Thứ Ba, 2024-11-05, 8:34 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2011 » Tháng Hai » 16 » Những thay đổi chính trị ngầm trong Đảng
8:02 PM
Những thay đổi chính trị ngầm trong Đảng

Nguồn: David Koh, Học viện Nghiên cứu ĐNA

Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ

14.02.2011

Đại hội toàn quốc Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 11 đã được tổ chức từ ngày 12-19 tháng Giêng 2011. Trong một hệ thống nơi những thay đổi mạnh mẽ về chính trị trong một thời gian ngắn thường không được trông đợi, ta cần lưu tâm đến luồng chuyển của cát trong lòng sông, có thể cuối cùng sẽ đưa đến những thay đổi lâu dài trong viễn cảnh chính trị. Về phương diện này, có một vài thay đổi tại Đại hội đáng lưu ý.

Tuy nhiên có ích hơn khi biết rằng chắc chắn sẽ không có thay đổi giữa nhiệm kỳ. Trước tiên, giới lãnh đạo vẫn là những người quyết định ai sẽ được bầu vào các cơ quan chính trị tối cao và được bổ nhiệm để đứng đầu các bộ phận chính của quyền lực chính trị. Điều này đã được chứng tỏ tại Đại hội Đảng toàn quốc. Bộ Chính trị đã quyết định những lựa chọn của mình đối với những người lãnh đạo mới. Hội nghị toàn thể lần thứ 14 (đầu tháng Giêng 2011) của Ban Chấp hành Trung ương đã thông qua những lựa chọn này, và Ban Chấp hành Trung ương mới lần thứ 11 được bầu bởi Đại hội Đảng lần thứ 11 đã bỏ phiếu cho những lựa chọn này. Ông Nguyễn Phú Trọng, được hậu thuẫn bởi Bộ Chính trị đã giữ vị trí tối cao Tổng Bí thư, và hầu hết cũng đã ngầm hiểu rằng ai sẽ giữ vị trí Thủ tướng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội. Ba vị trí này đang đợi cuộc bầu cử sắp đến của Quốc hội và sẽ được Quốc hội khoá mới thông qua sau kỳ bầu cử, vốn được tổ chức vào giữa tháng năm 2011. Cuộc bầu cử này hiện đang được chuẩn bị.

Sự "không thay đổi" thứ hai là vai trò của đảng cộng sản trong việc vạch ra hướng đi của đất nước. Quá trình dự thảo văn kiện Đại hội để hướng dẫn chính sách chính quyền đã chiếm hơn hai năm. Quá trình này biểu lộ quan điểm đồng nhất của một tầng lớp rộng rãi bao gồm quan chức chính phủ, học giả, nhà ngoại giao, và thương nhân. Trong quá trình này, Bộ Chính trị thực hiện vai trò lãnh đạo của mình thông qua quyền bổ nhiệm những vị trí lãnh đạo chủ chốt trong đội ngũ soạn thảo văn kiện cũng như đề ra những giới hạn cho văn bản. Ví dụ như ngay từ đầu, Điều 4 Hiến pháp Quốc gia được xem như bất khả xâm phạm. Điều khoản này viết: "Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác – Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.” Với việc này, không một đảng chính trị nào khác được hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

Tuy nhiên, dưới bề ngoài kiểm soát và độc tài, hiện vẫn đang có những phong trào thực sự hướng đến việc dân chủ hoá hơn và khả năng của những thành phần không trực thuộc Bộ Chính trị đang tạo ra thay đổi, vì chủ ý hay vì áp lực của các diễn tiến.

Trong suốt năm qua cho đến ngay trước khi Đại hội Đảng toàn quốc khai mạc, đã có nhiều thảo luận được một số báo chí nêu bật về khả năng Đại hội Đảng sẽ bầu cử trực tiếp chức vụ Tổng Bí thư. Điều này đã bị dập tắt nhưng một số quan chức cao cấp của đảng trả lời phỏng vấn của báo chí đã cho rằng chỉ là vấn đề thời gian để nó trở thành hiện thực trong tương lai. Nhưng hiện tại những sắp xếp cũng đã tương phản với trước đây. Trong quá khứ, chức Tổng Bí thư và những phụ tá thân cận quyết định mọi vấn đề. Hiện nay, việc lựa chọn những vị trí lãnh đạo tối cao được thực hiện bởi việc bầu phiếu kín trong Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương, có nghĩa là những ứng cử viên cần phải kiếm phiếu từ các đồng nghiệp trong Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương gần 200 người. Trong bốn kỳ đại hội toàn quốc gần đây, kể từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 8 vào năm 1996, hầu như không thể nào để đoán trước chắc chắn tên tuổi của những vị trí tối cao cho đến giờ thứ 11. Trường hợp tương tự cũng xảy ra vào năm 2011, với các vị trí tối cao được quyết định tại Hội nghị Toàn thể lần thứ 14 (hội nghị lớn thứ hai trong nhiệm kỳ) chỉ ba tuần trước Đại hội Toàn quốc.

Rồi lại có vấn đề của việc thay đổi những cụm từ chủ chốt trong Cương lĩnh của Đảng. Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 10 trước đây, với sự đề nghị của Bộ Chính trị, đã giải thích bản chất của nền kinh tế trong dự thảo Cương lĩnh là "công hữu tư liệu sản xuất." Đoạn văn này đã gây ra nhiều phản đối trong giới trí thức: liệu chính quyền có thể công hữu hoá những phần mềm hoặc tài sản do người nước ngoài tạo ra? Ai sẽ còn muốn đầu tư vào Việt Nam nếu hiểm hoạ của việc công hữu hoá đang nằm trong Cương lĩnh của Đảng Cộng sản vốn đang "lãnh đạo đất nước và xã hội"?

Sau đó khi Đại hội toàn quốc thảo luận toàn văn Cương lĩnh để thông qua, các đại biểu Đại hội đã nghi ngờ giá trị pháp lý của đoạn văn trên và đã biểu quyết với tỉ lệ trên 65% để thay đổi lại với một câu văn trung lập hơn nhằm tránh đi hình ảnh công hữu hoá. Tân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, được biết là đã ủng hộ việc giữ nguyên câu văn cũ, được hỏi là ông nghĩ như thế nào về quyết định của đại hội. Ông nói rằng Đại hội là người có quyền quyết định tối cao về vấn đề này và bất cứ điều gì Đại hội quyết định, Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị sẽ phải chấp hành theo. Sau đợt biểu quyết, mọi người đều thở phào nhẹ nhõm.

Quay lại vấn đề bầu cử, ngoại trừ những ứng cử viên được Ban Chấp hành Trung ương chính thức đề cử, các đại biểu Đại hội cũng được phép đề cử thêm những ứng cử viên khác và cá nhân các đại biệu có thể tự ứng cử mà không cần phái đoàn đại biểu của tỉnh mình thông qua. Đã có một trường hợp tự đề cử như thế, và con số của các ứng cử viên từ các đơn vị tỉnh đề nghị bổ xung đã đạt mức kỷ lục với hơn 15%. Tuy nhiên, cuối cùng thì đại đa số những người được đắc cử là những ứng cứ viên do Ban Chấp hành Trung ương cũ đề xuất. Mặt khác, theo một nguồn tin cho biết, mười bộ trưởng chính phủ là thành viên của Ban Chấp hành Trung ương cũ đã không được tái đắc cử, mặc dù họ cũng được Ban Chấp hành Trung ương cũ đề xuất. Nói cách khác, những kịch bản viết trước chắc chắn đã được sửa đổi nhiều hơn trước đây.

Một thay đổi đã không được giới báo chí nêu bật là việc rút lui của ông Hồ Đức Việt, người đứng đầu Ban Tổ chức Trung ương đầy quyền lực. Việc tái ứng cử của ông vào Bộ Chính trị đã bị giám sát và phê phán mạnh mẽ vì cách làm việc thiếu hiệu quả trong nhiệm vụ của mình, và ông đã không vượt qua được cuộc bầu cử. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11, ông đã mất vị trí cả trong Bộ Chính trị lẫn trong Ban Chấp hành Trung ương, vốn là một cú đánh mạnh hiếm thấy trong giới lãnh đạo tối cao. Dù trước đó, cho đến giữa năm 2010, chỉ sáu tháng trước khi Đại hội toàn quốc, Hồ Đức Việt đã được xem là có khả năng ứng cử vào chức vụ Tổng Bí thư hoặc Chủ tịch Quốc hội.

Tóm lại, trong hệ thống chính trị của Đại hội Đảng, bên cạnh bề ngoài kiểm soát và độc tài vẫn có một bản chất mềm mại. Trong khía cạnh này, mọi người được phép tranh giành ảnh hưởng và vị trí nhưng vẫn phải chịu nằm trong một giới hạn vốn được dùng để bảo vệ những lãnh đạo cao cấp của đảng không bị những phần tử bên ngoài Bộ Chính trị chính thức thách thức. Ban Chấp hành Trung ương và thậm chí thành viên của Bộ Chính trị giờ đây không còn được đặc cách để giữ nguyên vị trí của mình. Có thể là họ sẽ phải làm việc nhiều hơn trong tương lai để chiếm được hậu thuẫn của đồng nghiệp trong Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương.

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 567 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
«  Tháng Hai 2011  »
SuMoTuWeThFrSa
  12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 107
Khách: 107
Thành Viên: 0