Thứ Hai, 2024-12-23, 0:51 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2010 » Tháng Hai » 14 » Ôm bám hệ thống độc quyền
7:25 AM
Ôm bám hệ thống độc quyền

Ngô Nhân Dụng

Việt Nam mới giảm giá đồng tiền so với đô la Mỹ, lần thứ hai kể từ tháng 11 năm ngoái. Kể từ tháng 6, năm 2008, thì đây là lần thứ tư đồng bạc Việt Nam bị phá giá. Ðồng tiền bị áp lực của thị trường chợ đen đẩy xuống, trong khi hối suất chính thức là 17,941 đồng lấy một đô la thì chợ đen trả gần 19,250 đồng. Chính quyền cộng sản muốn thu đô la vào hệ thống ngân hàng; tăng giá Mỹ kim để những người có đô la đem tiền Mỹ tới đổi cho các ngân hàng thương mại, thay vì đem đổi chợ đen được giá lời hơn. Sau khi bị phá giá hai lần trong ba tháng, bây giờ ở các ngân hàng giá chính thức đồng đô la cũng lên tới 19,100 đồng.

Nhưng liệu đảng Cộng Sản có đạt được mục đích gom đô la vào trong các ngân hàng hay không? Tổng giám đốc Ngân hàng Sacombank cho biết trong năm 2009 đã chuyển gần một tỷ đô la (850 triệu) tiền do người Việt ở nước ngoài gửi về, nhưng chỉ có 10% số tiền đó được những người nhận tiền bán lại cho ngân hàng này - tức là 90% những đồng đô la gửi về Việt Nam ra đi theo con đường tìm về chợ đen. Nhà nước cộng sản hoàn toàn bất lực không thể ngăn cấm chợ đen. Không thể đem công an ra đứng chỉ đường bắt đô la Mỹ phải đi theo chỉ đạo của đảng. Những người tổ chức chợ đen mạnh hơn cả công an, họ có thể chính là công an cùng với những kẻ nắm đầu công an!

Việc tăng hối suất của đồng đô la cho bằng giá chợ đen khó thu tiền Mỹ về cho các ngân hàng. Vì khi có những người cần đi mua đô la ở chợ đen vì những lý do riêng, họ sẽ sẵn sàng trả giá cao, thì sẽ có người bán đô la ở chợ đen. Những lý do riêng đó là gì? Có hàng ngàn lý do khác nhau trong một nền kinh tế mờ mờ ảo ảo, đa số những người kiếm nhiều tiền nhất không phải vì họ làm ăn, kinh doanh giỏi, thành công, mà vì những lý do khác! Những người đó có đủ lý do để che giấu những đồng tiền kiếm được, mà một cách giấu rất tiện là đổi lấy đô la Mỹ rồi đem chuyển dần dần ra nước ngoài mà không phải đi qua hệ thống ngân hàng chính thức.

Người ta càng ngần ngại đem tiền Mỹ đến gửi tại ngân hàng, vì lãi suất cho tiền đô la ký thác chỉ có 1%. Khi còn nhu cầu đổi tiền chợ đen thì rất nhiều người sẽ sẵn sàng đóng vai "ngân hàng đen,” tức là giữ đồng đô la, để chờ ngày đem ra đổi, biết thế nào giá cũng sẽ tăng lên. Họ chỉ cần nhìn vào cung cách quản lý nền kinh tế của đảng Cộng Sản Việt Nam là đoán được rằng giá đồng đô la sẽ còn tăng nữa.

Có nhiều lý do khiến đồng bạc Việt Nam xuống giá. Khi mối đe dọa lạm phát vẫn còn treo trên đầu mọi người, thì đứng trước viễn ảnh giá sinh hoạt sẽ tăng tâm lý chung của người dân là có đồng nào đem tiêu xài ngay, kẻo mai mốt tiền sẽ mất giá. Riêng tâm lý lo sợ đó cũng khiến lạm phát trở thành sự thật; vì khi mọi người thi đua đi mua sắm thì giá cả tất phải tăng lên! Hàng nhập cảng vào Việt Nam, dù hàng tiêu thụ hay các nguyên liệu dùng vào việc sản xuất, hầu hết phải trả bằng đô la Mỹ. Dù giá các món hàng đó không thay đổi trong thị trường quốc tế, nhưng khi đô la Mỹ lên giá đối với tiền Việt Nam thì tự nhiên đối với những người dân tiêu dùng tiền Việt các món hàng nhập cảng đều tăng giá hết. Khi nhà nước tăng giá đô la Mỹ, người dân sẽ thấy là mối lo lạm phát của mình có cơ sở vững chắc, họ càng tin tưởng thế nào lạm phát cũng còn lên nữa. Lạm phát ở Việt Nam năm 2007 có lúc đã lên tới 60% một năm, năm 2008 giảm xuống còn 23%; năm ngoái đã giảm được xuống dưới 7%, nhưng các nhà kinh tế tiên đoán năm nay lạm phát sẽ lên trên 7%.

Như vậy thì giảm giá đồng bạc Việt Nam đối với đô la Mỹ để làm gì nếu số đô la thu vào các ngân hàng chưa chắc đã tăng mà mối lo lạm phát càng thêm nặng? Chúng ta khó biết những động cơ nào đưa tới các quyết định kinh tế của một nhà nước cộng sản. Họ thường quyết định trong vòng bí mật, với những lý do bí mật. Có một hồi ở bên Nga người ta làm luật cấm không cho dùng xe với bánh lái bên tay phải (Chỉ ở những nước luật đi đường bắt lái xe phía bên trái, như ở Anh Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, thì bánh lái mới đặt bên tay phải; còn ở Việt Nam, Pháp, Mỹ, Nga, vân vân, dân lái xe đi bên phải thì bánh lái đặt bên trái). Sau khi đã làm luật cấm các loại xe bánh lái bên phải một thời gian, thì chính phủ Nga lại đổi luật, cho phép những chiếc xe nhập cảng từ Nhật Bản, Anh Quốc được lưu hành!

Tại sao họ quyết định cấm, rồi lại quyết định tha? Chỉ có thể giải thích rằng có một ông quan nào đó ra lệnh cấm để tất cả những chiếc xe cũ mua từ Nhật Bản đem về bị mất giá. Khi các xe đó xuống giá, ông và đồng đảng đi mua các loại xe đó cất đi. Bao giờ mua đủ, các ông đổi luật, giá xe tăng lên trở lại, một vốn bốn lời trong mấy tháng!

Rất khó tiên đoán được kinh tế các nước cộng sản, vì những quyết định của quan chức không căn cứ vào các quy luật thông thường. Quy luật quan trọng nhất của họ là chỉ quyết định điều gì khi chính bản thân mình, gia đình mình, và các đồng đảng ăn chia đều hưởng lợi.

Tham nhũng bằng cách ép người ta đưa tiền cho mình là loại tham nhũng tép riu, dành cho các chú công an, cảnh sát đứng đầu đường. Ðưa tiền trong bao thư ở văn phòng như trong vụ xa lộ xuyên Sài Gòn cũng là chuyện nhỏ. Hành động tham nhũng làm ra tiền nhiều nhất và chắc chắn nhất là thay đổi thủ tục, luật lệ và đưa ra các quyết định chính sách kinh tế. Ăn tiền kiểu đó hoàn toàn hợp pháp, mà lại chứng tỏ chính quyền "năng động” điều chính chính sách luôn luôn!

Nhưng thay đổi các chính sách nhỏ giọt theo lối cò con đó có ích lợi gì trong việc quản lý kinh tế nước ta hay không? Ông Trần Xuân Giá, một cựu bộ trưởng Kế Hoạch Ðầu Tư mới nói với tờ Thời Báo Kinh Tế rằng nhà nước cộng sản phải thay đổi toàn diện, vì "Cả tư duy và mô hình tăng trưởng hiện nay đã không còn phù hợp.” Ông Giá nhận xét, "GDP tăng chủ yếu dựa vào vốn đầu tư nhưng hiệu quả đầu tư ngày càng kém, năng suất lao động thấp, chi phí sản xuất, tiêu hao năng lượng trên một đơn vị sản phẩm tăng cao,...” Tình trạng phí phạm, mất mát đó là do hệ thống cai trị độc quyền của đảng Cộng Sản, không thể nào sửa được vì sửa là đụng tới toàn thể hệ thống cai trị.

Một mô hình được chế độ cộng sản áp dụng từ thời Phan Văn Khải, Võ Văn Kiệt tới nay, là tập trung tài nguyên quốc dân cho các doanh nghiệp nhà nước sử dụng, với những tổng công ty và các tập đoàn kinh tế mà các đảng viên cộng sản nắm giữ. Ðó là công cụ để đảng Cộng Sản chiếm độc quyền kinh tế thời xưa, nay vẫn còn giữ lại và củng cố cho lớn hơn. Những đại công ty này chỉ tạo được công ăn việc làm cho dưới 20% tổng số người lao động, nhưng được các ngân hàng của nhà nước trao cho 40% đến 45% tổng số vốn cho vay! Còn các xí nghiệp tư nhân, tạo công việc làm cho 80% người lao động thì bị ép khi cần vay vốn. Những người sử dụng vốn kém nhất thì lại được ưu đãi cho vay vốn; còn những người có khả năng, biết đem tiền đầu tư tạo ra nhiều của cải hơn thì phải đúng bên lề. Vì vậy, năng suất của cả nền kinh tế rất thấp, so với các nước khác.

Một chỉ số do năng suất chung của một nền kinh tế là tỷ lệ giữa số tiền cần đầu tư để tạo ra một đơn vị của cải mới. Nếu muốn tạo ra thêm một đồng trong Tổng Sản lượng Nội Ðịa mà anh cần 50 xu đầu tư, thì hiệu năng của anh thấp hơn một người chỉ dùng 10 xu cũng tạo thêm được một đồng trong GDP. Chỉ số 50% hay 10% trên đây gọi tên là ICOR (Incremental Capital Output Ratio); chỉ số này càng thấp chứng tỏ nền kinh tế càng có hiệu năng cao.

Chỉ số ICOR của Việt Nam rất cao, trung bình là 5.2, tức là cần 5.2 xu đầu tư mới tạo thêm được một đồng của cải mới trong GDP. Nam Hàn, vào các thập niên 1960, 70 có chỉ số ICOR là 3, chỉ cần 3 xu đầu tư cũng tăng thêm được một đồng của cải mới. Trong thời gian đó, kinh tế Nam Hàn tăng lên với tỷ số 7, 9% một năm, còn Việt Nam mấy năm nay chỉ tăng với tốc độ 7.7%. Thái Lan trong giai đoạn kinh tế đang lên như vậy cũng tăng nhanh hơn, 8.1% một năm, mà chỉ số ICOR cũng tốt hơn Việt Nam, chỉ có 4.1.

Tại sao kinh tế Việt Nam hiệu năng yếu kém như vậy? Không phải vì người Việt Nam làm việc kém thông mình hay là vốn tính lười biếng. Lý do chính là hệ thống kinh tế độc quyền của đảng Cộng Sản chỉ ăn bám vào nền kinh tế chứ không đóng góp cho Tổng Sản Lượng Nội Ðịa bằng số tài nguyên mà họ rút ra dùng. Trước đây các nước Nga và Ðông Âu sụp đổ cũng vì tình trạng đó. Nhưng nay đảng Cộng Sản Việt Nam không lo, dù kinh tế yếu kém, các cán bộ và lãnh tụ vẫn ăn no và làm giầu. Ai muốn xin cho dân được hưởng thêm chút quyền dân chủ tự do thì bắt bỏ tù!

Ngoài ra, bọn tham quan ô lại khiến cho các nhà kinh doanh tư ai cũng phải đóng thêm những thứ thuế ngoài lề, tức là tiền hối lộ. Tham nhũng, hối lộ là những cản trở nặng nề cho sự phát triển kinh tế.

Tại sao đảng Cộng Sản cứ bám lấy các doanh nghiệp nhà nước và bảo vệ hệ thống thư lại tham nhũng rút ruột kinh tế cả nước? Bởi vì họ không biết một đường nào khác ngoài hệ thống cai trị từ thời Hồ Chí Minh để lại. Rời bỏ hệ thống cai trị độc quyền thì không những các lãnh tụ cộng sản sợ bị mất tiền, mất quyền, mà còn lo mất mạng và con cháu bị mang họa nữa. Cho nên ngay bây giờ đã có phong trào chuyển của cải ra nước ngoài, chuyển cả gia đình, con cháu sang các nước Âu, Mỹ, Úc. Những người Việt làm ăn lương thiện có chút tiền nhìn vào cảnh đó cũng lo đi sang các nước Âu, Mỹ sinh sống. Làm sao chuyển tiền bạc từ Việt Nam ra ngoài? Phải đổi lấy đô la Mỹ. Ðó là lý do chợ đen đô la không thể nào biến mất được. Nó đáp ứng nhu cầu của một chế độ vào lúc xế chiều ai cũng muốn chuyển tiền đi!

Nguồn: http://www.nguoi-viet.com
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 598 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
«  Tháng Hai 2010  »
SuMoTuWeThFrSa
 123456
78910111213
14151617181920
21222324252627
28
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0