Tình hình thanh khoản trong hệ thống ngân hàng tại Việt Nam đang trong tình trạng "vô cùng căng thẳng”, một quan chức cảnh báo.
Truyền thông trong nước dẫn lời Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, nhận định tại buổi tọa đàm đầu năm về "Triển vọng kinh tế Việt Nam 2012-2013 tại Hà Nội.
"Trong những ngày gần đây, trên thị
trường 1, việc huy động tiền gửi ngầm của các ngân hàng có khi tới
19-20%, vượt xa mức trần mà Ngân hàng nhà nước quy định là 14%”.
"Có vị Chủ tịch Hội đồng quản trị của một ngân hàng còn nói với tôi là
huy động giờ đã lên 21% rồi” và "ở thị trường 2 tình hình còn nguy hiểm
hơn”, ông Nghĩa nói thêm.
Thị trường 1 là thị trường ngân hàng huy động tiền gửi từ dân và thị trường 2 là thị trường các ngân hàng huy động tiền qua lại với nhau.
Ngoài các tài khoản cho vay, để tạo thanh khoản (tức là huy động thêm tiền mặt), các ngân hàng còn làm điều được gọi là "thể lách luật tạo nguồn tiền gửi”, theo báo Dân Trí.
Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa nói rằng "Cộng cả 2 tài khoản này thì số tiền các ngân hàng cho nhau vay hiện lên tới trên 500.000 tỷ đồng (khoảng 24 tỷ đôla)”.
‘Nợ xấu bất động sản’
Ông Nghĩa cũng được dẫn lời nói rằng "Nếu không giải quyết được vấn đề thanh khoản thì sẽ không thể giảm được lãi suất và không tháo gỡ khó khăn được cho thị trường bất động sản cũng như không xử lý được những khoản nợ xấu khổng lồ đang nằm chủ yếu ở lĩnh vực bất động sản”.
Vào tháng 8/2011, TS Lê Xuân Nghĩa từng cảnh báo về hệ lụy của nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản (trên tổng số nợ xấu trong các ngân hàng).
"Nhóm nợ có khả năng mất vốn chiếm đến gần một nửa, trong đó đa số là nợ trong lĩnh vực bất động sản".
"Với tình hình thị trường bất động sản vẫn tiếp tục đình trệ kéo dài, việc nợ xấu tiếp tục tăng là khó tránh khỏi”, ông Nghĩa được báo Sài Gòn Tiếp Thị dẫn lời.
Bài báo lúc đó cảnh báo điều họ gọi là "có vấn đề các "đại gia” là cổ đông chủ yếu của những ngân hàng này chi phối, nhằm cấp tín dụng cho các doanh nghiệp mà họ kiểm soát, và có rất nhiều là các dự án liên quan đến bất động sản”.
Trong khi đó báo Dân Trí nhận định mặc dù thị trường bất động sản gặp khó khăn nhưng bảy trong số mười giàu nhất sàn chứng khoán trong năm 2011 đều hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.
Báo này cho hay "riêng gia đình nhà ông Phạm Nhật Vượng đã chiếm đến 2/3 tổng tài sản của 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm nay”.
Hiện chưa rõ nỗ lực tái cơ cấu ngân hàng mà chính phủ Việt Nam muốn thực hiện sớm có hệ lụy ra sao với các khoản vay nợ liên quan tới thị trường bất động sản nói chung và nợ xấu trong lĩnh vực này nói riêng.