Thứ Bảy, 2024-04-20, 5:59 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2011 » Tháng Mười Hai » 2 » Một ngày ở trung tâm bảo trợ xã hội
10:25 PM
Một ngày ở trung tâm bảo trợ xã hội

Quỳnh Chi, phóng viên RFA

Một nhóm sinh viên thiện nguyện đến thăm Trung tâm bảo trợ xã hội Tân hiệp, huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước, thuộc sở LĐ-TBXH.


Hình do Thành Nguyễn cung cấp. Một buổi lễ cầu nguyện hiếm hoi cho các học viên theo đạo Công giáo.

Bị đối xử như con vật


Họ kể về những gì chứng kiến tại trung tâm bảo trợ xã hội ấy:

"Nhà có 2 phòng lớn, giữa có 2 lối đi, có cổng khóa lại. Lúc chúng tôi lên thăm là vào giờ ăn trưa, cũng là lúc có những người đi làm rẫy cao su về. Khi mọi người ăn xong thì về phòng nghỉ trưa và được khóa lại như một cái chuồng và những người ở trong đó sẽ không được đi đâu cả. Có nghĩa là họ được thả ra đi làm, cho ăn và nhốt vô lại.”

Đó là những gì mà Thành Nguyễn, một tình nguyện viên của đoàn thiện nguyện nhìn thấy đầu tiên khi đến TT bảo trợ xã hội Tân Hiệp. Băng qua hàng chục km đường rừng, trung tâm này nằm lạc lõng giữa bốn bề rừng cao su. "Bất ngờ” là ấn tượng đầu tiên mà Thành có thể diễn tả, bởi theo anh, con người nơi đây được đối xử chẳng khác nào những con vật biết suy nghĩ. Trừ lúc bị "lùa” lên xe ra ngoài làm lao động, những ai bị bắt vào đây đều sinh hoạt trong những cái "chuồng” lớn có khóa và được quản lý bởi những "thầy, cô” – hay còn gọi là quản giáo:

"Mỗi khi có đoàn cứu trợ đến thăm thì luôn có quản giáo hướng dẫn một số nơi được tham quan. Và cơ hội tiếp xúc với những học viên thì không nhiều. Đại khái là luôn có một sự kèm cặp rất kỹ.”

Nhà ngủ và nhà ăn nằm riêng biệt trong khuôn viên trung tâm, chia ra thành từng phòng. Mỗi một phòng ngủ có giường tầng rộng chừng 2,5 mét, dài 10 mét đủ cho khoảng hai mươi người, luôn được khóa cẩn thận. Thứ giải trí duy nhất của các học viên là cái TV ở giữa căn phòng lớn. Khuôn viên Trung tâm bảo trợ Tân Hiệp có một sân nhỏ, được bao quanh bởi một bờ tường kín đáo. Nhưng đó không phải là nơi sinh hoạt của những người bị bắt vào đây. Anh Thành nói tiếp:

"Khuôn viên trung tâm thì có nhưng những học viên này không hề được sinh hoạt. Nghĩa là mỗi lần được ăn xong là nhốt vào trong nhà và không được ra ngoài sân. Những học viên trong đó nói như thế. Và tôi cũng chứng kiến cảnh họ ăn xong và cửa bị khóa lại. Đi đâu cũng vậy, cũng phải ngồi xếp hàng chờ đến khi được kêu, giống như trong quân đội vậy. Chẳng hạn trước khi đi ăn, họ ngồi xuống thành từng hàng, chờ quản giáo kêu thì mới được đi.”

basotro-200.jpg
Các học viên ngồi xếp hàng chờ kêu đi ăn cơm. Hình do Thành Nguyễn cung cấp

Khi đến thăm trung tâm, đoàn thiện nguyện tổ chức một bữa ăn trưa tập thể cho các học viên. Trong một đoạn clip quay lại cảnh này, hàng trăm học viên trong bộ đồng phục màu xanh xì xụp "húp lấy húp để” từng bát hủ tiếu to, liên tục khen ngon. Theo họ, ở Trung tâm họ hiếm khi được ăn thịt; thức ăn quý nhất là cá rẻ tiền. Theo lời kể, những học viên này được phát 2 bộ đồ, mỗi năm được cắt tóc một lần. Họ sống tách bạch với thế giới bên ngoài, không hề có điện thoại và nhiều người không thể có cơ hội liên lạc về nhà:

Khi mọi người ăn xong thì về phòng nghỉ trưa và được khóa lại như một cái chuồng và những người ở trong đó sẽ không được đi đâu cả. Có nghĩa là họ được thả ra đi làm, cho ăn và nhốt vô lại.

Anh Thành Nguyễn

"Lần đến thăm ấy tôi có đi cùng một số người Công giáo và tổ chức một buổi lễ cho khoảng 70 học viên Công giáo. Trong lúc làm lễ thì xung quanh quản giáo đứng rất nhiều. Khi đoàn đi thì tôi tách ra đi một mình và có cơ hội nói chuyện với nhiều người. Họ rất phấn khởi và nhờ tôi gọi điện thoại về nhà. Họ nhắn nhờ người nhà lên đón về”.

Trong số những người nhờ đoàn thiện nguyện nhắn tin về nhà, có một thanh niên trẻ trẻ tự xưng mình tên là Chí Linh, khẩn thiết yêu cầu được về nhà. Liên lạc với số điện thoại mà người thanh niên này cho biết, chúng tôi nói chuyện được với mẹ vợ cũ của anh và được bà cho biết:

"Hoàn cảnh nó khổ lắm. Tôi thấy hoàn cảnh như thế tôi gả con cho mà không cần đòi hỏi gì cả. Hai đứa ở với nhau được một đứa con thì chia tay nhau vì Chí Linh có bệnh động kinh. Từ đó, Chí Linh trôi dạt từ nơi này đến nơi khác. Lúc còn ở nhà tôi thì Chí Linh có giấy tờ. Nhưng sau khi trôi dạt thì nó mất hết giấy tờ và bị bắt vào trung tâm bảo trợ xã hội”.

Không biết ngày về

Mỗi người ở Trung tâm này là một câu chuyện, có người bị gia đình ruồng rẫy, có người không có nổi một nghề nghiệp đàng hoàng, có người trôi dạt xa xứ…nhưng tất cả đều có một điểm chung là không đưa ra được giấy tờ tùy thân trong những đợt càn quét.

Không chỉ riêng Trung tâm bảo trợ xã hội Tân Hiệp, các trung tâm bảo trợ xã hội thường được người ta biết đến như một nơi cưu mang và phục hồi nhân phẩm cho những cảnh đời cơ nhỡ. Tuy nhiên, một khi những số phận cơ nhỡ cũng được định nghĩa là những người không mang theo giấy tờ tùy thân, thì việc một người hoàn toàn có gia đình bị bắt vào đây là chuyện thường thấy. Và anh Chí Linh là một trường hợp.

Chúng tôi liên lạc với anh Tâm, em trai Chí Linh và được anh cho biết, sau khi được nhóm thiện nguyện nhắn tin về anh mình, anh Tâm đã hai lần lên Trung tâm đón anh về, nhưng không thành công. Anh nói:

"Tôi đã nộp đầy đủ giấy tờ (gồm giấy xác nhận tôi là em anh Chí Linh và giấy cam kết mang anh Chí Linh về nhà và không để anh rơi vào tệ nạn xã hội. Họ chỉ nhận hồ sơ và cho biết là sẽ nói với cấp trên. Họ cũng yêu cầu tôi để lại số điện thoại và nói rằng khi nào có thể trả Chí Linh về thì họ báo. Tôi gặp anh tôi và anh rất mừng. Tôi hỏi anh cuộc sống trong đó ra sao và có bị động kinh thường xuyên không. Anh năn nỉ tôi cố gắng mang anh về nhà để anh cố gắng làm ăn.”

Những học viên nơi đây có những người đã ở đây đến 8-9 năm, có những người vừa ở đây vài tháng. Đó là điểm khác nhau giữa họ, và điểm chung của họ là ngay cả chính bản thân họ cũng không biết bao giờ mình mới được chứng minh là đã đủ điều kiện trở về cuộc sống bình thường. Anh Thành cho biết:

baotro-200.jpg
Một học viên cho xem thẻ ghi số tiền lưu hành nội bộ. Hình do Thành Nguyễn cung cấp

"Đáng lẽ một trung tâm bảo trợ xã hội phải giúp con người hòa nhập với cuộc sống bình thường để cuộc sống họ tốt hơn, chứ không phải giam cầm và cưỡng bức họ. Bởi vì nếu muốn đào tạo thì phải có một chương trình rõ ràng. Nghĩa là họ phải được ăn, được lao động và phải được giáo dục. Nếu giáo dục thì giáo dục cái gì họ thiếu, và phải quy định trong thời gian bao lâu họ có thể trở về cuộc sống bình thường.

Vấn đề là ai sẽ cấp giấy chứng minh là họ đã phục hồi nhân phẩm. Quyết định những học viên này phục hồi nhân phẩm hay chưa là quyền của trung tâm chứ không phải của học viên. Họ bị cưỡng bức lao động bao lâu thì vấn đề tùy thuộc vào người quản lý.”

Vậy thì những người bị bắt vào các trung tâm này phải làm gì ở đó?

"Họ phải lao động hai năm. Sau đó nếu được đánh giá tốt, họ sẽ được đi học nghề. Nhưng học nghề xong thì cũng chưa biết có được về hay không hay là phải ở đó phục vụ. Trong những người tôi tiếp xúc ngày hôm đó, không có ai được đi học nghề cả. Chỉ có một người lớn tuổi cho biết ông vào đây được một năm rưỡi và đang chờ đủ hai năm để được đi học nghề. Những công việc lao động có thể là làm rẫy cao su hoặc khi những khu công nghiệp gần đó cần người thì họ lại được chở đi lao động”.

Tất cả những ai vào đây đều phải đi lao động mỗi ngày. Mỗi tháng, họ được trả 200 ngàn tiền lương, nhưng đó chỉ là một dạng tiền lưu hành nội bộ, in thành số trong một cái thẻ – thường được dùng để mua sắm lặt vặt tại căn-tin Trung tâm.

Trong suốt đoạn video dài 20 phút quay cảnh sinh hoạt nơi đây, có lẽ cảnh cảm động nhất là cảnh những học viên chìa tay ra cửa sổ nhắn tin về gia đình khi đoàn thiện nguyện ra về. Đối với nhiều người, đây là cơ hội duy nhất để gia đình có thể biết là họ còn sống.

Quyết định những học viên này phục hồi nhân phẩm hay chưa là quyền của trung tâm chứ không phải của học viên. Họ bị cưỡng bức lao động bao lâu thì vấn đề tùy thuộc vào người quản lý.

Anh Thành Nguyễn

"Mỗi người là một bi kịch khác nhau. Có những người bị gia đình ruồng bỏ thì việc ở nơi đây là một cái may mắn. May mắn của họ là được ăn và được ngủ. Nhưng xét về mặt tự do cơ bản của con người thì hoàn toàn bị đánh mất. Đó là một điểm bất công lớn nhất.”

Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch hôm tháng 9 vừa cho ra bản báo cáo nói về tình trạng cưỡng bức lao động ở những trại cai nghiện Việt Nam. Lâu nay cũng đã có những câu chuyện khiến người ta nghi ngờ về tình trạng cưỡng bức lao động tại các trung tâm phục hồi nhân phẩm và bảo trợ xã hội. Ngoài những học viên nơi đây, không ai dám chắc chắn về tính thực hư hoặc tính nghiêm trọng của tình trạng này. Tuy nhiên, những việc xảy ra tại một trung tâm bảo trợ xã hội như Trung tâm Tân Hiệp khiến người ta càng có lý do để tin rằng những quan ngại này không phải không có cơ sở.

Mời quý vị chia sẻ ý kiến tại QUYNHCHI@RFA.ORG

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 397 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0