Lê Minh Nguyên
Đại Hội Đảng CSVN sẽ được tổ chức
khoảng tháng 1/2011. Có hai vấn đề mà người ta thường quan sát là (1) vấn đề nhân
sự và (2) vấn đề chính trị, tức những thay đổi nào sẽ xảy ra, những
đường lối, chính sách mới nào sẽ được thực hiện trong vòng 5 năm tới. Các thay
đổi này chỉ có tính cách đổi mới (reform) mà thôi, tức giữ y hệ thống và chỉ
đổi mới bên trong, hay có tính cách thay hình đổi dạng (transform) cái hệ thống
độc tài độc đảng để đi đến một chế độ chính trị mới?
Nếu hệ thống hay chế độ vẫn giữ y
như cũ mà chỉ thay đổi nhân sự mà thôi thì 5 năm tới cũng chỉ là Vũ Như Cẩn
(vẫn như cũ) bởi vì vỡ tuồng thì cũng vẫn vậy mà chỉ thay đổi đào kép, thường
các đào kép khi chưa đóng tuồng thì còn trông dễ coi, nhưng khi đóng tuồng rồi
thì như ông Nguyễn Minh Triết thủ diễn "Dù
ai nói ngã nói nghiêng, dù ai có muốn bỏ Điều 4 hiến pháp gì đó thì không có
chuyện đó. Bỏ cái đó đồng nghĩa với chúng ta tuyên bố chúng ta tự sát..”
Về các vấn đề chính trị trọng đại
có tính cách thay đổi chế độ thì như tác giả Người Yêu Nước (NYN) hôm 6/1/2010 có viết trên X-Cafe rằng
hiện trong Đảng CSVN có đề nghị đổi tên đảng thành đảng Lao Động Việt Nam và
tên nước là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, là hai cái tên mà ông Hồ Chí Minh đặt ra.
Do đó nếu CSVN thực sự đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh thì không thể "chỉ nói mồm học theo Bác, mà không thực làm
theo Bác”, dù đây là một đề nghị đổi mới dởm, hay "đổi mới tức là lấy lại
cũ” và trong cái cũ này đã từng xảy ra Cải Cách Ruộng Đất, Nhân Văn Giai Phẩm,
phát động cuộc nội chiến Bắc-Nam, thảm sát ở Huế, công hàm Phạm Văn Đồng và biết
bao cuộc khủng bố giết người rùng rợn.
Theo NYN, các vấn đề như báo chí
tư nhân để có tiếng nói độc lập không nằm trong "lề phải” của chế độ, bầu cử
trực tiếp không qua sự thanh lọc của Mặt Trận Tổ Quốc, vấn đề tự do cư trú để
giải phóng lực lượng lao động, vấn đề quyền tư hữu ruộng đất của người dân. Nói
chung, các vấn đề giúp chế độ độc tài độc đảng thay hình đổi dạng để tiến về
chế độ dân chủ đa nguyên. Nếu các vấn đề này có được thì cái thiện sẽ thắng,
nghĩa là một sự tiệm tiến chuyển đổi chế độ. Còn nếu các vấn đề này không xảy
ra thì cái ác sẽ thắng và đây là đại hội cuối cùng vì cách mạng sẽ xảy ra để
làm sụp đổ chế độ.
Theo nhà báo Bùi Tín, chúng ta cần
theo dõi các văn kiện khung sườn của Đại Hội 11 sắp được Trung Ương Đảng thông
qua trong các cuộc họp sắp đến như (a) Báo Cáo Chính Trị của Ban Chấp Hành TƯ
Khóa 10 là báo cáo quan trọng nhất để kiểm điểm 5 năm qua và phát họa 5 và 10
năm tới; (b) Báo Cáo về tình hình nội bộ của đảng CS trong 5 năm qua; (c) Báo Cáo
phương hướng phát triển kinh tế, xã hội cho thập niên 2010-2020; (d) Kế Hoạch ngũ
niên 2010-2015; (e) Báo Cáo bổ xung sửa đổi Điều Lệ Đảng (nếu có).
Tiến trình của đại hội thường là
Tháng Ba bồi dưỡng báo cáo viên; Tháng Sáu đại hội cơ sở cấp xã của chi bộ/đảng
bộ; Tháng Tám và Tháng Chín đại hội cấp huyện rồi tỉnh/thành; cuối năm là đại
hội ngành quân đội, công an và đảng bộ các cơ quan trung ương. Thường vấn đề
nhân sự sẽ được bàn trong cuộc họp của BCH/TƯ vào Tháng Chín để bỏ phiếu thăm
dò ai đi ai ở. Khóa họp BCH/TƯ theo sau đó sẽ quyết đinh nhân sự, Bộ Chính Trị
sẽ gồm những ai. Tuy thông tin được giữ kín nhưng vẫn không tránh được việc bị
tiết lộ. TƯ sẽ ra công bố mời nhân dân đóng góp ý kiến cho đại hội, nhưng với
tình trạng cấm phản biện hiện nay thì những đóng góp đều phải theo "lề phải” để
vuốt đuôi hay nâng bi mà thôi.
Các vấn đề sinh tử của đất nước và
dân tộc nhưng đại hội có lẽ sẽ tìm cách tránh né để chỉ lo cũng cố việc nắm
quyền, đó là (1) tham nhũng – như cá độ PMU-18, PCI xây xa lộ Đông Tây,
Securency in tiền polymer v.v.., (2) nạn mua quan bán chức, (3) giáo dục suy
đồi, (4) bầu cử dân chủ, (5) ươn hèn yếu đuối trước hiểm họa bành trướng của
Trung Quốc, (6) chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ bị xâm phạm, (7) nông
dân bị bạt đãi và càng ngày càng bị mất đất do quan lớn thu hồi để hợp tác đầu
tư với nước ngoài, (8) công nhân bị tư bản đỏ cấu kết với tư bản xanh bóc lột
trong khi lạm phát cứ gia tăng, (9) dân oan càng ngày càng đông và không tìm ra
công lý, (10) hố ngăn cách giàu-nghèo quá xa, quá cao và càng ngày càng mở rộng
– như ông Phạm Đình Toàn hay Toàn đô la ở Phú Thọ mua cây sanh cổ giá một triệu
hai trăm ngàn đô la, đám cưới ở Saigon với 10 xe Roll Royce tốn hơn một triệu đô
la, trong khi bà già 76 tuổi Phạm Thị Đoàn ở Khánh Hòa phải mò cua bắt ốc dưới
biển từ 1 giờ sáng, (11) tâm tư xã hội bất ổn và luân lý suy đồi – như ép dâm ở
Hà Giang mà 15 nữ sinh trung học từ 13 đến 17 tuổi bị ông hiệu trưởng Sầm Đức
Xương dẫn mối cho các quan đầu tỉnh mua vui, (12) Tổng Cục 2 là cơ quan siêu
quyền lực được sử dụng như một công cụ chính trị cho các quan thái thú thân TQ,
(13) trí thức của chế độ bị bịt mồm như IDS hay Bauxite Việt Nam, (14) tôn giáo
bị đàn áp - như Tam Tòa, Đồng Chiêm, Bát Nhã, Hòa Hảo bị cản trở hành đạo ở
Vĩnh Long v.v.., (15) tuổi trẻ, trí thức, quân đội và đảng viên cấp thấp bị cấm
yêu nước.
Cái quái thai "kinh tế thị trường
theo định hướng xã hội chũ nghĩa” mà theo nhà báo Bùi Tín, nó ghép cái xấu nhất
của chủ nghĩa tư bản là bóc lột lao động, với cái xấu nhất của xã hội chủ nghĩa
là độc quyền đảng trị. Nó bỏ cái tốt nhất của chủ nghĩa tư bản là cạnh tranh
hợp pháp và đồng đều cơ hội, bỏ cái tốt nhất của xã hội chủ nghĩa là bình đẳng xã
hội và chống bóc lột dưới mọi hình thức. Nó là một sự cấu kết, như ông Ngụy
Kinh Sinh một nhà tranh đấu cho dân chủ nổi tiếng của TQ nhận xét, của (1) đảng
CS nắm quyền với (2) tư bản đỏ tức thân nhân và tay chân bộ hạ-cronies của các
cán bộ đảng và (3) tư bản xanh tức các công ty ngoại quốc mà ưu tiên số một của
họ là lợi nhuận và được hai thành phần trên ưu đãi để duy trì quyền lực và
quyền lợi. LS Lê Công Định bị Phòng Thương Mại Hoa Kỳ bỏ rơi không bênh vực do
bởi sự cấu kết này.
Cho tới hôm nay, người ta không có
hy vọng gì những vấn đề chính trị xã hội kể trên, những bước tiến cần thiết để
thay đổi chế độ sẽ xảy ra trong đại hội 11 này. Trong cuộc trao đổi với một vị chính
khách VN có tiếng tăm ở Âu Châu hôm 22/2/10, tôi cho rằng như vậy thì chắc một
cuộc "cách mạng nhung” sẽ xảy ra và vị chính khách này thất vọng đến độ buông
ra một câu "cách mạng sắt thì có!”. Dĩ nhiên đây là những lời nói bực dọc chứ
không phải chủ trương, nhưng nó nói lên tâm trạng "hết thuốc chửa” của nhiều
người về cái hệ thống chính trị CS hiện tại. Vì lẽ đó, phần còn lại của bài này
tôi chỉ nêu lên cái điều không quan trọng, tức vấn đề nhân sự của đảng CSVN.
Theo BBC 20/2 và VOA 18/2/10, báo
Reuters cho biết rằng rủi ro kinh doanh gia tăng trong năm tổ chức đại hội và
đã bắt đầu từ ngay bây giờ, nghĩa là 2 năm 2010 và 2011. Guồng máy điều hành
các cấp hiện nay gần như tê liệt vì mặc cả, giàn xếp về chức vụ. Ông Jabob
Ramsay của tổ chức Regional Risks Consultancy nói thái độ cầm chừng sẽ buộc VN
trả giá về mặt kinh tế. Mâu thuẫn giữa các phe làm cho quan hệ với Hoa Kỳ trở
nên khó khăn, việc đàn áp những người bất đồng chính kiến làm cho Quốc Hội HK
muốn đặt lại vấn đề giao thương, vấn đề thông qua đạo luật nhân quyền, và Bộ
Ngoại Giao HK muốn xem lại vấn đề đưa VN vào danh sách CPC tức quốc gia đáng
quan tâm vì vi phạm tự do tôn giáo. Các dự án cần hậu thuẩn cấp cao, các dự án
cần chấp thuận qua nhiều giai đoạn, địa ốc, cơ sở hạ tầng, các dự án cần 2 phe
đồng ý sẽ bị ngưng trệ.
Các biểu hiện của việc tranh chấp quyền
lực trong đảng CSVN theo Reuters đã được thể hiện qua các sự việc như vụ Jetstar Pacific, tổng giám
đốc người Việt đang bị tạm giam, trong khi hai giám đốc người Úc bị cấm xuất
cảnh để điều tra, vụ chặn mạng Facebook, hay giọng điệu chống ‘đế quốc’ (Trung Quốc) trong nhiều tờ báo quốc doanh. Theo ông Iskander Rehman (27/10/09), việc bắt bớ các nhà
tranh đấu dân chủ là do Tổng Cục 2 chủ xướng và TC2 là công cụ của phe bảo thủ
đang thắng thế sau khi ông Tô Huy Rứa vào Bộ Chính Trị tháng 1/09 và đến tháng
10/09 đã từ vị trí thứ 15 được nâng lên thứ 11. Việc CSVN gặp khó khăn tài
chánh đưa đến họ càng lệ thuộc TQ hơn và phe bảo thủ đã khéo léo sử dụng việc
này cho ưu thế chính trị của họ. TC2 đã trở nên quá sức quyền lực giống như cơ
quan ISI của Pakistan (Inter-Services Intelligence). Ông Nguyễn Trường Tô, Chủ
Tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Hà Giang, hôm 21/2 trả lời phỏng vấn RFA nói rằng ông
bị oan trong vụ ép dâm nữ sinh, vụ này là thủ đoạn chính trị trước đại hội
đảng.
Theo ông Nguyễn Văn Huy trên Thông
Luận ngày 10/2/10 thì đại hội 11 CSVN vào tháng 1/2011 chắc cũng sẽ có số đại
biểu tương tự như đại hội 10 năm 2006, nghĩa là 1,176 đại biểu cho 3.1 triệu
đảng viên toàn quốc để bầu ra 160 ủy viên trung ương chính thức và 21 ủy viên
trung ương dự khuyết, chọn 15 ủy viên Bộ Chính Trị và 8 ủy viên cho Ban Bí Thư
BCT. Theo NYN, hiện đang có khuynh hướng muốn gom hai chức Tổng Bí Thư và Chủ
Tịch Nước lại làm một để tương đương với chức vụ tổng thống trong chế độ tự do
như bên TQ đã làm. Hiện đã có 10 tỉnh với 500 xã ở VN đang làm thí điểm cho
việc gom chức bí thư và chủ tịch ủy ban nhân dân làm một.
Ông Trương Tấn Sang sau kỳ họp
Trung Ương tháng 10/09 đã từ vị trí số 6 lên số 2 trong Bộ Chính Trị để chuẩn
bị cho chức Tổng Bí Thư. Tuy nhiên, chức Tổng Bí Thư thì luôn do người miền Bắc
nắm chỉ trừ có Lê Duẫn (miền Trung) là ngoại lệ. Theo NYN thì cánh quân đội
không muốn Sang làm TBT vì như vậy là đương nhiên trở thành Bí Thư Quân Ủy
Trung Ương là điều mà quân đội không chấp nhận, cho nên Sang đang có bước lùi,
dòm ngó qua chức Thủ Tướng vì chức này không có nhiều cản trở. Những người biết
về Sang nói rằng ông ta là người khôn ngoan, không đấu tranh chết bỏ.
Ông Nguyễn Tấn Dũng sau 4 năm làm
thủ tướng không có thành tích gì ngoài việc ký giấy thăng lên tướng hàng loạt
cho công an và quân đội đến mức lạm phát. Con gái ông là Nguyễn Thanh Phương
lấy chồng là Nguyễn Bảo Hoàng, con của một Việt kiều làm quan chức chế độ Việt
Nam Cộng Hòa. Hoàng là Tổng Giám Đốc công ty đầu tư IDG Ventures Vietnam, chung
vốn với công ty của con gái Dũng với vốn đầu tư khoảng 200 triệu đô la (Rusforf
Report). Dũng xây dựng nhà thờ họ "hoành tráng” trên đường Nguyễn Trung Trực ở
Rạch Giá, cũng như nhà nghĩ mát con gái Dũng ở Hòn Chồng, Nha Trang, con trai
Dũng du học ở Mỹ. Theo NYN thì Dũng muốn làm thêm một khóa thủ tướng nữa, nhưng
so với Sang, Dũng chỉ là 20/80. Tuy nhiên, theo một nguồn tin đáng tin cậy
nhưng chưa được kiểm chứng thì hiện nay Dũng đang dẫn đầu khá xa trong chức vụ
Tổng Bí Thư kiêm Chủ Tịch Nước, do được sự hậu thuẩn mạnh mẽ của cha ruột là Lê
Đức Anh, và sau lưng Lê Đức Anh là TQ. Có lần dư luận cho rằng Dũng là con của
tướng Nguyễn Chí Thanh, nhưng nguồn tin này cho rằng không đúng, mẹ của Dũng là
văn công kiều diễm trong thời chiến tranh và có quan hệ tốt với các ông LĐAnh,
NCThanh và VVKiệt. Nguồn tin cho biết LĐAnh đã lôi kéo được Đổ Mười ủng hộ
Dũng. Hiện nay tin tức của báo chí "lề phải” trong nước hầu như nói nhiều về
Dũng để tô điểm ông ta. Dũng trong quá khứ đã từng tuyên bố ông là một thương
phế binh đã đến tuổi về hưu, sỡ dĩ nắm quyền vì đảng ép ông phải hy sinh. Đại
hội 11 là cơ hội để ông không phải hy sinh nữa, diễn tiến hiện tại cho thấy đảng
đang tiếp tục bức hiếp ông. Nhân dịp gặp gỡ báo chí đầu xuân ngày 23/2 ở Hà Nội
(RFA 24/2), ông tuyên bố "báo chí cần chủ động thông tin bảo vệ chủ quyền”,
điều mà mới cách đây 10 tháng ông rút giấy phép báo Du Lịch vì nói như vậy. Có
lẽ đây là hình thức vận động sơ bộ của ông.
Ông Nguyễn Văn Chi, Trưởng Ban Kiểm
Tra Trung Ương, cựu Bí Thư Đà Nẳng, đã từ vị trí 12 lên số 3 và có thể sẽ là
Chủ Tịch Nước nếu chức vụ này còn đứng riêng, nếu gom lại với TBT thì Chi có
thể sẽ là Thường Trực Ban Bí Thư hoặc Chủ Tịch Quốc Hội để tiêu biểu cho phe
nhóm miền Trung. Chi gốc là du kích ở Hòa Giang, Quảng Nam, trình độ học vấn
kém, máu an ninh cao, khả năng yếu hơn Nguyễn Bá Thanh. Chi đã kỹ luật khá
nhiều cán bộ bê bối nên bị guồng máy tham nhũng của đảng không ưa ông.
Theo NYN thì hai ứng viên khác
nặng ký cho chức Tổng Bí Thư là Bộ Trưởng Quốc Phòng Phùng Quang Thanh và Trưởng
Ban Tổ Chức Trung Ương Hồ Đức Việt, vì cả hai trong sáng liêm khiết. Nếu tình
hình căng thẳng với TQ thì ông Thanh có lợi thế, nhưng hiên nay thì ông Việt
được coi là nặng ký hơn. Ông Việt sinh 1947, quê Nghệ An, tiến sĩ toán ở Tiệp
Khắc, cựu bí thư Quảng Ninh, Thái Nguyên và TƯ Đoàn, đứng hàng thứ 12 trong
BCT.
Ông Phạm Quang Nghị, sinh 1949, Bí
Thư Hà Nội, từ hai năm nay được coi là có lời nói và hành động muốn thay ông
Nông Đức Mạnh cho nên đã bị các đối thủ của ông đánh phá, như qua vụ đập phá
nhà thờ Thái Hà cuối năm 2008 và phá thánh giá Đồng Chiêm đầu năm 2010, do đó
ông Nghị không có hy vọng trở thành TBT. Khi Hà Nội bị lũ lụt, ông trách dân
sao hay ỷ lại vào chính quyền.
Hai phe đang tích cực vận động là
NTDũng và PQThanh và có thể có liên minh giữa Dũng và Thanh để áp đảo đại hội.
Nếu đại hội 10 năm 2006 là đại hội Bắc tiến với CS nằm vùng miền Nam trong
chiến tranh nắm nhiều chức vụ then chốt như Thủ Tướng-NTDũng, Chủ Tịch Nước-NMTriết,
Thường Trực Ban Bí Thư-TTSang, Bộ Công An-LHAnh, Phó Thủ Tướng Nội Chính-TVTrọng,
thì đại hội 11 có thể có hình sandwich, trong đó Nam và Bắc to và ngang bằng,
trong khi miền Trung thì bị kẹp lại. Hiên giờ ngoài Nguyễn Văn Chi thì dường
như chỉ có Nguyễn Bá Thanh, Bí Thư Đà Nẳng, là quan trọng cho miền Trung. Ông
Thanh đã bị ông tướng công an Trần Văn Thanh tố là tham nhũng, nhưng ông
TVThanh đã bị thua và bị loại. Bộ Trưởng Quốc Phòng thì cũng như chức Tổng Bí
Thư, xưa nay do miền Bắc nắm, và đại hội 11 chắc cũng không ra khỏi nguyên tắc
này.
Một điều chúng ta, những người
tranh đấu cho tự do dân chủ, cần lưu ý là trong các kỳ đại hội, họ luôn vận
động người Việt hải ngoại để ủng hộ đại hội, hoặc tìm cách tê liệt hóa phía bên
ta cái khả năng thừa cơ hội họ đang tháo lõng hệ thống (unfreeze) để thay đổi
nhân sự và đường lối/chính sách hầu xeo nạy cho vỡ đảng. Trong thông báo tổ
chức Hội Nghi Người Việt Nam Ở Nước Ngoài tại Hà Nội trong tháng 11/2009 vừa
qua họ có nói rõ rằng họ vận động cộng đồng, đoàn thể, cá nhân ở hải ngoại để
ủng hộ cho đại hội thứ 11 của họ. Do đó, trong năm 2010 này họ sẽ cho chúng ta
uống rất nhiều nước đường với những dụ hoặc và hứa hẹn ngọt bùi để hổ trợ họ.
Trên mặt nổi, họ đã từng ngõ lời nhờ DB Cao Quang Ánh giúp tạo điều kiện để họ tiếp
xúc với cộng đồng người Việt ở HK. Trong kín đáo, họ đang có những tiếp xúc có
tính cách dò dẫm để hứa hẹn thỏa hiệp. Do đó, chúng ta cần có bản lãnh để phân
biệt và nhận diện được các đòn phép của họ. Một trong những thước đo chính xác
nhất cho việc nhận diện này là cái thước mà GS Nguyễn Ngọc Huy đã từng viết ra
và để lại, đó là nhìn xem người dân trong nước được hưởng các quyền tự do
dân chủ đến đâu và như thế nào mà đánh giá sự thành thật của họ. Nóng vội
hay cả tin thì chúng ta dễ bị rơi vào mê hồn trận của họ.
Lê Minh Nguyên
PCT Đảng Tân Đại Việt
(25/2/2010)