Thứ Bảy, 2024-11-23, 7:51 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2012 » Tháng Bảy » 10 » Thống đốc Nguyễn Văn Bình?
5:07 PM
Thống đốc Nguyễn Văn Bình?
Thường Sơn
CTV Phía Trước

Cùng với cơn bão phản ứng đối với thủ tướng đang đột ngột ập đến, đã loan truyền một dự đoán về khả năng Nguyễn Văn Bình có thể trở thành con cờ đầu tiên bị "hy sinh”.

Xem thêm:

Tổng thống Nguyễn Tấn Dũng? (Phần 1)

Tổng thống Nguyễn Tấn Dũng? (Phần 2)

Tổng thống Nguyễn Tấn Dũng? (Phần 3)


Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: Hoàng Hà

Thời tiết bất thường

Song chủ đề của cơn bão này có lẽ không phải phát xuất từ hành động gây hấn của nhà cầm quyền Trung Quốc. Mà nó đến bởi sự lệch pha đang ngày càng cực đoan giữa các phe phái chính trị ở Việt Nam.

Tin tức về việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có khả năng phải rời bỏ chức vụ của ông trước nhiệm kỳ đã không còn là của hiếm ở Thủ đô. Vào những ngày qua, thông tin "tuyệt mật” này còn được cả giới đầu tư ngân hàng TP.HCM biết đến, mà bằng chứng là một số khách hàng lớn đã bắt đầu chiến dịch rút tiền mặt khỏi Ngân hàng Phương Nam – một trong những địa chỉ vẫn được giới chức chính trị liệt vào loại chân rết của nhóm Nguyễn Đức Kiên, Nguyễn Thanh Phượng…

Thậm chí một vài nguồn tin còn cho biết Nguyễn Tấn Dũng có thể phải chia tay với cái ghế "Chúa Trịnh” của mình ngay tháng 8/2012, sau một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm trong Bộ Chính trị Đảng – nơi người đang nhắm đến chức vị tổng thống đầu tiên của Việt Nam chỉ nhận được 4/13 phiếu ủng hộ tiếp tục chấp nhiệm.

Sự thay đổi khá bất ngờ về nhân sự chủ chốt trong đảng đã khiến cho con tàu chính quyền chao đảo. Đó và đây đang diễn ra một cuộc "chạy loạn” khá quyết liệt. Không có gì dễ hình dung hơn việc những cấp dưới thân cận và thường xuyên phục vụ cho quyền lợi nhóm của gia đình Nguyễn Tấn Dũng đang phải tìm đường thoát thân, trước khi nghĩ đến một bến đỗ mới và cũng trước lúc mọi chuyện trở nên tồi tệ không lường trước.

Một trong những người được xem là thủ hạ thân tín nhất của thủ tướng đương nhiệm là Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình.

Cùng với cơn bão phản ứng đối với thủ tướng đang đột ngột ập đến, đã loan truyền một dự đoán về khả năng Nguyễn Văn Bình có thể trở thành con cờ đầu tiên bị "hy sinh”. Nếu hệ lụy này xảy ra, giới quan sát có thể dễ hiểu những nguồn cơn nào ẩn sâu bên trong đã dẫn đến như thế.

Cơ hội đầu tiên

Vào tháng 8/2011, Nguyễn Văn Bình đã được bầu chọn làm thống đốc Ngân hàng Nhà nước, từ cương vị cấp phó trước dó. Người tiền nhiệm của Bình – ông Nguyễn Văn Giàu – đã được thuyên chuyển sang một ủy ban phụ trách về kinh tế của Quốc hội, cũng là nơi mà tiếng nói trở nên lơ lửng.

Bối cảnh nhậm chức của tân thống đốc Ngân hàng Nhà nước lại trùng với khoảng thời gian mà các thị trường đầu cơ ở Việt Nam chỉ tồn tại duy nhất một con sóng vàng. Cũng bởi thế, thị trường này cần được xem là câu chuyện đầu tiên, khởi đầu cho một nhiệm kỳ đầy biến động của Nguyễn Văn Bình.

Thử thách đầu tiên của thời gian ấy lại là nạn đầu cơ vàng mà đã từng hiện hình không biết bao nhiêu lần chỉ tính từ năm 2000 đến nay.

Trong khoảng thời gian 11 năm từ năm 2000 đến năm 2011, trong khi giá vàng thế giới tăng 7,6 lần thì giá vàng trong nước đã làm được điều kỳ diệu hơn thế nhiều: chẵn 10 lần.

Năm 2011 cũng có thể là thời gian lập đỉnh của sóng vàng. Sóng tăng cuối cùng diễn ra từ tháng 7 đến tháng 9/2011, với giá vàng quốc tế tăng 32%, còn giá vàng trong nước vọt lên đến 40%, từ mức 35 triệu đồng/lượng lên đến 49 triệu đồng/lượng.

Trước sự sốt ruột của dư luận xã hội về "cơn điên” giá vàng cùng độ chênh cao đến 4-5 triệu đồng/lượng so với giá thế giới, vào cuối tháng 8/2011, vị tân thống đốc đã nêu ra một "tiêu chí” mà được giới phân tích và toàn bộ báo giới ghi nhớ: chỉ cần giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới 400.000 đồng/lượng là vàng có dấu hiệu bị đầu cơ. Nếu bình ổn giá vàng để tránh đầu cơ, sẽ giữ giá trong nước cao hơn thế giới không quá 400.000 đồng/lượng.

Nhưng sau khi thông điệp "400.000” được phát đi từ tân thống đốc, cho đến cuối năm 2011 vẫn không hề xuất hiện một động tác kiểm tra, thanh tra nào từ phía cơ quan Ngân hàng Nhà nước, trong khi giá vàng thoải mái nhảy múa trên thị trường tự do. Mức giá niêm yết hàng ngày lại khởi phát từ một nơi được giới đầu tư nhận thức là "hậu phương” của Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Công ty Vàng bạc đá quý SJC. Đây cũng chính là công ty trực thuộc Ban Tài chính quản trị của Thành ủy TP.HCM.

Để sau gần một năm kể từ ngày thống đốc Nguyễn Văn Bình nhậm chức, điều có thể được gọi là "dấu hiệu đầu cơ” đã thường vượt gấp 10 lần chiều cao của chính nó.

Chiều cao đó lại là chiều sâu lợi nhuận của kẻ đã tạo ra nó.

Dù chưa có một thống kê nào của Ngân hàng Nhà nước được công bố về độ chênh cao bình quân giữa giá vàng trong nước so với giá thế giới, nhưng hiện tượng mà bất kỳ người dân mua bán vàng nào đều dễ nhận thấy là độ chênh cao này luôn từ 3-4 triệu đồng/lượng.

Vào nửa cuối năm 2011, uy tín của Ngân hàng Nhà nước và cá nhân Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã có phần sút giảm, bởi cùng với nạn đầu cơ vàng tái diễn liên tục là những hoài nghi đầu tiên về cái gọi là "trò chơi thanh khoản” mà cơ quan này đã áp đặt trên thị trường liên ngân hàng nhằm phục vụ cho ý đồ của nhóm tài phiệt thâu tóm các ngân hàng nhỏ.

Thậm chí cơ hội của Ngân hàng nhà nước nhằm cải thiện hình ảnh của mình trong tâm trí người dân càng trở nên nhỏ bé khi vào những ngày giá vàng trở nên điên loạn nhất, lời khuyến cáo của Ngân hàng Nhà nước về nạn đầu cơ đã chỉ được phát đi sau khi SJC cùng một số doanh nghiệp vàng khác đã "thoát hàng” đến hơn hai chục tấn vàng với giá rất cao.

Song cơ hội của Ngân hàng Nhà nước càng ít đi bao nhiêu thì làn sóng dư luận xã hội về lợi ích nhóm lại càng lan truyền nhanh và rộng bấy nhiêu. Vào thời gian này, cụm từ "nhóm lợi ích” đã bắt đầu được nhắc đến, bàn luận một cách công khai và dường như không chỉ dừng ở những hàm ý về hố phân cách xã hội.

"Lấy nó nuôi nó”

Một cơ hội khác cũng đến với vai trò tân thống đốc vào đầu tháng 10/2011. Trong bối cảnh giá vàng trong nước lao dốc cùng giá thế giới, Ngân hàng Nhà nước cùng với Công ty SJC và một số ngân hàng được mệnh danh là "Nhóm G” đã phát đi một thông điệp mới: "Lấy nó nuôi nó”, hay còn gọi là giải pháp tạo ra quỹ vàng quay vòng can thiệp thị trường.

Theo giải pháp này, việc can thiệp vào thị trường sẽ thực hiện theo phương châm "hiệp đồng tác chiến” dưới sự chỉ huy của Ngân hàng Nhà nước. Các ngân hàng và SJC cùng bán theo một mức giá và liên tục tung hàng cho đến khi giá vàng trở về bình thường. Theo ước tính, quỹ vàng quay vòng của ngân hàng và SJC ít nhất cũng 20 tấn (530.000 lượng vàng). Số vàng này gấp nhiều lần hạn ngạch nhập khẩu vàng mà Ngân hàng Nhà nước từng cấp trong mỗi đợt, vì thế khả năng bình ổn thị trường cao hơn.

Chỉ cần giải pháp này làm được một nửa nội dung của nó, lợi ích nhóm của các chủ thể đầu cơ vàng có thể đã được giảm đi 50%.

Ngay lập tức, giải pháp này được công bố rộng rãi. Một vài chuyên gia thân cận với Ngân hàng Nhà nước còn cho rằng đây là một phát minh mang tính khoa học của cơ quan này. Vài tờ báo phấn khích nhất còn gọi giải pháp mới của Ngân hàng Nhà nước là "toa thuốc đặc trị đầu cơ vàng”.

Tuy nhiên cho đến cuối năm 2011, sau khi giải pháp trên được nêu ra, đã chẳng có bất kỳ sự thay đổi nào.

Sự đổi thay duy nhất chỉ diễn ra đối với các ngân hàng và doanh nghiệp được quyền kinh doanh vàng: sau khi đã được thỏa mãn về quota nhập khẩu vàng và được hứa hẹn cả về cơ chế mở tài khoản giao dịch vàng, mục tiêu ban đầu về bình ổn giá vàng đã bị quên lãng một cách nhanh chóng. Thay vào đó, vẫn là thực trạng găm vàng, niêm yết vàng giá cao, vẫn là chất kích thích tiềm ẩn cho chỉ số lạm phát chưa chịu ngủ yên.

Hoàn toàn khác với thái độ dứt khoát đến bất thường trong công tác duy trì nghiêm trần lãi suất huy động 14%/năm – tiền đề của "trò chơi thanh khoản”, Ngân hàng nhà nước đã chẳng có bất kỳ một đợt kiểm tra đối với hoạt động niêm yết vàng giá cao và nạn đầu cơ hoành hành hàng ngày trên thị trường.

Lời hứa hẹn trước công luận "Sẽ phối hợp với công an để làm rõ đối tượng đầu cơ, làm giá trên thị trường” của tân thống đốc Nguyễn Văn Bình vào cuối tháng 8/2011 đã mau chóng chìm vào dĩ vãng.

Cho tới nay, ngay cả hoạt động nhập khẩu vàng của các doanh nghiệp cũng chưa từng được Ngân hàng Nhà nước công khai theo cách "minh bạch hóa” – một cụm từ mà cơ quan này vẫn thường sử dụng trong các báo cáo của mình.

Nguồn cơn của việc thiếu minh bạch trong cơ chế nhập khẩu vàng, hiểu một cách đơn giản, là một khi người dân nắm được tình hình cung tương đương hoặc lớn hơn cầu, giá vàng trong nước sẽ bắt buộc phải "bám sát giá thế giới”.

Nhưng đã chỉ rất ít công luận dám đề cập đến những bất cập và nghịch lý trên. Một sự áp đặt vô hình đã phủ trùm lên những tờ báo có tính phản biện cao nhất ở Việt Nam, liên quan đến mối quan hệ giữa Ngân hàng Nhà nước với nhóm lợi ích vàng.

Nhưng dư luận cũng là quá đủ.

Người ta còn ngờ rằng giải pháp "lấy nó nuôi nó” của Ngân hàng Nhà nước thực ra chỉ là một bức bình phong giúp cho các doanh nghiệp vàng có thêm thời gian để tiếp tục bán vàng giá cao, bao gồm vàng tự có và lượng vàng đã nhập khẩu, theo phương châm riêng của họ: lấy vàng nuôi vàng.

Tức giá vàng trong nước được các "ông lớn” trong giới kim quý điều chỉnh cuộc chơi theo trình tự: áp giá thấp để thu mua rồi mang đi xuất khẩu trong trường hợp giá thế giới cao hơn; giữ giá trong nước cao, nhập khẩu vàng về bán trong trường hợp giá vàng thế giới thấp hơn!

Trong gần một năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã chơi trò tung hứng bên nặng bên nhẹ: không công khai cơ chế nhập khẩu vàng, không quản lý giá niêm yết vàng, không làm rõ được bất kỳ đối tượng nào đầu cơ vàng, nhưng lại muốn đóng vai trò đạo diễn cho một sân khấu với sự diễn xuất của diễn viên duy nhất mang tên SJC.

Trong khi đó, nạn đầu cơ vàng vẫn tái diễn công khai, thuần bản chất, với tư thế của kẻ độc quyền đầu cơ.

"Lấy dân nuôi nó”?

Đầu cơ vàng có nhiều hình thức và biến tướng đi kèm. Tiếp theo thành công quá dễ dàng đạt được trong chiến dịch thâu tóm các ngân hàng nhỏ, Nguyễn Văn Bình còn đưa ra một đề xuất gây chấn động: hình thành quỹ huy động vàng từ dân.

Vào cuối tháng 10/2011, ý tưởng này lần đầu tiên xuất hiện và đã được một vài tờ báo tung hô. Một số chuyên gia phân tích cũng cho rằng đó là sự cần thiết nhằm dọn dẹp nạn đầu cơ trên thị trường vàng.

Nhưng vào lúc đó, người ta vẫn chưa nhận ra nguồn gốc của đầu cơ vàng không chỉ từ các nhóm đầu cơ nhỏ, mà luôn được tổ chức và kích động bởi những con cá mập lớn hơn nhiều. SJC và một số ngân hàng có quota nhập khẩu vàng như ACB, Eximbank, Vietcombank…, đều là những địa chỉ mà nhóm đại gia ngân hàng nắm quyền chi phối và dễ dàng thao túng. Chỉ một số ít công ty và ngân hàng chủ chốt có đặc quyền kinh doanh vàng đã nắm đến khoảng 85% thị phần vàng. 15% thị phần còn lại được chia cho khoảng 12.000 cơ sở kinh doanh vàng tư nhân trên toàn quốc.

Tuy vậy, kẻ nào đi quá nhanh lại dễ vấp. Cái được gọi là "cơ chế làm giá” quá lộ liễu của các nhóm đầu cơ vàng đã gây phản cảm nơi dư luận và càng làm lộ rõ chân tướng của những kẻ lũng đoạn.

Điểm trùng hợp là cũng trong khoảng thời gian cuối năm 2011, đầu năm 2012, làn sóng phản biện đối với nhóm lợi ích ngân hàng đã dâng lên ngày càng mạnh mẽ trong dư luận và công luận. Những tiếng nói phản biện ban đầu còn lẻ tẻ và chưa tạo được sức thu hút đối với quần chúng, nhưng sau đó đã chĩa dần mũi dùi trực diện vào Thống đốc Nguyễn Văn Bình, thậm chí gián tiếp đề cập đến vai trò và trách nhiệm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Người dân hoàn toàn có lý do để lo ngại rằng, chỉ với công cụ lãi suất mà nhóm lợi ích ngân hàng đã lũng đoạn gần như toàn bộ huyết mạch tín dụng quốc gia, thì nếu đề án huy động vàng được triển khai, nó rất có thể sẽ trở thành một hoạt động lừa mị và lừa đảo mới, không những không bình ổn được thị trường vàng mà con khuyến khích tính đầu cơ tăng cao. Hậu quả của vấn nạn đó là không có gì bảo đảm cho vàng của dân sẽ được ngân hàng bảo quản và trả lại cho dân tương ứng với giá trị đầu vào của nó. Nói cách khác, nếu đã từng có nhiều khoản tín dụng bị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng chân rết của nó làm cho biến mất chỉ bằng những động tác phù phép, thì số phận vàng của dân có lẽ cũng không có quá nhiều khác biệt.

Mở đầu năm 2012, một hiện tượng kỳ quặc đã xảy ra: đề án huy động vàng trong dân của Ngân hàng Nhà nuớc ít được đề cập, để sau đó gần như bị quên lãng.

Vì sao thế?

Chỉ đến gần giữa năm 2012, những thông tin nội bộ mới cho biết: nhóm lợi ích ngân hàng đã phải tạm dừng việc xây dựng và triển khai đề án huy động vàng đầy tham vọng của mình, để dành thời gian đối phó với những thách thức khác.

Trong đó, có cả những thách thức chính trị bắt đầu xuất hiện từ nhóm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đối với cái ghế đã bắt đầu lung lay của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Cái ghế của Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng bắt đầu chao đảo…

Còn tiếp…

© TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC 2012
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 566 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 2
Khách: 2
Thành Viên: 0