Thứ Sáu, 2025-01-03, 2:54 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2011 » Tháng Tư » 2 » Luật vi hiến, người vô tội
11:00 AM
Luật vi hiến, người vô tội


2011-04-01

Bày tỏ quan điểm chính trị trong một đất nước mà đảng Cộng Sản được hiến pháp xác lập độc quyền lãnh đạo là việc khiến dễ rơi vào vòng lao lý, bởi điều 88 Bộ luật Hình sự.

Photo: RFA

LS Cù Huy Hà Vũ hôm bị bắt

Điều 88 vi hiến?

Sự bày tỏ tư tưởng của các nhà dân chủ, hay cụ thể tới đây, phiên toà kết tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ vào điều 88 "tội tuyên truyền chống phá nhà nước Việt Nam" có thể được hiểu như thế nào? Mời quý vị theo dõi cuộc Hội luận chính trị về điều 88 do Việt Hùng điều hợp với sự tham dự của luật sư Nguyễn Văn Đài từ Hà Nội và cử nhân luật Nguyễn Bắc Truyển từ Sài Gòn.
Việt Hùng: Tham dự Hội luận chính trị liên quan tới Điều 88 Bộ luật Hình sự Việt Nam với Đài Á Châu Tự Do liệu có phải là tuyên truyền chống phá nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam? Thưa luật sư Nguyễn Văn Đài và ông Nguyễn Bắc Truyển. Trước tiên để mời luật sư Nguyễn Văn Đài từ Hà Nội.
Ls Nguyễn Văn Đài: Theo quan điểm của tôi trong Hiến pháp Việt Nam đã quy định quyền của công dân Việt Nam là được tự do ngôn luận, tự do báo chí. Điều 19 (Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền) về quyền công ước quốc tế, về quyền chính trị dân sự cũng đã quy định công dân của tất cả các nước đã ký và công ước này thì đều được tự do tìm kiếm thông tin và bày tỏ quan điểm của mình trên các phương tiện truyền .thông trong nước hay nước ngoài.

LS Nguyễn Văn Đài trong phiên phúc thẩm 2007
LS Nguyễn Văn Đài trong phiên phúc thẩm 2007

Bản thân điều luật này đã hình sự hóa những quyền cơ bản của con người đã được minh định trong Hiến pháp
Ông Nguyễn Bắc Truyển

Bởi vậy chúng tôi hoàn toàn có quyền bày tỏ chính kiến của mình về những vấn đề chính trị - kinh tế - xã hội của quốc gia đặc biệt là trong lãnh vực pháp lý. Cho nên Điều luật 88 cũng như một số điều khoản khác chúng tôi nhận thức được đã vi phạm Hiến pháp Việt Nam thì chúng tôi có quyền bàn bạc thảo luận với nhau để đưa ra ý kiến để kêu gọi những cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam hủy bỏ đi hay phải sửa đổi.
Việt Hùng: Từ Sài Gòn, ý kiến của ông Nguyễn Bắc Truyển như thế nào?
Ông Nguyễn Bắc Truyển:  Điều luật 88 của Bộ luật Hình sự là một điều luật vi hiến. Bản thân điều luật này đã hình sự hóa những quyền cơ bản của con người đã được minh định trong Hiếp pháp nước CHXHCN Việt Nam. Điều luật này cũng vi phạm những quyền căn bản của con người trong Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền cũng  như công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị mà nhà nước Việt Nam đã ký khi là thành viên của Liên Hiệp Quốc. Theo tôi Quốc Hội Việt Nam khóa XIII tới đây cũng nên bỏ Điều 88 ra khỏi Bộ luật Hình sự Việt Nam vì nó vi hiến.

LS Cù Huy Hà Vũ hoàn toàn vô tội

Việt Hùng: Cá nhân các ông từng bị truy tố bằng Điều 88 và rơi vào vòng lao lý như luật sư Nguyễn Văn Đài 4 năm tù, ông Nguyễn Bắc Truyển 3 năm rưỡi, và hiện nay các ông đang chịu lệnh quản chế. Trở ngược dòng thời gian trước ngày các ông ra tòa, người ta còn nhớ trong bản cáo trạng truy tố các ông có đề cập đến việc các ông trả lời phỏng vấn các Đài phát thanh quốc tế để "nói xấu" chế độ. Nhìn qua trường hợp tới đây là tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội sắp đưa ra xử, lời buộc tội cũng liên quan đến Điều 88, trong đó có đề cập việc ông Cù Huy Hà Vũ đã trả lời Đài Á Châu Tự Do và Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ. Phải chăng lời buộc tội này nhắm thẳng vào cái gọi là "diễn tiến hoà bình" điều mà nhà nước Việt Nam thường luôn cảnh báo...
Ls Nguyễn Văn Đài: Việc trong bản cáo trạng của Viện kiểm sát có đưa ra những buộc tội tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đã trả lời phỏng vấn với Đài Á Châu Tự Do và Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ theo tôi đó là một sự sai lầm rất lớn của họ. Bởi vì một công dân ở Việt Nam họ có quyền trả lời hay phát biểu chính kiến trên các phương tiện thông tin của nhà nước Việt Nam. Nhưng ở trong nước báo chí hay đài phát thanh đều do nhà nước kiểm soát thì những quan điểm trái ngược với nhà nước thì người dân không được quyền bày tỏ trên đó cho nên họ phải qua phương tiện truyền thộng quốc tế để bày tỏ quan điểm của mình, theo tôi là hoàn toàn phù hợp. Việc nhà nước Việt Nam nhằm vào đó để răn đe những người khác không dám bày tỏ quan điểm của họ trên các phương tiện truyền thông quốc tế là không đúng.

LS Lê Thị Công Nhân trong phiên phúc thẩm 27-11-2007
LS Lê Thị Công Nhân trong phiên phúc thẩm 27-11-2007

Về những việc như  kiện ông Thủ tướng, ông Bí thư thành uỷ lạm quyền thì ông Cù Huy Hà Vũ đã thực hiện Điều 74 của Hiến pháp.
LS Nguyễn Văn Đài

Ông Nguyễn Bắc Truyển: Để tiếp lời anh Nguyễn Văn Đài, theo tôi các chứng cớ mà Viện kiểm sát dùng để buộc tội tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ là không thuyết phục. Những bài viết của ông Hà Vũ được đăng trên Internet hay qua các bài trả lời phỏng vấn các Đài phát thanh quốc tế, thì tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ đã thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí chiếu theo Điều 69 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam. Về những việc như  kiện ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và ông Bí thư thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh về sự lạm quyền thì ông Cù Huy Hà Vũ đã thực hiện Điều 74 của Hiến pháp, như vậy ông đâu có làm gì vượt quá những điều mà pháp luật cho phép. Nguyên tắc của pháp luật là người dân được quyền làm những gì mà pháp luật không cấm. Về "diễn biến hòa bình" hay "thế lực thù nghịch" thì quan điểm của tôi cho đó là những sản phẩm tưởng tượng của chủ nghĩa độc tài. Họ tạo ra những kẻ thù vô hình với chế độ nhằm đánh lừa người dân để biện minh cho những yếu kém trong việc điều hành nền kinh tế hay các mâu thuẫn đang xảy ra trong xã hội. Việc tạo ra một kẻ thù vô hình như vậy còn cản trở tiến trình dân chủ.

Tiếp nối cách mạng dân chủ: vào tầm ngắm

Ls Nguyễn Văn Đài: Tôi xin tiếp lời anh Nguyễn Bắc Truyển về "diễn tiến hòa bình". Thực ra theo quan điểm của tôi "diễn tiến hòa bình" là tiếp nối của cuộc cách mạng. Trước đây khi đảng cộng sản thành lập thì họ nói rằng họ tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ. Cuộc cách mạng dân tộc đã đem lại sự độc lập cho Tổ quốc, còn việc dân chủ hóa xã hội thì họ chưa thực hiện được. Ngày nay cái "diễn tiến hòa bình" thực ra đã thay đổi được quá trình nhận thức của người dân Việt Nam cũng như của những người đảng viên đảng CSVN còn có lòng yêu nước.

khi chế độ chính trị hiện tại không còn phù hợp nữa, họ sẽ hành động đấu tranh. Theo tôi "diễn tiến hòa bình" là cuộc cách mạng dân chủ mà thôi.
LS Nguyễn Văn Đài

Đối với người dân, trước đây họ chấp nhận chế độ độc đảng phi dân chủ thì ngày nay người dân thay đổi quan điểm, thay đổi tư tưởng, chế độ đó không còn phù hợp nữa, cần phải dân chủ hơn, cần phải xây dựng một chế độ dân chủ đa đảng. Và đối với người cộng sản cũng vậy, họ thay đổi nhận thức từ việc họ nghĩ chế độ độc đảng là tốt thì nay họ cho rằng duy trì chế độ độc đảng là không còn phù hợp nữa. Thì cái "diễn tiến hòa bình" là thay đổi từ nhận thức, từ tư tưởng cho đến hành động khi chế độ chính trị hiện tại không còn phù hợp nữa, họ sẽ hành động đấu tranh. Theo tôi "diễn tiến hòa bình" là cuộc cách mạng dân chủ mà thôi.
Việt Hùng: Nhưng thưa luật sư Nguyễn Văn Đài và anh Nguyễn Bắc Truyển, các ông đều cho rằng tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ không phạm vào Điều 88, không tuyên truyền chống phá nhà nước Việt Nam. Do đâu mà các ông nói ông Cù Huy Hà Vũ vô tội...
Ls Nguyễn Văn Đài: ...thì tôi đã đọc tất cả bản cáo trạng mà Viện kiểm sát thành phố Hà Nội đã dùng để truy tố ông Cù Huy Hà Vũ. Họ đã trích những câu mà họ cho rằng đó là chống phá nhà nước, tôi đối chiếu với tất cả những thực tiễn đã và đang xảy ra tại Việt Nam thì (lời của ông Hà Vũ) hoàn toàn đúng với thực tế. Ông Cù Huy Hà Vũ chỉ phản ánh sự thật, khách quan, những gì đã và đang diễn ra mà thôi. Do vậy một người dân như thế là một người dân yêu nước, có trách nhiệm đối với đất nước. Chứ không thể nói một người dân làm như thế là phạm tội được.
Việt Hùng: Vâng, nhưng cá nhân các ông sau những trả giá về Điều 88, đến nay các ông vẫn cho rằng các ông không vi phạm vào Điều 88. Tòa xử thì cứ xử nhưng các ông cứ nói là vô tội. Như vậy có thể bị coi là vẫn đang tiếp tục "tuyên truyền chống phá nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam" chăng?
Ls Nguyễn Văn Đài: Đấy là quan điểm về phía nhà nước Việt Nam. Còn quan điểm của chúng tôi thì chúng tôi khẳng định những việc làm của chúng tôi hoàn  toàn phù hợp với Hiến pháp cũng như những công ước quốc tế về quyền con người. Chúng tôi cũng chỉ phản ánh đúng với sự thật những gì đang diễn ra tại Việt Nam, chúng tôi đòi hỏi phải thay đổi về những quyền của người dân được ghi trong Hiến pháp và trong công ước quốc tế thì phải được thực hiện chứ không thể chỉ là lý thuyết xuông ghi trong văn bản được.
Việt Hùng: Y kiến của ông thế nào, thưa ông Nguyễn Bắc Truyển?
Ông Nguyễn Bắc Truyển: Thưa anh, từ khi tôi bị bắt vào tháng 11-2006 bị kết án vào Điều 88 với án 3 năm 6 tháng tù và 2 năm quản chế thì suốt trong thời gian tù giam và hiện giờ đang bị quản chế tôi chưa bao giờ công nhận là tôi có tội. Những hoạt động của tôi đều nằm trong khuôn khổ quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền lập hội và quyền biểu tình... theo điều 69 Hiến pháp. Do đó tôi xin khẳng định tôi không công nhận bản án mà tòa đã tuyên cho tôi.

Cuộc thử lửa "lòng dân ý đảng"

Việt Hùng: Trước vụ án mà Tòa sẽ xử tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ tới đây, không ít ý kiến cho rằng, vụ án Cù Huy Hà Vũ là sự thử lửa giữa "lòng dân - ý đảng"?
Ls Nguyễn Văn Đài: Quan điểm của tôi thì điều đấy cũng có thể đúng một phần nào đấy... bởi vì vụ án của ông Cù Huy Hà Vũ đã thu hút được sự quan tâm đông đảo dư luận quốc tế và đông đảo dư luận người dân trong nước, giới quan chức trong nước cũng quan tâm đến vụ án này. Theo tôi diễn biến và kết quả của phiên tòa sẽ ảnh hưởng lớn đến cục diện ở trong nước vào thời điểm hiện nay.
Việt Hùng: Nhưng có ý kiến nhận định cho rằng, truy tố ông Cù Huy Hà Vũ vào Điều 88 là khẳng định chiến dịch "bàn tay thép" nhằm trấn áp những tư tưởng muốn thay đổi trong bối cảnh chính trị trước và sau Đại hội XI đảng CSVN. Các ông nhìn vấn đề như thế nào?
Ls Nguyễn Văn Đài: Tự do dân chủ của người dân Việt Nam ngày càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết dù nhà nước có tiến hành bàn tay sắt hay bàn tay thép thì những tư tưởng tự do, dân chủ ngày càng được bộc lộ ra nhiều hơn, đòi hỏi càng ngày càng lớn hơn, cho nên không bao giờ nhà nước Việt Nam có thể đàn áp được. Không bao giờ có thể vùi lấp được phong trào dân chủ ngày một lớn mạnh.

...mang hoa đến tặng cho gia đình, bà con giáo dân thì cầu nguyện cho ông. Đó là hình ảnh rất đẹp bày tỏ quan điểm của người dân...
Ông Nguyễn Bắc Truyển
Người dân muốn dự phiên phúc thẩm hai luật sư Đài- Công Nhân
Người dân muốn dự phiên phúc thẩm hai luật sư Đài- Công Nhân
Ông Nguyễn Bắc Truyển: Tôi xin được tiếp lời anh Nguyễn Văn Đài, trường hợp bắt giữ và truy tố ông Cù Huy Hà Vũ không chỉ nhằm trấn áp những tư tưởng muốn thay đổi thể chế chính trị. Ở đây tôi còn thấy một hành động mang tính "đáp trả cá nhân", qua việc tạo tình huống bắt ông tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ ở Sài Gòn, một nơi mà ông Hà Vũ không có nhiều hậu thuẫn, rồi truy tố ông vào một tội danh khác... Tôi thấy ông Cù Huy Hà Vũ đã phá vỡ những nguyên tắc bình thường trong một chế độ độc tài toàn trị khi tiến hành kiện các nhà lãnh đạo lạm quyền trong những vấn đề quan trọng của quốc gia. Hay là ông đã đứng về phía người dân để phản kháng những quyết định độc đoán ảnh hưởng xấu đến đời sống nhân dân trong việc thu hồi đất đai ở Đà Nẵng và Sài Gòn. Những việc đó đã đưa ông Hà Vũ đối kháng với lãnh đạo nhà nước là những người không quen nghe chỉ trích. Động cơ tranh đấu của ông Cù Huy Hà Vũ tôi thấy là trong sáng. Vụ án của ông được rất nhiều người dân trong nước quan tâm, trái với lệ thường là người dân ít quan tâm đến chuyện chính trị. Trước ngày xử ông, người dân đã thể hiện sự kính trọng công khai đối với ông bằng cách mang hoa đến tặng cho gia đình, bà con giáo dân thì cầu nguyện cho ông. Đó là hình ảnh rất đẹp bày tỏ quan điểm của người dân đối với nhà bất đồng chính kiến hay là đối với bản án mà nhà nước CSVN đang buộc tội ông.
Việt Hùng: Chúng tôi xin đặt một câu hỏi với luật sư Nguyễn Văn Đài  cũng như ông Nguyễn Bắc Truyển, vì ông cũng là một cử nhân luật. Thưa các ông, yếu tố pháp lý trong vụ án Cù Huy Hà Vũ có thể hiểu như thế nào khi mà số luật sư tham gia bào chữa trong vụ án này có thể nói là hi hữu trong những vụ án chính trị.  Cũng 5-6 luật sư đứng ra bào chữa cho ông Cù Huy Hà Vũ?
khi có nhiều luật sư đứng ra bảo vệ cho ông thì điều đó chứng tỏ rằng tất cả các luật sư bảo vệ cho ông đều đồng quan điểm với ông
LS Nguyễn Văn Đài
Ls Nguyễn Văn Đài: Đây là điều rất đáng mừng, bởi vì tôi tin rằng, ông Hà Vũ không phải là không đủ khả năng để tự biện hộ cho mình, nhưng khi có nhiều luật sư đứng ra bảo vệ cho ông thì điều đó chứng tỏ rằng tất cả các luật sư bảo vệ cho ông đều đồng quan điểm với ông, tức là họ sẽ bênh vực cho ông vô tội, vô hình chung họ đã đồng ý với tất cả những việc làm của ông,  chẳng qua là họ chưa dám bày tỏ chính kiến một cách chính trực như ông mà thôi. Đối với kinh nghiệm của tôi trước đây cũng vậy. Khi tôi yêu cầu cơ quan an ninh cho phép tôi thuê luật sư thì họ nói rằng, "anh là luật sư, anh có thể tự cãi cho mình, cần gì phải thuê luật sư..." Tôi có nói với họ, không phải tôi không cãi được, nhưng tôi muốn mời luật sư để chứng tỏ những quan điểm đấu tranh không phải là chỉ có một mình tôi mà tất cả các luật sư khác đều có cùng quan điểm. Cho nên việc nhiều luật sư tham gia bào chữa cho ông Cù Huy Hà Vũ là một việc làm rất tốt. Một điều rất đáng khích lệ.
Ông Nguyễn Bắc Truyển: Tôi thấy nhiều luật sư tham gia vào bào chữa cho ông Cù Huy Hà Vũ là việc khích lệ cho bản thân ông Hà Vũ cũng như cho gia đình ông. Về mặt tinh thần tôi thấy rất tốt, có rất nhiều cơ hội để có thể tranh luận hay tranh tụng tại phiên tòa. Tuy nhiên những vụ án chính trị chúng ta không biết định mức xét xử như thế nào, mức án như thế nào? Đó là một bản án bỏ túi cho nên tôi cũng không tin phiên tòa sẽ diễn ra công bằng. Vụ án Cù Huy Hà Vũ đã vượt quá phạm vi một quốc gia rồi. Hồ sơ cũng đã được gởi tới Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Đây là một hướng đi mới tôi nghĩ cũng rất tốt, vì vấn đề nhân quyền là vấn đề được phổ cập hiện nay trên phạm vi toàn cầu. Tôi cũng hy vộng vụ án Cù Huy Hà Vũ cũng sẽ được hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc quan tâm.
Việt Hùng: Chúng tôi xin thay mặt quý thính giả Đài Á Châu Tự Do cám ơn luật sư Nguyễn Văn Đài và cử nhân luật Nguyễn Bắc Truyển đã tham dự cuộc Hội luận chính trị liên quan đến Điều 88 Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 2983 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0