Bài đã đăng Thời Báo (Canada)
Những
ngày đầu năm 2011, nếu ai có chút kiến thức về internet sẽ biết cùng
với làn sóng phẫn nộ của nhân dân Tunisia và Ai Cập, thì người dân ở
Albani, Algeria, Yemen, Marocco, Syria, Jordania, Saudi-Arabia, Oman,
Lybia, Kuwai, cũng đang rầm rộ biểu tình chống chính phủ độc tài tham
nhũng. Có thể nói Trung Đông đang rung chuyển. Báo chí Việt Nam không
đưa tin, nhưng trong thời đại internet toàn cầu này thì khó lòng ém
nhẹm thông tin.
Cư dân mạng cũng cho rằng, bằng vào
những biến động hiện nay đang xảy ra trên thế giới, chính phủ những
quốc gia khác đang thống trị người dân bằng bạo lực, đàn áp, độc tài,
tham nhũng, mất dân chủ… cũng đang run sợ trước viễn cảnh những người
dân ngày thường luôn bị xem là "thấp cổ bé miệng”, luôn bị đối xử bằng
dùi cui, còng sắt, cướp đoạt, nhà tù… đã không còn chịu nhẫn nhục cúi
đầu mà họ sẽ thể hiện quyền lực mình.
Năm 2011 mở đầu bằng những sự kiện mới
chấn động thế giới. Ngày 14 tháng 1, người dân Tunisia đã tổ chức tuần
hành phản đối chính phủ, "phơi bày một bộ mặt mà bấy lâu nay chính
quyền nước này che giấu: tình trạng nghèo đói ở nông thôn, công ăn việc
làm cho thế hệ trẻ không đảm bảo (tỉ lệ thất nghiệp trong giới trẻ là
52%), và sự tức giận đối với Tổng thống Ben Ali – người đã cai trị
Tunisia bằng "bàn tay sắt” từ năm 1987”. Người dân Tunisia, bằng sức
mạnh của mình, đã chấm dứt "đế chế” độc tài gia đình trị Zine El
Abidine Ben Ali đã từng tồn tại suốt 23 năm.
Suốt nhiều thập niên, Tunisia được
chính phủ "tô hồng” là "nơi có kinh tế mạnh hơn các nước láng giềng,
quyền lợi phụ nữ được bảo đảm còn du lịch thì phát triển”, nhưng cái
nồi áp suất bịt kín lâu nay cuối cùng đã bùng nổ, sự thật trở về đúng
vị trí của nó. Ông Ben Ali đã ra lệnh giới nghiêm và dùng đủ mọi phương
pháp để cứu vãn tình thế nhưng ông đã không thành công, điều đó cho
thấy khi lòng dân phẫn nộ, uất ức thì sự tàn bạo đàn áp chỉ làm cho
người dân thêm dâng cao ngọn lửa đấu tranh để phá vỡ bức màn sắt độc
tài bao trùm họ, chớ không thể bảo vệ được một nhà nước đã bị mất lòng
dân.
Sau khi gia đình Tổng thống Ben Ali
trốn ra nước ngoài, dân Tunisia lại tiếp tục tuần hành phản đối khi
chính phủ lâm thời Tunisia đưa ra thành phần nội các mới vẫn giữ lại
một số vị trong chính phủ Ben Ali, họ không muốn chính phủ mới có bất
cứ người nào từng là thành viên chính phủ cũ – một chính phủ bị cho là
độc tài, tham nhũng và thối nát. Kết quả Tunisia phải thay mới đến 12
bộ trưởng.
Trên mạng cũng loan tải một bức điện
được cho là của Bộ ngoại giao của Mỹ (WikiLeaks tiết lộ) gọi Tunisia là
"một chế độ cảnh sát”, "nơi người dân ít thể hiện sự bất mãn ra mặt,
còn ông Ben Ali đã không còn mối liên hệ gì với dân chúng”. Ở Tunisia
không có công an, mà chỉ có cảnh sát, nếu có, chắc hẳn tác giả bức điện
kia sẽ nhận xét rằng Tunisia là "một chế độ công an”?
Để tìm hiểu nguyên nhân cuộc chính biến, đài RFI đã phỏng vấn giáo sư Hamadi Ghilane, người Tunisia, và ông đã giải thích như sau:
"Tại vì chế độ này, năm này qua năm
kia, mỗi ngày mỗi áp bức không cho xã hội dân sự và các lực lượng đối
lập phát triển. Những tổ chức nào bất chấp lệnh cấm mà vẫn hoạt động
thì bị công an truy bức.
Các cấp chính quyền thì không lo
phục vụ quyền lợi đất nước, quyền lợi kinh tế quốc gia, mà chỉ lợi dụng
chức tước để thu vén cho cá nhân. Một hệ thống chính trị gồm một ông
thủ lãnh ngồi ở trên, độc quyền thu tóm mọi quyền lực.
Lực lượng an ninh, đúng ra là có
bổn phận bảo vệ dân chúng, thì lại làm tay sai phục vụ các quan lớn,
các ông bộ trưởng và gia đình những kẻ có chức quyền. Người dân Tunisia
biết rõ những bất công xảy ra trên đất nước mình. Do vậy, người dân đã
đứng lên tranh đấu đòi tự do, nhân phẩm và quyền lợi của mình.
Chế độ Ben Ali gây hận thù trong
dân chúng. Thượng tầng lãnh đạo làm gương xấu cho cấp dưới. Hậu quả là
mọi ngành, mọi lãnh vực đều sinh hoạt theo mô hình tham ô từ trên xuống
dưới.
Ông vừa hỏi tại sao Ben Ali không
cải cách kịp thời để tránh sụp đổ? Tại vì đảng cầm quyền không phải là
một đảng chính trị. Đảng viên cao cấp là các bộ trưởng và những kẻ chỉ
biết phục vụ quyền lợi riêng. Họ đâu biết dân nghĩ gì. Họ có quan tâm
đến nguyện vọng của dân bao giờ. Ở trong chính quyền mà không làm bổn
phận của một nhà chính trị. Bộ trưởng không bao giờ tiếp xúc với dân,
ngay khi xuất hiện trên đài truyền hình, họ tỏ ra rất thảm não, không
bao giờ phát biểu một câu nói nào với dân hay tỏ ra quan tâm đến dân.
Trong chính quyền cũ, chỉ có một người duy nhất phát biểu là ông Ben
Ali.
Những kẻ hoan hô chế độ là những kẻ
lợi dụng chế độ để làm giàu. Gọi chế độ Ben Ali là gì nhỉ? Phải gọi là
chế độ xã hội đen, chế độ mafia”.
Câu chuyện xảy ra ở Tunisia, nhưng nếu đem các nguyên nhân giáo sư Hamadi Ghilane vừa nói ở trên đặt vào bối cảnh Việt Nam hiện nay thì phần nhiều thấy giống y chang.
Tuổi Trẻ ngày 28/1/2011
đưa tin, cuộc biểu tình đòi lật đổ Tổng thống đang lan rộng ở Ai Cập.
Được kích thích bởi sự thành công của người dân Tunisia, từ ngày
25/1/2011, người dân Ai Cập bắt đầu tổ chức biểu tình. Làn sóng biểu
tình dâng cao và lan rộng khắp toàn quốc nhằm gây sức ép lật đổ Tổng
thống Hosni Mubarak – nhà độc tài thống trị Ai Cập suốt 30 năm, buộc
ông này phải từ chức vào ngày 28/1/2011. Tổng thống Hosni Mubarak bị
gọi là "kẻ cầm quyền tàn bạo” và "kẻ cai trị quá lâu”. Theo hãng tin
Reuters, quần chúng Ai Cập đang "trong cơn cuồng nộ chưa từng có tiền
lệ chống lại thể chế cai trị mạnh tay của ông Mubarak”.
Biểu tình đòi "Get our Mubarak" ở Ai Cập
"Một trang trên Facebook đã trở thành
địa điểm tập hợp của những người làm biểu tình với liệt kê hơn 30 nhà
thờ Hồi giáo và Thiên Chúa giáo nơi những người biểu tình sẽ đến.
Facebook, Twitter và các phương tiện thông tin xã hội đã đóng vai trò
phương tiện đắc lực của những người biểu tình, thống nhất địa điểm tụ
tập và đưa ra những mẹo đối phó với các cuộc đàn áp của nhà chức trách”.
Mặc dù tại Ai Cập, các cuộc biểu tình
chống chính phủ của Tổng thống Hosni Mubarak bị nhà cầm quyền đàn áp
bằng hơi cay, đạn, gậy gộc…, có hơn 1.000 người đã bị bắt. Tuy nhiên,
người dân Ai Cập không chùn bước, họ đã quá chán ngán với Tổng thống
Hosni Mubarak và thể hiện thái độ cương quyết: "Con đường tự do đã mở
ra và chúng tôi sẽ không dừng lại”, Ali M viết trên Facebook.
Theo New York Times (bản dịch của Tuổi
Trẻ) cho hay, ngày 10/1/2011, hơn 1.000 nông dân Ấn Độ đang biểu tình
phản đối chính phủ để bảo vệ quyền được biết của mình. "Luật quyền được
thông tin tại Ấn Độ, khi được đưa ra vào năm 2005 nhằm cải thiện tính
minh bạch, đã gây chú ý trong dư luận. Nó cho phép người dân được quyền
yêu cầu bất cứ thông tin nào từ phía chính phủ”. 5 năm qua, có nhiều
người Ấn Độ đã phải trả giá cho quyền được biết bằng cái chết vì "đụng
đến những đại gia, những chính khách tham nhũng và đầy quyền lực”,
nhưng người dân Ấn không chùn bước. "Giờ thì những nhân vật quyền lực
đã giật mình nhận ra sức mạnh của đạo luật và đáp trả. Họ sẽ làm bất cứ
điều gì để che giấu thông tin. Tình hình đang trở nên rất nguy hiểm” –
Amitabh Thakur, người đang viết sách về các vụ án mạng trên, cho biết.
Nhưng ông cũng tin rằng cuối cùng sự minh bạch sẽ đến và công lý sẽ
thắng..
Những ngày đầu năm 2011, nếu ai có chút
kiến thức về internet sẽ biết cùng với làn sóng phẫn nộ của nhân dân
Tunisia và Ai Cập, thì người dân ở Albani, Algeria, Yemen, Marocco,
Syria, Jordania, Saudi-Arabia, Oman, Lybia, Kuwai, cũng đang rầm rộ
biểu tình chống chính phủ độc tài tham nhũng. Có thể nói Trung Đông
đang rung chuyển. Báo chí Việt Nam không đưa tin, nhưng trong thời đại
internet toàn cầu này thì khó lòng ém nhẹm thông tin.
Cư dân mạng cũng cho rằng, bằng vào
những biến động hiện nay đang xảy ra trên thế giới, chính phủ những
quốc gia khác đang thống trị người dân bằng bạo lực, đàn áp, độc tài,
tham nhũng, mất dân chủ… cũng đang run sợ trước viễn cảnh những người
dân ngày thường luôn bị xem là "thấp cổ bé miệng”, luôn bị đối xử bằng
dùi cui, còng sắt, cướp đoạt, nhà tù… đã không còn chịu nhẫn nhục cúi
đầu mà họ sẽ thể hiện quyền lực mình.
Tạ Phong Tần
|