Lê Hiền Đức (Nguyễn Tường Thuỵ blog) - Hình
ảnh những người chiến sĩ công an nói chung và công an Hà Nội nói riêng
đang xấu dần đi trong con mắt của người dân tới mức không thể chấp nhận
được nữa.
Tôi không muốn nghĩ rằng trong số công an ai cũng xấu. Tôi biết còn
có nhiều người tốt. Những người đó, họ thấy rõ những điều sai trái
trong ngành và toàn xã hội nhưng vì miếng cơm manh áo, vì cuộc sống và
cũng vì sinh mạng và vì cả "cái ghế” nữa nên buộc họ không dám làm việc
đúng với lương tâm của mình.
Cách đây 66 năm, tôi cũng là một chiến sĩ công an. Lúc đó, công an với dân "như cá với nước”, "đi dân nhớ, ở dân thương”.
Nhưng bây giờ thì sao? Hình ảnh người công an đã xấu tới mức người
dân gọi công an là bọn cướp cạn, cướp ngày. Điều đó làm tôi rất buồn.
Tôi chỉ tạm dẫn ra vài việc cụ thể, gần đây nhất:
Chiều ngày 7/3/2012, tôi đến phường Tựu Liệt để dự một buổi gặp mặt vinh danh phụ nữ nhân ngày 8/3 với mong muốn:
Một là gặp mặt các tướng lĩnh, các vị giáo sư để hàn huyên.
Hai là gặp các cháu thanh niên nam nữ, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các cháu. Từ đó có thể giáo dục và hướng dẫn các cháu đi
theo con đường của tôi là: chống tham nhũng, xây dựng đất nước, lành
mạnh hóa xã hội, mang lại ấm no hạnh phúc cho nhân dân Việt Namthân yêu của chúng ta.
Ngoài ra, tôi cũng muốn tìm hiểu, giám sát cách làm việc của công
an địa phương, từ đó có thể đóng góp ý kiến xây dựng ngành công an tốt
đẹp hơn, sao cho xứng với danh hiệu "công an nhân dân”.
Thế nhưng những gì diễn ra hôm đó làm tôi thất vọng. Công an đã cho
người theo dõi nhà hàng, nơi được chọn làm địa điểm tổ chức, bắt đi 3
người mà họ cho là những nhân vật quan trọng của buổi gặp mặt. Đó là
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, blogger Nguyễn Tường Thụy và chủ nhà hàng là
anh Nguyễn Kim Môn.
Tôi muốn đóng góp một số ý kiến để xây dựng ngành. Tôi có quá nhiều
bức xúc vì những hành vi không tốt của chiến sĩ công an ở các phường,
quận. Cụ thể là:
a) Tôi nhận được đơn của một công dân ở huyện Thanh Trì về thái độ, hành vi của công an (có đơn của công dân kèm theo)
Tôi có điện thoại hỏi anh Sửu, phó trưởng công an huyện Thanh Trì để kiểm tra xem ai là người nói với dân câu thật vô lễ: "chị đến cửa quan mà thái độ như vậy thì sẽ bất lợi cho chị và hại cho chồng chị”.
Công an huyện là cửa quan, vậy 87 Trần Hưng Dạo là cửa vua, 44 Yết Kiêu là cửa Ngọc Hoàng à?
Công an nhân dân mà ăn nói với dân như thế thì bằng bôi gio trát trấu vào mặt Đảng, vào mặt ngành công an.
b) Bà con dân tộc thiểu số (Mơ nông) ở xã Đăk Ngo, huyện Tuy Đức,
tình Đăk Nông vượt 2000 cây số ra Hà Nội kêu với Thanh tra Chính phủ
việc dân bị bọn chính quyền tham nhũng cướp đất, đốt nhà, bắt người vô
tội.
Dân đã nghèo đói. Có người đã phải bán con trâu là tài sản cuối cùng để lấy tiền đi Hà Nội đòi đất.
Vậy mà khi họ đến thuê nhà trọ ở ngõ 67 Thụy Khuê quận Tây Hồ thì
cảnh sát khu vực là Nguyễn Bá Lưu còn muốn vòi tiền của dân đen, đuổi bà
con Đăk Nông ra khỏi phường Thụy Khuê với lý do bà chủ nhà không có
không có giấy phép kinh doanh cho thuê nhà. Đây là hành động vi phạm
luật cư trú: người dân không phải là tội phạm, họ có đủ giấy tờ tùy thân
như chứng minh nhân dân, hộ khẩu.
Viên cảnh sát này còn đe dọa dân là: "Cấm không được bén mảng tới phường Thụy Khuê nữa vì đây là phường của tôi. Nếu còn quay lại đây thì sẽ bắt lên phường giam”.
Hắn còn quát nạt dân, ép dân ký vào biên bản cam kết ra khỏi phường
Thụy Khuê trước 9 giờ sáng ngày 8/3/2012. Viên cảnh sát tên Lưu đó đã
chà đạp lên quyền con người của dân tộc Mơ Nông (có đơn của dân kèm
theo).
Thật là hành động vô cùng dã man với đồng bào.
Ngoài ra tôi dẫn thêm vài vụ việc khác:
c) Chuyện cảnh sát đi xin tiền của dân ăn tết, khi bị tố cáo thì đến xin lỗi.
d) Cảnh sát phường Kim Giang quân Thanh Xuân ăn tiền của dân, khi
bị tố cáo rồi lãnh đạo kiểm điểm đã dùng biên lai giả để lừa dối dân.
Còn biết bao nhiêu chuyện khác nữa mà tôi chứng kiến. Tôi không thể
ngồi yên nhìn nhân dân mình bị bóc lột, cán bộ, chiến sĩ công an thì
lộng hành, gian dối, tham nhũng. Yêu cầu lãnh đạo các cấp xử lý nghiêm
khắc những cán bộ, chiến sĩ công an bị dân tố cáo hoặc trong nội bộ phát
hiện ra, triệt tận gốc những hành vi hà hiếp, áp bức, nhũng nhiễu nhân
dân. Chỉ có thế mới lấy lại được hình ảnh người chiến sĩ công an nhân
dân, mới có thể hoàn thành nhiệm vụ Nhà nước và nhân dân giao phó.
Cụ Lê Hiền Đức gửi cho Nguyễn Tường Thụy blog