Thứ Sáu, 2024-04-19, 8:16 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2010 » Tháng Mười Một » 20 » Những câu chuyện của chú Hồ
9:22 AM
Những câu chuyện của chú Hồ

Simon Roughneen

Simon Roughneen, Asian Times
Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ

Sắp đến Đại hội Đảng Cộng sản 5 năm đầy quan trọng, Việt Nam đang cố hết sức để dập tắt những tiếng nói đối lập, đàn áp các luật sư, phóng viên, các nhà hoạt động và những công dân bất mãn với hàng loạt bắt bớ, giam giữ, doạ nạt và theo dõi.

Có ít nhất 19 nhà chống đối đã bị dính vào mẻ lưới của chính quyền từ tháng Mười. Những ai còn tự do cũng phải vô cùng cẩn trọng khi bày tỏ quan điểm hoặc gặp gỡ người nước ngoài. Vừa qua Asia Times Online đã tìm cách nói chuyện trực tiếp với một nhà chống đối ở Hà Nội, ông yêu cầu giữ kín danh tánh và bài viết này sẽ đề cập đến ông với cái tên đơn giải là "Hồ”.

Ngay lập tức ông liền đưa ra những nhận xét đắng cay về cuộc sống của một người bị xem là thù địch với nhà nước. "Ở Đông Đức, dưới thời Stasi, được kể là cứ trong 50 người dân thì có một người là mật thám,” Hồ nói. "Tại Việt Nam hôm nay, thì là một trong 40.”

Trong khi chính quyền chuyên chế Việt nam đã bị chỉ trích về những vụ bắt giữ gần đây, bao gồm những bố ráp trong tháng này trước Hội nghị ASEAN và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á được tổ chức tại thủ đô Hà Nội. Những vụ bắt giữ này được cho là nhằm ngăn cản những người phản kháng gặp gỡ các nhà báo nước ngoài đang tác nghiệp tại các hội nghị.

Năm nay Việt Nam đóng vai chủ tịch ASEAN 2010 và tổ chức gồm mười thành viên này vừa kỷ niệm một năm ngày thành lập Hội đồng Liên Quốc gia về Nhân quyền của ASEAN, vốn được các nhà hoạt động xem như một cơ quan bù nhìn chuyên đấu võ mồm.

Những bản án mới nhất vừa được đưa ra hôm thứ Ba, khi hai người dân thiểu số ở vùng cao nguyên miền trung Việt Nam bị tù giam vì đã âm mưu tổ chức những cuộc biểu tình chống chính quyền, đây là một nhắc nhở rằng cánh tay pháp luật có thể vươn đến những thường dân cũng như những luật sư, nhà văn nổi tiếng và hăm hở.

"Chính quyền có một lịch sử lâu dài về việc đàn áp người dân miền núi ở vùng Tây Nguyên miền trung Việt Nam và những người liên quan đến những nhà thờ tại gia,” Phil Robertson, phó giám đốc khu vực châu Á của tổ chức Giám sát Nhân quyền. "Rất nhiều việc bắt giữ đã không được mọi người biết đến cho đến khi người dân bị tống vào tù khá lâu, và những giới hạn đi lại cũng như việc theo dõi khiến cho các nhà báo gặp khó khăn khi đi đến những khu vực này.”

Nhà báo và blogger Nguyễn Hoàng Hải, có bí danh là Điếu Cày, vẫn bị giam giữ sau khi bản án tù 30 tháng về tội danh trốn thuế được đa số xem là một vu cáo, đã hoàn tất vào ngày 20 tháng Mười. Các quan chức nói rằng ông vẫn bị giam giữ để điều tra thêm tội danh mới là phổ biến "tài liệu tuyên truyền chống lại nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa”.

Việt Nam là một chính thể độc đảng và những liên hệ đến các đảng phái bị cấm đoán – có thật hoặc tưởng tượng – thường xuyên được sử dụng tại toà để cáo buộc những người chống đối. Chính quyền đã đặc biệt mạnh tay với đảng Việt Tân của những người lưu vong, các thành viên của tổ chức này thường kêu gọi thực hiện dân chủ.

Cù Huy Hà Vũ, một luật sư, vừa bị bắt giữ vào ngày 5 tháng Mười một vì tội phổ biến "tài liệu tuyên truyền chống lại nhà nước”, truyền hình nhà nước cho biết. Các tường thuật đã trích dẫn lời của Bộ Công an rằng các nhân viên điều tra đã tìm thấy những tài liệu chống đối trong laptop của ông và ông đã kêu gọi có một thể chế chính trị đa đảng. Điều 2 hiến pháp của quốc gia đã đặt Đảng Cộng sản lên trên luật pháp một cách đầy hiệu quả, biến nó thành một đảng chính trị duy nhất được hợp pháp hoá tại nước này.

Năm ngoái Vũ đã không thành công khi tìm cách kiện ra toà thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về dự án bauxite tại khu vực Cao Nguyên miền Trung. Các nhà chức trách cũng đã không chấp nhận việc văn phòng luật của Vũ làm đại diện cho sáu giáo dân Công giáo vừa bị giam giữ vào tháng này sau một phiên toà vội vã chiếu lệ.

Sáu người này là một phần của một nhóm giáo dân đã phản đối việc chính quyền không cho phép chôn cất một giáo dân qua đời tại Cồn Dầu, miền trung Việt Nam vào tháng Năm. Việc cấm đoán này đã dẫn đến một loạt căng thẳng mới giữa chính quyền và thành phần lớn dân Công giáo tại Việt Nam. Chính quyền nói rằng sẽ xây khách sạn và khu giải trí trên đất nghĩa trang, và thực sự đã bán mảnh đất này cho chủ xây dựng.

Một linh mục Công giáo yêu cầu giữ danh tính đã nói rằng việc chính quyền xâm lấn và chiếm đoạt tài sản của nhà thờ vẫn tiếp diễn hai năm sau khi côn đồ do nhà nước bảo trợ phá đám một buổi cầu nguyện phản đối của hơn 15 nghìn dân Công giáo tại khu nhà của Thánh cha Nuncio ở Hà Nội.

Trong buổi trò chuyện gần Thánh đường St. Joseph trong khu phố cổ Hà Nội đầy những quán cà phê và phòng tranh nghệ thuật, vị linh mục nói rằng ông đã nêutrường hợp về một tu viện ở gần đấy có bức tường bị công trình xây dựng của nhà nước án ngữ với các viên chức tại Đại sứ quán Hoa Kỳ trước chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao Hillary Clinton. "Họ hứa sẽ can thiệp, nhưng chẳng thấy gì xảy ra cả,” vị linh mục nói.

Điểm nổi bật trong ngoại giao

Tuy nhiên việc đàn áp các nhà chống đối vẫn là một điểm nổi bật trong giai đoạn quan hệ Việt-Mỹ đang trên đà nồng ấm. Phát biểu bên lề các Hội nghị ASEAN và Đông Á, bà Clinton đã nói rằng "Hoa Kỳ vẫn quan ngại về việc bắt giữ những người chống đối và việc giới hạn tự do tôn giáo tại Việt Nam”.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã ngồi yên một cách dửng dưng trong suốt phát biểu của bà Clinton; ông Hồ lưu ý rằng đa số người Việt đã không nghe được chỉ trích của Clinton vì "người thông dịch đã tảng lờ những nhận định của bà, vì thế chúng không được truyền tải trên truyền hình hoặc bất cứ cơ quan truyền thông nhà nước nào”.

Cũng như những nhà hoạt động khác, Hồ giận dữ về một số vấn đề đầu tư và môi trường của chính quyền, bao gồm dự án bauxite đầy tai tiếng tại Tây Nguyên. Tập đoàn nhà nước Chinalco của Trung Quốc là một đối tác đầu tư trong dự án và có hàng nghìn lao động Trung Quốc được cho là đang làm việc tại các khu vực này trong khi chỉ có vài công việc cho công nhân Việt Nam.

Hồ nói là ông tin rằng đa số những lao động Trung Quốc "có thể là binh lính” và đa số những lợi nhuận và tài nguyên khai thác "sẽ được đưa về Trung Quốc, đất nước này chẳng có gì ngoại trừ những gì các quan chức của đảng có thể lấy riêng cho mình bằng cách cho phép người Trung Quốc điều hành dự án.”

Đây là những ngôn từ mạnh mẽ, nhưng không chỉ thế, như tổ chức Phóng viên Không Biên giới cho biết "khi Đại hội Đảng Cộng sản 2011 gần kề, chính quyền đang bịt miệng quan điểm của các nhà đối lập trên mạng Internet, và mục đích đầu tiên của họ là những chỉ trích đối với chính sách của nhà nước về Trung Quốc.” Thật vậy chính quyền đã chọn một vị thế không khoan nhượng trên vùng biển Nam Hải, có tên là Biển Đông ở Việt Nam, một khu vực được cho là dồi dào dầu mỏ và khí đốt.

Cùng với những quốc gia Đông nam Á khác đòi chủ quyền trong vùng biển này, Việt Nam ngày càng cảm thấy đe doạ bởi sự khẳng định của Trung Quốc rằng biển Nam Hải là một "quyền lợi cốt lõi” tương đương với Tây Tạng và Đài Loan, vốn được Trung Quốc xem như một tỉnh nổi loạn. Vùng biển này là khu vực của hàng loạt tranh chấp lãnh thổ mà trọng tâm là những quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Bất chấp quan hệ Trung-Việt ngày càng nguội lạnh, truyền thông nhà nước vẫn bị chính phủ cấm đoán việc truyền tải những vấn đề nhạy cảm liên quan đến Trung Quốc. Ví dụ như các cơ quan truyền thông đã bị bắt buộc phải rút một bài viết trong thời gian hội nghị ASEAN và Đông Á vừa qua, trong đó tường thuật không đầy đủ chi tiết về việc Nhật dự định khai thác quặng đất quí hiếm tại Việt Nam và khả năng của những thương lượng về biển Nam Hải trong các cuộc họp.

Với Đại hội Đảng cận kề, Hồ tiên đoán rằng bất chấp những mâu thuẫn giữa hai nước, "Trung Quốc sẽ có người của họ” khi các vị trí cao cấp, bao gồm chức thủ tướng, được cân nhắc trong các cuộc họp. Trung Quốc thường có phản ứng khi nhận thấy rằng những quan chức Việt Nam đi ngược lại các quyền lợi của Bắc Kinh nằm trong các vị trí quyền lực.

Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam tại Học việc Quốc phòng Úc nhắc lại một ví dụ trong những năm đầu 1990 khi Trung Quốc "gây áp lực nhằm truất phế uỷ viên bộ chính trị, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch”. Thạch, giờ đây đã qua đời, từng dẫn đầu một nỗ lực nhằm tái thiết lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ. Hướng tới đại hội tháng Giêng sắp đến, Thayer bổ sung rằng "có rất nhiều đồn đãi rằng Nguyễn Phú Trọng, uỷ viên bộ chính trị và chủ tịch Uỷ ban Chấp hành Quốc hội Nhà nước đang được cân nhắc vào chức tổng bí thư đảng một phần vì ông được Trung Quốc chấp nhận.”

Bên cạnh những đàn áp chính trị, một số người trong nước lập luận rằng sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã đem đến những thành quả kinh tế. Hồ công nhận rằng gần hai thập niên với tỉ lệ tăng trưởng kinh tế trung bình hằng năm ở mức 6% và một bước nhảy vọt trong mức thu nhập bình quân đầu người đã tăng trưởng đời sống của nhiều người dân thường Việt Nam, mặc dù ông không tin vào dữ liệu thống kê của nhà nước. Sự kết hợp giữa nền chuyên chế chính trị và kinh tế thị trường tự do theo kiểu Trung Quốc của quốc gia này đang lôi kéo đầu tư nước ngoài, đặc biệt sau khi Hoa Kỳ dọn đường cho Việt Nam tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2007.

Bỏ thêm đường vào chén thuốc, bà Clinton đã ca ngợi Hà Nội trong việc ký kết vào Thoả thuận Chống Tra tấn của Liên Hiệp Quốc trong buổi họp báo của bà và ông Khiêm và bảo đảm rằng việc giảm thiểu kiểm soát chính trị và tăng cường tự do dân sự sẽ củng cố thêm thành công kinh tế vừa qua của họ. Trong khi đó việc đàn áp những tiếng nói đối lập như Hồ vẫn tiếp diễn.

Mỗi dịp các nhân viên an ninh nhà nước đi kiểm tra, một sự hài hước gượng gạo cũng giúp được phần nào, ông nói. "Cuối cùng thì chủ nghĩa cộng sản, hoặc chủ nghĩa xã hội, hoặc chủ nghĩa tư bản đều không quan trọng,” ông nói với những nhân viên an ninh mặt búng ra sữa đến kiểm tra nhà ông với những lý do có vẻ đời thường và không quan trọng như xem thử điện nhà ông có hay không. "mà chính là bệnh thấp khớp!”

Rời khỏi nhà ông, ngoài cửa tôi thấy một chiếc máy rửa sàn nhà nằm ở hành lang với một vũng nước xà phòng đang chảy và người điều khiển máy lại chẳng thấy đâu. Chủ nhà gật đầu đầy ngụ ý, chỉ tay và cười một cách cay đắng rồi vẫy tay chào. Rồi lùi lại bên trong cửa, với nụ cười thách thức nhưng khiêm tốn, ông lại gật đầu chào một lần nữa trước khi nhẹ nhàng đóng chặt cửa lại.

Nguồn: http://www.x-cafevn.org/node/1307

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 679 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 5
Khách: 5
Thành Viên: 0