DaVang
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama mới đây đã lên tiếng chỉ trích
Trung Quốc vi phạm các luật lệ thương mại và yêu cầu Bắc Kinh hành động
một cách có trách nhiệm đối với kinh tế toàn cầu. Phát biểu hôm chủ nhật
vừa qua tại hội nghị thượng đỉnh APEC, nhà lãnh đạo Mỹ kêu gọi Trung
Quốc hành xử như một nền kinh tế trưởng thành. Trong khi đó, một nhà
kinh tế học nổi tiếng của Trung Quốc cho biết nền kinh tế lớn hàng thứ
nhì thế giới này đã bắt đầu suy thoái từ tháng 7 và đang đối mặt với một
cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.
Duy Ái – VOA
Hình: photos.com. Tiến sĩ Lang Hàm Bình cho rằng một trong những
nguyên do làm tăng áp lực lạm phát là chính phủ ở Bắc Kinh in tiền quá
nhiều
Mới đây, chính phủ Trung Quốc lại một lần nữa bày tỏ lạc quan về
triển vọng phát triển kinh tế của nước họ và cho biết những nỗ lực cải
cách cơ cấu kinh tế của quốc gia đông dân nhất thế giới này sẽ tạo thêm
những tiềm năng phát triển mới cho khu vực Á châu Thái bình dương và
mang lại vô số cơ hội cho các thành viên APEC.
Tường thuật hôm thứ 3 của Tân Hoa Xã nói rằng Kế hoạch Ngũ niên thứ 12
(2011-2015) có mục đích làm sâu sắc thêm nỗ lực cải tổ cơ cấu kinh tế
bằng cách chuyển đổi từ mô hình phát triển dựa vào xuất khẩu và tăng
trưởng nhờ đầu tư sang một mô hình mới đặt trọng tâm vào kỹ thuật và
tiêu thụ nội địa.
Trung Quốc cho biết như thế vài ngày sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Barack
Obama lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh thao túng chỉ tệ và không tuân thủ
các luật lệ thương mại quốc tế.
Tại cuộc họp báo ở Hawaii sau khi thảo luận với các nhà lãnh đạo
Trung Quốc bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC, ông Obama nói rằng
Washington hoan nghênh sự trỗi dậy của Trung Quốc và mong muốn Bắc Kinh
nhận lãnh trách nhiệm nhiều hơn đối với nền kinh tế toàn cầu. Ông nói
thêm như sau:
"Vai trò của họ hiện nay không giống như vai trò mà họ nắm giữ
cách nay 20 hoặc 30 năm – là lúc mà nếu họ có vi phạm một số luật lệ thì
cũng chẳng sao, vì nó không có tác động đáng kể. Lúc đó chúng ta không
có những sự mất cân bằng khổng lồ về thương mại, những sự mất cân bằng
có ảnh hưởng lớn tới hệ thống tài chánh thế giới. Giờ đây họ đã trưởng
thành. Cho nên họ cần phải góp phần quản lý tiến trình này một cách có
trách nhiệm.”
Trong khi đó, một nhà tài chánh học nổi tiếng Trung Quốc cho biết
kinh tế Trung Quốc đã lâm vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Giáo sư
Lang Hàm Bình của Đại học Trung Văn ở Hồng Kông đã phát biểu như sau
tại một cuộc diễn thuyết ở thành phố Thẩm Dương hồi hạ tuần tháng 10:
"9,1 là giả. Lạm phát 6,2 cũng là giả. Ít nhất là 16. Nhưng cứ
tạm cho là tăng trưởng GDP 9%, lạm phát 6%, thì thưa quí vị, quí vị chắc
cũng biết là lấy 9 trừ 6 thì còn lại 3. Đó là tăng trưởng GDP thật sự,
theo cách nói của Đảng của chúng ta. Chưa tới 3%. Còn nếu lạm phát là
16%, thì tăng trưởng GPD của chúng ta hiện nay là trừ 7%. Tình hình
nghiêm trọng tới mức độ như vậy, thưa quí vị.”
Ông Trình Hiểu Nông, một nhà xã hội học Trung Quốc nổi tiếng đang
sinh sống ở Mỹ, cho tờ Epoch Times biết rằng lạm phát đang đe dọa nghiêm
trọng tới cuộc sống của những người dân Trung Quốc có mức thu nhập
trung bình và thu nhập thấp.
Ông nói rằng hiện nay nhiều người Trung Quốc chẳng những không đủ
tiền để mua thịt cá mà tiền mua rau cũng không có — nhiều người phải đợi
chợ gần tan để mua rẻ một ít rau trái cho có cái ăn qua ngày!
Tiến sĩ Lang Hàm Bình cho rằng một trong những nguyên do làm tăng áp
lực lạm phát là chính phủ ở Bắc Kinh in tiền quá nhiều. Ông nói rằng GDP
của Hoa Kỳ cao hơn Trung Quốc gấp hai lần rưỡi, nhưng lượng tiền mà
Trung Quốc in ra lại cao hơn Hoa Kỳ 30%.
Ông nói thêm rằng giới hữu trách Bắc Kinh đang theo đuổi chính sách
che giấu tình hình thực tế. Ông nêu lên chỉ số cấu mãi của các nhà quản
lý ngành chế tạo để chứng minh rằng kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu suy
thoái từ tháng 7:
"Chỉ số cấu mãi của các nhà quản lý ngành chế tạo đã lần lượt
được công bố hồi gần đây. Chỉ số này nếu trên 50 thì có nghĩa là kinh tế
phát triển bình thường, dưới 50 thì chứng tỏ kinh tế suy thoái. Tôi xin
thưa với quí vị, trong 3 nước Trung Quốc, Hoa Kỳ, và Liên Âu, Trung
Quốc đã đi đầu trên con đường suy thoái, đã có chỉ số thấp hơn 50 từ
tháng 7. Quí vị có biết tin này không? Quí vị không biết phải không? Tại
sao vậy? Tại vì tin này báo chí không được phép loan tải!”
Tiến sĩ Lang Hàm Bình là một học giả cánh tả được nhiều người ưa
chuộng qua những chương trình truyền hình ở Hồng Kông và Trung Quốc, đề
cập tới những câu chuyện thời sự về kinh tế và tài chánh.
Ông cho biết ngành chế tạo của Trung Quốc đang bị điêu đứng vì những
chính sách sai lầm của chính phủ ở Bắc Kinh và điều mà ông gọi là những
thủ đoạn nham hiểm của giới tư bản Âu Mỹ.
"Kết quả nghiên cứu thực địa của tuần báo Nhà Quan sát Kinh tế
cho thấy trong hai tỉnh Giang Tô và Triết Giang tỉ lệ khai công của
ngành may mặc chưa tới 1/3, ngành plastic 50%, ngành cao su 60%, ngành
ép dầu đậu nành chưa tới 30%. Kết quả nghiên cứu của toán nhân viên của
chúng tôi cũng cho thấy các xưởng gia công giày da ở Hải Ninh hiện nay
có tới 60% phải ngưng hoạt động.”
Ông Lang Hàm Bình cũng cho rằng Trung Quốc đang đối mặt với một vụ
khủng hoảng nợ và cảnh báo là các chính quyền tỉnh ở Trung Quốc sẽ đua
nhau vỡ nợ trong năm nay vì vay tiền quá nhiều.
Ông cho biết tỉnh Vân Nam đã bắt đầu vi phạm hợp đồng vay tiền vào
ngày 26 tháng tư, và sau đó các tỉnh Tứ Xuyên, Quảng Đông, 3 tỉnh Đông
bắc, và tỉnh Triết Giang cũng đã lần lượt vi ước.
Tháng 10 vừa qua Ủy hội Giám sát Ngân hàng Trung Quốc cho biết vấn đề
nợ nần của chính quyền địa phương đã tạo ra một số rủi ro tiềm ẩn,
nhưng vấn đề vẫn nằm trong vòng kiểm soát. Ông Lưu Minh Khương, Chủ tịch
Ngân giám hội, nói rằng nợ công của Trung Quốc chiếm khoảng 50% GDP
tính đến cuối năm 2010, thấp hơn mức báo động là 60%.
Trước đó, công ty xếp hạng tín dụng Moody’s cho hay khoản nợ của các
chính quyền địa phương Trung Quốc cao hơn con số ước tính của các nhà
kiểm toán đến 540 tỉ đô la.
Trong bản phúc trình về hệ thống tài chánh Trung Quốc công bố hôm thứ
Ba vừa qua (15 tháng 11), Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng cảnh báo rằng giá
nhà đất tăng mạnh, ngân hàng cho vay quá nhiều, và nợ chính quyền địa
phương càng ngày càng tăng đang tạo ra những mối rủi ro cho nền kinh tế
Trung Quốc.
Ông Lương Hàm Bình nói rằng Trung Quốc đang bàn tới việc trợ giúp Hy
Lạp giải quyết vụ khủng hoảng nợ nần trong khi các tỉnh ở Trung Quốc
tỉnh nào cũng đang là một Hy Lạp!
Ông Tạ Điền, một nhà kinh tế học của Đại học South Carolina ở Aiken,
cho biết rằng tuy ông không tán đồng những nhận định tả khuynh của ông
Lang Hàm Bình về các vấn đề kinh tế thế giới, nhưng ông nghĩ rằng sự mô
tả của ông Lang về tình hình kinh tế Trung Quốc hiện nay là chính xác.
"Đối với những chuyên gia kinh tế Trung Quốc ở hải ngoại như
chúng tôi thì điều này không có gì là đáng ngạc nhiên. Trong hai năm nay
chúng tôi đã không ngừng nghiên cứu và thảo luận về vấn đề này.”
Tiến sĩ Tạ Điền nói thêm rằng chính phủ Trung Quốc lâu nay vẫn thường
đưa ra những số liệu kinh tế không chính xác để phục vụ cho các mục
tiêu chính trị:
"Làm giả số liệu kinh tế là điều mà Đảng Cộng Sản Trung Quốc vẫn
làm từ bấy lâu nay. Từ trên xuống dưới đều làm giả. Đây là điều mà chính
Phó Thủ tướng của Trung Quốc cũng đã thừa nhận. Ông Lý Khắc Cường cho
biết trong thời gian còn làm tỉnh trưởng tỉnh Liêu Ninh, ông ấy đã không
thể tin vào các số liệu GDP do cấp dưới cung cấp nên ông phải đích thân
tìm kiếm các con số cụ thể, như lượng vận tải hàng hóa đường sắt, sản
lượng điện, vân vân … để ước tính GDP của tỉnh là bao nhiêu.”
Tiến sĩ Trình Hiểu Nông, người từng làm cố vấn cho cựu Thủ tướng
Trung Quốc Triệu Tử Dương, cho biết những nhận xét của ông Lang Hàm Bình
thật ra không lạ gì với các chuyên gia kinh tế ở Trung Quốc, chỉ có
điều là họ biết nhưng không dám nói ra.
Ông Trình nói thêm rằng đương kim Thủ tướng Ôn Gia Bảo thật ra cũng
có một kết luận tương tự như ông Lang Hàm Bình khi ông nói rằng Trung
Quốc không tiếp tục theo đuổi mô hình phát triển kinh tế hiện nay.
|