Liệu bài học từ thành phố Đại Liên ở Trung Quốc, cùng với tiếng
nói của báo chí và người nông dân ở Việt Nam sẽ lay chuyển được cách
nhìn của Quốc hội về một thành viên – người đã mang dấu ấn với "lời thề”
về bảo vệ môi trường vào buổi ban sơ tham gia ứng cử?
Dòng sông và Quốc hội
"Vedan thứ hai” vẫn tiếp tục trì kéo cơn ác mộng chưa có hồi kết của
nó trong tâm não người dân Đồng Nai. Sonadezi Long Thành, với người đại
diện cao nhất của doanh nghiệp này là bà Đỗ Thị Thu Hằng – đại biểu Quốc
hội và còn là một thành viên của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, từ tháng
8/2011 đến nay vẫn chưa phải nhận một kết quả xử lý xứng đáng nào về
hành chính và pháp luật hình sự, trong khi lại chưa thực hiện hành động
bồi thường thỏa đáng nào cho những nạn nhân của cảnh xả thải ra sông.
Vụ việc trên đã được Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia
TP.HCM) kết luận về thủ phạm xả thải ra sông Đồng Nai chính là Sonadezi
Long Thành.
Những thông tin mới nhất từ Hội Nông dân xã Tam An, huyện Long Thành
cho biết đã có 250 đơn kiện của người dân trên địa bàn xã, yêu cầu Công
ty cổ phần Sonadezi Long Thành phải bồi thường 16 tỷ đồng. Song có lẽ
với những gì sẽ phải "tính đúng, tính đủ” do hậu quả mang tính "di căn”
mà Sonadezi để lại, số tiền bồi thường cho các hộ nông dân ở Long Thành
chắc chắn sẽ còn vượt hơn nhiều con số ước tính trên.
Đây không phải là lần đầu tiên Sonadezi Long Thành bị phát hiện hành
vi xả thải. Nhưng cũng như một quy luật bất thành văn ở Việt Nam, mỗi
cái kim đều có thể ẩn lâu trong bọc trước khi bị lòi ra. Chỉ cách đây
nửa năm, sự việc mới chính thức được lôi ra ánh sáng, khi Sonadezi Long
Thành bị Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường bắt quả tang xả
nước thải ô nhiễm ra sông Đồng Nai. Vào thời điểm đó, khá ngẫu nhiên là
bà Đỗ Thị Thu Hằng lại có một cuộc tiếp xúc với cử tri tại xã Bàu Hàm 2,
huyện Thống Nhất của tỉnh Đồng Nai.
Trong cuộc họp trên, nhiều cử tri đã khẳng định, với việc liên tục xả
thải vượt tiêu chuẩn ra sông trong nhiều năm nay, Sonadezi đã đi ngược
lại chủ trương bảo vệ sông Đồng Nai của tỉnh, vì vậy Sonadezi cần phải
được xử lý nghiêm khắc tương tự Vedan để răn đe các công ty khác đang có
ý đồ phá hoại môi trường nhằm tăng lợi nhuận.
Dĩ nhiên, sự bức xúc của các cử tri là một hiện tồn. Nhưng còn có một
hiện tồn khác – nổi trội không kém – chính là việc một số đại biểu Quốc
hội đã biết cách làm thế nào để bỏ qua cái hiện tồn thứ nhất mà vẫn đạt
được mục đích của mình, trong khi chiếc ghế đại biểu dân nguyện vẫn
không bị suy xuyển. Cũng như những lần trước đây, một lần nữa đại biểu
Đỗ Thị Thu Hằng lại đưa ra lời hứa: với vai trò là người đứng đầu, bà sẽ
phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý nghiêm khắc những sai phạm nếu
có.
Nước sông sẽ không bao giờ ngừng chảy, những lời hứa và cả những dấu
hiệu vi phạm cũng vì thế luôn có cơ hội để dịch chuyển thân thế của
chúng về một nơi vô định nào đó.
Chỉ có điều, nếu lời hứa về việc "Sonadezi luôn tuân thủ pháp luật”
là một đặc trưng của nữ đại biểu quốc hội này, thì những sai phạm có hệ
thống trong quá khứ của Sonadezi có thể được giải thích như thế nào? Cần
nhắc lại, vào năm 2009, doanh nghiệp này đã hai lần bị phát hiện xả
thải và bị phạt tiền 17 triệu đồng cho mỗi lần vi phạm. Đến năm 2010, Sở
Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai lại phát hiện Sonadezi vi phạm gây ô
nhiễm và đã ra quyết định xử phạt 31 triệu đồng. Còn vào tháng 2/2011, ở
một cấp cao hơn hẳn – Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã phải lập biên bản
và xử phạt Sonadezi 75 triệu đồng.
Đại Liên và Đại lục
Một trùng hợp ngẫu nhiên và không kém thú vị là cùng thời điểm xảy ra
vụ việc Sonadezi Long Thành ở Việt Nam vào tháng 8/2011, tại Trung Quốc
cũng đã diễn ra một sự việc gần tương tự: Đại Liên.
Vào trung tuần tháng 8 năm 2011, Đại Liên đã được đánh dấu là một sự
kiện mang tính biểu tượng cho phong trào dân sự ngay trong lòng Trung
Quốc. Thành phố này thuộc tỉnh Liêu Ninh – một khu vực Đông Bắc nằm sát
Nội Mông Cổ, một khu tự trị đang tiềm ẩn những mầm mống bất mãn của
người dân đối với chính quyền người Hán, chỉ xếp sau Tân Cương và Tây
Tạng.
Vụ việc Nhà máy sản xuất paraxylene Phúc Giai ở Đại Liên gây ô nhiễm
trầm trọng môi trường, đe dọa đến tính mạng của người dân sinh sống
trong khu vực, xét ra chẳng phải là chuyện gì to tát, nếu nhìn lại "trận dịch”
mà rất nhiều doanh nghiệp sản xuất hóa chất đã hoành hành từ nhiều năm
nay trên khắp lãnh thổ Trung Hoa đại lục. Tuy vậy, kết quả từ cuộc biểu
tình của người dân Đại Liên vào tháng 8/2011 lại gặt hái được một kết
quả ít ai dám mong đợi: chính quyền thành phố này – cả Chủ tịch thành
phố lẫn Bí thư Thành ủy đều phải xuất hiện, đối thoại với người biểu
tình, đồng thời cam kết với người dân là sẽ di dời nhà máy paraxylene
Phúc Giai ra khỏi khu công nghiệp cảng Đại Liên.
Những người biểu tình đã làm gì mà khiến chính quyền phải nhượng bộ?
Phải chăng tự thân nhà máy Phúc Giai đã nằm trong danh sách đen về ô
nhiễm môi trường mà chính quyền đã dự kiến phải di dời càng sớm càng tốt
(cũng như rất nhiều trường hợp gây ô nhiễm ở Việt Nam mà cũng đã được
đưa vào danh sách "hứa di dời” với thời hạn vô định)? Nhưng
những thông tin thu lượm được từ vỉa hè của đường phố Đại Liên lại cho
thấy suy luận trên là chẳng hề có cơ sở.
Mười hai ngàn người tham gia là yếu tố thành công đầu tiên của cuộc
biểu tình. Con số này được xem là một trong những bằng chứng ấn tượng
nhất trong làn sóng biểu tình phản đối gây ô nhiễm môi trường ở Trung
Quốc trong những năm qua. Vào năm 2007, một cuộc biểu tình với chủ đề
tương tự cũng đã nổ ra ở thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, với con số
tham gia lên đến hàng chục ngàn người. Kết quả cuộc biểu tình ở Hạ Môn
cũng đã buộc chính quyền thành phố phải di dời nhà máy hóa chất Đài Loan
ra khỏi khu vực gây nguy hiểm cho môi sinh.
Lượng và chất luôn là hai yếu tố song trùng hữu cơ làm nên tính quyết
định thành bại cho một phong trào dân sự. Những hình ảnh và tin tức nội
bộ của phong trào biểu tình ở Đại Liên còn cho thấy khác với trường hợp
Hạ Môn năm 2007, cấu trúc cuộc biểu tình ở Đại Liên được thiết lập một
cách khoa học và bài bản hơn nhiều. Chẳng hạn, người đi đường chứng kiến
những phụ nữ biểu tình tiếp cận với lực lượng cảnh sát cơ động được
điều đến để ngăn chặn biểu tình, mời nước uống và còn lau mồ hôi cho
những chiến sĩ trẻ măng phải đứng chịu trận trong bầu không khí nóng gắt
của biểu tình. Một thủ pháp binh vận chăng? Có thể xem là như thế dưới
góc độ chiến thuật. Nhưng phần lớn hành động binh vận kia lại xuất phát
từ sự tự nguyện của người biểu tình – một cử chỉ tương thân tương ái đã
làm cho không ít cảnh sát cơ động phải xúc động.
Thứ nữa, "đám đông tụ tập” ở Đại Liên đã không hề bị biến
thành một đám ô hợp. Ngược lại hoàn toàn, đó là một khối người được tổ
chức chặt chẽ nhất quán, thái độ dứt khoát và kiên trì trong thể hiện
yêu sách, ý thức chấp nhận va chạm ban đầu để tiếp cận với tòa trụ sở
chính quyền, tính kỷ luật trong việc bố cục không gian hợp lý trong đoàn
biểu tình mà vẫn không bị chia cắt, công tác hậu cần được tổ chức chu
đáo, tâm lý và không khí biểu tình ôn hòa được duy trì ổn định…, tóm lại
là những tố chất của chiến thuật và kỹ thuật biểu tình đã được cơ bản
đảm bảo.
Hiển nhiên trong những điều kiện bình thường về mối quan hệ giữa
chính quyền và người dân, tất cả những yếu tố trên đã làm nên một triển
vọng ở mức độ có thể chấp nhận đối với một phong trào phản kháng dân sự
như trường hợp Đại Liên.
"Lời thề” nào cho Quốc hội?
Trong thực tế, vẫn còn nhiều khu vực ở Trung Quốc và hầu hết các tỉnh
thành ở Việt Nam – những nơi nằm trong vùng nguy cơ hoặc nguy hiểm của
nạn ô nhiễm môi trường – chưa tạo lập được một cán cân đối trọng với tác
nhân gây ra ô nhiễm. Tức đã chưa có phong trào dân sự nào về môi trường
ở Việt Nam. Tất cả vẫn chỉ dừng ở hình thức đơn thư khiếu nại, dù rằng
mức độ khiếu nại ngày càng tăng nhưng vẫn vấp phải sự vô tâm, vô cảm của
chính quyền địa phương. Trong khi đó, đã bắt đầu xuất hiện những tai
họa trực tiếp đối với môi trường sống của người dân.
Sonadezi Long Thành bị cơ quan chức năng bắt quả tang xả thải
ra rạch Bà Chèo cách đây gần một năm – Ảnh: K.C – Thanh Niên
Online
Môi trường, môi sinh là một trong những tiêu chí đấu tranh rất quan
trọng của phong trào dân sự trên thế giới. Ở nhiều quốc gia, đặc biệt
những quốc gia phát triển, những tổ chức phi chính phủ như Hòa Bình
Xanh, DANIDA… đã xây dựng được vai trò và sự ảnh hưởng lớn lao đối với
việc cải thiện các vấn đề môi trường và xã hội. Cần lưu ý, đó chỉ là
những tác động thuần túy về môi trường, môi sinh mà không như suy diễn
của một số giới chức lãnh đạo rằng ảnh hưởng như thế có thể dẫn đến một
cái gì đó khác hơn, chẳng hạn như "thay đổi chính trị”.
Bài học kinh nghiệm mà nhiều tổ chức phi chính phủ hàng đầu trên thế
giới đã tích lũy được và đưa vào chiến lược hành động của họ là không
thể thụ động trông chờ vào sự cải tiến tự thân của các cấp chính quyền,
mà phải tạo được hành động xúc tác đối với chính quyền nằm thay đổi về
chính sách và những vấn đề liên quan. Đường lối hành động này trong thực
tế đã trở nên hiệu quả hơn hẳn ở nhiều quốc gia châu Á như Bangladesh,
Ấn Độ…
Điều có thể rút ra từ vụ việc Vedan cũng như Sonadezi ở Đồng Nai là
một khi chưa hình thành những tổ chức dân sự và phong trào dân sự để bảo
vệ các quyền về môi sinh, môi trường cho bà con nông dân, vai trò của
báo chí là yếu tố tiên quyết.
Trong vụ Vedan, rất nhiều tờ báo trong nước đã lên tiếng. Một vài tờ
báo còn là nơi tiếp nhận đơn khiếu nại của người dân và đã trở thành
chất xúc tác chính cho việc khởi kiện của những nạn nhân bị ô nhiễm đối
với Vedan, buộc chính quyền địa phương phải vào cuộc, dù đó chỉ là hành
động phụ họa rất miễn cưỡng của giới quản lý nhà nước. Nhưng kết quả
cuối cùng cũng không đến nỗi quá tệ, khi Vedan phải chấp nhận bồi thường
cho những nạn nhân của cuộc xả thải.
Còn với vụ việc Sonadezi Long Thành, liệu bài học từ thành phố Đại
Liên ở Trung Quốc, cùng với tiếng nói của báo chí và người nông dân ở
Việt Nam sẽ lay chuyển được cách nhìn của Quốc hội về một thành viên –
người đã mang dấu ấn với "lời thề” về bảo vệ môi trường vào buổi ban sơ
tham gia ứng cử?
© 2012 TCPT
|