Trong cuộc gặp
gỡ đầu năm với báo giới, TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản
lý kinh tế Trung ương - cho rằng, đó là một bài học đau xót cho nền
kinh tế mà chúng ta phải nghiêm túc rút kinh nghiệm bên thềm năm mới.
Niềm tin ngô nghê
Câu chuyện của "chị Dậu”, tên thật là Nguyễn Thị Dậu - 48 tuổi ở số 5
phố Nguyễn Thái Học, phường Quang Trung, quận Hà Đông là một câu chuyện
như thế. Tại cơ quan điều tra, chị này khai rằng chị ta vay tiền của hơn
30 người, trong đó có cả người thân, họ hàng với số tiền lên tới 100 tỉ
đồng, 10.000USD và 11 cây vàng, với tổng giá trị 150 tỉ đồng. "Nhưng
toàn bộ số tiền đó cộng thêm tiền của gia đình tôi đều chuyển cho Nguyễn
Đức Thắng (ở Quang Trung, Hà Đông) vay lại và anh ta đầu tư vào BĐS.
Thậm chí, tôi còn mượn sổ đỏ của mẹ đẻ để đi vay ngân hàng 1 tỉ đồng đưa
cho Thắng. Giờ anh ta bỏ trốn, mọi người kéo đến nhà tôi đòi nợ. Tôi
cũng là nạn nhân trong vụ vỡ nợ này...” - thị Dậu trần tình tại cơ quan
công an.
|
Người dân tụ tập
vây quanh nhà bà Nguyễn Thị Dậu tại số 5 phố Nguyễn Thái Học, phường
Quang Trung, quận Hà Đông (Hà Nội) để đòi tiền . |
Theo chị này, sở dĩ chị ta dốc hết vốn
liếng trong nhà và dùng uy tín của mình đi huy động khắp nơi đưa tiền
cho Thắng từ năm 2005 đến nay là do tin vào tài buôn BĐS của Thắng, buôn
đâu trúng đấy và quan trọng hơn là vì lãi suất siêu cao, bình quân
1.000 đồng/ngày/1 triệu, tăng theo thời gian và tùy thỏa thuận, so với
lãi suất ngân hàng thì siêu lợi nhuận nên khi chị này đi mời chào thì ai
cũng sẵn sàng móc hầu bao đưa hết.
Niềm tin ngô nghê nhất có lẽ là của những người đã tin tưởng đưa tiền
cho Nguyễn Thị Minh Tâm – 50 tuổi - được mệnh danh là trùm BĐS Bắc Ninh.
Đến lúc bị bắt, con số cả nợ và lãi của đối tượng này lên tới hơn 300
tỉ đồng. Theo lời khai của thị tại cơ quan điều tra, thì nhiều người
thấy Tâm buôn đất giỏi, lợi nhiều và ngày càng phất lên nhanh chóng nên
muốn gửi tiền nhờ Tâm buôn hộ.
"Nhiều người thấy tôi làm ăn dễ, cứ bảo cho tôi vay tiền. Tôi bảo, giờ
tôi chẳng có gì nhưng người ta bảo chị cứ cầm lấy tiền rồi gá cho em bộ
hồ sơ nào cũng được. Tôi đành nhận. Cứ như vậy, tôi lao vào buôn bán như
con thiêu thân mà không kiểm soát hành vi...” - thị Tâm đã viết tường
trình tại trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Ninh như thế.
Tuy nhiên, theo điều tra của các cơ quan chức năng, nếu không có nhiều
người hám lợi lãi suất cao cho Tâm vay thì thị cũng không thể chiếm đoạt
số tiền lớn được đến thế. Theo ước tính ban đầu của các cơ quan chức
năng, mức lãi mà Nguyễn Thị Minh Tâm phải trả cho vay tín dụng đen tại
Bắc Ninh lên đến khoảng 1 tỉ đồng/ngày. Mức lãi ngày Nguyễn Thị Minh Tâm
vay tín dụng đen thấp nhất 3.000 đồng/1 triệu đồng/ngày. Thời điểm nóng
nhất, đối tượng đã vay ngắn hạn 5-10 ngày là 5.000 đồng/1 triệu
đồng/ngày.
Trò chuyện với một số chủ nợ bất đắc dĩ được biết, phần lớn các con nợ
đều trang bị cho mình vỏ bọc khá tốt. Ví dụ, theo tìm hiểu tại địa
phương, Nguyễn Thị Dậu luôn thể hiện là những người đàng hoàng tử tế,
chưa có bất cứ điều tiếng gì. Còn tại TP.Bắc Ninh, trước khi bị bắt,
Nguyễn Thị Minh Tâm nổi như cồn với vỏ bọc là một đại gia BĐS, một lúc
sở hữu gần chục chiếc xe hơi đắt tiền và vài chục cái biệt thự, nhà vườn
to nhỏ. Đây chính là miếng mồi nhử để nhiều người tin cậy nhắm mắt giao
tiền.
Khi lòng tham che mắt
Bình luận với báo giới về các vụ siêu vỡ nợ của năm 2011, TS Lê Đăng
Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương - cho rằng,
những người cho vay là những người có tiền nhưng họ lại không tin vào
ngân hàng, họ đã ham nguồn lợi trước mắt với lãi suất cao khác thường;
tức là họ dốt về mặt pháp luật, không có sự hiểu biết nhưng họ lại có
thừa sự tham lam nên mới rơi vào cái bẫy của các đối tượng lừa đảo.
Khi sự việc xảy ra, con nợ bỏ trốn, nhiều chủ nợ lâm vào cảnh khuynh gia
bại sản, nhưng cũng rất ít người đến trình báo với cơ quan chức năng.
Bởi thực tế, chủ nợ vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm. Vì có chủ nợ cho
con nợ vay siêu lãi tới 7.000 đồng/triệu/ngày. Nếu quy ra, nó vượt hơn
10 lần lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước (quá 140%/năm), nên họ có
thể bị xử lý hình sự tội cho vay nặng lãi.
"Và đây cũng là một lý do mà nhiều vụ vay nặng lãi vẫn âm thầm diễn ra
qua mặt các cơ quan chức năng mà cả người hại lẫn bị hại chọn cách tự
giải quyết với nhau, thay vì đi báo công an” - TS Doanh nhận xét. Cũng
theo TS Doanh, để xảy ra các vụ vỡ nợ tới hàng trăm tỉ đồng ấy, cũng cần
xem lại vai trò của ngành ngân hàng. Phải chăng khả năng tiếp cận vốn
vay ngân hàng của các hộ kinh doanh nhỏ còn quá khó khăn nên họ phải tìm
đến những kênh tín dụng đen như vậy?
Bên thềm năm mới, nhắc lại câu chuyện buồn năm cũ, TS Lê Đăng Doanh cho
rằng, việc để xảy ra hàng loạt vụ vỡ nợ là một bài học đau xót cho nền
kinh tế. "Để xảy ra hàng chục vụ trên diện rộng vậy mà không ai băn
khoăn đặt câu hỏi, không ai có ý kiến, không ai giám sát cả. Thế thì
chúng ta thấy rằng chúng ta đã kiểm soát chặt chẽ chưa? Ở các vụ vỡ nợ
này cho thấy lòng tham nó có thể vượt qua tất cả ranh giới về đạo đức,
về quan hệ giữa người và người và từ đó sẽ đi đến lĩnh vực của tội ác.
Việc này cần được xử lý một cách nghiêm khắc, nếu không thì có lẽ sẽ vẫn
còn nhiều người tiếp tục mù quáng ném tiền tỉ cho vay, miễn là thu được
siêu lãi, siêu lợi nhuận” - TS Doanh nói. Trăn trở đầy trách nhiệm của
TS Doanh cũng như một lời gửi gắm đầu năm tới mọi người. Xin đừng hám
lợi mà mắc bẫy lừa đảo!
Song Minh