Song Chi
Theo aotrangoi
Nếu có thể nhận xét một cách ngắn gọn về tình hình Việt Nam dưới
sự lãnh đạo của đảng/nhà nước cộng sản cho đến thời điểm này-năm 2012,
đó là một đất nước, một xã hội và một dân tộc hoàn toàn bị bỏ ngỏ.
Bỏ ngỏ, bỏ mặc cho cái xấu, cái ác hoành hành khắp nơi. Một tình
trạng vô pháp luật lan tràn từ trên xuống dưới. Ðảng và nhà nước cộng
sản Việt Nam đã hoàn toàn không thể điều hành, kiểm soát, quản lý được
bất cứ cái gì.
Chỉ trừ duy nhất một điều: Bằng vào lực lượng công an, quân đội và sự
dính kết quyền lợi chặt chẽ dây mơ rễ má của cả một hệ thống phe nhóm
lợi ích sau thời gian cầm quyền quá dài, nên họ vẫn giữ được chế độ. Vẫn
khống chế được nhân dân không để cho bất cứ một cuộc cách mạng dưới bất
cứ hình thức nào có thể xảy ra.
Còn lại mọi lĩnh vực khác là hoàn toàn bất lực.
Tình trạng lạm phát, nhiều tập đoàn doanh nghiệp nhà nước làm ăn
thiếu hiệu quả, thua lỗ nặng gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho nền kinh tế
quốc gia, hay nạn ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn… đã là "chuyện
muôn năm cũ”. Năm mới chỉ vừa bắt đầu mà người dân đã phải chứng kiến
thêm nhiều chuyện rối ren, bất ổn, trái tai gai mắt, đang diễn ra trong
xã hội.
Hàng loạt vụ cháy nổ xe máy, ô tô, trong đó có những vụ chết người,
vẫn chưa tìm ra nguyên nhân. Phóng sự điều tra của báo Thanh Niên "Kinh
hoàng ‘công nghệ’ xăng dỏm” cho thấy nguyên nhân có thể từ chất lượng
xăng. Nhưng chờ cho đến lúc có được kết luận chắc chắn từ phía các cơ
quan có trách nhiệm, từ đó tìm ra biện pháp ngăn chặn, khắc phục thì…
còn lâu. Xe tiếp tục cháy, tai nạn tiếp tục xảy ra.
Cũng như tình trạng xăng "bẩn”, xăng pha chế, các mặt hàng thực phẩm
hư thối, có hóa chất độc hại hoặc bị nhiễm vi sinh… tràn lan khắp nơi,
nhất là vào những ngày trước Tết. Từ cung cách làm ăn gian dối, vì lợi
nhuận bất chấp tất cả của những người cung cấp/buôn bán/chế biến thiếu
lương tâm, cộng thêm sự lơi lỏng, bất lực trong quản lý của các cơ quan
có trách nhiệm, đã tạo nên môi trường thuận lợi khiến cho kiểu làm ăn
này có thể diễn ra trong một thời gian dài.
Trong tháng 1, có hai vụ án gây chấn động dư luận đã được đưa ra xét
xử: Vụ Lê Văn Luyện giết người cướp của tại một tiệm vàng ở Bắc Giang và
vụ nguyên trung tá Nguyễn Văn Ninh, phường Thịnh Liệt, Hà Nội, đánh gẫy
cổ một người dân chỉ vì không đội mũ bảo hiểm.
Vụ án Lê Văn Luyện tiếp tục gióng lên tiếng chuông báo động về tình
trạng tội phạm ở tuổi vị thành niên và mức độ dã man ngày càng tăng.
Cũng là sự bất lực của nhà cầm quyền trong việc giảm thiểu cái ác khi số
vụ trọng án ngày càng nhiều.
Chỉ có một điều còn lấn cấn trong tâm trí người viết, đó là thái độ,
cách nghĩ của nhiều người trước mức án 18 năm tù dành cho Lê Văn Luyện.
Không chỉ nhiều người đòi sửa luật để có thể tử hình Luyện mà khi vụ án
vừa xảy ra, nếu tình cờ vào đọc một số diễn đàn trên facebook sẽ thấy vô
số comment ném đá vào Luyện. Ðủ loại hình thức tra tấn dã man, kinh
khủng nhất được đề nghị dành cho sát thủ này. Ðọc xong cứ thấy rợn
người.
Vụ án Lê Văn Luyện, một lần nữa khiến mỗi người Việt chúng ta nên
giật mình nhìn lại cái xã hội mà chúng ta đang sống và nó đã ảnh hưởng
thế nào đến cách nghĩ của mỗi người trước tội ác, tội phạm… mà chúng ta
không hay. Báo chí vô tình cũng góp phần kích động tâm lý người đọc qua
cách đưa tin dày đặc về vụ án, và kết quả phiên tòa.
Trong khi đó, cũng là giết người, dù hai câu chuyện, hai hoàn cảnh
khác nhau, vụ tay trung tá Nguyễn Văn Ninh đánh gẫy cổ ông Trịnh Xuân
Tùng thì báo chí đưa tin ít hơn hẳn. Cũng không thấy bình luận gì về
việc Nguyễn Văn Ninh chỉ bị 4 năm tù. Còn ít hơn cả vụ tay thiếu úy công
an Nguyễn Thế Nghiệp đánh chết anh Nguyễn Văn Khương ở Bắc Giang năm
2010, cũng cùng một lý do: Không đội mũ bảo hiểm. Có lẽ do cấp bậc cao
hơn nên… xử nương tay hơn chăng?
Ðây cũng là những vụ hiếm hoi được đưa ra xét xử trong số hàng chục,
hàng trăm vụ công an đánh chết người chỉ vì những lý do nhỏ nhặt hoặc
đang trong quá trình tạm giữ để điều tra.
Tháng 9 năm 2010, tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền (Human Rights Watch) đã
từng ra tuyên bố chính quyền Việt Nam cần phải nhanh chóng mở các cuộc
điều tra minh bạch về hàng loạt ca tử vong do công an sử dụng vũ lực gây
chết người. Tổ chức này ghi nhận được 19 trường hợp công an bạo hành
dẫn đến cái chết của 15 người, do chính báo chí nhà nước đưa tin trong
vòng 12 tháng.
Nhưng nhà nước Việt Nam đã không có động thái gì, dù biết tình trạng
lạm dụng quyền hành này nhiều phen làm xấu mặt nhà cầm quyền với thế
giới. Nhưng những người lãnh đạo cũng không dám trừng phạt giới công an,
vốn dĩ là tầng lớp con cưng, là cánh tay đắc lực trong việc đàn áp nhân
dân, góp phần giữ vững chế độ.
Mới đây công an lại bắt giam nhà báo Hoàng Khương của báo Tuổi Trẻ về
tội danh "đưa hối lộ”, như một hành vi trả thù một người chuyên viết
phóng sự điều tra về nạn mãi lộ của ngành công an giao thông. Mà ngay
báo Tuổi Trẻ cũng không dám có thái độ gì.
Sự lộng hành lạm dụng quyền lực trong giới quan chức từ địa phương
đến trung ương, vì quyền lợi câu kết với nhau để đàn áp nhân dân càng
phổ biến. Mà vụ nổ súng chống lại việc cưỡng chế thu hồi đất ở huyện
Tiên Lãng, Hải Phòng ngày 5 tháng 1 là ví dụ mới và "nóng” nhất.
Có đến hàng trăm bài viết về sự kiện này trên các tờ báo trong và
ngoài nước, các diễn đàn độc lập, trang blog cá nhân. Chuyện đúng, sai,
cái lý cái tình như thế nào đều đã được phân tích.
Qua vụ này, càng thấy rõ sự tàn ác bất chấp pháp lý đạo lý của các
quan chức thời nay đã vượt xa thời phong kiến, còn xét về mức độ nghiêm
minh của luật pháp, thì chế độ cộng sản hiện tại còn thua cả thời thực
dân Pháp.
Bởi chắc chắn rằng anh em ông Ðoàn Văn Vươn sẽ không có được một
phiên tòa xét xử đàng hoàng như trong vụ án đồng Nọc Nạn ngày xưa. Cho
dù báo chí dư luận lần này đã đứng về phía người nông dân thấp cổ bé
miệng bị đẩy vào đường cùng.
Xã hội rối ren. Những mâu thuẫn bất công, những sự ngạo ngược phi lý ngày càng nhiều.
Như một con bệnh ung thư giai đoạn cuối, xã hội Việt Nam sau một thời
gian quá dài phải chịu đựng một mô hình thể chế chính trị sai lầm đã
phơi bày tất cả khuyết tật nặng nề của chế độ.
Bản thân nhiều đảng viên cộng sản cũng nhận ra điều đó. Và trong giới lãnh đạo cao nhất, cũng không phải không nhận ra.
Hội nghị lần thứ tư ban chấp hành trung ương đảng khóa XI khai mạc tại
Hà Nội ngày 26 tháng 12 đã thảo luận "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng
đảng trong tình hình hiện nay”. Còn ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng,
trong bài phát biểu khai mạc hội nghị đã phải kêu gọi "chỉnh đốn đảng vì
sự tồn vong của chế độ” (theo VNExpress ngày 26.12).
Thật ra từ thời ông Tổng Nông Ðức Mạnh đã nói đến chuyện chỉnh đốn
đảng. Nhưng cho đến bây giờ thì việc chỉnh đốn này vẫn không đạt được
hiệu quả gì. Tình trạng đảng viên có chức quyền suy thoái về tư tưởng,
tha hóa về lối sống, quan liêu, xa rời quần chúng như ông Mạnh và ông
Trọng đề cập, ngày càng nặng nề hơn. Chẳng khác nào nạn tham nhũng, càng
hô hào chống thì tham nhũng càng tràn lan. Nhiều người mỉa mai: Càng
chỉnh càng đốn là vậy.
Ðó chính là sự bất lực lớn nhất của đảng và nhà nước cộng sản Việt
Nam. Không thể tự chỉnh đốn, sửa đổi nếu vẫn còn tiếp tục duy trì chế độ
độc đảng. Khi đảng cầm quyền không phải chịu bất cứ một cơ chế giám sát
nào của các đảng phái chính trị đối lập, từ tòa án, quốc hội cho đến
truyền thông đều phải chịu sự "lãnh đạo”, khống chế của đảng, còn nhân
dân thì đã hoàn toàn bị tước mất quyền "mở miệng”.
Nên đảng cứ ngày càng đổ đốn ra mà không chữa nổi.
baotoquoc.com
|