Để có cái nhìn toàn cảnh hơn về thực trạng nợ xấu của hệ thống ngân
hàng hiện nay, chiều nay (ngày 12/7/2012) Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức
buổi tọa đàm về vấn đề này.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa – Quyền Chánh thanh tra NHNN cho biết, theo
báo cáo của các tổ chức tín dụng (TCTD) tính đến ngày 31/5/2012 nợ xấu
là 117 ngàn tỷ đồng, chiếm 4,47% so với tổng dư nợ.
Còn theo kết quả giám sát từ xa của NHNN, thì tỷ lệ nợ xấu tính đến
thời điểm 31/3/2012 là hơn 202 ngàn tỷ đồng, chiếm 8,6% tổng dư nợ tín
dụng.
Giải thích về sự chênh lệch này, ông Nghĩa nói: "NHNN khi theo dõi
nợ của khách hàng dựa vào thông tin khách hàng phân loại nợ vào nhóm có
tỷ lệ rủi ro cao nhất, còn các TCTD khó có thể thực hiện dược điều này
do không có đầy đủ thông tin về tình hình vay nợ của khách hàng tại các
tổ chức tín dụng khác nhau. Bên cạnh đó, có nhiều TCTD không thực hiện
đúng theo quy định về trích lập dự phòng rủi ro để làm đẹp bảng cân đối
kế toán…”
Trả lời câu hỏi về con số nợ xấu hiện nay chủ yếu "rơi” vào lĩnh
vực nào? Quyền Chánh thanh tra NHNN chia sẻ: Nợ xấu chủ yếu rơi vào khu
vực sản xuất công nghiệp và xây dựng. Do thời gian qua các lĩnh vực này
đã chịu nhiều tác động từ khó khăn của nền kinh tế.
Về vấn đề thành lập Công ty mua bán nợ xấu quy mô 100 ngàn tỷ đồng,
ông Nghĩa khẳng định đây mới chỉ dừng lại ở mức nghiên cứu chưa báo cáo
Thủ tướng về Đề án này.
Riêng số vốn ban đầu 100 ngàn tỷ đồng, ông Nghĩa cũng cho rằng
không cần đến 100 ngàn tỷ đồng tiền mặt, vì nếu thành lập công ty này
thì NHNN sử dụng nhiều công cụ tài chính; mặt khác có thể giá trị danh
nghĩa số tài sản này là 100 ngàn tỷ đồng nhưng khi mua bán thì NHNN sẽ
đánh giá lại các khoản nợ đó. Trong đó, giá mua sẽ phải bao gồm trích
lập dự phòng rủi ro và có chiết khấu.
Thanh Hải