Tòa án Gia Lai vừa xử Mục sư Tin Lành Nguyễn Công Chính 11 năm tù giam vì tội Phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc theo Điều 87 Bộ Luật Hình sự.
Mục sư Chính, 43 tuổi, bị bắt từ tháng 4/2011, tức là gần một năm nay, mà cho tới giờ mới được mang ra xét xử.
Bà Trần Thị Hồng, vợ ông cho BBC hay phiên tòa của ông không có mặt luật sư bào chữa.
Đài Tiếng nói Việt Nam khi đưa tin nói phiên tòa được mở công khai, nhưng bà Hồng nói công an canh gác cẩn mật xung quanh và bản thân bà, với tư cách vợ ông Chính, phải "đấu tranh rất dữ dội" mới được vào bên trong.
"Chỉ có chủ tọa phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát và hội thẩm nhân dân, chứ ngay cả luật sư do tòa chỉ định cũng không có nên chồng tôi phải tự biện hộ."
Bà Trần Thị Hồng nói gia đình sẽ làm thủ tục kháng án trong vòng 15 ngày quy định "như yêu cầu của chồng tôi gửi từ trong tù ra", nhưng hiện đang phải tìm kiếm luật sư.
Mục sư Nguyễn Công Chính bị bắt hôm 28/4/2011 để điều tra tội Phá hoại chính sách đoàn kết., theo Điều 87 Bộ Luật Hình sự.
Ông Chính, tên thật là Nguyễn Thành Long, là trưởng Giáo hội Lutheran, một giáo hội theo Tin lành, ở Việt Nam. Trước đó, ông cũng làm trưởng ban truyền giáo của một hội thánh Tin lành Mennonite không được chính quyền cho phép hoạt động.
Giới chức khi đó nói đã "bắt giam đối tượng phản động Nguyễn Công Chính", không nói ông là mục sư mà chỉ cáo buộc ông đã "núp dưới vỏ bọc tôn giáo".
Cáo trạng của tòa hôm 26/3 cũng nói ông Chính đã "liên hệ, cấu kết với các đối tượng cơ hội chính trị trong và ngoài nước lập ra nhiều tổ chức, hội nhóm tôn giáo bất hợp pháp, nhận sự tài trợ của các tổ chức phản động lưu vong và tham gia tích cực vào các tổ chức phản động nhằm chống phá Nhà nước, phá hoại chính sách đoàn kết".
'Đặc biệt nghiêm trọng'
Chủ tọa phiên tòa Lê Văn Hà được Đài Tiếng nói Việt Nam dẫn lời nói: "Mặc dù đã được nhắc nhở nhiều lần nhưng bị cáo vẫn thực hiện hành vi vi phạm với cấp độ ngày càng nghiêm trọng hơn, gây hại cho đời sống xã hội."
'Hành vi phạm tội' của ông Nguyễn Công Chính cũng bị đánh giá là "đặc biệt nghiêm trọng, gây mất lòng tin của nhân dân đối với Nhà nước, gây bất ổn tình hình an ninh chính trị tại địa phương".
Ông Nguyễn Công Chính, cùng với cây bút Trần Khải Thanh Thủy, năm 2009 đã được Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam trao tặng giải thưởng Nhân quyền. Nay bà Thủy đã sang Hoa Kỳ định cư.
Mục sư Chính sinh năm 1969 tại Quảng Nam.
Năm 1985 ông cùng gia đình lên sinh sống tại vùng kinh tế mới ở Kon Tum. Ông đã từng có thời gian phục vụ trong quân đội.
Hiện mục sư Nguyễn Công Chính trú tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Vợ chồng ông có bốn con nhỏ.
Ban Tôn giáo Chính phủ vừa có trưởng ban mới là Trung tướng Phạm Dũng, người từng giữ vị trí Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh II, tức cơ quan chuyên trách về an ninh nội địa.
Phát biểu với BBC về bản án mới đối với mục sư Chính, ông John Sifton, Giám đốc về Vận động cho châu Á của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, nói hành động của chính phủ Việt Nam cho thấy Việt Nam "vẫn không tôn trọng tự do tôn giáo".
"Việc kết án mục sư Chính không phải trường hợp cá biệt... Riêng trong năm 2011, ít nhất chín tín đồ Tin Lành ở Tây Nguyên lãnh án tổng cộng tới 85 năm tù vì tội Phá hoại đoàn kết dân tộc, trong khi tín đồ các đạo phái khác như Hòa Hảo, Công giáo và Pháp Luân Công cũng bị xử tù hoặc bị kết án chờ ngày ra tòa."
"Bản án dành cho mục sư Nguyễn Quốc Chính một lần nữa chứng minh rằng chính phủ Việt Nam không hề quan tâm tới tự do tôn giáo."
Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ mới đây lại đề nghị Bộ Ngoại giao đưa Việt Nam vào danh sách Các quốc gia gây quan ngại về tự do tôn giáo (CPC).