Thứ Ba, 2024-11-05, 8:39 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2010 » Tháng Sáu » 11 » Tham nhũng: Nguyên nhân và giải pháp
4:52 PM
Tham nhũng: Nguyên nhân và giải pháp

Nguyễn Hưng Quốc


Tham nhũng là lợi dụng công quyền cho lợi ích riêng tư (Corruption is the abuse of public power for private gains).

Có thể nói ở đâu có công quyền ở đó đều có nguy cơ cướp bóc và tham nhũng. Công quyền tuyệt đối thì đẻ ra cướp bóc. Công quyền tương đối thì dẫn đến tham nhũng. Ngày xưa, vua chúa không cần tham nhũng: Họ chỉ đơn giản cướp tài sản của cả nước làm của riêng. Chỉ có quan lại mới tham nhũng. Động cơ chính của cả cướp bóc lẫn tham nhũng đều là lòng tham. Nhưng vấn đề không phải là diệt trừ lòng tham. Đó chỉ là lý tưởng của các tôn giáo. Về phương diện chính trị, lý tưởng ấy chỉ là ảo tưởng. Bởi vậy, nhân loại luôn tìm cách chống lại cả cướp bóc lẫn tham nhũng bằng luật pháp.

Ở trên, tôi mới viết: ngày xưa, chỉ có quan lại mới tham nhũng. Như vậy, tham nhũng gắn với ít nhất ba yếu tố: một, có quyền; hai, quyền ấy ít nhiều bị hạn chế; và ba, vì sự hạn chế ấy, việc cướp bóc phải được nguỵ trang dưới hình thức vơ vét lén lút, thường được gọi là tham nhũng. Điểm khác biệt giữa các quan tham ngày xưa và các quan tham bây giờ chỉ nằm ở chỗ: yếu tố hạn chế quyền lực của các quan tham ngày xưa là vua chúa; của các quan tham ngày nay là pháp luật.

Nói như vậy để thấy, để ngăn chận tham nhũng, pháp luật không, không đủ. Thậm chí có khi luật pháp còn tạo cơ hội cho bọn tham nhũng dễ hoành hành. Chứ không phải sao? Luật pháp có hai chức năng chính: hạn chế quyền lực và quy định trách nhiệm. Trong rất nhiều trường hợp, ở các quốc gia toàn trị, luật pháp không đủ để hạn chế quyền lực; nó chỉ còn chức năng thứ hai: duy trì trách nhiệm của những kẻ không có hoặc có rất ít quyền lực. Trong tất cả các trách nhiệm ấy, trách nhiệm đứng đầu là vâng phục. Trong các chế độ toàn trị, vâng phục cũng có nghĩa là để mặc cho bọn có quyền tha hồ tự tung tự tác.

Điều đó giải thích tại sao mặc dù hiện nay hầu như quốc gia nào cũng có pháp luật, nhưng ở vô số quốc gia, nạn tham nhũng vẫn cứ là quốc nạn. Việt Nam vốn luôn luôn tự hào là có nhiều luật. Trong cuộc hội thảo quốc tế về phòng chống tham nhũng do Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam liên kết với Đại sứ quán Thuỵ Điển được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 27 tháng 5 vừa qua, Đại sứ Thuỵ Sĩ mỉa mai: Việt Nam có nhiều luật chống tham nhũng hơn cả Thuỵ Sĩ!

Luật chỉ là những tờ giấy. Những tờ giấy ấy chỉ có hiệu lực nhờ một yếu tố khác: một cơ chế đủ mạnh để thực hiện và kiểm tra các luật ấy. Trong lãnh vực phòng chống tham nhũng, cái cơ chế ấy cần có hai điều kiện căn bản: tính minh bạch (transparency) và tính khả kiểm (accountability). Hai tính chất này đi liền với nhau: tính khả kiểm chỉ trở thành hiện thực nếu có sự minh bạch; ngược lại, không có sự minh bạch nào thực sự là minh bạch nếu nó không có tính khả kiểm. Có thể nói tính minh bạch là điều kiện của tính khả kiểm, trong khi tính khả kiểm là thước đo của sự minh bạch.

Robert Klitgaard, Ronald MacLean-Abaroa và H. Lindsey Parris cho tham nhũng là một tội phạm do tính toán chứ không phải do đam mê. Người ta chỉ phạm tội tham nhũng khi nguy cơ bị phát hiện thấp; nếu bị phát hiện, hình phạt cũng nhẹ, trong khi đó món lợi mà người ta thu được lại lớn. Ba người nêu lên một công thức về tệ nạn tham nhũng được giới nghiên cứu đồng tình và thường trích dẫn:

TN = ĐQ + QĐ – KK

(TN: Tham nhũng, Corruption; ĐQ: Độc quyền, Monopoly Power; QĐ: Quyền quyết định, Discretion by officials; KK: Tính khả kiểm, accountability).

Có thể đọc công thức này như sau: Tham nhũng bằng Độc quyền (của nhà nước) cộng quyền quyết định (của cán bộ) và trừ cho tính khả kiểm.

Theo công thức ấy, tham nhũng có khuynh hướng nở rộ khi cán bộ viên chức được độc quyền trên vật dụng cũng như dịch vụ, và họ có quyền quyết định không giới hạn ai sẽ là người được hưởng vật dụng hay dịch vụ ấy mà không bị bất cứ sự kiểm soát nghiêm ngặt hay minh bạch nào cả. (1)

Y. Wang, W. Chi và W. Sun, khi làm một cuộc điều tra trên 130 vụ án tham nhũng bị phát hiện và được tường thuật trên báo chí của các cán bộ cao cấp tại Trung Quốc từ năm 2003 đến năm 2006, đã ghi nhận một đặc điểm: cán bộ càng cao cấp, số tiền tham nhũng càng lớn (2). Xiaogang Deng, Lening Zhang và Andrea Leverentz phát hiện đặc điểm chính của các vụ tham nhũng tại Trung Quốc từ mấy chục năm trở lại đây đều liên quan đến đất đai. Lý do thứ nhất là vì dễ: trước đây toàn bộ đất đai đều nằm trong tay nhà nước; thứ hai là lợi nhuận lớn: giá đất càng ngày càng tăng, hơn nữa, tăng cực nhanh (3).

Những hiện tượng tham nhũng ở Việt Nam chắc cũng tương tự. Tiếc, đến nay, vẫn chưa có một công trình nghiên cứu nào thật nghiêm túc và toàn điện về vấn đề này.

Ngoài hai yếu tố luật pháp và cơ chế trình bày ở trên, còn một yếu tố khác làm nảy sinh và nảy nở nạn tham nhũng: văn hoá. Theo R. Theobald, trong cuốn Corruption, Development, and Underdevelopment (Durham: Duke University Press, 1990), ở các xã hội có truyền thống đại gia đình và lòng trung thành gắn liền với bộ tộc, nạn tham nhũng bao giờ cũng nhiều hơn những nơi khác. Trong bài "Why do People Engage in Corruption? The Case of Estonia” đăng trên tạp chí Social Forces số 88 xuất bản vào tháng 3 năm 2010, Margit Tavits phân tích một số yếu tố khác liên quan đến văn hoá: sự thiếu tin cậy đối với người khác cũng như đối với hệ thống và thái độ của dân chúng đối với vấn đề tham nhũng. Về điểm thứ nhất, có quan hệ hai chiều: vì thiếu tin cậy, người ta sẵn sàng bỏ tiền ra đút lót cán bộ; và vì đã đút lót, người ta lại càng mất niềm tin. Về điểm thứ hai, nói chung, người ta rất dễ tham gia vào các việc tham nhũng nếu người ta không nghĩ đó là một việc sai trái về phương diện đạo đức mà chỉ nhìn qua lăng kinh kinh tế: việc trao đổi ấy có thể chấp nhận được hay không.

Tất cả những đặc điểm về văn hoá tham nhũng nêu trên đều có thể tìm thấy ở Việt Nam. Bởi vậy, việc khắc phục tệ nạn tham nhũng ở Việt Nam, ngoài việc tăng lương cho công nhân viên chức như người ta thường nói, còn phải chú ý đến hai khía cạnh quan trọng khác: thay đổi về văn hoá và chính trị.

Về phương diện chính trị, điều quan trọng nhất là phải dân chủ hoá. Nói một cách tóm tắt, dựa trên các số liệu thu thập ở phạm vi toàn thế giới, hầu hết các học giả đều đồng ý một điểm: tham nhũng có tỉ lệ nghịch với dân chủ. Ở các quốc gia có nền dân chủ cao, luật pháp nghiêm minh và quyền công dân được tôn trọng, nạn tham nhũng bao giờ cũng thấp hơn hẳn các quốc gia độc tài. Trong các quyền công dân ấy, quan trọng nhất là quyền tự do ngôn luận. Theo Ce Shen và John B. Williamson, "trong cuộc đấu tranh chống lai tham nhũng, tự do báo chí đóng vai trò độc tôn vì chính các cơ quan truyền thông đại chúng là điều kiện tất yếu trong việc kiến tạo và duy trì một không khí xã hội có khả năng làm nản lòng (những người tham nhũng) và kiểm soát mức độ tham nhũng.” (4)

Đụng đến chính trị, việc chống tham nhũng, do đó, đầy những gai góc. Đụng đến văn hoá, đó là một quá trình lâu dài. Nhưng không quyết tâm chống tham nhũng, ước vọng xây dựng một quốc gia giàu mạnh và bình đẳng lại càng khó khăn và xa vời hơn nữa.

Không chừng chỉ là một ảo tưởng.

Chú thích:

  1. 1. Robert Klitgaard, Ronald MacLean-Abaroa và H. Lindsey Parris (1996) A Practical Approach to Dealing with Municipal Malfeasance. Urban Management Programme Working Paper Series No. 7, Nairobi, tr. 10 & 11.
  2. 2. Dẫn theo Xiaogang Deng, Lening Zhang và Andrea Leverentz (2010), "Official Corruption During China’s Economic Transition: Historical Patterns, Characteristics and Government Reactions”, Journal of Contemporary Criminal Justice số 26, tr. 81.
  3. 3. Bài dẫn trên, tr. 79.
  4. 4. Ce Shen & John B. Williamson (2005), "Corruption, Democracy, Economic Freedom, and State Strength: A Cross-national Analysis”, International Journal of Comparative Sociology số 46, tr. 330.
Category: Hồ sơ Tham nhũng CSVN | Views: 689 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 364
Khách: 364
Thành Viên: 0