Bài đã đăng Thời Báo (Canada)
Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ với những vết nứt do lõi bê tông giãn nở và sunphat đồng chảy thành dòng.
Căn cứ tình hình này, thôi thì người dân Việt Nam ráng mà dạy cho
con cháu chúng ta phải cố gắng bằng mọi cách chen, lấn, xô, đẩy, ngoi,
đạp, chạy, chọt, quỳ, dâng, bợ, bưng… để được làm quan thì mới mong có
nhiều tiền. Mà có lỡ bị phát hiện là "quan tham” thì hy vọng án treo là
rất lớn, không sao cả, hạ cánh an toàn. Đừng ngu dại đi làm "đinh tặc”
lượm bạc cắc không đáng bao nhiêu, bị "báo ta” gọi là "tội phạm bẩn thỉu",
mà án cũng tương đương "quan tham”, còn không được án treo nữa, thiệt
là phí cuộc đời. Lỡ có tánh "tham tiền” thì không được dùng "thủ đoạn
đê hèn”, " phải "tham tiền” "lành mạnh”, "sang trọng” bằng cách tham
nhũng nghen con!
Tuổi Trẻ ngày 18/1/2011 có hai tin đáng chú ý, tin thứ nhất là "Thêm bốn "đinh tặc” vào tù”, tin thứ 2 là "Vụ tham nhũng tại Dự án Tượng đài Chiến Thắng: Nhiều bị cáo được hưởng án tù treo”.
Ở vụ thứ nhất, ngày 17/1/2011, hội đồng
xét xử Tòa án nhân dân thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương) đã tuyên phạt Lê
Văn Khôi (19 tuổi, Hà Nam) và Phạm Tuấn Anh (20 tuổi, Thanh Hóa) 18
tháng tù giam, Lê Xuân Trọng (28 tuổi, Bình Thuận) 30 tháng tù giam, Lê
Xuân Chín (25 tuổi) 24 tháng tù giam vì tội "cố ý làm hư hỏng tài sản”.
"Tại cơ quan điều tra, Trọng khai nhận đã nhiều lần điều khiển xe máy
60L-8672 rải đinh trên đại lộ Bình Dương và thu 50.000 đồng khi thay
mới ruột xe”. "Tại phiên toàn, Khôi thừa nhận: vì tiệm sửa xe vắng
khách nên rải đinh để có khách. Bị cáo không nhớ số người bị hại, chỉ
biết nhiều”. "Trước đó ngày 11-1, "đinh tặc” Nguyễn Văn Công (20 tuổi,
quê Ninh Bình) đã bị tòa án này xử 24 tháng tù giam về tội danh trên”.
Bài báo không nói rõ chi tiết nhưng ai
đọc cũng hiểu các tên "đinh tặc” này không có "tên” nào là đại gia rồi
kiêm thêm nghề "đinh tặc” hoặc làm "đinh tặc” rồi trở thành đại gia.
"Tên” nào cũng nghèo xơ nghèo xác, không "tên” nào có bằng đại học,
thạc sĩ, tiến sĩ, càng không tên nào giữ chức vụ gì kêu kêu cỡ "kế toán
trưởng” hay "phó giám đốc”, "giám đốc”.
Tuy nhiên, hành vi của chúng đã bị Hội
đồng xét xử đánh giá là "thủ đoạn đê hèn, móc túi, kiếm tiền trên nỗi
đau của người khác. Hành vi này không chỉ hủy hoại mà còn gieo rắc tội
ác cho người đi đường”, "có thể gây nguy hại cho xã hội, cho nhiều
phương tiện tham gia lưu thông và gây hoang mang cho người dân. Bị cáo
Trọng là người chủ mưu, cầm đầu. Cả ba bị cáo còn lại đều đều tham gia
rất tích cực nên cần xử lý nghiêm”. Vì vậy, tuy số tiền các "đinh tặc”
thu lợi bất chính không nhiều, nhưng mức án tù giam cho tất cả "bọn
chúng” là đích đáng, không "tên” nào được hưởng án treo, cho thấy sự
"nghiêm minh” của pháp luật.
Vụ thứ hai, xét xử cùng ngày với vụ
trên tại Tòa án nhân dân tối cao khu vực phía Bắc. "Theo cáo trạng của
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, tám bị cáo trong vụ án đã phạm các tội
cố ý làm trái các quy định của Nhà nước, lợi dụng chức vụ quyền hạn
trong khi thi hành công vụ, tham ô tài sản, đưa và nhận hối lộ. Theo
đó, số tiền các bị cáo gây thiệt hại gồm 8,3 tỉ đồng, số tiền tham ô
tài sản 242 triệu đồng và số tiền đưa nhận hối lộ là 500 triệu đồng”.
Tuy nhiên, mức án đã tuyên làm nhiều người ngạc nhiên.
Bị cáo Võ Thị Hồng (nguyên giám đốc
Công ty Mỹ thuật trung ương) phạm tội "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong
khi thi hành công vụ”, mức án 25 tháng 4 ngày tù treo; Bị cáo Lương
Phượng Các và bị cáo Lê Văn Viễn (nguyên phó giám đốc Ban quản lý dự án
di tích Điện Biên Phủ) 44 tháng 25 ngày tù về tội "tham ô”. Bị cáo Trần
Quốc Hưng (nguyên kế toán Ban quản lý dự án di tích Điện Biên Phủ) bị
tuyên phạt 43 tháng 5 ngày tù và trả tự do ngay tại tòa. Bị cáo Nguyễn
Trọng Hạnh (phó giám đốc Công ty TNHH Đoàn Kết) bị tuyên phạt 25 tháng
tù treo về hành vi "lợi dụng chức vụ quyền hạn”. Bị cáo Nguyễn Đức Sứng
(PGS.TS, nguyên chủ nhiệm khoa tạo dáng ĐH Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội)
bị tuyên phạt 24 tháng tù treo. Bị cáo Lê Huyên (PGS.TS, nguyên hiệu
trưởng Trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội) bị phạt cảnh cáo. Riêng
bị cáo Nguyễn Văn Chính (nguyên cán bộ kỹ thuật ban quản lý) được miễn
truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi "cố ý làm trái các quy định của
Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Tất nhiên, ai
cũng hiểu là các bị cáo "đục” tượng đài Chiến Thắng không phải "bỗng
dưng tham ô…”, "bỗng dưng lợi dụng…”, "bỗng dưng cố ý làm trái…”, v.v…
mà phải có "bổng” gì đó vào túi riêng bọn họ mới "gan” như vậy.
Cụm tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ
So hậu quả hai vụ án thì số tiền "bọn đinh tặc” gây thiệt hại chỉ là
con chí so với con voi ma mút "đục ruỗng” cái tượng đài. "Đinh tặc” gây
nguy hiểm tính mạng cho vài người đi đường, quan tham làm gương xấu mất
niềm tin, hư hỏng cả thế hệ trẻ, thối khắm cả xã hội nhưng không thấy
Hội đồng xét xử nhận xét là "thủ đoạn đê hèn, móc túi, kiếm tiền trên
nỗi đau của người khác”, "gieo rắc tội ác”, xem ra, nhóm tội tham nhũng
được Tòa cho rằng rất "hiền lành”, "thủ đoạn sang trọng”???
Cách đây không lâu, báo chí trong nước
xôn xao về việc ông "Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đinh Văn Hùng là
người mua một chiếc trống đồng có niên đại được xác định vào khoảng
2.000 năm”. Theo thông tin ban đầu, giá của chiếc trống cổ được ông
Hùng mua là 1,2 triệu USD”. Báo điện tử Tầm Nhìn
(18/11/2010) viết thêm "Đồng thời, ông nguyên bí thư này còn "chơi” một
đôi lục bình sản xuất vào khoảng thế kỷ 17-18, trị giá 1,8 tỷ đồng. Nói
nguyên bí thư vì mới đây ông Hùng không làm Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình
nữa nhưng khi mua những cổ vật trên, ông đương chức Bí thư Tỉnh ủy Ninh
Bình”. Nếu chỉ căn cứ thu nhập là tiền lương Bí thư tỉnh ủy thì ông
Đinh Văn Hùng phải làm việc liên tục vài trăm năm, không ăn, không
uống, không chi bất cứ đồng nào cũng chưa đủ tiền mua những món kể
trên, không rõ ông Đinh Văn Hùng lấy đâu ra nhiều tiền mua đồ chơi như
thế. Tác giả bài báo bình luận: "Nhưng đem trống đồng về nhà mình trưng
bày, trong đội ngũ quan chức Việt Nam hiện nay, ông Đinh Văn Hùng chắc
gì đã là người đầu tiên hay cuối cùng?”. Câu hỏi này khi nào có khám
nhà đột xuất (không bị lộ bí mật kế hoạch) các quan mới có kết quả
chính xác.
Kỳ họp Quốc Hội vừa rồi, các đại biểu
đã nêu lên ý kiến "Một thực trạng khác là từ năm 2008 đến nay, không ít
vụ tham nhũng đã bị khởi tố nhưng sau đó đình chỉ điều tra với lý do
thân nhân tốt, đã khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại. chưa hết, có
đến 166/479 số bị cáo phạm tội tham nhũng bị phạt tù nhưng cho hưởng án
treo… cũng phải được mổ xẻ”, nhưng xem ra tình hình không có gì thay
đổi, đại biểu nói cứ nói, quyền "ta” xử cứ xử.
Căn cứ tình hình này, thôi thì người
dân Việt Nam ráng mà dạy cho con cháu chúng ta phải cố gắng bằng mọi
cách chen, lấn, xô, đẩy, ngoi, đạp, chạy, chọt, quỳ, dâng, bợ, bưng… để
được làm quan thì mới mong có nhiều tiền. Mà có lỡ bị phát hiện là
"quan tham” thì hy vọng án treo là rất lớn, không sao cả, hạ cánh an
toàn. Đừng ngu dại đi làm "đinh tặc” lượm bạc cắc không đáng bao nhiêu,
bị "báo ta” gọi là "tội phạm bẩn thỉu",
mà án cũng tương đương "quan tham”, còn không được án treo nữa, thiệt
là phí cuộc đời. Lỡ có tánh "tham tiền” thì không được dùng "thủ đoạn
đê hèn”, " phải "tham tiền” "lành mạnh”, "sang trọng” bằng cách tham
nhũng nghen con!
Tạ Phong Tần
|