Vừa ra tù, ông Lê Thăng Long, người bị xử trong vụ án năm 2010 cùng luật sư Lê Công Định, thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung và kỹ sư Trần Huỳnh Duy Thức nói về thời gian ở tù và dự án ‘Con đường Việt Nam’.
Được trả tự do sáu tháng trước hạn hôm 4/6 vừa qua, nhà đấu tranh dân chủ dân chủ Lê Thăng Long, sinh năm 1967, cho BBC biết qua điện thoại hôm 11/6 rằng tình hình sức khỏe của ông là bình thường.
Ông cũng nhắc lại giai đoạn mới bị bắt và các cuộc trao đổi với những người trong vụ việc bị bắt năm 2009:
Ông Lê Thăng Long:
Giai đoạn đầu tiên khi tôi mới bị bắt là giai đoạn có những bất ngờ,
hay đặc biệt đối với tôi và sau đó thì cũng quen dần. Đột nhiên mình bị
mất tự do, đó cũng là một cái bất ngờ và những việc mình làm theo những
gì đúng đắn mà tự nhiên, đột ngột mình bị khép vào những tội danh và
điều đó làm cho tôi thấy bất ngờ.
BBC:Trong thời gian đó ông đã gặp lại ông Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Công Định trong tù không? Lần cuối gặp lại ông Thức và ông Định như thế nào?
Lần cuối tôi gặp anh Định khoảng ngày 10/08/2010. Chúng tôi lên
ở trại trên Xuân Lộc khoảng hơn một tháng thì anh Định bị chuyển đi,
còn lại tôi với anh Thức ở trại giam Xuân Lộc trong khu gọi là khu cách
ly. Tôi gặp anh Thức lần cuối cách đây hai tháng. Tôi được chuyển lên khu hình sự, khu các anh em án hình sự, và sau đó tôi được đưa về nhà và hiện nay đang bị quản chế.
BBC: Trong thời gian gặp gỡ đó các ông đã nói chuyện, bàn thảo những gì?
Chúng tôi đã bàn những dự tính, dự định chúng tôi đã có từ trước,
trước khi bị bắt. Những dự định đó là làm sao để thực hiện được những
phong trào rộng rãi trong nhân dân để tìm ra con đường làm sao phù hợp
cho đất nước Việt Nam.
BBC: Thời gian ở trong tù ông có được biết tin tức, tình hình bên ngoài như thế nào không?
Thực sự ra chúng tôi bị hạn chế về tin tức, chỉ được đọc báo Nhân Dân và xem thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam. Còn các thông tin khác thì chúng tôi bị hạn chế, không được tiếp cận.
BBC: Theo những thông tin chúng tôi được biết, ông được thả sớm trước 6 tháng. Điều này liên quan gì đến lời nhận tội trước đó?
Đúng như vậy. Tôi đã được giảm hai lần, mỗi lần ba tháng.
BBC: Ông giải thích thêm một chút được không? Ông được giảm hai lần mỗi lần ba tháng là do đồng ý nhận tội?
Tại phiên tòa phúc thẩm, phút cuối tôi đã nhận tội nên được
giảm một năm rưỡi, tức là 18 tháng. Và trong quá trình thi hành án, có
chương trình gọi là chương trình thi đua giữa các người tù. Trong bốn
tiêu chuẩn thi đua đó, tiêu chuẩn đầu tiên là chấp nhận, thành khẩn hối
cải, nhận tội lỗi của mình. Do đó vì tôi nhận tội nên được giảm hai lần,
mỗi lần hai tháng. Còn đối với những trường hợp như của chúng tôi mà không nhận tội thì không được giảm án, sẽ bị xếp loại yếu.
BBC: Ông có biết về tình hình ông Nguyễn Tiến Trung hiện nay ra sao?
Ông Lê Thăng Long từng được báo chí Việt Nam ca ngợi là một doanh nhân thành công
Tôi cũng vừa gặp bố mẹ của anh Nguyễn Tiến Trung cách đây gần một tuần
sau khi tôi về đây, nghe nói anh sức khỏe bình thường, vẫn tốt. Hiện
nay anh đang ở trại Phan Đăng Lưu của thành phố, Ủy ban thành phố.
BBC: Trước đó chúng tôi được biết các ông đã từ chối bản nhận tội này, có phải do muốn được giảm án nên nhận tội?
Trước đó tôi đã tuyệt thực hai lần, một lần sau sơ thẩm và một
lần trước phúc thẩm. Đối với lần trước phúc thẩm thì tôi đã được bên
trại đưa vào bệnh viện để truyền nước biển và các thuốc khác để tôi phục
hồi để ra tòa. Và khi ra tòa hai lần, tôi thấy những tiếng nói của mình
không được
lắng nghe một cách khách quan, do đó để có thể sớm nhất ra tù trong
điều kiện như vậy thì là những lời nhận tội vào những phút cuối cùng.
BBC: Những công an hay cán bộ chấp pháp đã tiếp xúc với ông thuộc cấp nào?
Người cấp cao nhất đã gặp tôi trong quá trình thẩm vấn là ông Nguyễn Văn Hưởng.
BBC: Trong cuộc tiếp xúc đó Thượng tướng Hưởng đã nói gì với ông?
Đó là trong quá trình điều tra, thì tôi cũng thẳng thắn nói với ông Hưởng là tôi không có tội.
BBC: Mục tiêu sắp tới của ông là gì?
Tôi vừa chính thức thay mặt ba anh trên phát động phong trào mang tên Con đường Việt Nam, chúng tôi rất mong để làm sao có một sự phát triển tốt cho đất nước không có sự hận
thù, cực đoan, đạp đổ, phân biệt quá khứ, phân biệt chính kiến, làm sao
trong yêu thương và làm sao cho đất nước chúng ta phát triển tốt nhất
và đoàn kết với nhau. Rất mong các bạn ủng hộ chương trình này làm sao
cho Việt Nam phát triển và đóng góp vào hòa bình thế giới. Mục tiêu sắp
tới của tôi là làm sao hình thành được phong trào cùng với các anh em và
làm sao để phong trào này lớn mạnh để đem lại con đường đi tới dân chủ
và thịnh vượng cho đất nước Việt Nam.
BBC: Hiện đang trong thời gian quản chế, ông làm thế nào để thực hiện điều này?
Hiện nay quản chế [với tôi] giới hạn trong một khu vực địa lý. Nhưng
chúng ta có thể nói là sức mạnh thời đại này là sức mạnh trí thức và sức
mạnh thế giới phẳng. Việc này có thể thực hiện được nếu chúng ta có ý
chí, có tình yêu thương mãnh liệt và có quyết tâm.
Tin BBC
——————————————–
Phụ chú:
LỜI PHÁT ĐỘNG PHONG TRÀO CON ĐƯỜNG VIỆT NAM
Thưa quốc dân đồng bào,
Cách đây hơn 100 năm phong trào Đông Du, phong trào Duy Tân đã ra đời và được nhân dân ta hưởng ứng nhiệt thành. Nếu như chính quyền cai trị của Pháp lúc đó không đàn áp thành công các
phong trào yêu nước này thì giờ đây tinh thần "Khai dân trí, Chấn dân
khí, Hậu dân sinh” đã đưa nước ta trở thành một quốc gia phát triển không thua kém gì Nhật Bản và các nước thuộc thế giới thứ nhất khác.
TIẾP CON ĐƯỜNG DUY TÂN
Tinh thần đó, nói một cách hiện đại chính là "Hiểu biết
để Tự tin để Làm giàu cuộc sống” cho mình và mọi người. Phong trào Con
đường Việt Nam xin được tiếp nối tinh thần này, tiếp quản sự nghiệp của tiền nhân, tiếp nhận hồn thiêng sông núi
để tiếp tục một con đường đúng đắn mà dân tộc ta đã chưa đi đến đích.
Chặng đường dở dang còn nhiều khó khăn nhưng chắc chắn chúng ta sẽ vượt
qua nó chỉ cần một hành trang: tự tin sử dụng quyền con người của mình.
Dưới chính quyền thực dân phong kiến, quyền con
người của nhân dân ta bị tước đoạt trầm trọng. Nhưng từ khi thoát khỏi
đô hộ của ngoại bang đến giờ các quyền mặc nhiên này của chúng ta chưa
bao giờ được thực sự tôn
trọng và bảo vệ. Đây chính là căn nguyên cốt lõi khiến nước ta đến giờ
vẫn còn chậm tiến cho dù nhân dân ta đã rất vất vả, luôn cần cù chịu
thương chịu khó và luôn khát vọng vươn lên
đến cháy bỏng. Căn nguyên này được rút ra từ một quy luật mà chỉ khi
tuân thủ nó – tức tôn trọng và bảo vệ đầy đủ quyền con người – thì xã
hội loài người mới có thể phát triển công bằng, thịnh vượng và văn minh được.
BẰNG CON ĐƯỜNG VIỆT NAM
Do vậy phong trào Con đường Việt Nam xác định mục tiêu tối
thượng phải hoàn thành là quyền con người phải được bảo vệ trên hết và
bình đẳng ở đất nước chúng ta. Điều này có nghĩa rằng không có bất kỳ điều gì, bất kỳ ai, vì bất kỳ sự nhân
danh nào được phép đứng trên các quyền con người thiêng liêng của chúng
ta. Điều này cũng có nghĩa là mục đích cao nhất mà toàn bộ hệ thống
pháp luật của đất nước ta phải bảo vệ chính là quyền con người bất khả
xâm phạm của chúng ta chứ không phải bất kỳ tư tưởng chủ nghĩa, chủ thuyết, ý thức hệ nào hoặc bất kỳ ai hay tổ chức nào. Và như vậy mọi sự xâm
phạm các quyền con người, từ quyền được sống đến quyền tự do, quyền
được an toàn phải được ngăn chặn hiệu quả và phải bị trừng phạt nghiêm
khắc nhất.
Chỉ có như thế thì mọi quyền lực nhà nước mới có thể thực sự thuộc về nhân dân. Nhà nước đó mới thực sự là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Những giá trị này không bao giờ có được do sự ban
phát hay thiện ý của những người cầm quyền. Bất kỳ ai đó nếu đã có thể
nghĩ, có thể nói mình làm được như vậy thì quyền lực đã thuộc về họ chứ
không còn là của nhân dân nữa.
NỀN TẢNG DÂN LÀM GỐC
Chỉ có như thế thì đất nước ta mới có được một nền tảng chính trị vững chắc, thực sự lấy dân làm gốc để phát triển kinh tế – xã hội nhanh chóng và bền vững mang đến giàu sang và văn minh cho mọi người chứ không phải liên tục bất ổn như lâu nay.
Chỉ có như thế thì chúng ta mới vượt thoát được cuộc khủng hoảng kinh
tế, xã hội trầm trọng hiện nay và tránh lặp lại trong tương lai để lại
gây tai họa tiếp tục về sau.
Chỉ có như vậy thì chúng ta mới thực sự là những người tự do tự quyết định cuộc sống của mình để vươn lên mà không phải bị hạ thấp nhân phẩm vì sinh kế hay vì khát vọng làm giàu cho mình và cho mọi người.
Chỉ có như vậy thì chúng ta mới thực sự là những người chủ của đất nước để quyết định vận mệnh của mình và của dân tộc mà không phải sợ và lệ thuộc vào sức mạnh nào của cường quyền và bá quyền.
VẬN HỘI CỦA NGHÌN NĂM
Hỡi nhân dân yêu mến,
Hơn lúc nào hết, bây giờ là thời cơ tốt nhất để chúng ta
thay đổi tận gốc rễ vấn đề thâm căn có nguồn gốc phong kiến kéo dài hàng
ngàn năm làm nước ta lạc hậu đến tận ngày nay; là thiên thời để dân tộc
ta đảo chiều sự gia tăng khoảng cách tụt hậu đang ngày càng lớn rồi nhanh chóng vượt lên khẳng định vị thế của chính mình trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay.
Hãy đừng nghĩ rằng chúng ta không thể
làm được như thế hoặc ai đó sẽ tặng nó cho chúng ta. Hãy tin vào chính
mình và hành động vì chính mình để có được đầy đủ và toàn vẹn các quyền
con người không thể phân chia mà Tạo hóa trao cho chúng ta, chứ không ai có quyền ban phát chúng cho ai cả.
Hãy hưởng ứng phong trào Con đường Việt Nam để tiếp tục
phong trào Duy Tân, làm cho nó lớn mạnh thành một hoạt động chính trị
thực sự của nhân dân chứ không phải của bất kỳ đảng phái chính trị nào, vì bất kỳ một tư tưởng chủ nghĩa nào của bất kỳ ai để nói lên
nguyện vọng của chúng ta, khẳng định mong muốn của chúng ta và đòi hỏi
yêu cầu của chúng ta đối với bất kỳ thiết chế quyền lực nào muốn nhân
danh nhân dân chúng ta.
CHÍNH NGHĨA VÀ THỊNH TRỊ
Hãy đừng ghét, sợ hoặc không thích
chính trị mà xa lánh nó vì chính trị đúng đắn là những hành động chính
nghĩa để mang lại một nền thái bình thịnh trị. Ở đâu người dân thờ ơ với
chính trị thì ở đó đất nước sẽ suy thoái và những "trò chính trị” sẽ
hoành hành và lên ngôi. Không chỉ có quan chức mới được làm chính trị mà bất kỳ thường dân nào cũng có thể, bằng cách biểu thị thái độ và lên tiếng nói cho nguyện vọng và yêu cầu chính đáng của mình đối với đất nước. Chính nghĩa là như vậy.
Hỡi con Hồng cháu Lạc,
Hãy tự tin và nhiệt thành tham gia các chương trình mà phong
trào Con đường Việt Nam sẽ kêu gọi tới đây. Hãy tham gia làm người sáng
lập, quản trị, điều hành, thành viên của phong trào sẽ được mở ra cho
bất kỳ ai mà không có sự phân
biệt. Hãy làm cố vấn, ủng hộ viên và tình nguyện viên cho phong trào.
Hãy ra yêu cầu và đóng góp ý kiến cho phong trào để làm sao hoàn thành
được mục tiêu tối thượng của nó là: "Quyền con người phải được tôn trọng
và bảo vệ trên hết và bình đẳng tại đất nước Việt Nam”.
Và để khởi đầu, hãy giúp trả lời câu hỏi: "Làm sao để người dân tự tin sử dụng tất cả quyền con người của mình mà không phải đợi ai cho phép trong hoàn cảnh của đất nước hiện nay?”
Ý kiến xin gửi về email: [ghi email PT sẽ giao cho BOMD4]. Xin cảm ơn đồng bào và trân trọng kính chào.
Những người khởi xướng phong trào Con đường Việt Nam
Trần Huỳnh Duy Thức
Lê Thăng Long Lê Công Định
|