Thứ Sáu, 2024-03-29, 9:58 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2010 » Tháng Sáu » 24 » Tại sao biểu tình chỉ vì bị cúp điện?
11:01 AM
Tại sao biểu tình chỉ vì bị cúp điện?

Ngô Nhân Dụng

Dân biểu tình phản đối nhà nước không phải một hiện tượng mới mẻ ở Việt Nam. Một nguyên nhân thông thường là bị cướp đất. Nông dân bị cán bộ chiếm ruộng để trao cho các nhà tư bản khai thác, tiền bồi thường bị ăn chặn, dân phải biểu tình đòi lại. Ðồng bào Công Giáo ở Vinh, ở ấp Thái Hà đi biểu tình, nguyên nhân chính cũng vì đảng đã cưỡng chiếm đất chung của nhà thờ. Nhưng cuộc biểu tình của đồng bào Thái Bình chỉ vì không chịu nổi cảnh cúp điện liên miên là một hiện tượng lạ. Nó cho thấy một dấu hiệu biến chuyển tâm lý lớn trong xã hội nông dân miền Bắc Việt Nam.



Mọi chế độ cường quyền đều học theo Machiavel: Cứ làm những việc ác nho nhỏ thì không sao, dân chúng quen dần sẽ tiếp tục chịu đựng rất lâu. Cứ tránh không làm những việc ác lớn quá, thì chế độ sẽ bền vững!

Từ bao năm nay người dân Việt Nam, nhất là các nông dân, vẫn chịu đựng được, và chịu đựng mãi thành quen nhiều thứ phiền hà. Chưa bao giờ thấy dân biểu tình phản đối vì những nỗi khổ như đường sá hư hỏng đầy ổ gà, gây tai nạn gẫy cẳng hay vỡ đầu. Ðối với cả tập thể xã hội, các tai nạn đó trở thành những chuyện nhỏ, vì số người bình an không bị tai nạn vẫn rất đông so với số người bị gẫy tay, què cẳng! Trường học không đủ, thầy cô giáo không yêu nghề, trẻ em đâm ra dốt nát và hư hỏng. Tham nhũng rút ruột các công trình xây cất, cầu bị sập, trường học bị mưa dột. Những nỗi khổ đó lâu ngày cũng thành bình thường nữa, vì ai cũng thấy mình bất lực không làm gì thay đổi được. Người dân chịu các nỗi khổ nho nhỏ, chịu mãi thành quen. Dần dần, mọi người sẽ coi các nó cũng giống như trời làm mưa, làm nắng. Than van thì cứ than van với nhau, nhưng không ai nổi giận đứng lên phản đối Ông Trời bao giờ cả! Nhất là khi Ông Trời này lại nuôi một đàn chó săn, cho ăn béo, lúc nào chúng cũng gầm gừ, ai nhấp nhểnh đứng lên là chúng ùa ra cắn! Cứ hỏi các cô Tạ Phong Tần, Lê Thị Công Nhân thì biết! Ðó là lý do tại sao chế độ Cộng Sản tồn tại được ở nước Nga hơn 70 năm, và ở Cuba, ở Việt Nam và ở nước Tàu cho tới bây giờ!

Nhưng trong tuần trước, ở Việt Nam có dấu hiệu thay đổi. Ðồng bào huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình kéo nhau đi biểu tình, mà lý do nêu lên chỉ là vì bị cúp điện! Biểu tình lên tiếng một lần, các quan chức không nhúc nhích, 600 nông dân đi biểu tình lần thứ hai. Muốn cho hành động của mình "gây ấn tượng,” bà con còn bắt các quan chức nhà nước phải đi cùng với họ tới công ty điện lực nhà nước! Các quan chức bị ép ngồi phơi nắng, có người còn bị giữ trong căn phòng bít bùng, cho họ biết cảnh chịu nóng khổ thế nào! Người Việt Nam vốn không có tính ác. Ðọc tin thấy cảnh trả thù các cán bộ nhà nước tàn nhẫn như thế, chúng ta cũng đau thắt ruột. Tại sao phải hành hạ nhau một cách tàn nhẫn như vậy? Nó chứng tỏ người ta rất uất ức. Vì đã bị đối xử tàn nhẫn không kém, đã từ lâu rồi!

Nhưng cúp điện vốn là một chuyện nhỏ. Mươi năm trước đây ở thôn quê đã làm gì có điện? Trẻ em từ khi sinh ra, thấy "ánh sáng chủ nghĩa xã hội” là đã sống trong cảnh cúp điện bất ngờ, từ mấy chục năm nay rồi! Ðiện bị mất đâu phải vì các quan chức nhà nước cố làm ra vì ác ý? Tại sao dân phẫn uất đến nỗi phải trừng phạt họ như thế? Dân Sài Gòn đang ngồi coi đá banh với nhau, điện tắt cái rụp, tức không khác gì tức vì thua cá độ! Thế mà ở các thành phố có dân mê coi "world cup” nào đi biểu tình phản đối điện bị cúp đâu? Tại sao đồng bào Thái Bình lại làm dữ như vậy?

Có người tưởng bà con Quỳnh Phụ bắt các quan chức nhà nước và điện lực phải phơi nắng cho toát mồ hôi, hoặc giam họ trong phòng kín cho biết thế nào là cảnh bị nướng trong lò, vì muốn trả thù, cho họ biết khi mình bị cúp quạt điện hay cúp máy lạnh nó nóng như thế nào! Nhưng bà con nông dân chưa hề được hưởng những thứ xa xỉ tư bản đó. Dân uất ức vì có khi đang chạy máy bơm nước, tự nhiên máy bơm đình công vì mất điện! Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống; nước không đầy đủ thì ai mà trồng trọt được? Cho nên, chuyện cúp điện làm cho trận đá banh bị ngắt quãng có thể bỏ qua được, còn chuyện cúp điện khiến cho máy bơm nước phải ngưng chạy là chuyện lớn hơn nhiều!

Nhưng nông dân Việt Nam vốn có tài xoay sở; ai cũng biết điện vẫn thường bị cúp, thế nào cũng có máy nổ chạy xăng để bơm nước cho chắc. Như vậy thì dù có bị cúp điện cũng không đến nỗi phẫn uất, phải hành hạ các quan cán bộ để gửi cho nhà nước một bài học! Chắc chắn phải có những nguyên nhân sâu hơn và xa hơn.

Nguyên nhân lớn khiến bà con Thái Bình nổi giận, là họ đã bị đối xử bất công. Có nơi điện bị cúp, có nơi không; có nơi bị cúp nhiều lần, có nơi bị ít. Dân Việt Nam rất tinh; chỉ nhìn qua là họ biết các quan chức điện lực tham nhũng. Những kẻ có thế có tiền, có thế lực, không phải chịu cảnh khổ như người dân bình thường! Lạ gì một thói sai nha. Làm cho mất điện chẳng qua cũng chỉ vì tiền! Sáu trăm người kéo nhau đi biểu tình chắc là những người bị cúp điện nhiều nhất! Còn giai cấp cường hào mới, trong lòng họ có khi còn hãnh diện vì nhà mình bị cúp điện ít hơn! Thua nhau miếng cơm, miếng thịt, không ức. Nhưng bị đối xử bất công vì tham nhũng thì ai cũng phẫn uất! Nói theo kiểu người miền Nam, không ai chịu cho chúng nó "chơi cha” mình mãi được!

Cho nên, nhìn bên ngoài thấy đây là những cuộc biểu tình vì lý do cúp điện, nhưng ở bên trong chính là lòng phẫn nộ của dân nghèo trước nạn tham nhũng, bất công! Dân Thái Bình không phải chỉ phản đối các quan chức nhà máy đèn! Họ đã đứng lên phản đối một chế độ thối nát. Nếu không thấy điều đó thì không thể hiểu tại sao đồng bào lại hành hạ các quan chức nhà nước bắt họ phải phơi nắng, phải bị nung trong nhà đóng kín. Bình thường người Việt Nam với nhau không ai nỡ đối xử tàn tệ như thế, chỉ vì những bất bình nhỏ nhặt. Mà cũng vì biết nỗi phẫn uất của người dân quá lớn nên bọn công an cũng không dám can thiệp ngay. Vì vậy cho nên mới có cảnh các quan chức bị dân lôi kéo đi tới nhà máy điện, bị bắt phơi nắng hay bị giam giữ suốt ngày. Công an không can thiệp, cũng vì biết nỗi uất ức của người ta rất lớn, không dám đụng vào!

Chính tâm lý phẫn uất giải thích được các hành động của người dân Quỳnh Phụ, Thái Bình. Cúp điện vốn chỉ là một trong những nỗi khổ xảy ra hàng ngày. Ðường sá hư không sửa, ai té xe chết người ấy chịu, cũng là một nỗi khổ xẩy ra hàng ngày, chịu mãi thành quen. Cầu bị bão cuốn trôi, dân không có cầu đi thì treo dây cáp lên để mà đu dây qua sông lại được các quan khen là "sáng tạo” mà chịu đựng mãi cũng có thể thành quen nữa.

Nhưng khi người dân thấy bị đối xử bất công, và sẽ còn chịu bất công rất lâu thì không ai nhịn được. Nhất là khi cảnh bất công đó kéo dài suốt năm này sang năm khác, bao lần hy vọng cuộc đời thay đổi đều tan biến. Nhất là khi người ta thấy trong tương lai không có hy vọng nào thay đổi được vì cả hệ thống cai trị, cả chế độ vẫn như thế mãi mãi! Cứ nghĩ chắc đời con, đời cháu mình sẽ vẫn khổ như mình, thì chịu sao nổi?

Khi người dân ý thức như vậy, thì chuyện nhỏ sẽ thành chuyện lớn!

Ðồng bào Thái Bình mươi năm trước đã từng biểu tình, bạo động, bắt giữ các quan chức, cán bộ, vì bị cướp đoạt đất đai. Nhưng lần này, chỉ vì bị cúp điện mà "nổi loạn,” thì đồng bào vô tình truyền ra một thông điệp mới cho mọi người Việt Nam: Mất điện, đường hư, cầu sập chỉ là những "hiện tượng,” thấy ở bên ngoài. Tham nhũng, bất công mới là căn bệnh kinh niên phải chữa trị. Căn bệnh đó nó nằm trong bản chất các chế độ độc tài, dù độc tài kiểu tư bản hay kiểu Cộng Sản. Ở đâu có độc tài là có tham nhũng, thối nát. Còn độc tài, thì còn tham nhũng, còn bất công. Cho nên, không thể chịu đựng mãi, phải đứng dậy. Phải phản đối. Phải đòi lấy những quyền tự do mà đáng lẽ mình được hưởng. Ðồng bào ở Quỳnh Phụ, Thái Bình đang dậy cho cả nước Việt Nam một bài học chính trị.

Tuy vậy, việc bầy tỏ lòng phẫn nộ trước cảnh bất công cũng vẫn là một biến cố mới. Vì ở nông thôn ở miền Bắc Việt Nam, đã sống trong những chế độ phong kiến, thực dân, Cộng Sản hàng thế kỷ nay, người ta đã quen chịu đựng bất công. Từ bao thế hệ, dù quyền lợi thiệt thòi dân cũng vẫn bỏ qua được, chỉ vì muốn an thân. Người dân cũng lại thấy cuộc sống có khá hơn từ khi đảng Cộng Sản chịu từ bỏ kinh tế kiểu Liên Xô, Trung Cộng để dần dần theo lối tư bản. Sống như thế có thể là tạm thỏa mãn, nếu có bị cúp điện cũng có thể nhịn đựng, chịu thua kém người khác cũng có thể nhịn nhục. Nhưng dân Thái Bình đã đứng lên phản đối, vì còn những nguyên nhân văn hóa khác.

Trong văn hóa Việt Nam người ta không phải chỉ quan tâm đến những nhu cầu hoặc tiện nghi vật chất. Trong thời chiến tranh, cực khổ gấp ngàn lần, người ta vẫn chịu đựng. Nhưng nông dân Việt Nam sống trong nền văn hóa cổ truyền có ý thức rất mạnh về giá trị nhân phẩm, về thể diện của mình. Người ta có thể chịu đựng những thiệt thòi vật chất, nhưng không chịu nổi khi cảm thấy mình bị coi thường, bị khinh rẻ. Một chế độ lúc nào cũng nói toàn những điều hay, lúc nào cũng hô khẩu hiệu phục vụ nhân dân; nhưng lại để cho nhân dân bị cường quyền ức hiếp, để cho tham nhũng lộng hành suốt năm này sang năm khác; phải gọi nó là một chế độ khinh dân. Quan chức bị bắt quả tang tham nhũng hàng triệu Mỹ kim, chỉ bị khiển trách, mặt cứ nhơn nhơn coi khinh tất cả mọi người! Con cái lũ quan quyền lái xe ra đường, lên mạng lưới khoe của, coi công chúng không ra gì. Chế độ tham nhũng đẻ ra một giai cấp quý tộc khinh thường dư luận, trong khi các báo, đài vẫn phải hồ hởi ca ngợi các thành quả vĩ đại!

Bị khinh thường, bị lừa dối, bị chế độ lòe bịp coi mình như trẻ con, đó là điều người dân Việt Nam không nhịn được. Vì trong hai chục năm qua, nông dân Việt Nam ở miền Bắc đã thay đổi.

Một thay đổi lớn nhất nằm trong tâm lý, khi kỳ vọng của mọi người dân ngày một cao hơn. Người ta có thể chịu đựng những nỗi khổ cực khi họ cho rằng đó là điều không tránh được, giống như trời làm mưa làm nắng. Nhưng khi người ta biết rằng cuộc sống của họ có thể tốt hơn, khi họ bắt đầu nuôi những kỳ vọng cao hơn, thì dù là những nỗi bất công và khổ cực nhỏ, người ta cũng không chấp nhận kéo dài mãi nữa.

Những kỳ vọng của dân Việt Nam đã thay đổi như thế nào?

Trong 20 năm qua, nông dân ở các thôn xã cách xa đường quan lộ hàng trăm cây số cũng biết rằng dân các nước Á Ðông khác đã tiến bộ hơn mình rất nhiều.

Không những đời sống kinh tế của họ cao hơn mà họ cũng đã giành được nhiều quyền tự do quyết định, tự do lựa chọn hơn. Một nông dân ở Thái Bình cũng biết các chính phủ bị mang tiếng tham nhũng ở Phi Luật Tân đã bị dân bỏ phiếu lật đổ. Họ cũng biết cựu tổng thống Nam Hàn tự tử vì bà vợ mang tiếng tham nhũng; cựu tổng thống Ðài Loan bị tù cũng vì gia đình tham nhũng. Người dân cũng biết khi công nhân hãng Honda ở Quảng Ðông đình công tại ba nhà máy thì chủ nhân phải tìm tới nói chuyện, phải điều đình việc tăng lương với các đại diện do chính các công nhân đề cử ra tại chỗ, chứ không phải chỉ nhờ các cán bộ công đoàn của đảng Cộng Sản đứng ra dụ dỗ, vuốt ve, và đe dọa như từ trước đến giờ.

Người dân Việt Nam không tin mà cũng không sợ đảng Cộng Sản nữa, vì họ biết họ có quyền sống tốt đẹp hơn. Chính đảng Cộng Sản mang nợ dân, chứ không phải dân mang nợ đảng! Kỳ vọng của họ đối với cuộc đời, đối với tương lai, đã thay đổi. Họ nhìn xa và nhìn cao hơn trước rất nhiều. Không ai có thể coi thường ý thức chính trị của nông dân Việt Nam trong thời đại tin tức tràn ngập này. Không một bức tường lửa nào có thể ngăn cản, bắt người dân Việt Nam sống mãi trong cảnh u tối thông tin như dân chúng Bắc Hàn được.

Ý thức về cuộc sống đáng lẽ mình phải được hưởng. Ý thức về nỗi nhục khi bị đối xử bất công. Tâm lý đó sẽ quyết định các hành động của người dân Việt Nam trong thời gian sắp tới. Hồ Chí Minh thường nhắc nhở các đảng viên Cộng Sản một câu của Khổng Tử: Ðừng sợ nghèo, chỉ sợ bất công. Ðó là một kỹ thuật cai trị hơn là một lời khuyên về đạo đức. Muốn cai trị được lâu thì để dân nghèo mãi cũng không đáng lo, nhưng nếu chia của cải không đều thì lâu ngày dân sẽ phẫn nộ!

Nhiều người nghĩ rằng chế độ Cộng Sản sẽ còn ngự trị rất lâu, vì đa số dân Việt Nam, đặc biệt ở miền Bắc, thấy đời sống kinh tế của mình đã khá hơn rất nhiều so với trước đây, và người ta đã mất tự do quen rồi, sẽ chịu đựng lâu được. Cuộc biểu tình của đồng bào Thái Bình cho thấy ý kiến bi quan đó sai lầm. Con người không phải chỉ sống bằng cơm áo. Khi bị coi khinh, bị đối xử bất công mãi, nỗi phẫn uất bùng lên, dân sẽ đòi thay đổi. Nay đòi một chút, mai đòi một chút, càng ngày người ta càng ý thức cần thay đổi. Vì mình có quyền sống hạnh phúc hơn.

Category: Tiếng nói dân chủ | Views: 596 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0