Đào Tuấn
Kết quả hoạt động kinh doanh của "giới nhà băng” cho thấy các
Ngân hàng đang lãi khủng khiếp. Lợi nhuận trước thuế của Vietinbank đạt
8.105 tỷ đồng. Vietcombank 5.700 tỷ đồng; BIDV 4.243 tỷ đồng; Eximbank
4.056 tỷ đồng…
Vì sao các ngân hàng vẫn lãi khủng trong năm mà sản xuất đình đốn vì
khan vốn, doanh nghiệp điêu đứng vì lãi suất cao, nhân dân khốn khổ vì
lạm phát phi mã? TS Lê Thẩm Dương từng đánh giá "lợi thế” của các Ngân
hàng thương mại "cơ bản vẫn do độc quyền trong việc cung cấp nguồn vốn
cho doanh nghiệp và nền kinh tế”. Thị trường chứng khoán, về lý thuyết
là kênh huy động trung và dài hạn nguồn vốn, nhưng, bỏ qua "màu đỏ thảm
hại” và các kỷ lục về sự tuột dốc, phá đáy trong năm 2011, ngay cả trong
điều kiện bình thường, TTCK và các kênh huy động khác chỉ đáp ứng
khoảng 3% nguồn vốn. "Bất kỳ hoạt động nào nếu là độc quyền thì vẫn
chiếm ưu thế và đều có lợi nhuận cao”- TS Dương nói.
Những khoản lợi nhuận dài 13 con số, dù "chưa đạt kế hoạch”- của các
ngân hàng thương mại hàng đầu, vì thế, là rất bình thường so với thế độc
quyền, tổng tài sản và nguồn tài chính gần như vô hạn.
Ngân hàng càng lãi khủng, càng cho thấy các chính sách tài chính thắt
hay không thắt chỉ ảnh hưởng tới người đi vay, chứ không ảnh hưởng gì
tới người cho vay. Bởi thực tế cho thấy, những khoản lãi khủng được được
tạo lập trong tình trạng gần 50 ngàn DN phải giải thể, phá sản do không
tiếp cận nổi nguồn vốn, hoặc không chịu nổi nguồn vốn với "lãi suất cắt
cổ”. Quy luật trong trường hợp này giản dị đến tàn nhẫn: Với việc khan
hiếm nguồn vốn, các nhà băng càng dễ cho vay với lãi suất cao mà con số
19-20%/năm từng bị kêu ca, thực ra còn thấp hơn nhiều so với thực tế.
Sản xuất cái gì? Buôn bán cái gì để đạt lợi nhuận đủ để trả lãi là câu
hỏi quá khó. Và gần 50 ngàn doanh nghiệp thực tế đã phải chọn "đáp án”
là giải thể, là phá sản.
Trong ngày các ngân hàng công bố lãi khủng, thì báo chí, có lẽ tình
cờ, đồng loạt đưa tin về tình trạng thất nghiệp. Tại Hà Nội, nếu năm
2010 chỉ có gần 4.200 lao động đăng ký thất nghiệp thì chỉ năm 2011,
theo "thống kê chưa đầy đủ”, số lao động đăng ký thất nghiệp đã gấp 3,8
lần, lên tới 16.100 người. Tại TP HCM, số người đăng ký thất nghiệp năm
2011 là 105.737 người, tăng gấp đôi so với năm 2010. Thất nghiệp bi thảm
đến mức, ngoài người lao động thất nghiệp, những lao động diện cổ cồn
trắng cũng đăng ký thất nghiệp, thậm chí chiếm đến 7% số người đăng ký.
Chính phủ càng thắt chặt tiền tệ, Thống đốc- "nhân vật của năm” càng
"cao tay kiếm” với quy định trần lãi suất, thì các ngân hàng nhỏ càng
rơi vào tình trạng "tái cơ cấu”, các ngân hàng thương mại lớn càng vớ
bẫm với cơ hội "mua rẻ bán đắt” trục lợi từ chính sách. Tam đoạn luận
tất yếu là các Ngân hàng lãi khủng khiếp thì các doanh nghiệp càng vỡ
hàng loạt và người lao động thất nghiệp càng đông.
Một câu hỏi, vì thế, cũng cần được đặt ra: Ai sẽ được hưởng lợi từ những con số lợi nhuận khủng.
Câu trả lời, rất đáng sợ, không phải là những người dân đang bị buộc
phải bán vốn với giá rẻ hơn nhiều so với lạm phát. Cũng không phải những
doanh nghiệp sản xuất, những người phải vay với lãi suất ngất ngưởng mà
nhiệm vụ sản xuất kinh doanh đủ để trả lãi là bất khả thi. Người được
hưởng lợi duy nhất là nhà băng- nắm trong tay "tư bản giấy tờ”, như bản
chất kinh tế của giới tài phiệt ngân hàng, và trong trường hợp Việt Nam,
còn đang được trục lợi từ vị thế độc quyền cho vay và chính sách tiền
tệ thận trọng.
|