Thanh Quang, phóng viên RFA
2011-12-13
Hiện đã được 4 năm kể từ cuộc biểu tình của sinh viên, học sinh hồi tháng 12 năm 2007 trước Lãnh Sự Quán TQ tại Saigòn.
AFP photo
Cuộc biểu tình của sinh viên, học sinh hồi tháng 12 năm 2007 trước Lãnh Sự Quán TQ tại Saigòn.
"Tội" yêu nước
Khẩu hiệu "Hoàng Sa-Trường Sa là của VN” xuất hiện dũng cảm trên nón,
trên áo của blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải – và mãi đậm nét trong tâm
khảm của người dân Việt yêu nước - để phản đối hành động xâm lược từ
Phương Bắc. Nhưng, cho tới giờ, blogger Điếu Cày vẫn biệt tâm vì "tội
yêu nước” ấy.
Và những blogger khác cũng vì nặng lòng với quê hương, như Anh Ba SG,
Tạ Phong Tần, cũng cùng chung số phận, trong khi các blogger cùng chí
hướng với Điếu Cày – từ Trăng Đêm, Uyên Vũ, Thiên Sầu, Bùi Chát cho tới
Đông A SG, Hồ Lan Hương tiếp tục bị giới cầm quyền trong nước trù dập
đáng ngại…
Nhân thời điểm đánh dấu 4 năm kể từ sự kiện mùng 9 tháng 12 năm 2007
đó, Blogger Mẹ Nấm lưu ý cảnh nhiễu nhương tiếp diễn trong chiều hướng
vô cảm và tắc trách của giới cầm quyền đối.
"Những người tham gia xuống đường chống Trung Quốc tại Sài Gòn vẫn
tiếp tục bị đe dọa, bị trấn áp bằng nhiều hình thức như: đánh nguội, bắt
nguội, áp lực với nơi đăng ký tạm trú, hăm dọa gia đình, bị tông xe, bị
mất việc làm...
Năm 2011, những người yêu nước còn bị bao vây trước cửa nhà, bị nhấc
bổng, bẻ quặt tay, bị đạp vào mặt, bị hốt lên xe buýt, bị đưa vào trung
tâm phục hồi nhân phẩm. Những nhà văn lão thành, các bác cựu chiến
binh bị đưa lên truyền hình, bị bôi xấu là những kẻ phản động, là
những người bị giật dây và bị kích động bởi thế lực thù địch vô
hình bên ngoài. Tệ hơn là có người mất tích ngay trong đồn công an như
chị Bùi Hằng.
Thảm hại hơn, người con đi tìm mẹ cũng bị bắt một cách ngang nhiên,
vô cớ, bất chấp luật pháp và đạo lý con người. Năm 2011, nhiều người bị
giam giữ 2 ngày, 3 ngày, 5 ngày ở trại giam Hỏa Lò, để hiểu, để thấm
thía hơn tình yêu Tổ quốc của mình. Chua chát làm sao? Phải hiểu
thế nào cho đúng cụm từ ""Độc lập - Tự do - Hạnh phúc" ???"
Cảnh nhiễu nhương đó tương phản với lời khẳng định của các quan chức
VN, kể cả Thủ tướng VN, ông Nguyễn Tấn Dũng, rằng Hoàng Sa, Trường Sa
thuộc chủ quyền VN, tương phản với cảnh ngư dân Việt tiếp tục bị "tàu
lạ” "trấn lột”, hành hung, bắn giết ngay trong ngư trường truyền thống
của VN, tương phản với tình trạng – vẫn theo lời blogger Mẹ Nấm – "Từ
khung màn hình, 90 triệu người dân chưa bao giờ được nghe tiếng hô uất
hận nhưng kiêu hãnh Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam của những công
dân Việt Nam yêu nước ở Hồ Gươm Hà Nội, ở công viên 30/4 Sài Gòn”.
Và "Bốn năm sau ‘Ngày vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu’, vẫn có nước
mắt rơi và cả máu phải đổ vì biển đảo của tổ tiên” khiến cho mỗi người
bày tỏ lòng yêu nước "đều có thể trở thành một Điếu Cày bị giam giữ mà
không có phán xét của toà, không một thông tin gì đến với thân nhân”.
Năm 2011, nhiều người bị giam giữ 2 ngày, 3 ngày, 5 ngày ở trại giam
Hỏa Lò, để hiểu, để thấm thía hơn tình yêu Tổ quốc của mình. Chua chát
làm sao? Phải hiểu thế nào cho đúng cụm từ ""Độc lập - Tự do -
Hạnh phúc" ???
Blogger Mẹ Nấm
Cũng trong chiều hướng "tội yêu nước” ấy, blogger Hà Văn Thịnh từ Huế có bài "Ta đang sống ở thời nào đây”, mở đầu rằng:
"Gần Tết, trăm công ngàn việc với vô vàn nỗi buồn lo vì tiền thì ít,
chi tiêu lại nhiều, dạy bù, chuẩn bị vào mùa thi… Thế nhưng, không thể
không viết vì cái đau nhất, chán nhất là ngần này tuổi đầu vẫn không thể
nào biết định hướng XHCN nổi là mình đang sống (hay là đang chết mòn)
trong cái thời buổi nào?…Đồng ý rằng vi phạm trật tự xã hội quá quắt thì
phải có biện pháp giáo dục thích đáng, nhưng đem người vào trại cải tạo
2 năm không cần xét xử thì có lẽ là chuyện chỉ có ở Việt Nam.
Đó là chưa nói rằng người ấy, tội ấy là tội yêu nước quá nên mới đi
biểu tình, nên mới bị tập trung cải tạo; còn như tôi, yêu vừa vừa thì
ngồi nhà và… thở dài và chờ kiểm điểm! Cái đòn răn đe, dằn mặt này nghe
chừng gớm ghê và đầy ẩn ý. Dù sao chăng nữa, xét về cái nguyên cớ yêu
nước thực thà dẫu có cộng vô cả ngàn lỗi bị xúi giục, kích động vẫn chưa
thể đến mức bị giam cầm trái phép đến 2 năm. Xem ra, đi ở tù còn ít
ngày hơn, tội lỗi nó cũng rành rẽ hơn là cải tạo hay "giáo dục”. Nếu
trên đời này còn có hình thức giam cầm, đày đọa con người hiểm ác hơn,
mù mờ hơn, đau đớn hơn cả đi tù bằng cái mỹ từ "giáo dục” thì đó đích
thị là sáng tạo của nền dân chủ vạn lần hơn nơi giãy chết xứ người."
Những chuyện cười ra nước mắt
Chị Bùi Hằng (bìa phải) trong một lần biểu tình ở Hà Nội. AFP photo
GS Hà Văn Thịnh nhân tiện dẫn chứng cảnh "Ta đang sống ở thời nào đây ?”
khi chứng kiến "chỉ một ngày thôi” trên báo mạng trong nước, từ chuyện
bệnh nhân bị hư một quả thận nhưng bác sĩ "lỡ tay” cắt hết cả 2 quả mà
ban Giám đốc bệnh viện chỉ cho làm "Kiểm điểm” về sai sót liên quan mạng
sống con người; rồi nhiều vụ chỉ "Kiểm điểm” thôi nhưng không thể không
"cười ra nước mắt” như Vinashin, tiền polymer, lương cả trăm triệu
đồng/1 tháng của lãnh đạo điện lực VN (EVN); lãnh đạo công an chỉ "nhắc
nhở” anh em CSGT về những vi phạm "quá quắt” cho tới "văn hoá trả lời
…chỉ là hai từ im lặng”. Theo GS Hà Văn Thịnh thì "Sơ sơ vài dẫn chứng
để mà đau, mà xót chứ nếu viết sử thì phải "hàng vạn” trang mới đủ về
những gì được kiểm điểm, tường trình, xem xét, nhắc nhở, im lặng…” trong
cái thời mà ông và mọi người dân Việt trong nước đang "è cổ ra mà
sống”.
Qua bài "Tình trạng vô pháp luật ở VN hiện nay: Căn nguyên và thách
thức cho bản Hiến pháp mới” được phổ biến trên nhiều trang mạng nhật ký,
tác giả Lê Anh Hùng nhận thấy "căn bệnh trầm kha” về thực trạng vô pháp
luật này khi thể chế hiện hành không ngăn chận được, mà còn khiến cho
vấn đề trở nên trầm trọng hơn. Tác giả nhận xét:
"Quan sát tình hình đất nước trong nhiều năm qua, người ta hẳn sẽ dễ
dàng đi đến nhận định rằng xã hội Việt Nam đang ngày càng rơi vào tình
trạng vô pháp luật. Từ Kết luận của Bộ Chính trị là không xử lý kỷ luật
một ai trong vụ Vinashin cho đến hình ảnh các chiến sỹ cảnh sát giao
thông qua loạt bài "Nhức nhối nạn mãi lộ: Ghê hơn cướp cạn” của báo Tuổi
Trẻ; từ vấn nạn chạy chức, chạy quyền, chạy dự án… cho đến tình trạng
chen lấn xô đẩy, chạy ngang chạy tắt trên các đường phố ở các đô thị
đông đúc; từ các vụ bắt bớ người biểu tình ôn hoà một cách tuỳ tiện ngay
giữa lòng Thủ đô ngàn năm văn hiến cho đến các vụ quan tỉnh, quan huyện
gây ra bao cái chết oan uổng cho những người dân vô tội; từ chuyện ông
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinashin "dám” phớt lờ ý kiến chỉ đạo của ông
Thủ tướng trong vụ mua tàu Hoa Sen cho đến các vụ khiếu kiện vượt cấp
diễn ra trên khắp mọi tỉnh thành, v.v., thảy đều minh chứng cho nhận
định đó.
Điều đáng nói là với cơ chế kiểm duyệt báo chí ngặt nghèo ở Việt Nam,
những hiện tượng mà báo chí đưa tin công khai như thế mới chỉ là phần
nổi của tảng băng chìm, và tình hình xem ra đã đến hồi vô phương cứu
chữa."
Nhà dột từ nóc
Công an Việt Nam trên đường tuần tra. AFP
Theo tác giả Lê Anh Hùng thì Pháp luật là một cơ chế cưỡng bách của xã
hội, bao gồm các quy tắc điều chỉnh mối quan hệ giữa các chủ thể khác
nhau trong xã hội, do những người đại diện chính trị vốn được lựa chọn
thông qua một quy trình chính trị soạn ra và áp đặt từ trên xuống… Do đó
"một khi hệ thống pháp luật của một quốc gia có vấn đề thì điều đó có
nghĩa là vấn đề ấy bắt nguồn từ trên xuống. Nên người ta thường nói
"Thượng bất chính, hạ tắc loạn” hay "Nhà dột từ nóc” là vì vậy.
Tình trạng "Thượng bất chính, hạ tắc loạn” khiến người ta liên tưởng
tới bạo quyền có liên quan đến chủ quyền và cả nhân quyền – tại quê
hương VN.
Qua bài "Bạo quyền, chủ quyền và Nhân quyền”, nhà dân chủ Phạm Hồng Sơn từ Hà Nội nhận định:
"Dù được thừa nhận muộn màng, nhưng Nhân quyền đã tiến những bước rất
nhanh về thời gian và rất rộng về không gian và ý nghĩa để "vượt lên”
Bạo quyền và "nâng đỡ”, "nâng cấp” cho Chủ quyền - từ ý nghĩa chủ quyền
của một quân vương, một thủ lĩnh trở thành Chủ quyền của nhân dân, Chủ
quyền quốc gia. Hôm nay, Bạo quyền đã trở thành một từ đáng xấu hổ, đang
bị truy đuổi và đang bị gạt khỏi thế giới con người. Thì Nhân quyền đã
là một từ đầy yêu mến, là nỗi khao khát, là giá trị phổ quát cho nhân
loại ở khắp nơi, từ Á sang Âu, từ Đông sang Tây.
Dĩ nhiên, Nhân quyền không phải là từ ưa thích của những người còn
dùng Bạo quyền dù chính họ không thể phản đối hay dám tranh luận công
khai về Nhân quyền. Chỉ trong hơn 50 năm qua, lịch sử loài người đã
chứng tỏ Nhân quyền không chỉ giúp mang lại nguyên vẹn Chủ quyền quốc
gia trở lại trong tay người dân một dân tộc mà còn đảm bảo cho từng cá
nhân của dân tộc đó đạt được Hạnh phúc riêng mà vẫn giữ được Nhân
phẩm..."
Quan sát tình hình đất nước trong nhiều năm qua, người ta hẳn sẽ dễ
dàng đi đến nhận định rằng xã hội Việt Nam đang ngày càng rơi vào tình
trạng vô pháp luật.
Tác giả Lê Anh Hùng
Theo BS Phạm Hồng Sơn thì lịch sử hơn 50 năm qua cũng cho thấy khi
thiếu hoặc không có Nhân quyền, thì Chủ quyền quốc gia giành được từ
ngoại bang sẽ lại rơi vào tay Bạo quyền, và "dân tộc sẽ chắc chắn trở
lại kiếp nô lệ cho chính người đồng tộc; đạo đức xã hội sẽ bị đẩy về
phía cầm thú; lãnh thổ, lãnh hải, tài nguyên quốc gia sẽ thành tài sản
riêng của một nhóm người, một gia đình hay một đảng; người còn lương
tri, yêu nước sẽ bị biến thành tội đồ, kẻ trục lợi, bán nước được ca
ngợi, tôn vinh, còn quân xâm lược sẽ được bảo vệ, che chở.
Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Cu Ba, Afghanistan thời Taliban là những
chứng cớ rõ ràng cho các diễn tiến lịch sử vừa kể. Nhưng minh họa đầy đủ
nhất cho diễn tiến đó, chỉ có thể là: Việt Nam hôm nay”. BS Phạm Hồng
Sơn nhân tiện lưu ý rằng nếu chỉ than vãn, buồn đau, cầu xin, chờ đợi
hay nhờ vả chưa bao giờ có thể mang lại Nhân quyền đích thực. Và ông
trích dẫn lời triết gia người Anh John Locke hồi thế kỷ 17 và nhà triết
học Mạnh Tử thuộc nhà Chu của Trung Hoa trước đó 20 thế kỷ, đều cho
rằng: "Người dân có quyền đứng lên gạt bỏ chính thể đã xâm phạm hay
không đảm bảo được những quyền tự nhiên của con người.”
|