Như
một tín hiệu chính trị khác thường, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhân gặp
gỡ báo chí đầu xuân 23/2 ở Hà Nội đã tuyên bố: "báo chí cần chủ động
thông tin bảo vệ chủ quyền”.
Photo courtesy of Vietnamnet/XĐ
Thủ tướng gặp mặt lãnh đạo các cơ quan báo chí đầu xuân 2010
Trong buổi họp mặt, Thủ Tướng
Nguyễn Tấn Dũng đã không theo bài phát biểu soạn sẵn, mà ứng khẩu tâm tình với
các nhà báo.
Theo Vietnam Net, người đứng
đầu chính phủ lưu ý báo chí cần thông tin sắc bén nhanh nhạy hơn nữa về bảo vệ
toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền dân tộc. Thủ tướng nhấn mạnh rằng, trong thời
gian qua nhà nước đã có những bước đi bài bản để có được những chứng cớ chính
xác nhằm khẳng định chủ quyền lãnh thổ, nhưng thời gian tới cần phải làm mạnh mẽ
hơn nữa.
Chân lý trước và sau 10
tháng
Có thể nói đây là lần đầu
tiên Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi báo chí chủ động thông tin nhanh hơn, mạnh
hơn về vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Dù rằng cách đây chưa tới một năm, tờ
báo Du Lịch bị đình bản vì đã đi trước đội hình, thực hiện những điều mà Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng vừa đưa ra với báo chí. Người phụ trách Báo Du Lịch là Phó Tổng
Biên Tập Nguyễn Trung Dân bị rút thẻ nhà báo, đình chỉ công tác, mấy chục biên
tập viên, phóng viên và nhân viên tòa soạn mất việc làm.
Khi yêu nước có ai mà đi trước đi sau, không nhất thiết phải chờ ông Thủ
Tướng bật đèn xanh rồi mới nói. Những người thức dậy sớm hơn một chút phải hy
sinh là chuyện thường.
Ô. Nguyễn Trung Dân
Gặp lại ông Nguyễn Trung Dân
qua điện thoại để yêu cầu ông nhận định về ý kiến chính trị mới của Thủ Tướng,
ông phát biểu:
"Khi yêu nước có ai mà đi
trước đi sau, không nhất thiết phải chờ ông Thủ Tướng bật đèn xanh rồi mới nói.
Những người thức dậy sớm hơn một chút phải hy sinh là chuyện thường, hiện nay
tôi vẫn bị thu hồi thẻ nhà báo, chuyển công tác khác không được làm báo, bao giờ
cũng có những viên gạch lót đường thì thôi mình chấp nhận.
Nếu mà ông Thủ Tướng đã
nói tới mức đó thì tôi tin rằng điều này cũng có tác động của mình từ đầu, còn
những người làm không đúng thì trước hết trong thâm tâm họ phải tự cảm thấy xấu
hổ đối với dân tộc với đất nước. Thứ hai sẽ đến lúc lịch sử và xã hội nhìn nhận
lại và phê phán những con người đã kỷ luật chúng tôi chẳng hạn.”
Hai bài báo dẫn tới trừng phạt
báo Du Lịch, thứ nhất bài ‘Tản mạn đảo xa’ của phóng viên Trung Bảo, cũng chính
là con trai ông Nguyễn Trung Dân. ‘Tản mạn đảo xa’ là tâm tình của người viết,
đề cao lòng yêu nước của thanh niên sinh viên TP.HCM trong cuộc biểu tình phản
đối Trung Quốc lấn chiếm Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Báo Du Lịch chúng tôi làm lúc đó là hành động theo sự thúc bách của
trái tim và lương tâm của mình. Yêu nước theo chúng tôi không nên chọn thời điểm.
Ô. Nguyễn Quốc Thái
Thứ hai là kịch thơ ‘Hận Nam
Quan’ của thi sĩ Hoàng Cầm, ‘Hận Nam Quan’ nói về lòng yêu nước của hàn lâm học
sĩ Nguyễn Phi Khanh (1355-1429) thân phụ của Nguyễn Trãi. Năm 1407 cùng vua tôi
nhà Hồ chống giặc Minh xâm lược, Nguyễn Phi Khanh bị bắt giải sang Tàu, Nguyễn
Trãi khóc theo cha tới ải Nam Quan. Nguyễn Phi Khanh dặn con quay về Thăng Long
nuôi chí diệt thù. Sau này Nguyễn Trãi phò Lê Lợi đánh bại quân Minh.
Yêu nước không chọn thời
điểm
Tất cả các kênh thông tin của
Việt Nam đều đưa tin về buổi gặp gỡ đầu xuân giữa Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng và
giới báo chí. Những gì Thủ Tướng đưa ra ngày 23/2/2010 lưu ý báo chí chủ động
thông tin bảo vệ lảnh thổ chủ quyền, được các nhà báo tường thuật một cách tâm
đắc. Nhưng những ai tự có hành động tương tự cách đây 10 tháng lại bị Bộ Thông
Tin Truyền Thông ra quyết định kỷ luật.
Chúng tôi cũng gặp lại Nguyễn
Quốc Thái nguyên trợ lý Phó tổng biên tập báo Du Lịch, ông nói:
"Báo Du Lịch chúng tôi làm
lúc đó là hành động theo sự thúc bách của trái tim và lương tâm của mình. Yêu
nước theo chúng tôi không nên chọn thời điểm.”
Đầu năm Canh Dần Thủ tướng
kêu gọi báo chí phải chủ động nhanh chóng thông tin về vấn đề bảo vệ chủ quyền
lãnh thổ. Nhưng giữa năm Kỷ Sửu những nhà báo đi trước đội hình, thay vì được
tuyên dương thì đã trở thành những người bị đuổi việc.