chauxuannguyen
Kỳ V. Ngành nhựa… lao đao
(DĐDN)
Với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, trình độ quản lý còn hạn hẹp nên khi nền
kinh tế lâm vào khủng hoảng thì ngành nhựa cũng liên tiếp rơi vào thảm
cảnh "chết yểu”.
Theo ông Hồ Đức Lam- Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Nhựa VN
(VPA), hiện có 20% trong tổng số hơn 2.000 DN ngành nhựa phải đóng cửa.
Lệ thuộc vì nguyên liệu
Để làm ra một sản phẩm nhựa, các DN ngành này phải nhập khẩu từ 80 –
85% nguyên liệu và phụ gia, trong khi chi phí nguyên liệu chiếm 70% giá
thành nhưng ngành nhựa chỉ toàn tập trung vào những sản phẩm phổ thông,
giá rẻ để cạnh tranh với ngành nhựa Trung Quốc.
Trong khi đó, theo đại diện VPA, hiện nay phần lớn các DN nhựa hình
thành và phát triển từ các Cty gia đình, nên vốn hạn hẹp, trình độ quản
lý hạn chế, thiếu thông tin cập nhật. Những DN này thường sản xuất những
mặt hàng đơn giản, đòi hỏi nhiều lao động và lợi nhuận ít. Vì thế,
ngành nhựa chưa đủ sức vươn lên trở thành ngành công nghiệp phụ trợ cho
các ngành sản xuất khác. Bên cạnh đó, sự phát triển của các DN nhựa
không theo quy hoạch tổng thể. Các nhà đầu tư tư nhân thường tập trung
sản xuất những mặt hàng ăn khách, nên dẫn đến tình trạng chồng chéo, gây
lãng phí về vốn và ít hiệu quả kinh tế.
Đại diện Cty Nhựa Đạt Hòa chia sẻ, giá hạt nhựa từ cuối năm 2011 đã
tăng khoảng 10%. Với công suất sản xuất khoảng 1.600 tấn sản phẩm nhựa
các loại mỗi tháng, Nhựa Đạt Hòa phải nhập khẩu nguyên liệu trực tiếp từ
Thái Lan khoảng 200 tấn hạt nhựa và thêm 800 tấn từ trong nước. DN đang
phải gồng mình chịu lỗ không dám tăng giá vì sợ mất khách hàng. Hiện
chúng tôi đang phải chịu lỗ khoảng 15% trên giá bán ra và khó có thể cầm
cự mãi được – vị này cho biết.
Theo ông Lê Đăng Doanh, ngành nhựa có 1.064 DN có số vốn từ 500 triệu
đồng trở lên, do đó đặc thù của ngành hầu hết là DN vừa và nhỏ. Chính
vì đặc thù đó mà trong bối cảnh hiện nay, khó nhất của DN ngành nhựa vẫn
là vấn đề vốn. Bên cạnh đó, cán cân thương mại hiện nay của ngành nhựa
đang bị mất cân đối nghiêm trọng. Hiện mỗi năm ngành nhựa xuất khẩu
khoảng 1,5 tỉ USD nhưng lại nhập khẩu gần 4 tỉ USD, chủ yếu là nguyên
liệu đầu vào. Vì vậy, DN nào đủ sức cầm cự vượt qua được thì tồn tại, ai
yếu thì phải chấp nhận phá sản – ông Doanh nói.
Liên kết tạo sức mạnh
Cần chú ý tận dụng nguồn lợi thế của mình để phát triển xuất khẩu – đó mới là giải pháp dài hơi.
|
Theo ông Doanh, trong tình thế hiện nay, DN nhựa cũng như các DN
khác, nên thực hiện phương châm kêu gọi góp vốn chuyển thành các Cty cổ
phần nên bán một số tài sản để huy động vốn và tuyệt đối tránh vay tín
dụng với lãi suất cao hơn lợi nhuận. Riêng với thị trường xuất khẩu có
thể mở rộng thị trường sang hướng mới, chú ý các thị trường tiềm năng
mới như Lào, Campuchia, Myanmar.
Theo Bộ Công Thương, các DN trong ngành cần liên kết hợp tác để thực
hiện các hợp đồng lớn và lâu dài, thay vì tồn tại tới hơn 2.000 DN song
chủ yếu vẫn là quy mô vừa, thậm chí nhỏ lẻ như hiện nay. Bộ cũng khuyến
cáo DN tăng đầu tư và áp dụng công nghệ mới cho các sản phẩm nhựa kỹ
thuật cao, đặc biệt là các loại bao bì có thể tự hủy để bảo vệ môi
trường, các sản phẩm phục vụ nội địa hóa ngành ôtô, xe máy, điện tử, sản
phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp và hạ tầng cấp thoát nước, các sản
phẩm nhựa tiêu dùng…
Ngành cơ khí cũng cần phối hợp với ngành nhựa, tự mình hoặc liên
doanh với nước ngoài, từng bước sản xuất thiết bị, khuôn mẫu để các DN
nhựa có thể giảm chi phí đầu tư. Các DN nhựa cần phối hợp với nhau chặt
chẽ hơn, nhất là các DN cùng ngành hàng để hỗ trợ, bảo vệ nhau trong sản
xuất kinh doanh trước sự cạnh tranh quyết liệt của hàng nước ngoài.
"Người trong cuộc”, ông Nguyễn Như Khuê -Tổng Giám đốc Cty TNHH RKW
LOTUS chia sẻ, bên cạnh các biện pháp tiết kiệm, tinh gọn bộ máy sản
xuất, cần chú ý tận dụng nguồn lợi thế của mình để phát triển xuất khẩu –
đó mới là giải pháp dài hơi.
Mai Thanh
|