Trung Điền
Sau gần mấy tháng "hưu chiến” sau vụ tham ô PCI ở Sài
Gòn, các phe nhóm trong đảng Cộng sản Việt Nam lại bắt đầu tấn công lẫn
nhau để giành thế chủ đạo về nhân sự trong đại hội đảng lần thứ XI diễn
ra vào tháng 1 năm 2011. Trận chiến đang nhắm vào phe ông Nguyễn Tấn
Dũng qua vụ tham nhũng hàng triệu Mỹ Kim liên quan đến công ty
Securency của Úc. Công ty này đã hối lộ một số quan chức được coi là
đàn em của ông Dũng để được in tiền trên giấy nhựa Polymer cho Ngân
hàng nhà nước Việt Nam.
Vụ tham nhũng này đã được báo chí Úc phanh phui từ năm
2007 nhưng bị chìm xuồng vì lúc đó uy thế của ông Nguyễn Tấn Dũng quá
mạnh. Bắt đầu từ cuối năm ngoái (2009) vụ tham nhũng nói trên được nhắc
trở lại với một số tình tiết khá phức tạp. Báo The Age của Úc cho biết
Securency là một công ty do Ngân hàng dự trữ Úc (Reserve Bank of
Australia = RBA) sáng lập đã trả 10 triệu Mỹ kim (tương đương 12 triệu
Úc Kim) cho con trai ông Lê Đức Thúy, giám đốc công ty Bank Tech, và
Lương Ngọc Anh, tổng giám đốc công ty phát triển công nghệ (CFTD) tại
Việt Nam, để hối lộ những quan chức trong Ngân hàng nhà nước Việt Nam
do ông Lê Đức Thúy làm thống đốc, hầu trúng thầu cung cấp vật liệu in
tiền Polymer Việt Nam.
Công ty phát triển công nghệ do Lương Ngọc Anh làm tổng
giám đốc có 200 người góp vốn lên đến 400 tỉ đồng và doanh thu mỗi năm
là 30 triệu Mỹ Kim. Trong 200 cổ đông của công ty CFTD, người ta phát
hiện có rất nhiều nhân vật cao cấp trong chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, gia
đình Nguyễn Tấn Dũng và Lê Đức Thúy tham gia góp vốn. Lê Đức Thúy được
đưa lên làm Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam thay thế vai trò
thống đốc của ông Nguyễn Tấn Dũng từ năm 1999. Ông Thúy và cả ông Lương
Ngọc Anh được coi là đàn em cật ruột của ông Dũng. Theo nhiều nguồn tin
tại Hà Nội, Lương Ngọc Anh chỉ làm bình phong cho phe nhóm Nguyễn Tấn
Dũng và công ty phát triển công nghệ (CFTD) được coi là nơi rửa tiền và
tẩu tán tài sản ra hải ngoại của nhiều quan chức trong chính phủ Nguyễn
Tấn Dũng.
Hiện nay cảnh sát liên bang Úc đã chính thức điều tra
công ty Securency về những tố giác hối lộ ở Việt Nam và Nigeria. Cơ
quan điều tra của Cộng sản Việt Nam chưa có động tĩnh gì đến vụ hối lộ
của công ty Securency và Lương Ngọc Anh; nhưng những tin tức này được
coi là đòn trả thù của nhóm ông Nông Đức Mạnh nhằm phá sập uy tín của
ông Dũng trong đại hội đảng lần thứ XI. Tại sao?
Vài tháng trước khi khai mạc đại hội đảng Cộng sản Việt
Nam lần thứ X vào trung tuần tháng 4 năm 2006, công an đã bắt giữ hàng
loạt cán bộ liên quan đến vụ tham nhũng PMU 18 thuộc Bộ giao thông. Ba
nhân vật cầm đầu vụ tham nhũng này là Nguyễn Việt Tiến, thứ trưởng bộ
giao thông; Bùi Tiến Dũng, tổng giám đốc công trình PMU 18; và Phạm
Tiến Dũng, trưởng phòng kế hoạch công trình PMU 18. Nguyễn Việt Tiến
được coi làm "suôi gia’ với ông Nông Đức Mạnh, tổng bí thư đảng nên có
một thế lực khá mạnh và có nhiều hy vọng trở thành Ủy viên Trung ương
đảng nhiệm kỳ X và được chuẩn bị đưa lên thay thế ông Đào Đình Binh
trong vai trò Bộ trưởng Bộ giao thông.
Sau khi vụ án PMU 18 bị khui, ông Nguyễn Tấn Dũng đã
cho phép Tổng cục cảnh sát điều tra (C14) do Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc
cầm đầu, phanh phui các đường dây tham nhũng, hối lộ, cá độ, chạy án
của vụ án PMU 18. Vụ điều tra và bắt giữ Bùi Tiến Dũng, và nhất là Thứ
Trưởng Bộ Giao Thông Nguyễn Việt Tiến đã tạo một chấn động lớn trong dư
luận vào lúc đó. Vụ án này tuy mang dấu vết là vụ án tham ô, hối lộ;
nhưng đã được các phe nhóm khai thác biến thành vụ án chính trị mà cho
đến ngày hôm nay việc điều tra của vụ án vẫn chưa có kết luận.
Do những quan hệ "suôi gia”, ông Nông Đức Mạnh đã tìm
cách giúp đỡ và "chạy án” cho Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến, nhưng ông
Mạnh đã bó tay khi ông Nguyễn Tấn Dũng đã vận động Hội nghị lần thứ 9
của Trung ương đảng khóa 9 ra Nghị Quyết làm sạch đảng với chỉ thị: "xử
lý nghiêm minh theo pháp luật và kỷ luật Đảng đối với những người có
hành vi tham nhũng, tiêu cực, bất cứ người đó là ai, ở cương vị nào, xử
lý cả những người bao che hành vi tham nhũng”. Nắm trong tay Nghị Quyết
này, ông Nguyễn Tấn Dũng đã loại khá nhiều cán bộ thuộc phe nhóm của
ông Mạnh, và cà ông Đỗ Mười ra khỏi Trung Ương đảng trong đại hội đảng
lần thứ X vào tháng 4 năm 2006. Cuộc đấu đá này đã đưa đến hệ quả là
lần đầu tiên trong lịch sử đảng Cộng sản Việt Nam, 4 bộ quan trọng là
Bộ giáo dục, Bộ Y tế, Bộ giao thông và Bô ngoại giao đã không có một
nhân sự nào được bầu vào Trung ương Đảng.
Phe ông Mạnh đã phải nín thở để cho ông Thứ trưởng
Nguyễn Việt Tiến ngồi tù gần 2 năm. Nhưng từ cuối năm 2007 bước sang
năm 2008, tình hình kinh tế Việt Nam bắt đầu suy thoái với hàng trăm
ngàn công nhân đình công, biểu tình đòi tăng lương. Uy tín của ông
Nguyễn Tấn Dũng đã xuống một cách thê thảm. Phe ông Mạnh đã khai thác
sự giảm sút uy tín của ông Dũng ở trong đảng để áp lực đóng lại vụ án
PMU 18. Tháng 3 năm 2008, Viện kiểm sát tuyên bố Thứ trưởng Nguyễn Việt
Tiến vô tội và ra lệnh đình chỉ mọi cuộc điều tra. Ông Tiến được ra
khỏi tù và đến tháng 4 năm 2008 thì được phục hồi đảng tịch nhưng không
được ông Dũng tái bổ nhiệm chức vụ thứ trưởng. Sau khi ông Nguyễn Việt
Tiến ra khỏi tù, phe ông Mạnh đã "trừng phạt” một loạt cán bộ thừa hành
ông Nguyễn Tấn Dũng làm rùm beng vụ điều tra PMU 18.
Ngày 13 tháng 5 năm 2008, cơ quan an ninh điều tra đã
bắt hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến (báo Thanh Niên), Nguyễn Văn Hải (báo
Tuổi Trẻ), Thượng tá Đinh Văn Huynh (nguyên Trưởng phòng cảnh sát điều
tra tội phạm), đồng thời khởi tố Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc (Cục trưởng
cục cảnh sát điều tra tội phạm) về cái gọi là tội lợi dụng chức quyền
trong khi thi hành công vụ”. Đây là 4 nhân vật được coi là trung tâm
điểm điều tra và phổ biến các tin tức liên quan đến vụ án PMU 18 trong
dư luận vào lúc đó. Tháng 10 năm 2008, tòa án Cộng sản Việt Nam đã kết
án Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc 1 năm tù treo, nhà báo Nguyễn Văn Hải
(báo Tuổi Trẻ) 2 năm tù treo, Thượng tá Đinh Xuân Huynh và nhà báo
Nguyễn Việt Chiến (báo thanh niên) bị xử 2 năm tù giam. Do những áp lực
của dư luận, ông Nguyễn Việt Chiến đã được Hà Nội ân xá vào tháng 2 năm
2009.
Vụ án PMU 18 được dư luận đánh giá là vụ án tham nhũng
"đầu voi đuôi chuột” vì cho đến nay 2 thủ phạm chính là Thứ trưởng
Nguyễn Việt Tiến đã ra khỏi tù (trắng án), riêng Bùi Tiến Dũng tuy còn
bị giam giữ trong tù nhưng chưa đủ "dữ kiện’ để xét xử. Trong khi đó,
những người tin theo ông Nguyễn Tấn Dũng để "đánh tham nhũng” như Thiếu
tướng Quắc, Thượng tá Huynh và hai nhà báo thì bị đi tù vì tội "lợi
dụng chức quyền”. Nói cách khác, phe ông Mạnh đã quật ngược lại thế cờ,
không những đã cứu được ông Nguyễn Việt Tiến mà còn trừng phạt cả đàn
em của ông Dũng qua vụ án PMU 18.
Bây giờ ông Mạnh đã dùng vụ án Securency để tấn công
lại phe nhóm ông Nguyễn Tấn Dũng để trả thù. Trên nguyên tắc, ông Mạnh
không còn đủ tư cách để tiếp tục ghế Tổng bí thư vì đã quá hạn tuổi 65
và phải về hưu. Nhưng ông Mạnh muốn nhường ghế này cho ông Trương Tấn
Sang đang là thường trực ban bí thư, nên đã phải ra tay tấn công phe
ông Nguyễn Tấn Dũng để bảo bọc cho ông Sang. Hiện nay có 6 nhân sự muốn
ngắm nghé ghế của ông Mạnh là Nguyễn Tấn Dũng (Thủ tướng), Trương Tấn
Sang (Thường trực ban bí thư), Hồ Đức Việt (Trưởng ban Tổ chức), Phạm
Quang Nghị (Bí Thư Hà Nội), Tô Huy Rứa (Trưởng ban tuyên giáo), Phùng
Quang Thanh (Bộ trưởng quốc phòng). Trong 6 nhân vật này, Nguyễn Tấn
Dũng và Trương Tấn Sang là sáng giá nhất và có nhiều triển vọng thay
thế Nông Đức Mạnh.
Cứ mỗi lần đại hội, đảng Cộng sản Việt Nam như lên cơn
sốt vì những tranh giành quyền lực giữa các phe nhóm. Các phe đã dùng
chiêu bài đánh tham nhũng để triệt hạ uy tín chính trị lẫn nhau chứ
không nhằm làm trong sạch đảng. Chính vì thế mà trong nhiều năm qua,
Cộng sản Việt Nam đã nói rất nhiều đến chống tham nhũng, nhưng căn bệnh
vẫn càng ngày càng thêm trầm kha. Thực tâm chống tham nhũng đã không
có, mà chính tệ nạn này còn là môi trường cộng sinh cho hàng ngũ lãnh
đạo CSVN để tồn tại. Hệ quả tất yếu là cái chân rết tham nhũng - đâm
tủa dầy đặc, chằng chịt khắp guồng máy đảng và nhà nước – đang là
nguyên ủy của những tranh chấp, thanh toán nội bộ và những bất mãn sâu
xa trong quần chúng, chỉ trực chờ giây phút bùng nổ để kết liễu một chế
độ toàn trị vô lại.
Trung Điền
Ngày 25/2/2010. http://viettan.org
|