Thư ngỏ gửi ông Lê Như Tiến Đại biểu Quốc hội khóa XIII nước CHXHCNVN
Hà Nội, ngày 9 tháng 6 năm 2012
Thưa ông,
Tôi là Dương Thị Xuân, một người viết báo tự do hiện đang sống
lây lất nhờ bạn bè tốt vì công an đã phá tan nhà cửa của gia đình tôi
hồi tháng 11/2009 tại phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, TP Hà Nội. (Xin được
nói thêm, đã có một thời gian tôi đã làm việc cùng cơ quan Văn phòng
Quốc hội với ông).
Sáng ngày 07/6/2012 qua màn hình Tivi tường thuật trực tiếp buổi thảo
luận của Quốc hội tại Hội trường Bộ Quốc phòng trên đường Nguyễn Tri
Phương – Hà Nội, tôi đã được nghe bài phát biểu của ông. Thật sự tôi rất
ấn tượng nội dung bài phát biểu này. Giữa Hội trường Quốc hội ông đã
dũng cảm nêu vấn đề gai góc nhất hiện nay mà nhiều người né tránh, đó là
"phòng chống tham nhũng, lãng phí”.
Năm 2007, Ủy ban trung ương phòng chống tham nhũng được thành lập nhưng
đến nay, tình hình tham nhũng, lãng phí ở Việt Nam không giảm đi mà còn
tăng cao rất nghiêm trọng đến mức thách thức lớn đối với sự quản lý của
Nhà nước. Điều đó đã gây bức xúc và sự công phẫn lớn cho đông đảo mọi
tầng lớp người dân trong nước. Cũng vì thế mà uy tín của "đảng và nhà
nước ta” trong xã hội vốn đã sút giảm nghiêm trọng thì nay do vấn nạn
tham nhũng, lãng phí, tiêu cực không được đẩy lùi đã gây tổn thất rất
lớn cho ngân sách quốc gia đã càng làm cho uy tín của ban lãnh đạo đất
nước này thêm giảm sút thê thảm thêm, không gì cứu vãn nổi...
Người dân ta có câu:
Ai ơi chớ bỏ ruộng hoang
Bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu.
Vậy mà với trên 365 000 ha đất trong cả nước để hoang hóa, không người
canh tác, không được đưa vào sử dụng để phát triển sản xuất, kinh doanh
trong nhiều năm qua…
Và cũng qua báo chí tôi được biết phần lớn hàng trăm ngàn ha đất bị bỏ
hoang là bờ xôi ruộng mật hiện nay để cỏ dại mọc um tùm, tươi tốt, trong
khi đó người nông dân nhiều nơi không có đất để cấy cày. Cuộc sống
người nông dân vô cùng khốn khó, họ phải bỏ quê nhà lên thành phố bán
sức lao động để sống lần hồi qua ngày. Vậy mà đâu họ có được yên ổn với
nhà cầm quyền chốn thị thành. Khi đã bị mất đất canh tác buộc phải bỏ
đồng quê lên các thành phố, thị xã, thị trấn để kiếm sống trên vỉa hè,
hay trong các chợ cóc, trong các con ngõ hoặc hẻm nhỏ thì họ lại bị đám
công an, dân phòng rượt đuổi, bắt bớ tịch thu vô tội vạ những món hàng
hóa lèo tèo, nào là vài ba mớ rau xanh, hay gánh trái cây rồi bị đưa về
đồn bót bỏ héo hon, úa tàn đến thối hư và cuối cùng buộc lại phải đổ vào
thùng rác. Thật là xót xa, tiếc công tiếc của và vô lý quá đỗi cho tình
cảnh bà con nông dân ta...
Trong khi đó các tập đoàn công ty nhà nước mà ông nêu là như những "quả
đấm thép" của nền kinh tế nước nhà, như PMU 18, Vanishin, Vinalines,...
làm ăn yếu kém làm thất thoát lãng phí, nợ đọng hàng chục, thậm chí hàng
trăm nghìn tỷ đồng. Cũng qua màn hình Tivi tôi được thấy cảnh bà con TP
- Đà Nẵng tháng 3 vừa qua chen nhau để đổi mũ bảo hiểm giá trị chỉ
chênh nhau có mấy chục nghìn đồng. Vậy việc các tập đoàn kinh tế trên
làm thất thoát hàng chục nghìn tỷ đồng tiền ngân sách chính là tiền của
người dân thì họ có nợ với nhân dân biết bao?
Thưa ông,
Để phòng chống tham nhũng và lãng phí có hiệu quả, theo tôi nghĩ ông đã
chỉ đích danh những người đứng đầu cơ quan hành chính là những người
tham nhũng. Phải xác định rằng chỉ có họ là thủ phạm vì người dân đâu
có quyền để được tham. Người dân chỉ có giữ đất của mình mà còn bị đàn
áp, bị bắn chết như những vụ Nghi Sơn – tỉnh Thanh Hóa năm 2010; vụ các
xã thuộc huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên; vụ ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam
Định quê cha mẹ thân sinh ra tôi; và mới đây nhất, chua xót sỉ nhục
nhất, gây chấn động dư luận trong và ngoài nước là vụ 2 mẹ con bà Lài ở
Cái Răng, tỉnh Cần Thơ đã bất lực buộc phải tự khỏa thân để giữ ruộng
đất của gia đình mình mà vần không chống lại nổi với nạn địa tặc, bọn
cường hào ác bá v.v... và v.v... Thưa ông, còn nhiều lắm, nhiều lắm
không làm sao kể hết những đau xót ngày ngày vẫn đang diễn ra trên khắp
đất nước này hiện nay nữa.
Ông đã tuyên bố: "Có một nguyên lý trong phòng chống tham nhũng, lãng
phí mà đôi khi chúng ta lãng quên đó là ở đâu có điều kiện phát sinh
tham nhũng thì ở đó phải có cơ chế phòng ngừa tham nhũng, ở đâu có quyền
lực thì ở đó phải có cơ chế kiểm soát quyền lực".
Thưa ông,
Đó là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Trước kỳ họp quốc hội này tại buổi
tiếp xúc cử tri Quận Ba Đình sáng 4/5/2012, Đại biểu quốc hội Nguyễn Phú
Trọng (hiện là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam) nêu rõ: "phòng chống tham nhũng lần này Trung ương quyết tâm cao, biện pháp trúng rồi, cắt thuốc đúng rồi…". Và ông Trọng băn khoăn: "lo là có chịu uống thuốc không, uống thuốc có đủ liều không?”.
Ông đưa giải pháp: Bắt trúng mạch cắt đúng thuốc mà không chịu uống
thuốc thì người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị và những người có
thẩm quyền trong các cơ quan pháp luật yêu cầu và cưỡng chế uống thuốc.
Người đứng đầu cơ quan mà tham nhũng thì ai bắt họ uống thuốc, còn các
cơ quan bảo vệ pháp luật lại dưới quyền họ. Như ở Việt Nam thì làm gì có
việc họ tự cưỡng chế họ uống thuốc. Ở Tiên Lãng - Hải Phòng tháng
02/2012, báo chí đưa tin thẩm phán tòa án huyện mời cán bộ ủy ban huyện
đến tòa dự vì bị người dân kiện mà cán bộ không đến, tòa án còn phải
chịu không cưỡng chế được ai nên xảy ra vụ ông Đoàn Văn Vươn phải dùng
tiếng nổ để gióng lên hồi chuông báo động về nạn cường hào địa phương.
Đại sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội có đưa ra một con số 86% các hộ gia
đình ở Việt Nam nhận biết có tham nhũng trong quản lý sử dụng đất đai.
Nhưng tại sao tham nhũng không chống được, mà còn hoành hành ở đất nước
ta và trở thành "quốc nạn".
Tôi có đọc được một câu của ông Tổng bí thư ĐCS Italia, ý là: "ở đâu
có độc tài về quyền lực ở đấy có lạm quyền, độc tài quyền lực tuyệt đối
thì lạm quyền tuyệt đối. Nên mọi quyền lực đất nước phải thuộc về nhân
dân thì mới chống được tham nhũng”.
Việt Nam ta luôn nói rằng chính quyền ta là chính quyền nhân dân, của
dân, do dân, vì dân và dân biết dâm bàn, dân làm dân kiểm tra, nếu thực
sự người dân có quyền như khẩu hiệu trên thì ở Việt Nam tham nhũng khó
mà hoành hành được như hiện nay.
Trong ảnh trên là hình nữ nhà báo tự do
Dương Thị Xuân người đeo kính đang giơ cao biểu ngữ: "Đánh cho sử tri
Nam quốc Anh hùng chi hữu chủ" - lời của Vua Quang Trung - trong cuộc
biểu tình phản đối Trung Quốc tháng 7 năm 2011 đã diễn ra chưa đầy 5
phút thì bị công an CSVN đàn áp, giải tán rất thô bạo... Kẻ mặc thường
phục đi bên cạnh ngay đằng sau chị Xuân, trên tay trái có đeo đồng hồ,
áo màu xanh tím than, còn tay phải của hắn cũng cầm tấm hình không rõ
nội dung gì để đóng giả như là một thanh niên "yêu nước” cũng tham gia
trà trộn vào đoàn biểu tình chống Trung Quốc xâm lược. Đây chính là tên
nhân viên an ninh chính trị của phòng PA 38- sở công an TP Hà Nội, có
trách nhiệm kèm sát để bắt giữ chị Xuân trong cuộc biểu tình lần thứ 6
này và rất nhiều lần khác!
Thưa ông,
Năm 2010, tôi có viết bức thư ngỏ gửi Quốc hội nêu về vấn đề Đảng Cộng
sản Việt Nam, nhà nước Việt Nam XHCN đang phát động đẩy mạnh phong trào
học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Trong đó tôi có nêu nội dung 8
điểm của Bản yêu sách của nhân dân An Nam của nhóm Nguyễn Ái Quốc do Hồ
Chí Minh đọc tại hội nghị Véc Xây – nước Pháp. Tám điểm ấy là:
1- Tổng ân xá tất cả người bản xứ bị án tù chính trị.
2- Cải cách nền pháp lý Đông Dương bằng cách để cho người bản xứ cũng
được quyền hưởng những đảm bảo pháp lý như người châu Âu. Xóa bỏ hoàn
toàn những tòa án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ
phận trung thực trong người An Nam.
3- Tự do báo chí và tự do ngôn luận.
4- Tự do lập hội và hội họp.
5- Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương.
6- Tự do học tập. Thành lập các trường kỹ thuật tại tất cả các tỉnh cho người bản xứ.
7- Thay chế độ ra sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật.
8- Có các đại biểu thường trực của người bản xứ bầu ra tại Nghị viện
Pháp, để giúp cho Nghị viện biết được nguyện vọng của người bản xứ.
Nhưng cho đến nay bức thư ngỏ 2010 dù hơn 2 năm trôi qua nhưng chưa được
ai phúc đáp nên nay tôi xin nhắc lại và mong ông quan tâm. Vì trong năm
1919, lúc ấy người thanh niên Nguyễn Tất Thành ở Paris, kinh đô ánh
sáng của nước Pháp trong nhóm Nguyễn Ái Quốc, tức sau này cũng chính là
ông Hồ Chí Minh (HCM) viết nhiều bài đòi Tự do, Dân chủ, Công bằng, Bác
ái cho nhân dân Việt Nam, như bài viết trên báo Nhân đạo của đảng Xã hội
Pháp, ngày 02 tháng 8 năm 1919, có đoạn:
"Rất ôn hòa cả về nội dung và hình thức, các nguyện vọng của chúng
tôi nhằm vào những cải cách chủ yếu cho việc giải phóng chúng tôi và
nhằm vào những quyền TỰ DO mà nếu không có chúng thì con người ngày nay
chỉ là một kẻ nô lệ khốn nạn. Không ai có thể phủ nhận rằng nếu không có
các quyền TỰ DO ấy, thiết yếu cho việc truyền bá những tư tưởng và kiến
thức mà đời sống hiện đại đòi hỏi, thì không thể trông mong tiến hành
bất cứ một công cuộc giáo hóa nghiêm chỉnh nào cả”.
Trong bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945 đọc tại quảng trường vườn hoa
Ba Đình lịch sử ở Hà Nội, ông HCM trên cương vị chủ tịch thay mặt chính
phủ cách mạng lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa có trích dẫn các Tuyên
ngôn độc lập của Hoa Kỳ năm 1776, và Tuyên ngôn Dân quyền và Nhân quyền
của cách mạng Pháp năm 1789 với lời khẳng định lại về các quyền của con
người thật mạnh mẽ: "Đó là những lẽ phải không ai có thể chối cãi được”…
Ông Tống Văn Công còn trích trong cuốn sách mang tên "Why Vietnam?”
(Tại sao Việt Nam?) của Nhà xuất bản Đà Nẵng năm 1995, trang 230 có đoạn
viết: "Ông Hồ nắm ngay lấy và nói: "Đúng, không thể có tự do mà
không có quyền sống, cũng như không thể có hạnh phúc mà không có tự do”… (Trích trong bài báo Nhân ngày sinh lần thứ 120 chủ tịch HCM… tác giả Tống Văn Công)
Thưa ông,
Nhân dân ta thật sự được tự do và có đủ quyền như ông Hồ Chí Minh đã đấu
tranh như trên và đã được khẳng định lại trong Tuyên ngôn ngày
02-9-1945 do Hồ Chí Minh đọc tại Ba Đình - Hà Nội thì lúc đó tham nhũng
dứt khoát được đẩy lùi, dân tộc ta thật sự được sánh vai cùng nhân dân
thế giới.
Nhà Phật có Bài kệ của Tổ Huệ Năng:
Bồ Đề nguyên không có cây
Gương sáng cũng chẳng phải đài gương soi,
Nguyên lai không có mảy may,
Làm chi có chỗ trần ai bợn vào.
Nên quyền lực đất nước thuộc về nhân dân, những cán bộ nhà nước chỉ là
người giúp việc cho dân, thì làm gì có tham nhũng, lúc đó những cán bộ
càng to không cần phải nêu gương mẫu nhiều. "Gương mẫu là cha đẻ của
giáo dục" (Lời Makarenko - nhà giáo giục học nổi tiếng của Liên Xô) chỉ
để dùng trong nhà trường dạy học sinh. Đất nước ta không cần "phải có
các Bao Công quả cảm, công minh chính trực, trong sáng vô tư, dám cởi bỏ
cả mũ ô sa lấy tính mạng mình để tuyên chiến với tham nhũng". Vì:
Dễ vạn lần không dân cũng chịu
Khó vạn lần dân liệu cũng qua
Tất cả Quyền lực của đất nước phải thực sự thuộc về nhân dân, xã hội
Việt Nam phải thật sự có dân chủ, tự do, người dân phải được tôn trọng
nhân quyền thực sự thì khi ấy quốc nạn tham nhũng dứt khoát hết đường
sống.
Xin trân trọng chúc sức khỏe ông.
Kính thư
Dương Thị Xuân
Email: hoabinhdantoc2007@yahoo.com
Điện thoại di động liên hệ: 0125 – 873 - 6869
Ghi chú: Hoàn cảnh hiện nay của cả gia đình tôi rất bi thảm vì
đã bị chính quyền TP Hà Nội ra tay chỉ đạo công an, dân phòng, thanh
tra xây dựng… đến đập phá tan hoang ngôi nhà cấp 4 trong làng Ngọc Hà,
quận Ba Đình, Hà Nội ngày 20/11/2008. Từ đó đến nay cả nhà chúng tôi
phải đi ở nhờ và không biết đến bao giờ mới chấm dứt cảnh ngộ đau thương
khốn khổ này. Vì thế nên không có ghi địa chỉ nhà ở cụ thể trong bức
Thư ngỏ này được, rất mong quý bạn đọc và quốc hội nước CHXHCN Việt Nam
thông cảm cho.