Thanh Quang, phóng viên RFA
2010-02-17
Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả, gọi tắt là CPJ, trụ sở tại New
York, Hoa Kỳ, hôm thứ Ba (02/16) công bố bản phúc trình hàng năm tựa đề
"Những Cuộc Tấn Công Báo Chí Năm 2009” nhằm duyệt lại tình hình đàn áp
báo chí trên khắp thế giới.
AFP Photo/Hoang Dinh Nam
Hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải bị bắt vì đưa tin vụ PMU 18
Kiểm soát gắt gao
Mở đầu về tình hình đàn áp giới truyền thông tại VN, tổ
chức CPJ cho biết chính quyền Việt Nam vừa tiếp tục siết chặt báo chí,
vừa tăng cường việc kiểm soát chặt chẽ phương tiện Internet bằng các
biện pháp mới nhằm hạn chế những nội dung phổ biến trên mạng, đồng thời
gia tăng việc theo dõi các bloggers.
Theo số liệu của Bộ Thông Tin và Truyền Thông VN thì
khoảng 22 triệu người trong gần 90 triệu dân VN sử dụng Internet, trong
số này, có chừng 2 triệu là bloggers – tức những người viết nhật ký
trên mạng.
Trong bối cảnh đó, bản phúc trình của tổ chức CPJ nhận
xét rằng lượng bloggers gia tăng đang đưa nhà cầm quyền độc đoán VN lâm
vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan: Một mặt muốn mở rộng phương tiện
Internet để cải cách kinh tế, nhưng mặt khác vẫn duy trì các biện pháp
hạn chế gắt gao quyền tự do bày tỏ cảm tưởng, nhất là mọi hình thức chỉ
trích giới lãnh đạo đảng CS hay những chính sách tế nhị của nhà nước.
Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả CPJ lưu ý rằng hiện có nhiều nhà
báo trong nước cũng viết nhật ký trên mạng để phổ biến tin tức, bài vở
vốn bị kiểm duyệt trên báo chí do nhà nước kiểm soát. Nhưng, CPJ cảnh
báo rằng, trong năm qua, nhiều phóng viên và bloggers phổ biến quan
điểm của họ, nhất là có nội dung chỉ trích mối quan hệ Việt-Trung, đều
bị Hà Nội sách nhiễu, thẩm vấn, bỏ tù.
Mới đây nhất là trường hợp blogger trẻ tuổi Phạm Thanh
Nghiên, đã gây xúc động thế giới sau khi nhà văn Phạm Thanh Nghiên bị
án tù 4 năm cộng thêm 3 năm quản chế chỉ vì bài viết của cô trên mạng
chỉ trích viên chức địa phương bỏ túi những khoản tiền giúp gia đình
ngư dân bị TQ bắn chết hồi năm 2007, và việc Phạm Thanh Nghiên trả lời
phỏng vấn các đài nước ngoài.
Cà phê Internet xuất hiện ngày càng nhiều. AFP Photo
Chị ruột của Phạm Thanh Nghiên, là Phạm Thanh Yến, nhận xét :
"Em thấy kết tội như thế, không đáng xử như thế. Em cũng
không biết là tội gì nữa. Em nghe luật sư cãi hộ, thì em nghĩ là Nghiên
không có tội. Nhưng mà bên tòa án xử thì người ta nói là có tội. Em
thấy bài báo mà Nghiên nhà em viết thì nó không có tội”.
CPJ dẫn chứng một số trường hợp, chẳng hạn như hồi tháng
8 năm ngoái, blogger "Người Buôn Gió”, tức nhà báo Bùi Thanh Hiếu, bị
giam giữ, các máy điện toán và cả tư trang của ông bị tịch thu vì ông
viết những bài chỉ trích liên quan cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa VN và
TQ, cũng như những vụ tước đoạt đất đai của Giáo hội Công Giáo tại VN.
Bản phúc trình của CPJ cũng đề cập đến trường hợp
blogger "Trang Ridiculous”, tức phóng viên Phạm Đoan Trang của báo mạng
VietnamNet, bị Hà Nội gán tội vi phạm luật an ninh quốc gia cũng vì đề
cập tới vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa VN và TQ.
Rồi vụ blogger "Mẹ Nấm” Nguyễn Ngọc Như Quỳnh gặp rắc
rối tương tự vì những bài cũng liên quan mối quan hệ Việt-Trung, kể cả
vấn đề bauxite Tây Nguyên. Hay vụ blogger Bút Thép từng bị công an giam
giữ cũng vì dám đụng tới mối quan hệ "tế nhị” Việt-Trung, nhất là việc
anh mặc áo thun in dòng chữ "Hoàng Sa và Trường Sa là của VN”.
Hồi tháng Năm năm ngoái, tổ chức CPJ xếp VN là một trong
10 nước đàn áp tự do báo chí tồi tệ nhất, dựa trên việc VN gia tăng đàn
áp bloggers, tiếp tục giam giữ blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải.
Kiểm duyệt Internet
Tăng cường kiểm soát các cửa hàng Internet hoạt động trong nước. AFP Photo/Hoang Dinh Nam
Tình hình đàn áp giới truyền thông như vừa nói khiến
Quốc Hội Hoa Kỳ, vào tháng 10 vừa qua, đã ra nghị quyết kêu gọi VN
phóng thích các bloggers bị tù tội và tôn trọng tự do Internet, khiến
VN phản ứng mạnh mẽ. Phát ngôn viên bộ ngoại giao Việt Nam Nguyễn
Phương Nga nói nghị quyết đó không đúng sự thật, và ở VN không có ai bị
bắt, bị giam giữ hay xét xử vì bày tỏ quan điểm của mình.
Bản phúc trình của CPJ trích dẫn Tổ chức quốc tế OpenNet
Initiative chuyên nghiên cứu về tình trạng kiểm duyệt Internet lưu ý
rằng VN, cũng giống như những xứ độc tài Miến Điện và TQ, tiếp tục ngăn
chận và gạn lọc thông tin một cách khắt khe nhất so với những nước khác
tại Á Châu.
Giữa lúc số quán cà-phê Internet tại VN trong những năm
gần đây xuất hiện ngày càng nhiều ở thị thành, những cơ sở ấy, dù công
hay tư, theo bản phúc trình của CPJ, đều được lệnh của giới cầm quyền
VN là phải kiểm soát và lưu hồ sơ của khách hàng cùng những thông tin
về hoạt động trên mạng của họ.
Bản phúc trình không quên đề cập tới việc hồi tháng 8
năm ngoái, một trong những dịch vụ được nhiều bloggers sử dụng nhất, là
Yahoo 360, bị đóng cửa, hoặc mạng xã hội ăn khách Facebook không truy
cập được hồi cuối năm qua.
Bản phúc trình của Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả cũng nhắc tới
trường hợp báo Thanh Niên trích dẫn lời Thứ trưởng Bộ Thông Tin Và
Truyền Thông Đỗ Quý Doãn cho biết bộ này sẽ nhờ Google và Yahoo kiểm
soát nội dung các Web sites cùng những trang nhật ký trên mạng, sau khi
Bộ Thông Tin VN, hồi cuối năm 2008, ra chỉ thị kiểm duyệt Internet cũng
giống như lệnh tương tự trước đó đối với báo chí.
Theo CPJ thì chính phủ VN tiếp tục duy trì việc kiểm
soát giới truyền thông bằng phương cách tổ chức những cuộc hội họp hàng
đầu tuần giữa quan chức Bộ Thông Tin và các chủ bút để duyệt qua bài
vở, nhất là ngăn chận những bài chỉ trích lãnh đạo đảng hay chính sách
nhà nước.Và những chủ bút, phóng viên nào không tuân lệnh sẽ bị trừng
phạt nghiêm khắc.
|