Phạm Trần
"Nhiệm
kỳ Quốc hội khóa XII đang dần khép lại, nhưng dư âm và ấn tượng tốt đẹp
chắc sẽ còn đọng mãi. Nhìn lại chặng đường gần bốn năm hoạt động, chúng
ta có thể nói rằng, với tâm niệm phải làm gì để xứng đáng với lòng mong
đợi và sự tin cậy của nhân dân, các vị đại biểu Quốc hội đã luôn nêu
cao tinh thần trách nhiệm, gắn bó mật thiết với cử tri, đi sát cơ sở,
nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri để phản ánh với Quốc
hội, tích cực nghiên cứu, tham gia quyết định các vấn đề hệ trọng của
đất nước.”
Đó là lời nói không đúng sự thật của Nguyễn Phú
Trọng, Chủ tịch Quốc hội, Tổng Bí thư đảng trong bài phát biểu bế mạc
phiên cuối cùng của Kỳ họp 9, Quốc hội khóa XII, ngày 29 tháng 03
(2011).
Tại sao không đúng ?
Bởi vì trong bốn năm qua,
Quốc hội chỉ làm được một việc duy nhất có ý nghĩa lập pháp lịch sử vào
ngày 19 tháng 06 năm 2010 khi bác dự án đề nghị của Chính phủ làm đường
sắt cao tốc nối liền Hà Nội và Sài Gòn.
Với 439 đại biểu hiện
diện, kết qủa bỏ phiếu có 208 đại biểu không tán thành; 185 đại biểu tán
thành và 34 đại biểu không biểu quyết.
Nhà nước dự trù đầu tư
55,85 tỷ Mỹ kim cho kế hoạch trong khi chưa nghiên cứu chứng minh được
nguồn lợi kinh tế do đường cao tốc mang lại và những khó khăn về địa
lý và phí tổn di dời dân cư dọc theo tuyến đường này.
Cũng may
cho đất nước, vì nếu Quốc hội đồng ý thì bây giờ đã mắc kẹt với dự án
đường tầu cao tốc xuyên Đông Nam Á của Tầu đi qua Việt Nam để sang Lào
và Cao Miên trước khi đến Miến Điện, xuống Mã Lai và Tân Gia Ba.
Theo
báo chí Bắc Kinh, dự án của Tầu đã được các nước trong Hiệp hội các
Quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam chấp thuận tại kỳ họp ở Miến
Điện cách nay nhiều năm. Thế mà Quốc hội không hề được nhà nước hỏi ý,
trong khi dân thì mù tịt là chuyện tất nhiên.
Nhưng Nhà nước thì vẫn oang oang vỗ miệng : Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền do nhân dân làm chủ.
Cho
đến bây giờ, sau ba tháng báo chí Tầu loan tin kế hoạch đường sắt đi
vào lãnh thổ Việt Nam mà chuyện chủ quyền lãnh thổ của mình vẫn chưa
thấy đảng, chính phủ và Quốc hội Việt Nam điếm xỉa tới.
Sự im
lặng đáng sợ này đã nói lên hành động vô trách nhiệm của hệ thống cầm
quyền đối với sự sống còn của dân tộc và sự tồn vong của đất nước.
Nhưng
phiá đảng và nhà nước vẫn chủ trương đem dự án làm đường sắt ra Quốc
hội khoá XIII sẽ bầu xong ngày 22 tháng 5 (2011). Một trong những
người kiên quyết phải làm đườngcao tốc là Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ
tướng thường trực.
Hiện nay ở Hà Nội đang có tin dồn Hùng sẽ được
bầu làm Chủ tịch Quốc hội thay Nguyễn Phú Trọng. Nếu việc này xẩy ra
thì nguy cơ không chận được kế họach làm đường sắt cho Tầu nối liền với
Việt Nam càng lớn.
Bằng chứng như lời tuyên bố tại Quốc hội ngày 24-03(2011) của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng (Đại biểu Tỉnh Dăk Lăk): "Là
đại biểu của dân bầu, chúng ta phải đại diện cho ý chí, nguyện vọng của
người dân nên phải biết lắng nghe ý kiến của họ. Ví như kỳ họp trước,
khi thảo luận về dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam, QH rất dân chủ, lắng
nghe ý kiến cử tri và các đại biểu đã quyết định chưa thông qua dự án
trên. Tuy nhiên, qua theo dõi tôi thấy có vẻ chúng ta vẫn sẽ quyết tâm
làm đường sắt cao tốc. Tôi đã lên tàu cao tốc của Đài Loan và thấy một
toa tàu rất rộng nhưng chỉ có hai người khách, quá lãng phí. Vì thế, tôi
mong đại biểu QH khóa tới cần có chính kiến về điều này.”
Do đó khi Trọng tuyên bố :
"Các vị đại biểu Quốc hội đã luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, gắn bó
mật thiết với cử tri, đi sát cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến
nghị của cử tri để phản ánh với Quốc hội, tích cực nghiên cứu, tham gia
quyết định các vấn đề hệ trọng của đất nước” là hoàn toàn không thành thật với cử tri.
Vì,
nếu các Đại biểu Quốc hội, kể cả Nguyễn Phú Trọng đã biết cùng ăn, cùng
ở với dân, biết chia sẻ gánh nặng tinh thần và vật chất với dân, nghe
được tiếng than bị đàn áp của dân, cảm thông được cái đói, cái rét và
nỗi khốn cùng của dân thì đất nước đâu còn tình trạng người bóc lột
người, đâu còn cảnh "đồng chí sợ đồng đội” hơn sợ kẻ thù , và tình trạng
nhân dân nổi lên đòi công lý trừng phạt những công an, cảnh sát ngang
nhiên đánh dân chết giữa ban ngày vẫn không bị pháp luật trừng trị và
nạn cán bộ, đảng viên có chức có quyền cướp đất của dân, dưới danh nghĩa
quy họach cho các dự án kinh tế, xây dựng đã hết sạch trong xã hội từ
lâu rồi.
Như vậy chẳng lẽ những hành động cậy thế, cậy quyền của
cán bộ đảng viên ngang ngược đàn áp dân đang diễn ra hàng ngày và ở
khắp nơi khắp chốn không đến tai Quốc hội hay sao mà Chủ tịch Quốc Hội,
Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng vẫn có thể khoe khống trong diễn văn
bế mạc Quốc hội rằng : "Quốc hội đã có nhiều đổi mới mạnh mẽ, nâng
cao hiệu quả hoạt động lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề
quan trọng của đất nước.”
Nếu Quốc hội có quyền giám sát, thanh tra việc làm của nhà nước đúng như Điều 83 của Hiến pháp 1992 quy định như : "Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước”
thì việc để cho Tầu nhẩy vào khai thác Bauxite trên Tây Nguyên, cho các
Công ty người Tầu ở Trung Hoa, Hồng Kông và Đài Loan thuê đất trồng cây
kỹ nghệ dài 50 năm không thể nào xẩy ra.
Ngoài ra Điều 84 của Hiến pháp này cũng cho phép Quốc hội có quyền :
”Quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…. Bầu,
miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc
hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các ủy viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội,
Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện
kiểm sát nhân dân tối cao; phê chuẩn đề nghị của Chủ tịch nước về việc
thành lập Hội đồng quốc phòng và an ninh; phê chuẩn đề nghị của Thủ
tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng,
Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ.”
Nhưng trong
thực tế Quốc hội không được phép làm vì nếu Ban Thường vụ Quốc hội
không đồng ý thì dù yêu cầu của các Đại biểu có hợp lòng dân cách mấy
cũng không đi đến đâu.
Bằng chứng đã xẩy ra với yêu cầu Quốc hội
lập Ban điều tra dự án khai thác Bauxite có lợi cho Tầu; Vụ làm ăn thua
lỗ nghiêm trọng làm thiệt hại 86,000 tỷ đồng (theo con số chính thức của
nhà nước) của Công ty Tầu Thủy Việt Nam, Vinashin; Đề nghị của Đại biểu
Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đòi Quốc hội điều tra và bỏ phiếu tín
nhiệm những thành viên Chính phủ có trách nhiệm trong vụ tầu chìm
Vinashin, trong đó có Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng và một số Bộ trưởng
liên quan đã bị chận đứng.
Cụ thể như Báo Pháp Luật, Thành phố Hồ Chí Minh đã viết ngày 30-03-011 : "Cũng
liên quan đến nội dung này, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết chiều
28-3, Thường vụ QH đã họp, thảo luận và cân nhắc đề xuất của một số ĐB
về việc thành lập ủy ban lâm thời điều tra, xử lý các sai phạm ở
Vinashin. Theo đó, "vấn đề này đã và đang được các cơ quan có trách
nhiệm của Đảng và Nhà nước xem xét xử lý giải quyết theo thẩm quyền. Vì
vậy, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị QH không lập ủy ban lâm thời để điều
tra”.
Trước đó, tháng 11 năm 2010, Báo điện từ ViệtNamNet đưa tin :
"Ngày 11/11, Uỷ ban Thường vụ QH đã có văn bản trả lời ĐB Thuyết về việc chưa cần thiết thành lập (Ban Điều tra).
Chủ
tịch QH Nguyễn Phú Trọng trình bày thêm, ngay khi nhận được đề xuất ĐB
Thuyết gửi lên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã hội ý sớm để trả lời ĐB
nhanh nhất.
Theo Chủ tịch Quốc hội, tình hình hiện nay vẫn đang
được xem xét với mục tiêu phải vực dậy Vinashin, không để tập đoàn bị
phá sản.
Về việc xem xét trách nhiệm, các cơ quan điều tra, thanh
tra, kiểm tra, kiểm toán của Đảng đều đang làm. Đây là bài học đau xót
để củng cố các tập đoàn và DNNN nói chung. Vấn đề bây giờ là trách nhiệm
đến đâu, xử lý thế nào.
"Để phân định được trách nhiệm đến
đâu thì Uỷ ban kiểm tra TƯ của Đảng đang được giao làm rõ. Vậy QH có nên
có thêm uỷ ban để vào cuộc nữa không, hay lại làm rối tình hình, chồng
chéo", Chủ tịch Quốc hội nói.
Cũng theo Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng, nếu để lập Uỷ ban phải tính chuyện ai tham gia và làm thế nào.
"Quốc
hội đang họp, bàn bao nhiêu dự án luật, rồi Đại hội Đảng các cấp, rồi
lũ lụt miền Trung, rồi các sự kiện đối ngoại, bao nhiêu là việc. Chính
vì vậy chúng tôi trả lời ĐB Thuyết là chưa lập uỷ ban lâm thời. Vì để QH
lập uỷ ban, đi điều tra, rồi đến lúc đưa ra báo cáo với QH và ra được
Nghị quyết thì cũng mất thời gian lắm", ông Trọng cho hay.” (Báo VNNet, 24-11-2010)
Khi
đưa ra những lời tuyên bố "bảo hòang hơn Vua” này thì Trọng chưa được
bầu làm Tổng Bí thư đảng. Đến ngày 19/01/2011 chuyện này mới xẩy ra.
Phản
ứng về việc Quốc hội không làm tròn bổn phận theo Hiến pháp còn được
Đại biểu Trần Đình Long (Dăk Lăk) chứng minh ngày 24-03 (2011) :
"Luật đã cho phép QH được bỏ phiếu tín nhiệm đối với các thành viên
Chính phủ. Đây là một biện pháp rất tốt, qua bỏ phiếu chúng ta sẽ đánh
giá được uy tín, giúp các thành viên Chính phủ hoạt động tốt hơn. Bởi
chỉ cần thành viên đó mất một phiếu tín nhiệm thì "anh” phải rút kinh
nghiệm, xem lại mình. Tương tự, qua giám sát, nếu phát hiện những sai
sót của các đơn vị thì QH có quyền đưa ra kết luận đình chỉ, tạm dừng
hoạt động đơn vị đó. Thế nhưng chúng ta lại không dám quyết, mà chỉ đưa
ra kiến nghị. Đã là kiến nghị thì người ta thích thì thực hiện, không
thì thôi. Làm như thế có nghĩa là chúng ta đang tự mình bó tay mình.
Những vấn đề trên, chúng ta cần phải rút kinh nghiệm.”
Thực
tế như thế mà Nguyễn Phú Trọng vẫn có thể nói dối dân với những lời khen
tặng không biết xấu hổ dành cho Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết và Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Trọng nói hôm bế mạc kỳ họp 9 : ”Chủ
tịch nước với tư cách là một định chế trong tổ chức quyền lực nhà nước,
đã có nhiều đóng góp tích cực vào hoạt động đối nội, đối ngoại, xây dựng
khối đại đoàn kết dân tộc. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều
cố gắng trong tổ chức thực hiện, điều hành quản lý đất nước, quản lý xã
hội một cách năng động, quyết liệt, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của
cuộc sống. Các cơ quan tư pháp đã từng bước đổi mới theo lộ trình cải
cách tư pháp và có nhiều tiến bộ trong công tác điều tra, truy tố, xét
xử, thi hành án, kiểm sát hoạt động tư pháp. Những kết quả đó đã đóng
góp to lớn vào những thành tựu chung của đất nước.”
Lời nói
này chẳng khác gì gáo nước lạnh tạt vào mặt nhân dân, những công nhân
lao động đầu tắt mặt tối và những nông dân nghèo nàn đang ngày đêm lao
động, cầy sâu, cuốc bẫm bán mồ hôi, nước mắt để nuôi những kẻ cầm quyền
chỉ biết bao che cho nhau dù có làm hại dân đến mức nào chăng nữa.
Với
4 năm của Quốc hội và 4 năm của nhiệm kỳ Chính phủ, nhà nước Việt Nam
đã làm gì cho dân thì cả thế giới đã biết. Người dân có đủ cơm ăn, áo
mặc và con cái họ có được cắp sách đến trường bình đẳng như con cán bộ,
đảng viên hay không thì đứa trẻ lên 5 ở Việt Nam cũng đã biết.
Cái
nhà nước này có chống nổi tham nhũng, chặn đứng được tệ nạn mua quan,
bán chức, mua bằng, bán cấp chưa thì đến kẻ câm, người điếc cũng biết,
không cần phải kẻ mắt sáng mà lòng dạ tối tăm trong đảng và nhà nước
khoe khoang thì mọi người mới hay.
Vì vậy, lãnh đạo Đảng hãy banh
tai ra mà nghe Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết của Tỉnh Lạng Sơn phát biểu
trong phiên họp cuối cùng của Khoá Quốc hội XII : "Trong Báo cáo của
Chính phủ tôi thấy có rất nhiều điều tán thành, nhiều điều chia sẻ.
Nhưng có một điều mà nó át tất cả những tán thành, những chia sẻ ấy
chính là về vụ Vinashin. Có thể nói sau khi công bố Báo cáo của Phó Thủ
tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng rất nhiều cử tri gọi điện cho tôi,
người ta đặt những câu hỏi mà tôi thấy rất khó trả lời.
Câu hỏi
thứ nhất là tại sao Bộ Chính trị lại kết luận như vậy trước khi có kết
luận thanh tra, đành là cái nhìn của Đảng rộng hơn thanh tra nhiều lắm,
nhưng ít nhất phải có cơ sở kết luận của thanh tra đã.
Thứ hai,
tại sao Bộ Chính trị thông báo với Quốc hội không ký một văn bản để
thông báo, mà lại thông báo qua đồng chí Phó Thủ tướng thường trực qua
Báo cáo của Chính phủ.
Thứ ba, cử tri cũng muốn biết đồng chí A,
đồng chí B trong Chính phủ có những hạn chế gì, có những ưu điểm gì
trong điều hành Vinashin, trên cơ sở đó cử tri người ta dễ nhất trí nếu
như mình thấy rằng không đến mức phải kỷ luật. Tôi cho chỗ này nên công
bố một cách rất rõ ràng như thế. Nếu không cử tri rất buồn, người ta rất
phân vân và Quốc hội chúng ta không hoàn thành được nhiệm vụ với cử
tri, Chính phủ cũng không hoàn thành được nhiệm vụ với cử tri.
Lúc
nãy phát biểu trước tôi đại biểu Đặng Như Lợi có kiến nghị Quốc hội cần
hoàn thành nốt món nợ với cử tri, từ nay đến tháng 7 cũng cần phải lập
Ủy ban lâm thời để điều tra về trách nhiệm của các đồng chí trong Chính
phủ và có một kết luận để cho nhân dân tán thành, người ta được yên tâm.
Trước
đây tôi có đề nghị vấn đề này, nhưng sau khi nhận được ý kiến của
Thường vụ trả lời thì tôi cũng nhất trí, bởi vì tôi nghĩ thời điểm rất
tế nhị, đấy là thời điểm trước Đại hội Đảng, nếu không khéo thì mình lại
nghĩ có ý này, ý khác. Nhưng bây giờ Đại hội xong rồi, kết quả tốt đẹp,
bây giờ tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn có thể làm vấn đề này một cách đàng
hoàng để cho nhân dân không băn khoăn, thắc mắc gì cả. Chúng tôi xin đề
nghị Thường vụ cân nhắc và cho ý kiến sớm về vấn đề này.”
Rất
tiếc, đề nghị chí tình, hợp lòng dân của Đại biểu Thuyết, một lần nữa
đã bị Ban Thường vụ Quốc hội vứt vào sọt rác như tuyên bố ngày 28-03
(2011) của Phó Chủ tịch Quốc Hội Uông Chu Lưu.
Như vậy, không
ai khác hơn, chính những người có quyền trong cái Ban Thường vụ Quốc hội
do Nguyễn Phú Trọng đứng đầu đã giết chết nhiều ý kiến giúp Nhà nước
Việt Nam biết mở mắt nhìn ra bên ngòai để không xấu hổ với nhân dân,
nhưng có lẽ họ đã quen sống trong bóng tối nên sợ ra ngoài thì sẽ bị
người ta nhìn thấy mặt nạ chăng ? -/-
Phạm Trần (03/2011)
|