phải thay đổi một cách khách quan.

Kinh tế chính trị Mác Lênin là phản động vì nó hầu như không thay đổi trong khi đối tượng nghiên cứu của nó là các phương thức sản xuất, nhất là phương thức sản xuất TBCN đã thay đổi quá nhiều từ thời kỳ của Mác đến bây giờ.

Trình độ văn minh có thể được đo bằng mức độ bạo lực mà một chế độ sử dụng. Bằng việc phải viện đến bạo lực, nhiều chế độ đã thể hiện sự phản động của mình khi chống lại xu thế khách quan của xã hội là đối thoại thay cho đối đầu. Chính quyền Mĩ là phản động vì đã đem quân đến xâm lược Iraq, các tổ chức Hồi giáo cực đoan là phản động vì nó cổ súy cho bạo lực, đổ máu. Chính quyền cộng sản Bắc Kinh là phản động khi kéo xe tăng quân đội vào đàn áp những trí thức bất mãn tại quảng trường Thiên An Môn. Cũng như thế, chế độ cầm quyền Hà Nội đã thể hiện sự phản động rõ rệt khi họ tuyên truyền cho những tư tưởng đã lỗi thời đến 150 năm như triết học Mác, tư tưởng đấu tranh giai cấp với bạo lực là yếu tố chủ đạo.

Trong thế giới ngày nay, hội nhập đã là tư tưởng chính trong mọi mối quan hệ kinh tế đối ngoại. Việt Nam đang phấn đấu gia nhập WTO là một động thái tiến bộ của giới lãnh đạo. Với những gì mà nhân dân Việt Nam đang cố gắng thể hiện, việc gia nhập WTO sẽ chỉ còn là sớm muộn mà thôi. Tuy nhiên cuộc chơi nào cũng có những quy tắc của nó và những thành viên không có cách nào khác là phải chấp nhận và thực thi những quy tắc ấy một cách tuyệt đối. Dân chủ cũng là một trong những quy tắc ấy và nó đang là một trong những lực chính kéo Việt Nam ra khỏi pháo đài bảo thủ, giáo điều của chủ nghĩa Mác. Tuy vậy, Việt Nam chưa thấy có động thái gì là tiếp thu những tư tưởng mới (HS-SV vẫn phải học một tư tưởng duy nhất là chủ nghĩa Mác) và tình hình dân chủ tại Việt Nam vẫn chưa có thay đổi nào, qua đó chính quyền Hà Nội đã thể hiện sự phản động rõ rệt.

Ở Việt Nam, từ xưa đến nay người ta thường đánh đồng (một cách vô thức) "phản Đảng”, "phản quốc” với "phản động”, những người không tán thành đường lối của Đảng thì ngay lập tức bị coi là phản động, chống lại tổ quốc và bị người ta tránh như tránh hủi, vì không muốn mang vạ vào thân. Đảng đã bóp méo ý nghĩa thực sự của hai chữ "phản động”, gán cho nó những ngữ nghĩa mà Đảng muốn. Không ngạc nhiên nếu có ai đó gọi tôi là "phản động” vì những gì tôi đang viết ra, không phải vì họ cực đoan khuynh tả, mà là vì từ nhỏ họ đã được giáo dục rằng: Đảng nói ai phản động thì người đó là phản động, đảng nói ai tiến bộ thì người đó là tiến bộ.

Tiêu chuẩn để đánh giá tính phản động hay tính tiến bộ phải là thực tế khách quan. Tuy nhiên trong chế độ cộng sản, người ta sử dụng tư tưởng của Đảng như một chân lý tuyệt đối, một tấm gương để soi vào đó và quyết định xem ai, ý kiến nào là phản động hay không phản động.

Đương nhiên khi tư tưởng của Đảng thay đổi thì cách đánh giá này cũng bị thay đổi theo. Trước năm 86, nếu có ai nói rằng cần chấp nhận sự đa nguyên về thành phần kinh tế thì sẽ bị coi là phản động, phản quốc, xét lại cơ hội. Nhiều người như ông Kim Ngọc-Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã phải trả giá do sự đổi mới trong tư tưởng của mình, khi ông cho khoán chui để cứu đói cho dân. Sau Đại hội 6, Đảng chấp nhận đa nguyên kinh tế, thì ông lại được đề cao như một Đảng viên chân chính, một người yêu nước vĩ đại,… Những tư tưởng cũ không chấp nhận những thành phần kinh tế đứng ngoài nhà nước và tập thể, thì bây giờ lại bị coi là phản động.

Trước đây ta có các cải cách cải tạo tư bản tư doanh, CCRĐ với tư tưởng chủ đạo là tiêu diệt tận gốc mọi mầm mống của CNTB, thì nay Đảng còn dự định cho Đảng viên làm kinh tế không giới hạn, nói trắng ra là cho phép các đảng viên cộng sản trở thành các nhà tư bản! Các nguyên tắc ngày hôm qua đã trở nên đảo ngược vào ngày hôm nay và chắc rằng sẽ còn thay đổi hơn nữa vào ngày mai. Biết đâu những người mà hiện đang bị coi là phản động như các ông Đỗ Nam Hải, Hoàng Minh Chính, Đặng văn Việt, Nguyễn thanh Giang, lại trở thành những "nhà cải cách”, "người đại diện trung thành cho lợi ích của nhân dân” vào thời điểm có những tư tưởng tiến bộ trong hoạt động của Đảng một ngày nào đó?

Những người dám đưa ra những ý kiến cá nhân của mình trên BBC này, tôi cho rằng đều vì một lý tưởng cao đẹp vì sự phát triển của Tổ Quốc, chỉ có điều mỗi người có cách nhìn nhận và giải pháp khác nhau mà thôi. Những ai muốn đất nước dân chủ hơn, muốn đa đảng đa nguyên, chắc chắn không phải vì động cơ xấu. Những người cổ vũ cho chế độ hiện hành chắc cũng không ngoài mong muốn đất nước được ổn định, phát triển. Không có ai là người "bán nước”, "nói xấu tổ quốc ở đây cả”. Những kết luận vội vàng đó là hết sức nghiêm trọng đối với tự ái và sĩ diện của mỗi người.

Anh có thể kết tội tôi phản Đảng. Tội ấy tôi xin nhận. Nhưng đừng suy diễn rằng phản Đảng là phản quốc và kết tội tôi chống lại đất nước. Đó là sự xúc phạm ghê gớm nhất đối với mỗi con người Việt Nam còn giữ trong mình lòng tự hào và sự khắc khoải chờ mong về tương lai dân tộc.

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 490 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 20
Khách: 20
Thành Viên: 0