Thứ Ba, 2024-10-08, 9:55 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2010 » Tháng Mười Một » 6 » Nguyễn Tấn Dũng đã hết thời?
6:54 AM
Nguyễn Tấn Dũng đã hết thời?

Trung Điền

 
Trong phiên thảo luận về vấn đề kinh tế - xã hội của Quốc hội Cộng sản Việt Nam vào ngày 1 tháng 11 năm 2010 vừa qua, ông Nguyễn Minh Thuyết, đại biểu quốc hội thuộc tỉnh Lạng Sơn đã chỉ trích về vụ bê bối tài chánh dẫn đến sự sụp đổ của Tập đoàn công nghiệp đóng tàu (Vinashin) với món nợ lên đến 100.000 tỷ đồng - tương đương 5 tỷ Mỹ Kim - vào tháng 4 vừa qua. Ông Thuyết nói rằng theo sự điều tra của Ủy ban tư pháp quốc hội thì nguy cơ phá sản của Vianshin đã được chính quyền Nguyễn Tấn Dũng biết từ 2 năm trước, nhưng không những không có biện pháp ngăn chặn mà còn cố tình bao che cho đến khi không còn có thể che dấu được nữa.

Ông Nguyễn Minh Thuyết cho là món nợ 100.000 tỷ đồng của Vinashin là số nợ lớn, mà một tỉnh nếu có số thu 1.000 tỷ đồng một năm thì người dân tại tỉnh đó phải làm quần quật không mua sắm, không ăn uống, không xây dựng gì trong suốt 1 thế kỷ mới có thể trả nợ được. Dư luận cho rằng những sai phạm của Tổng công ty Vinashin quá lớn, mà cách giải quyết của chính quyền Nguyễn Tấn Dũng lại không tương xứng. Hiện tại chỉ có 5 cán bộ cao cấp của Tổng công ty Vinashin đi tù và đang bị điều tra; trong khi những thành viên chính phủ từ Thủ tướng - là người trực tiếp chỉ đạo các tập đoàn - xuống đến các cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng lo về giám sát liên hệ đến việc kiểm soát và điều hướng các hoạt động kinh doanh của Vinashin, đều không bị bất cứ biện pháp chế tài nào.

Ông Thuyết cho rằng việc ông Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố là đã cho kiểm điểm trong nội bộ về vụ Vinashin là trốn tránh trách nhiệm. Theo ông Thuyết thì ông Dũng và các cán bộ liên hệ sẽ phải bị kiểm điểm và nhận biện pháp kỷ luật trước quốc hội. Ông Nguyễn Minh Thuyết đã yêu cầu quốc hội cho thành lập Ủy ban lâm thời điều tra trách nhiệm các thành viên chính phủ, và trong lúc quốc hội điều tra thì phải tạm đình chỉ chức vụ các thành viên chính phủ có liên quan. Đồng thời vào cuối khóa họp này, quốc hội sẽ biểu quyết tín nhiệm hay bất tín nhiệm Thủ tướng và các thành viên chính phủ liên quan đến vụ phá sản Vinashin.

Những đề nghị của ông Nguyễn Minh Thuyết nói trên là điều xảy ra bình thường tại những quốc gia có tự do dân chủ khi mà những người đứng đầu các cơ quan chính quyền để cho những sự việc như Vinashin xảy ra gây tai hại nặng nề cho đất nước và hoang mang trong dư luận. Sự phá sản của Vinashin lên đến 5 tỷ Mỹ Kim đủ để bãi nhiệm vai trò Thủ tướng của Nguyễn Tấn Dũng và đủ để bị truy tố ra tòa vì đã bao che và làm ngơ trong suốt 2 năm trời. Lý do là Nguyễn Tấn Dũng hiện nay ngoài trách vụ là Thủ tướng, còn chịu trách nhiệm giám sát trực tiếp 18 tập đoàn kinh tế như Tập đoàn dầu khí, Tập đoàn điện lực, Tập đoàn đóng tàu; Tập đoàn du lịch, Tập đoàn xây dựng vân, vân…

Những phát biểu của ông Thuyết được sự đồng tình và ủng hộ của một số đại biểu quốc hội khác. Điều này cho thấy là Cộng sản Việt Nam khó có thể che đậy những hậu quả xấu của vụ phá sản Vinashin trong lúc cuộc chạy đua giới thiệu nhân sự vào Trung ương đảng đang diễn ra một cách gay gắt - từ tháng 10 đến tháng 12 năm nay, để chuẩn bị cho đại hội đảng Cộng sản Việt Nam vào giữa tháng 1 năm 2011.

Việc quốc hội Cộng sản Việt Nam có dám chấp nhận yêu cầu của ông Nguyễn Minh Thuyết về việc bỏ phiếu tín nhiệm/ bất tín nhiệm Dũng đối với vụ Vinashin hay không là một dấu hỏi lớn, tuy nhiên sự kiện ông Thuyết và một số đại biểu quốc hội dám đặt vấn đề và đòi bãi nhiệm trách vụ Thủ tướng của ông Dũng là một biến cố lớn trong nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay.

Quốc hội hay cơ quan chính phủ đều là những cơ chế "tay chân” nhằm phục vụ cho các mục tiêu duy trì quyền lực thống trị của đảng Cộng sản. Chính vì thế mà tất cả những thành viên chính phủ và quốc hội đều phải là đảng viên đảng Cộng sản. Ông Nguyễn Minh Thuyết và một số đại biểu cùng lên tiếng như ông Lê Văn Cường, bà Phạm Thị Loan, ông Huỳnh Ngọc Đáng, bà Lê Thị Nga đều là những đảng viên đảng Cộng sản lâu năm và được đảng phân nhiệm làm đại biểu quốc hội. Khi được ở vào vị trí này, các đại biểu đều phải tuân thủ theo lệnh của đảng và không được chống lại các cơ chế hay trách nhiệm của đảng viên; làm như thế sẽ bị kết tội là "phá hoại sự đoàn kết ở trong đảng”. Chính vì những ràng buộc này mà hầu như các đại biểu quốc hội đều "ngậm miệng ăn tiền”, không dám phát biểu điều tiêu cực đối với các hoạt động của đảng vì sẽ bị trả thù hoặc bị hạ tầng công tác.

Khi các đại biểu quốc hội Cộng sản Việt Nam dám lên tiếng – như trước đây đã bỏ phiếu không tán đồng tiến hành dự án xây đường sắt cao tốc, và bây giờ đòi bỏ phiếu ngưng trách vụ để điều tra trách nhiệm của Nguyễn Tấn Dũng và các thành viên chính phủ liên hệ tới vụ Vinashin – đã nói lên hai điều. Thứ nhất, các diễn tiến này cho thấy là đảng Cộng sản Việt Nam không còn khả năng kiểm soát mọi chuyện mà phải chấp nhận một số những hành xử "độc lập” của những cán bộ phụ trách một số cơ chế. Thứ hai, có thể đây là một trong những thủ thuật mà Cộng sản Việt Nam muốn chứng tỏ với dư luận trong và ngoài nước là họ đang mở rộng dân chủ và chấp nhận các phản ảnh của dư luận, đặc biệt là tại quốc hội, cơ quan đại diện tiếng nói của dân.



Tuy nhiên, với một chế độ độc tài, độc đảng thì những phát biểu đi ra ngoài khuôn khổ cho phép của đảng không thể nào được chấp nhận dễ dàng, ngoại trừ phải có những phe nhóm quyền lực ở đàng sau "bảo hộ”. Người ta chưa biết là ông Nguyễn Minh Thuyết, ông Lê Văn Cường thuộc phe nhóm nào trong đảng; nhưng ít ra những đại biểu này đang nằm trong một xu thế đang muốn tấn công tư thế chính trị của Nguyễn Tấn Dũng trong hai năm qua, kể từ khi ông Dũng ngã theo phe Nông Đức Mạnh, đi gần với Trung Quốc. Ông Dũng đã cho xúc tiến khai thác Bauxite tại Tây Nguyên với sự hợp tác của chuyên gia Trung Quốc từ cuối năm 2008. Ông Dũng còn phong chức Trung Tuớng cho Nguyễn Chí Vịnh và cử làm Thứ trưởng Bộ quốc phòng một nhân vật thân cận với ông Mạnh và là con thoi giữa Mạnh với Bắc Kinh từ giữa năm 2009.

Trong hàng ngũ lãnh đạo hiện nay, ông Dũng là người ở vị trí có nhiều tiền và nhiều quyền nhất, nói theo thời mở cửa. Ông Dũng cũng là nhân vật được coi là sáng giá nhất so với chủ tịch quốc hội Nguyễn Phú Trọng, thường trực ban bí thư Trương Tấn Sang, hay Trưởng ban tổ chức Hồ Đức Việt, để thay thế Nông Đức Mạnh làm Tổng Bí Thư cho năm năm tới. Nếu không đốn ngã ông Dũng thì ông Sang, ông Trọng và ông Đức khó lên thay thế. Do đó, những diễn biến chính trị tại Việt Nam trong thời gian qua cần phải coi như là những mở đầu cho cuộc đấu đá gay gắt diễn ra tại "đại hội trù bị” ngay trước khi đại hội đảng kỳ XI khai mạc.

Nhiều dấu hiệu cho thấy là màn đấu tố Lê Khả Phiêu để truất phế vai trò Tổng Bí Thư của Phiêu trong đại hội trù bị của đại hội IX vào năm 2001, dưới sự đạo diễn của Lê Đức Anh và Đỗ Mười, sẽ có thể tái diễn. Lê Khả Phiêu đã bị tố là "phản quốc” vì đã chỉ thị cho Bộ ngoại giao ký tắt hai văn kiện Hiệp ước biên giới Việt Trung (1999) và Hiệp định phân ranh Vịnh Bắc Việt (2000). Cao điểm của cuộc đấu tố kỳ này sẽ là "đại hội trù bị” của đại hội XI khi các đại biểu chất vấn và bắt ông Dũng phải nhận các trách nhiệm từ khai thác Bauxite, vụ Vinashin và cả vụ tham nhũng PCI… để rút lui.

Khi một số đại biểu quốc hội Cộng sản đòi bỏ phiếu tín nhiệm Thủ tướng và các thành viên chính phủ qua vụ Vinashin không đơn thuần là hành động biểu hiện trách nhiệm của những người đại diện dân lên chất vấn chính phủ như tại các quốc gia tự do dân chủ. Bởi vì công việc gọi là đại diện dân của các ông bà đại biểu quốc hội, không do sự tự nguyện dấn thân của chính họ mà là do "phân công” của đảng. Việc lên tiếng tại diễn đàn quốc hội cũng là những phân công từ các phái đoàn đại biểu của từng địa phương và có chủ đích từ một số thế lực. Do đó, việc ông Thuyết phát biểu tại quốc hội chắc chắn có tầm ảnh hưởng chính trị đối với tương lai của phe nhóm Nguyễn Tấn Dũng. Phải chăng ông Dũng đã hết thời?

Trung Điền
Ngày 4/11/2010

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 564 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0