VRNs (03.12.2011)
– Sài Gòn – "Hãy xin thì sẽ được, hãy tìm sẽ thấy, hãy gõ thì sẽ mở
cho, chúng ta có Chúa là Cha. Alleluia. Alleluia.” Tôi cứ mãi ngân nga
những câu hát đó – những câu hát khai mạc "Ngày họp mặt ba miền” (Bắc –
Trung – Nam) được diễn ra từ 02/12 đến 04/12/2011 tại dòng Chúa Cứu Thế
Sài Gòn.
Anh chị em chúng tôi từ khắp mọi miền
đất nước tập trung về đây, không phân biệt tuổi tác, cấp bậc cùng nhau
gặp mặt, giao lưu, chia sẻ các hoạt động của các nhóm (cùng cộng tác với
DCCT) ở khắp 3 miền trong một năm qua. Thấm thoát đã 18 năm trôi qua kể
từ ngày Cha Vũ Khởi Phụng khởi xướng "Ngày hội 3 miền”, tổ chức lần đầu
tiên tại Huế.
Đây là lần đầu tiên tôi được tham gia
ngày hội ý nghĩa này, vừa mừng vừa lo. Lúc đầu tôi còn chút bối rối và
rụt rè vì không biết làm cách nào hòa nhập với những người bạn lần đầu
tiên gặp mặt, ở những vùng miền khác nhau, trình độ và tuổi tác khác
nhau, những những lo lắng đó đã bị phá tan ngay sau những phút đầu tiên
khai mạc chương trình. Qua phần dẫn chuơng trình dí dỏm của bác sĩ Phấn,
lời phát biểu khai mạc của cha Phụng và phần hát múa cử điệu đậm chất
Tây Nguyên của cha Uy, mọi nguời cùng hát, cùng múa, cùng cười và những
người chưa hề quen biết lại trở nên thật dễ thương, thật dễ gần.
Tôi cảm thấy thấm thía thế nào là "Hội
thánh ở khắp thế này”, tất cả anh em chúng tôi ở mọi miền đất nước dù
công khai hay hoạt động bác ái âm thầm thì đều làm những công việc dấn
thân phục vụ, chúng tôi không hề đơn độc vì chúng tôi cùng đi trên một
con đường là đem tình yêu của Chúa đến mọi người, là cánh tay nối dài
của Người để phục vụ những anh em thiệt thòi hơn. Đây là buổi hội ngộ
của các nhóm cùng cộng tác với DCCT như nhóm Anh Hài, nhóm Buôn Mê
Thuột, nhóm Bảo vệ sự sống, FIAT, truyền thông, ve chai… Những anh chị
từ Huế mới đến Sài Gòn lúc 10g30, ngày 02.12.2011, mặc dù rất mệt vì đi
một đoạn đuờng rất xa nhưng ai ai cũng trao nhau những nụ cười và ánh
mắt thân thiện.
Sau phần khai mạc của cha Phụng là phần giới thiệu đôi nét của các nhóm, cả hội truờng như
sôi động hơn sau những bài hát của 3 cụ bà đang đuợc nuôi dưỡng tại nhà
tình thương Tân Thông ở Củ Chi thuộc Dòng Thừa Sai Chúa Bác Ái Chúa
Kitô. Nơi đây đang chăm sóc, nuôi dưỡng 73 cụ bà neo đơn thuộc các quốc
tịch khác nhau như Việt Nam, Pháp, Nhật, Campuchia, nhiều người nói đùa
đây là "làng Việt Kiều” và thứ bằng cấp duy nhất để có thể dấn thân phục
vụ ở nơi đây là bằng cấp yêu thương. Mỗi cụ ở đây đều có những
hoàn cảnh khác nhau, một cụ bà người Nhật bị ba mẹ bỏ rơi ở trong thế
chiến II được các sơ đưa về nuôi dưỡng đến giờ này, bà đến góp vui bằng
một bài hát tiếng Nhật, và mấy câu hát của Đàm Vĩnh Hưng, ai cũng cảm
thấy sự nhiệt tình của bà qua giọng hát khàn khàn, run run là lâu lâu
hết hơi đó.
Cả hội truờng trở nên im lặng và trầm
lắng hơn qua phần giới thiệu của cha Quang Uy về nhóm FIAT, Bảo vệ sự
sống, Ve chai… về những khó khăn, nguy hiểm mà các bạn trẻ đang âm thầm
phục vụ. Không ai không cảm thấy quặn thắt lòng khi nghe cha Uy nói về
những con số đáng sợ: Việt Nam đứng hàng thứ 3 trên thế giới về nạo phá
thai và Sài Gòn là thành phố có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất nước, những
"thành tích” thật đáng báo động, biết bao nhiêu bà mẹ trở thành kẻ giết
người, những giá trị đạo đức bị suy đồi. Có nhiều lý do để các bà mẹ trẻ
quyết định ra cái án "tử hình” cho chính cốt nhục của mình: vì lầm lỗi
cũng có nhưng trên hết là những "đóng góp” không nhỏ của những vị lương y
"vô tình” chuẩn đoán "nhầm”. Nhiều gia đình trẻ trở nên hoang mang và
quyết định phá thai vì bác sĩ chuẩn đoán là thai nhi bị bệnh, dị tật bẩm
sinh, có sinh ra cũng khó sống được, có thể nguy hiểm đến tính mạng của
bà mẹ… Những sinh linh bé nhỏ đó không được cất tiếng khóc chào đời,
chúng bị tước đoạt quyền căn bản nhất là quyền đuợc sống vậy ai sẽ đứng
lên để bảo vệ những sinh linh đó? Là bạn? Là tôi? Hay là những nhà có
chức trách? Những bạn trẻ trong nhóm FIAT, nhóm bảo vệ sự sống đang có
những hành động thiết thực để an ủi những sinh linh bé nhỏ đó, giáo dục
và nuôi những bà mẹ lầm lỡ. Hằng đêm, những bạn trẻ này đi đến các cơ sở
y tế, bệnh viện để lấy xác thai nhi về chôn, về thiêu, ngày thường từ
100 – 200 xác, những ngày nhiều khoảng 600 – 800 xác thai nhi, không ít
trong số đó có những thai nhi 8 tháng, 9 tháng tuổi.
Tôi thấy sống mũi mình cay cay, nước mắt
trực trào, sao ta sống trong một xã hội mà phá thai – giết người – được
xem như chuyện bình thường. Ở Hà Nội còn có những con phố nạo phá thai,
những địa chỉ online đễ những bà mẹ lầm lỡ lập bia mộ cho những đứa con
không được chào đời. Những sự vô cảm đáng sợ, những sự im lặng đồng lõa
với sự ác, và chúng ta cứ mãi lặng im sao?
Thanh Huệ
Ảnh: TT