Những
biến động ở Ai Cập hồi gần đây đã khiến nhiều người, đặc biệt là những
người quan tâm tới triển vọng phát triển dân chủ ở Việt Nam, nêu lên
câu hỏi "Khi nào Việt Nam sẽ có một phong trào xuống đường đòi dân chủ
như vậy?” Một câu hỏi khác cũng không kém phần quan trọng là "Trong
trường hợp xảy ra một cuộc biểu tình như cuộc biểu tình ở Cairo, liệu
những người lính Việt Nam sẽ theo gương binh lính Ai Cập để không nổ
súng vào người biểu tình hay họ sẽ bước theo vết xe đổ của quân đội
Trung Quốc năm 1989 để dùng xe tăng súng máy bắn giết thường dân vô
tội?" Mời quí vị theo dõi ý kiến của một số các nhà tranh đấu cho dân
chủ Việt Nam về vấn đề này trong tiết mục Nhìn Về Á Châu do Duy Ái phụ
trách.
Duy Ái - VOA Thứ Năm, 10 tháng 2 2011
Hình: Reuters
"Những người lãnh đạo bác
bỏ cả khẩu lệnh của Hồ Chủ tịch 'Quân đội ta trung với nước, hiếu với
dân' để nhồi sọ khẩu lệnh 'Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân'"
VOA: Khả năng xảy ra một cuộc nổi dậy qui mô lớn, hòa bình để đòi cải cách chính trị ở Việt Nam?
Nguyễn Thanh Giang (Hà Nội):
Dưới chế độ độc tài nói chung hay dưới một chế độ chuyên chế, công an
trị, dự đoán khả năng và thời điểm mà nhân dân có thể vùng dậy là việc
làm khó. Ngay trước ngày 9 tháng 11 năm 1989 không chỉ người ở các châu
lục khác mà chính người Đức cũng không ngờ đêm đó bức tường Berlin sụp
đổ; khi tổng bí thư đảng cộng sản Rumani lên đoạn đầu đài, ai có thể
tưởng tượng nổi mới trước đó ít ngày bài diễn văn của ông ta trong đại
hội đảng còn được vỗ tay đến hàng trăm lần.
Ở Việt Nam cách đây mươi năm nhân dân Thái Bình đã từng vùng dậy;
cách đây một vài năm hết Thái Hà lại Tam Tòa và giáo xứ Vinh, rồi hàng
vạn đồng bào Bắc Giang từng kéo đến xô đổ cổng công đường tỉnh… nhưng
rồi đại hội XI Đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn được tuyên bố là thành công
rực rỡ.
Khả năng sắp hay chưa thể xẩy ra một cuộc nổi dậy quy mô lớn ở Việt
Nam đều lớn như nhau. Xin nói rõ: Không phải đều như nhau, mà là đều
lớn như nhau.
Duy yêu cầu đòi cải cách chính trị thì đã có và
hiện đang trở nên hết sức bức thiết. Điều này không chỉ biểu hiện ở
những người nông dân bị bọn tư bản đỏ câu kết với chính quyền cướp đất
cướp ruộng, không chỉ biểu hiện ở những công nhân bị bóc lột làm cho
cuộc sống bần cùng, cơ cực hơn công nhân ở các nước tư bản mà biểu hiện
quyết liệt ngay trong giới elit của Đảng qua cuộc Hội thảo khoa học phê
phán cương lĩnh Đảng do giáo sư Trần Phương, nguyên phó thủ tướng chủ
trì, và đặc biệt là qua ý kiến phát biểu của nguyên ủy viên Bộ Chính
trị, nguyên chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An.
Cho nên, nổi dậy quy mô lớn trên đường phố thì chưa biết lúc nào xẩy ra nhưng nổi dậy trong lòng người thì đã ở tầm quy mô lớn.
Bác sĩ Nguyễn Đan Quế
Nguyễn Đan Quế (Sài Gòn): Từ tháng 1-2011 cho đến
nay, làn sóng biểu tình đòi Dân Chủ dồn dập nổ ra ở một loạt các xứ Ả
Rập như Tunisia, Algeria, Yemen, Sudan… và đặc biệt là Ai Cập, đang
thôi thúc mạnh người dân Việt đứng lên đòi Nhân Quyền và Dân Chủ.
Và
khả năng nổi dậy hòa bình có qui mô lớn trên toàn quốc để buộc Bộ chính
trị Đảng Cộng sản Việt Nam phải tôn trọng Nhân Quyền và thực thi Dân
Chủ là rất cao. Giới trẻ Việt Nam đang bảo nhau cách sử dụng điện thoại
di động, email, Internet, Facebook, Twitter… để liên lạc, huy động, tổ
chức, vào thời điểm thích hợp, đông đảo quần chúng xuống đường với khí
thế để đòi Dân Chủ Hóa đất nước, giống như ở Ai Cập.
Điều đặc
biệt đang diễn ra ở Ai Cập hiện nay là gì? Nếu không phải lần đầu tiên
các siêu cường không khai thác các phe phái, xúi dục đối đầu nhau. Đa
số đều đứng về phía Sức Mạnh Quần Chúng, kêu gọi chính quyền không đàn
áp dân, và nhất là biểu đồng tình với thái độ trung lập của quân đội.
Trung cộng không muốn xáo trộn trong nước mình, nhưng cũng không chống
đối chuyển đổi Dân Chủ trong các nước Ả rập.
Theo tôi, một khi
tổng nổi dậy nổ ra ở Việt Nam, Bắc Kinh vì quyền lợi hợp tác đa phương
với các siêu cường khác sẽ: không những không thực tâm giúp Hà Nội, mà
còn lũng đoạn thêm, làm suy yếu Bộ chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam,
đưa đến tình trạng bất lực phải nhượng bộ trước Sức Mạnh Quần Chúng
đang dâng cao đòi quyền sống và Dân Chủ.
Đoàn Viết Hoạt (Virginia):
Rất nhiều điều không thể tiên liệu trước được, ngay như ở Tunisie, Ai
cập vừa qua. Tuy nhiên theo tôi, một cuộc nổi dậy qui mô lớn tại Việt
Nam chỉ có thể xẩy ra khi có những điều kiện sau đây:
(1) Kinh
tế suy thoái nghiêm trọng, vật giá gia tăng không kiểm soát được, đời
sống dân chúng khó khăn, chính quyền gần như bất lực.
(2) Tỷ lệ
thanh niên "nhàn rỗi” tại các thành phố lớn ngày càng cao: không có
hoặc rất ít việc làm, dù hình thức nào, và cũng không vào được các
trường đại học.
(3) Các nhóm chống đối hoạt động hữu hiệu, có tổ
chức và phối hợp tốt, có phương tiện và kỹ thuật cao, vượt qua được an
ninh, tận dụng được hệ thống thông tin điện tử, đưa ra các khẩu hiệu
đáp ứng nguyện vọng quần chúng.
(4) Thành phần cấp tiến trong đảng Cộng Sản cân bằng và vượt trội về ảnh hưởng và lực lượng với thành phần bảo thủ.
Điều
kiện 1 và 2 là mấu chốt, cho đến nay chưa có, hoặc chưa đủ, và do đó
cần được theo dõi sát. Khi có 1 hoặc cả 2 tình trạng này thì chỉ cần
một biến cố nhỏ cũng có thể tạo bùng nổ. Cho đến nay đã có nhiều nơi có
biến động, nhưng không tạo bùng nổ chính trị qui mô rộng lớn vì chưa có
điều kiện 1 và 2.
Theo tôi, trừ khi có những yêu tố bất ngờ
khác, biến chuyển chính trị tại Việt Nam đi theo một lộ trình khác với
Tunisie, Ai Cập. Ở những nước này không có một đảng cầm quyền như đảng
Cộng Sản. Tôi cho rằng cuộc cách mạng mầu Việt Nam sẽ là một hợp thể
của ít nhất 3 nhân tố: (1) đại đa số quần chúng bất mãn dù thầm lặng
(hiện đã có); (2) phe chống đối ngày càng mạnh lên, hoạt động tích cực,
bền bỉ (dù bị đàn áp), hữu hiệu, dưới mọi hình thức, chính trị và phi
chính trị (hiện chưa đủ); và (3) thành phần và quan điểm cấp tiến trong
ban lãnh đạo đảng Cộng Sản ngày càng thắng thế (hiện chưa đủ). Đây là
chưa kể đến các yếu tố bên ngoài tác động vào như kế hoạch bành trướng
của Trung quốc, thay đổi tài trợ của quốc tế cho Việt Nam (vì không còn
là nước nghèo), Hoa Kỳ gia tăng hoạt động tại vùng Đông Nam Á, người
Việt hải ngoại tác động hữu hiệu hơn vào trong nước… Ba nhân tố chính
đều cần thiết và tương quan với nhau trong tiến trình dân chủ hóa Việt
Nam, một tiến trình không thể đảo ngược. Câu hỏi hiện nay không còn là
dân chủ hay không mà là dân chủ như thế nào và bao giờ. Tất cả 3 biến
số trên đều luôn luôn "động" nên các bên liên quan cần theo dõi sát để
có thái độ và hành động thích ứng và kịp thời.
Nhà văn Trần Trung Đạo
Trần Trung Đạo (Boston): Việt Nam hội đủ các điều
kiện khách quan dẫn đến cuộc cách mạng dân chủ. Sau 36 năm trong chế độ
độc tài toàn trị, những bất mãn chồng chất mỗi ngày một cao trong ý
thức của mọi tầng lớp nhân dân. Tình trạng tham nhũng ngày càng tinh
vi, lan rộng khỏi biên giới quốc gia làm nhục lây cho cả dân tộc. Lãnh
thổ, lãnh hải bị chiếm đoạt và đe dọa. Chính sách đổi mới của đảng
trong những năm qua chỉ để ngăn cho ly nước khỏi tràn hơn là các canh
tân căn bản mang lại lợi ích lâu dài cho đất nước. Sở dĩ đến hôm nay
cách mạng chưa bùng nổ bởi vì các lý do chủ quan. Các phong trào dân
chủ cần đặt đúng mục tiêu đấu tranh trong nhu cầu của đại đa số nhân
dân, cần phối hợp nhịp nhàng hơn, trong và ngoài nước, để tạo nên một
sức mạnh dân tộc tổng hợp.
Thực tế tại Tunisia và Egypt cho
thấy người dân xuống đường không phải để biện minh hay phản đối các lý
thuyết xa vời mà đơn giản chỉ vì các quyền lợi bản thân và gia đình họ
bị xâm phạm quá mức chịu đựng. Dân chủ bắt đầu từ ổ bánh mì và tự do
bắt đầu từ quyền được nói. Hosni Mubarak là một tổng thống tham quyền
cố vị nhưng chưa hẳn tàn ác như đồ tể Joseph Mobutu hay Mengistu Haile
Mariam. Tuy nhiên, dân Egypt vẫn xuống đường ồ ạt chỉ vì tình trạng
thất nghiệp gần 10%, tham nhũng có hệ thống trong chính phủ và chênh
lệch giàu nghèo sâu sắc. Xã hội Việt Nam băng hoại hơn Egypt nhiều bởi
vì tham nhũng tại Việt Nam có tính đảng.
Tóm lại, cách mạng dân
chủ tại Việt Nam là một biến cố không tránh khỏi nhưng nhanh hay chậm
tùy sự tác động từ các yếu tố chủ quan như đã trình bày.
VOA: Nếu
xảy ra một sự việc như vậy, quân đội VN sẽ theo gương Trung Quốc để đàn
áp như vụ Thiên an môn 1989, hay họ sẽ làm như quân đội Ai Cập hiện nay?
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang
Nguyễn Thanh Giang: Mặc dù những người lãnh đạo
trâng tráo đến mức bác bỏ cả khẩu lệnh của Hồ chủ tịch "Quân đội ta
trung với nước, hiếu với dân” để nhồi sọ khẩu lệnh "Quân đội ta trung
với Đảng, hiếu với dân” nhưng tin chắc rằng quân đội nhân dân Việt Nam
dứt khoát sẽ không tàn sát đồng bào mình như Thiên An Môn. Ngay đối với
Trung Quốc, ngày nay, tin rằng những người lãnh đạo cộng sản kia cũng
không thể nào xua quân đội đi làm một Thiên An Môn thứ hai.
Tôi
vững tin vào những người lính Việt Nam ngày nay bởi biết rằng không
phải họ chỉ đã nhìn thấy những tấm gương ở Thái Lan, ở Tunisie, ở Ai
Cập… mà gương xấu của những người lãnh đạo nói một đường, làm một nẻo
và lạm dụng quyền hành để tham những, để bóc lột... làm cho họ không
dại gì lấy máu đồng bào mình mà dâng hiến cho những "lý tưởng” lăng
nhăng, lường gạt.
Nguyễn Đan Quế: Nhiều khả năng ở Việt Nam quân đội cũng sẽ đứng trung lập, theo gương của quân đội Ai Cập.
Cách
xử sự của quân đội Ai Cập, không những không đàn áp mà còn ủng hộ đòi
hỏi Dân Chủ của người dân, chắc chắn lúc có biến sẽ làm giới quân nhân
Việt Nam suy nghĩ rất nhiều khi ra tay đàn áp: Đứng về phía đồng bào để
được trọng thị, yêu quí; hay mù quáng tuân lệnh Bộ Chính Trị ĐCSVN bắn
vào đám đông biểu tình, trong đó có bố mẹ anh chị em mình, để rồi bị
mọi người phỉ nhổ. Lúc đó ai chịu? Lúc đó ai thương?
Ngoài ra,
hai siêu cường Mỹ - Trung, có ảnh hưởng khá lớn trong hàng ngũ tướng
lãnh Hà Nội, có thể thủ giữ vai trò quan trọng trong việc khuyến khích
quân đội có thái độ trung lập.
Cuối cùng, tôi muốn nói thêm là:
Trên
chính trường thế giới ngày nay, năm trung tâm quyền lực kinh tế đang lộ
diện. Đó là: Mỹ, Nhật, Đức với Cộng đồng Âu Châu EU, Nga & Trung
Cộng (năm thủ đô đều nằm về Bắc bán cầu).
Năm siêu cường đang đi vào thế hợp tác trong Chiến Lược Toàn Cầu Đa Phương Mới để:
- một mặt, giữ vững thế của nước giầu đối với nước nghèo, loại trừ khủng bố, giữ vững an ninh thế giới cùng phát triển;
-
mặt khác, chuyển giao kỹ-nghệ-hoá cho các nước nghèo (đa số ở Nam bán
cầu) nhằm lấp bớt hố xa cách giầu – nghèo, với mẫu số chung là "phát
triển và Dân Chủ phải song hành”.
Nói cách khác, thế giới đang đi vào Hợp Tác Bắc – Nam.
Trước
tình hình thế giới đã và đang thay đổi lớn như vậy, tôi nghĩ là quân
đội và chính phủ Cộng Sản Việt Nam khó lòng thẳng tay đàn áp người dân
như Trung Cộng đã làm ở Thiên an môn năm 1989.
 VOA - Dan RobinsonGiáo sư Đoàn Viết Hoạt
Đoàn Viết Hoạt: Quân đội ở Ai cập không đảo chánh
nhưng cũng không đàn áp người biểu tình. Muốn xẩy ra như vậy ở Việt
Nam, thành phần cấp tiến trong đảng CS phải mạnh hơn thành phần bảo thủ
thân Trung Quốc và ảnh hưởng được quân đội. "Tự diễn biến” trong đảng
Cộng Sản không đủ để đem đến dân chủ, nhưng khi có nổi dậy qui mô lớn
của quần chúng thì nhờ "tự diễn biến” mà quân đội có thể "trung lập”.
Công an thì khó hơn nhưng dễ bị quân đội vô hiệu hóa. Hiện có hai yếu
tố đang cản trở diễn tiến này: (1) nhiều cơ quan và lãnh đạo quân
đội được chia chác quyền lợi kinh tế thương mại; (2) Tổng bí thư đảng
là bí thư quân ủy trung ương. Hiểm họa bành trướng Trung Quốc và lòng
yêu nước cần được đề cao để chuẩn bị cho việc vận động quân đội khi có
biến động.
Trần Trung Đạo: Tôi không nghĩ
giới lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam dám ra lịnh cho quân đội tàn sát
nhân dân như Đặng Tiểu Bình đã làm và dù có được lịnh, quân đội cũng sẽ
không tuân theo chỉ thị của lãnh đạo đảng.
Các lãnh đạo đảng
không dám vì họ biết trời đất rộng bao la nhưng khó tìm đâu ra một chỗ
dung thân. Không giống như số phận Amin Dada của Uganda, Siad Barre của
Somalia sau khi bị lật đổ đã được các độc tài khác bao che cho đến cuối
đời, trong thời đại toàn cầu hóa, bang giao quốc tế được mở rộng và các
công pháp quốc tế đã được tôn trọng, số phận các nhà độc tài cũng khác.
Sự kiện Charles Taylor của Liberia đang bị giam giữ tại The Hague và
al-Bashir của Sudan vừa bị tòa án quốc tế truy tố dù đang là tổng thống
là những bài học sống mà họ phải thuộc.
Về phía quân đội, những
người lính tại Việt Nam ngày nay không phải là những người xích chân
vào nòng đại pháo như trước 1975 nhưng đã có ý thức dân tộc, đã quá
đắng cay khi nghe đi nghe lại khẩu hiệu rỗng "độc lập, tự do, hạnh
phúc”, và đã hiểu những xương máu mà các thế hệ đàn anh đổ xuống ở miền
Nam chỉ làm giàu cho một thiểu số lãnh đạo đêm nệm ấm chăn êm trong các
biệt thự nguy nga, ngày sống dư thừa trong các nhà hàng sang trọng.
Phục vụ trong guồng máy, người lính phải quay theo guồng máy nhưng nếu
có cơ hội đứng về phía dân tộc họ sẽ đứng về phía dân tộc. Cách mạng
dân chủ tại Việt Nam nay mai chẳng những sẽ không có tiếng súng, không
có giết chóc, không có cốt nhục tương tàn mà còn diễn ra rất nhanh
chóng, bởi vì đại đa số người Việt đang bùng cháy trong lòng một ao ước
giống nhau là mong được thấy quê hương hồi sinh và thăng tiến.
|