Phạm Trần - Chống
tham nhũng-lãng phí ở Việt Nam là truyện dài không có đoạn kết. Mỗi lần
đảng hứa sẽ "kiên quyết, kiên trì, thực hiện đồng bộ các giải pháp
trong đấu tranh Phòng chống Tham nhũng” thì tham nhũng lại chương phình
ra to hơn trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên.
Chuyện lòng vòng này cứ như con thoi chạy từ cấp cao xuống cấp thấp rồi
lại tất tưởi quay đầu chạy từ địa phương về trung ương từ năm này qua
năm khác, dù Việt Nam đã có Luật phòng, chống Tham nhũng từ ngày 29
tháng 11 năm 2005.
Đến ngày 04 tháng 8 năm 2007, Quốc hội lại bổ sung thêm điều 73 thành
lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng. Thủ tướng Chính phủ được chỉ
định làm Trưởng ban ở Trung ương, và Ban chỉ đạo tỉnh, thành phố trực
thuộc trung ương về phòng, chống tham nhũng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân
tỉnh đứng đầu
Điều 74 (bổ sung) quy định các cấp bậc giám sát công tác phòng, chống tham nhũng theo hệ thống như sau:
1. Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát công tác phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước.
2. Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trong phạm vi nhiệm
vụ, quyền hạn của mình giám sát công tác phòng ngừa tham nhũng thuộc
lĩnh vực do mình phụ trách.
Ủy ban tư pháp của Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng.
3. Hội đồng nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của
mình có trách nhiệm giám sát công tác phòng, chống tham nhũng tại địa
phương.
4. Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân
dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện
các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.”
Như vậy tưởng rằng kẻ tham nhũng sẽ hết đường chạy. Nhưng chúng lại đi
tắt về ngang nhanh hơn và tinh vi hơn vì những kẻ tham nhũng, phần lớn
là lớp người có chức có quyền đã bắc cầu và bao che cho nhau để đục
khoét công quỹ và cướp tiền của mồ hôi, nước mắt đóng thuế của dân.
Nhưng chuyện chống tham nhũng lại trớ trêu ở chỗ kẻ lãnh đạo, rất nhiều
khi tham nhũng, lại đứng đầu cơ quan chống tham nhũng nên mới có chuyện
bàn tán trong dân như nhà nước "vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Cuối cùng
không bắt được kẻ tham nhũng mà, trong nhiều trường hợp, người có công
tố cáo kẻ tham nhũng lại bị những người đứng đầu, các quan đầu tỉnh, đầu
ngành trù dập, trả thù từ đời cha đến đời con nên không ai dám tố cáo
nữa.
Vậy Quốc hội và những cơ quan, tổ chức được Luật giao trách nhiệm giám
sát công tác chống tham nhũng đã làm gì mà để cho những kẻ tham nhũng
vẫn khơi khơi ngòai xã hội ?
Trả lời cho thắc mắc này không khó. Nếu làm đúng theo luật thì tham
nhũng đã giảm bớt rất nhiều. Vì Luật không được thi hành, trong nhiều
trường hợp người có quyền giám sát không ai cho giám sát hay không dám
giám sát vì địa phương hay cơ quan không hợp tác nên đành quay lưng cho
an phận.
Điển hình như đánh giá của Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng, trong phiên họp
của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng (BCĐ-PCTN) ngày
15/11 (2011), tại Hà Nội, cho rằng "tình trạng khiếu kiện, đơn thư,
tố cáo về PCTN; số vụ việc tham nhũng giảm hẳn. Tuy nhiên: "Hành vi tham
nhũng đã trở nên tinh vi hơn, khó phát hiện hơn. Bên cạnh đó, quá trình
xử lý, điều tra, truy tố, xét xử phải tuân theo quy định của pháp luật
nên thường chậm, kéo dài, dẫn đến tâm tư lo lắng, hoài nghi trong nhân
dân về sự kiên quyết, nghiêm minh trong đấu tranh PCTN.”
Theo tường thuật của Báo chí trong nước thì Dũng "mong muốn, các thành
viên BCĐ tiếp tục đề cao hơn nữa trách nhiệm trước Đảng, trước Nhà nước,
kiên quyết, kiên trì, thực hiện đồng bộ các giải pháp trong đấu tranh
PCTN.”
Nhưng kiên quyết, kiên trì đến bao giờ ?
Hãy nghe Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư đảng báo cáo tại Đại hội đảng XI ngày 12 tháng 1/2011: "Tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tội phạm, tệ nạn xã hội, suy thoái đạo đức, lối sống... chưa được ngăn chặn, đẩy lùi.”
Nên biết Mạnh đã thay Lê Khả Phiêu giử chức Tổng Bí thư từ Khoá IX năm
2001, tiếp tục Khóa X đến năm 2011, nên trong suốt 10 năm giữ chức cao
nhất trong đảng, Mạnh đã bất lực trước nạn tham nhũng như các Tổng Bí
thư tiền nhiệm, trong đó có Lê Khả Phiêu (Khóa VIII), Đỗ Mười (Khóa
VII).
Ngòai Mạnh, Thường trực Ban Bí thư đảng Trương Tấn Sang (Khóa X) còn báo
cáo tiếp thu giải trình của Đoàn Chủ tịch về ý kiến thảo luận của các
đại biểu đối với các văn kiện Đại hội XI của Đảng.
Về lĩnh vực tham nhũng, Sang nói: "Tình trạng suy thoái về chính trị,
tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên
gắn với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí là nghiêm trọng.”
Ngoài ra Mạnh còn hứa đảng sẽ: "Thực hiện có hiệu quả việc kê khai và
công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức theo quy định; xác
định rõ trách nhiệm người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị xảy ra tham
nhũng, lãng phí; xử lý đúng pháp luật, kịp thời, công khai cán bộ tham
nhũng, tịch thu sung công tài sản tham nhũng và có nguồn gốc từ tham
nhũng; có cơ chế khuyến khích và bảo vệ người đấu tranh chống tham
nhũng, lãng phí, tiêu cực; tổng kết, đánh giá cơ chế, mô hình tổ chức cơ
quan phòng, chống tham nhũng để có chủ trương, giải pháp phù hợp.”
Nhưng tại sao Mạnh đã đổ trách nhiệm nặng nề này sang cho Nguyễn Phú
Trọng, người thay Mạnh giữ chức Tổng Bí thưu Khoá XI, sau 10 năm không
làm được ?
Thứ nhất, việc kê khai Tài sản chỉ làm có hình thức. Khai rồi, nạp cho
Thủ trưởng cất đi. Không ai có quyền đòi xem vì chưa có luật cho phép
công khai, trừ trường hợp sau đó người khai bị tố cáo tham nhũng thì hồ
sơ mới được Ban điều tra mở ra xem.
Thứ hai, chưa có người đứng đầu cơ quan nào có cán bộ bị tố cáo tham
nhũng bị cất chức, kỷ luật vì người đứng đầu cơ quan cũng là người chịu
trách nhiệm thi hành Luật chống Tham nhũng nên không ai dại gì lại vạch
áo cơ quan mình cho người xem lưng!
Nhưng ai phải kê khai tài sản?
Theo Nghị định 37/2007/NĐ-CP thì người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập gồm:
1. Đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên
trách, người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.
2. Cán bộ, công chức từ phó trưởng phòng của Ủy ban nhân dân cấp
huyện trở lên và người được hưởng phụ cấp chức vụ tương đương phó trưởng
phòng của Ủy ban nhân dân cấp huyện trở lên trong cơ quan, tổ chức, đơn
vị.
3. Sĩ quan giữ cương vị chỉ huy từ cấp phó tiểu đoàn trưởng, phó chỉ
huy trưởng ban chỉ huy quân sự cấp huyện trở lên trong Quân đội nhân
dân; sĩ quan giữ cương vị chỉ huy từ cấp phó tiểu đoàn trưởng, phó
trưởng công an phường, thị trấn, phó đội trưởng trở lên trong Công an
nhân dân.
4. Giám đốc, phó giám đốc, viện trưởng, phó viện trưởng, kế toán
trưởng, trưởng phòng, phó trưởng phòng, trưởng khoa, phó trưởng khoa,
bác sĩ chính tại các bệnh viện, viện nghiên cứu của Nhà nước.
5. Tổng biên tập, phó tổng biên tập, kế toán trưởng, trưởng phòng,
phó trưởng phòng, trưởng ban, phó trưởng ban báo, tạp chí có sử dụng
ngân sách, tài sản của Nhà nước.
6. Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, kế toán trưởng trường mầm non, tiểu
học của Nhà nước tại quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; hiệu trưởng,
phó hiệu trưởng, kế toán trưởng trường trung học cơ sở, trung học phổ
thông, trường trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề, trung tâm giáo dục
thường xuyên của Nhà nước; hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, kế toán trưởng,
trưởng phòng, phó trưởng phòng, trưởng khoa, phó trưởng khoa, giảng
viên chính trường đại học, cao đẳng của Nhà nước.
7. Giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng, trưởng phòng, phó trưởng
phòng, trưởng ban, phó trưởng ban tại ban quản lý dự án đầu tư xây dựng
có sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước; giám đốc, phó giám đốc, kế
toán trưởng ban quản lý dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức
(ODA).
8. Tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc, chủ tịch
hội đồng quản trị, phó chủ tịch hội đồng quản trị, thành viên hội đồng
quản trị, trưởng ban kiểm soát, phó trưởng ban kiểm soát, thành viên ban
kiểm soát, kế toán trưởng, trưởng phòng, phó trưởng phòng, trưởng ban,
phó trưởng ban các phòng, ban nghiệp vụ trong công ty nhà nước; người
được Nhà nước cử giữ chức vụ kể trên trong doanh nghiệp có vốn đầu tư
của Nhà nước.
9. Bí thư, phó bí thư Đảng ủy; chủ tịch, phó chủ tịch Hội đồng nhân
dân; chủ tịch, phó chủ tịch, uỷ viên Ủy ban nhân dân xã, phường, thị
trấn; trưởng công an, chỉ huy trưởng quân sự xã; cán bộ địa chính - xây
dựng, tài chính - kế toán của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
10. Điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, thư ký toà án, kiểm toán
viên nhà nước, thanh tra viên, chấp hành viên, công chứng viên nhà
nước.
11. Bộ trưởng Bộ Nội vụ, sau khi thống nhất với Bộ trưởng, Thủ trưởng
cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ nhiệm Văn
phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Chánh Văn phòng Trung
ương Đảng, Trưởng các ban của Trung ương Đảng, người đứng đầu cơ quan
trung ương của tổ chức chính trị - xã hội, trình Thủ tướng Chính phủ ban
hành Danh sách đối với người có nghĩa vụ phải kê khai tài sản, thu nhập
là: người làm công tác quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước hoặc
trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị,
cá nhân trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp, cơ quan của Đảng, tổ
chức chính trị - xã hội, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân
dân, Văn phòng Chủ tịch nước.
Thành phần phải khai như vậy là rất kỹ, rất ít người được lọt sổ nhưng
tại sao vẫn có rất nhiều cán bộ, đảng viên lương ít mà vẫn có tiền mua
nhiều nhà, tậu nhiều đất, nhiều xe sang và dư tiền gửi con ra nước ngòai
du học ?
Không ai ở Việt Nam có thể trả lời được, nhưng đảng không thể nói không
biết hay không tìm ra manh mối được, nếu muốn làm đến nơi đến chốn.
Đã có một số Đại biểu Quốc hội đòi nhà nước làm cuộc tổng kiểm tra nhưng
không ai hưởng ứng vì anh nào tay cũng nhúng chàm cả nên không dám xung
phong.
VẪN ĐỨNG TRƯỚC MẶT
Vì vậy, nếu nhà nước làm như đã nói thì làm gì còn có Báo cáo của Nguyễn
Tấn Dũng, Thủ tướng tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIII, ngày 20 tháng
10 năm 2011 nhìn nhận: "Tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi.”
Trong năm 2010, Nguyễn Tấn Dũng cũng báo cáo như thế tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XII, ngày 20 tháng 10 năm 2010: "Kết quả phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm còn hạn chế.”
Như vậy có phải tình trạng tham nhũng vẫn tồn tại và nhà nước đã hòan tòan bất lực không ?
Bằng chứng khác về bất lực của đảng đã diễn ra tại phiên họp thứ 3 của
Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 14/10 (2011), khi các Đại biểu thảo luận
và cho ý kiến về báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng và báo cáo
công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2011 của Chính phủ.
Báo Điện tử của đảng CSVN viết: "Báo cáo công tác phòng, chống tham
nhũng năm 2011, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nêu rõ: Công
tác truyền thông, giáo dục về phòng chống tham nhũng tiếp tục được quan
tâm thực hiện. Nhiều văn bản cần thiết, quan trọng đã được ban hành, sửa
đổi, bổ sung. Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng từng bước phát huy
tác dụng, mang lại hiệu quả nhất định, củng cố niềm tin trong nhân dân
và dư luận quốc tế….Tuy nhiên, Tổng Thanh tra cũng thừa nhận rằng, nhìn
chung, tình trạng tham nhũng vẫn còn phức tạp, chưa thực hiện được mục
tiêu đề ra là ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng.”
Trong khi đó, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng phê bình: "Công tác
tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng chống tham nhũng vẫn còn hình
thức, chưa thiết thực, hiệu quả chưa cao. Người dân, ngay cả cán bộ,
công chức, viên chức vẫn coi phòng chống tham nhũng là công việc của Nhà
nước, ít quan tâm tới việc phát hiện, tố cáo tham nhũng. Một bộ phận
người dân vì công việc riêng sẵn sàng đưa hối lộ để được việc.
Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng, nhiều hạn chế đã được chỉ ra tại báo
cáo thẩm tra những năm trước vẫn chưa được khắc phục. Báo cáo của Chính
phủ chưa chỉ rõ cơ quan nào làm tốt hay chưa tốt công tác phòng chống
tham nhũng, cũng chưa làm rõ được là tham nhũng tăng hay giảm.”
Ủy ban Tài chính – Ngân sách đánh giá: "Mặc dù đạt được nhiều kết quả
quan trọng, song cho rằng tình trạng lãng phí thuộc phạm vi điều chỉnh
của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn tồn tại trên tất cả
các lĩnh vực và ở các mức độ khác nhau. Báo cáo của Chính phủ và hầu
hết báo cáo của các bộ, ngành, địa phương đánh giá về tình trạng lãng
phí còn thiếu tính cụ thể.”
Trong một bài viết khác, Tác gỉa Đặng Hiếu phơi bầy trên trang báo Điện tử của Đảng ngày 17/01/2011 rằng: "Theo
Bảng xếp hạng về tham nhũng của Tổ chức Minh bạch quốc tế, năm 2010
Việt Nam được 2,7/10 điểm (những nước có điểm số dưới 5 bị coi là có
tình trạng tham nhũng cao). Cũng theo Tổ chức Minh bạch quốc tế, năm
2009, Việt Nam được 2,7/10; trong các năm 2005-2008, Việt Nam đều ở mức
2,6/10, bằng năm 2001 (năm 2001 cũng ở mức 2,6/10). Điều này cho thấy,
tình trạng tham nhũng ở Việt Nam hầu như chưa được cải thiện đáng kể.
Chúng ta cần kiềm chế và ngăn chặn tham nhũng; coi đây là một ưu tiên
phát triển vì tham nhũng luôn là một mối đe doạ đối với tiến bộ xã hội.
Tham nhũng làm huỷ hoại lòng tin của các nhà đầu tư trong và ngoài
nước; làm kiệt quệ năng lực của Chính phủ và làm ảnh hưởng đến lợi ích
của toàn xã hội. Nghiêm trọng hơn, tham nhũng làm tổn hại các giá trị và
các chuẩn mực xã hội, làm giảm lòng tin của người dân đối với một số
đội ngũ cán bộ lãnh đạo suy thoái.”
Đặng Hiếu còn tiết lộ: "Theo một kết quả nghiên cứu của Ban Nội chính
Trung ương năm 2005 cho thấy, các cơ quan liên quan đến đất đai, hải
quan, cảnh sát giao thông, thuế, cơ quan cấp phép xây dựng là nơi nạn
tham nhũng nghiêm trọng nhất. Hình thức tham nhũng ở Việt Nam rất đa
dạng, nhưng phổ biến nhất là cố tình gây trở ngại để nhận hối lộ; nhận
hối lộ để đổi lấy một số ưu đãi, sử dụng tài sản công để tư lợi.”
Như vậy đảng đã hết thuốc chữa chưa? Hay những thứ xấu xa này cũng lại
do các "thế lực thù địch” và "diễn biến hòa bình” bịa đặt ra để nói xấu
cán bộ đảng viên và bôi nhọ đảng ?
Dù trong trường hợp nào đi nữa thì tình trạng trên bảo dưới không nghe, nhà dột từ nóc dột xuống đã rõ như ban ngày.
Chỉ có những kẻ lãnh đạo vô cảm mới không thấy được nỗi thống khổ của
người dân trước việc đảng để mặc cho cán bộ đảng viên công khai vi phạm 2
trong số 19 Điều của QUY ĐỊNH số 115- QĐ/TW, ngày 07/12/2007 của Ban
Chấp hành Trung ương cấm đảng viên không được làm, đó là:
8)- "Quan liêu, thiếu trách nhiệm, bao che, báo cáo sai sự thật, để
cơ quan, đơn vị, địa phương do mình trực tiếp phụ trách xảy ra tình
trạng mất đoàn kết, tham nhũng, buôn lậu, lãng phí, thất thoát tài sản
và các tiêu cực khác.
13)- Kê khai không đầy đủ tài sản, thu nhập theo quy định của pháp
luật; trốn, trì hoãn nộp thuế; mở tài khoản ở nước ngoài trái quy định
của pháp luật; tham gia hoạt động rửa tiền.”
Nhưng những thói hư tật xấu này không mới. Chúng đã được nuôi ăn béo mỡ
trong đảng từ nhiều năm qua. Nếu đảng không làm ngơ cho chúng sống để
được chia quyền và bổng lộc thì đảng đã chết từ lâu rồi. /-
(11/011)
gửi Dân Làm Báo