Thứ Sáu, 2024-03-29, 2:58 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2011 » Tháng Mười Một » 5 » Tiền lương trong nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa
1:06 PM
Tiền lương trong nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa
Xích Tử

Một cơ quan của Bộ Nội vụ công bố một khảo sát cho thấy từ năm 2003 đến nay, mức lương tối thiểu chung của công chức, viên chức đã điều chỉnh 7 lần, từ 210.000 đồng/tháng lên 830.000 đồng/tháng, bằng 3,952 lần, tăng thêm 295,2%, cao hơn mức tăng chỉ số giá tiêu dùng 142,27% và mức tăng GDP là 85,9%. Những con số đó cố gắng chứng tỏ như là một sự quan tâm nỗ lực của nhà nước trong việc điều tiết từ tổng chi ngân sách để giải quyết một nội dung trọng yếu của an sinh xã hội là trả công cho người làm ăn lương trong các cơ quan nhà nước, các tổ chức hội đoàn được bao cấp và các cơ sở hoạt động sự nghiệp công lập, công ích. Mặt khác, trong tương quan của những đại lượng so sánh, hình như những con số cũng muốn chứng minh tính thực tiễn của quá trình điều chỉnh, nhất là tương quan giữa sự tăng lên của giá trị tính toán tiền lương so với chỉ số giá tiêu dùng, tức là mức lạm phát hoặc sức mua của đồng tiền. Bài toán được áp dụng ở đây chắc là khả tín, không như cách tính mức lạm phát theo so sánh giá rau muống giữa Việt Nam với các nước theo đề nghị của một đại biểu Quốc hội khoá XIII, song với số tuyệt đối của đồng lương tối thiểu, đánh giá chung của nhiều người, cả cơ quan quản lý lao động, tiền lương, các nhà khoa học và những người làm công ăn lương, là không đủ sống. Chất lượng ấy của đồng lương không phải đến thời điểm cuối năm 2011 mới trở thành thời sự; ngay từ khi mới nhậm chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Nguyễn Thiện Nhân, nay là Phó Thủ tướng nhiệm kỳ thứ hai, đã hứa rằng đến năm 2010, lương của giáo viên sẽ bảo đảm đủ sống. Lời hứa ấy thất bại, hoà chung vào sự bức xúc để đến giai đoạn này, vấn đề cải cách lương, tăng lương được nêu ra một cách rầm rộ, nào là sẽ trình phương án tăng lương vào hội nghị trung ương V, nào là từ đầu năm 2012 sẽ tăng lương tối thiểu cho lao động trong doanh nghiệp, đến tháng 5/2012 sẽ tăng lương tối thiểu cho công chức viên chức, rằng năm 2012, lương sẽ đủ sống, có tích luỹ v.v..

Phân tích những phát ngôn hứa hẹn, với số đơn vị đồng VN của mức lương tối thiểu và tình hình phát triển kinh tế xã hội, mới thấy câu chuyện còn rất dài và không dễ. Kết luận đó không phải là phủ nhận viễn tưởng, bi quan, nếu chỉ cần phân tích quá trình lương của công chức, viên chức từ những năm 80 của thế kỷ trước đến nay.

Vào giai đoạn trước 1985, tức thời điểm bước ngoặc của giải pháp giá – lương – tiền và mức lạm phát đến hơn 600%, lương khởi điểm của một công chức tốt nghiệp các ngành đại học nghiệp vụ là 64 đồng. Với mức lương ấy, có thể mua được 156 kg gạo (giá gạo 0,41 đồng/kg), 0,4 đồng cân (chỉ) vàng (giá vàng chợ đen tại các đô thị miền nam khoảng 160 đồng).

Đến tháng 11/2011, tiền lương khởi điểm của chủ thể lao động nói trên là 1.734.000 đồng. Số tiền nay chỉ còn mua được 124 kg gạo (giá phổ biến khoảng 14.000 đồng/kg) và khoảng 0,36 chỉ vàng.

Với cách so sánh chi tiết đó, mới thấy được bức tranh thu nhập dựa vào lương của công chức Việt Nam qua 40 năm dao động như thế nào, và biết người ta bảo vệ sự sinh tồn cá nhân, cuộc sống của gia đình (cả bố mẹ, con cái, họ tộc) làm sao. Nhưng đó mới chỉ là sự so sánh đơn giản; cuộc sống qua 40 năm quá nhiều thay đổi, trong đó có những yếu tố Kinh tế - Văn hoá – Xã hội tạo áp lực ngày càng khó hơn và giá trị thực của tương quan sức mua trở thành tương đối.

Trước 1986, đổi mới, và có thể sau đó một ít, người công chức được phân phối theo định lượng tem phiếu. Với 64 đồng hàng tháng, họ chỉ được mua 13 kg gạo, 4 lạng thịt, 2 lạng đường, một ít chất đốt và nhu yếu phẩm khác. Nếu định lượng đó bảo đảm cho nhu cầu calorie để duy trì vận động vật lý, hoạt động tinh thần, hoạt động sinh học, kể cả tình dục và không có chi dùng gì khác, số tiền dôi ra cũng khá. Nhà cửa chủ yếu nhờ và chờ phân phối tập thể. Phương tiện đi lại chỉ mong được chiếc xe đạp phân phối; cùng lắm thì mua từ nguồn thị trường tự do (chợ đen). Tang ma hiếu hỷ thời đó cũng rất đơn giản, cùng chia sẻ khó khăn nên chỉ kẹo thuốc lá nước chè, không phong bì tốn kém gì lắm. Tâm lý ứng xử trong hoàn cảnh ấy cũng không tạo ra mặc cảm phẫn chí bới ai cũng như ai; chưa có doanh gia và ngày doanh gia, chưa có lớp đại gia và nhóm lợi ích, chưa có những người chơi tennis, chơi golf và có máy bay riêng, cũng chưa có đại biểu quốc hội tư sản dám đòi bỏ tiền túi để xây dựng dự luật.

Bây giờ, mọi cái đều khác hẳn nhờ "đổi mới”; hàng hoá nhiều về loại và lượng, nhu cầu chi tiêu mua sắm tăng lên cho tiện nghi cá nhân và gia đình và cho cả thi đua nhòm ngó nhau để bằng anh bằng chị. Nhà cửa, xe cộ phải tự lo, thậm chí như một tiêu chuẩn xin việc; tang ma hiếu hỷ cứ mỗi suất bằng một nửa mức lương tối thiểu. Và v.v..

Ấy thế nhưng qua 40 năm, trừ ra giai đoạn khoảng từ 1980 đến 1990, một số công chức, nhất là ở miền nam, sống không nổi với lương, bức bỏ ra ngoài, số còn lại và các thế hệ kế tiếp vẫn kiên trì bám trụ, sống được. Tuỳ từng ngành và từng cấp chức khác nhau, một số lớn công chức đã có tài sản lớn: ô tô các loại, nhà đất vài ba cơ sở ở những khu vực có giá trị cao, gởi tiết kiệm, tham gia cổ phần hoặc mở công ty trá hình, mua cổ phiếu chứng khoán, cho con du học tự túc ở nước ngoài v.v…Nhờ vậy, một chỗ làm hiện nay trong một cơ quan nhà nước vẫn có sức hút ghê gớm; sức hút đó được vật chất hoá thành hàng trăm triệu đồng chạy cho một biên chế bậc tốt nghiệp trung cấp y, sư phạm ở một trạm y tế xã, một trường tiểu học. Sự thật này ai cũng biết, chỉ không biết Tổng bí thư, Chủ tịch nước có biết không.

Thế mới biết công chức, viên chức nước mình rất giỏi, chịu đựng và khắc phục hoàn cảnh. Tuy nhiên, cái giỏi ấy tựu trung vẫn chỉ có thể nói gọn lại là ăn cắp và tham nhũng, từ ăn cắp vặt (ăn cắp nguyên vật liệu,công sản và ăn cắp thời gian công vụ để chạy làm thêm, thanh toán bằng chứng từ khống…) và tham nhũng vặt cho đến những loại hình ăn cắp và tham nhũng có hệ thống bằng dạy thêm của giáo viên, phong bì của bác sĩ, hoa hồng của các dự án, đút lót cho việc bôi trơn các tác vụ có liên quan đến công quyền, có yếu tố quyền lợi của người dân, hối lộ cho tuyển sinh, chuyển trường, lên lớp, bán chức quyền, hộ khẩu, sổ đỏ, bằng lái xe, lót tay cho các hoạt động kinh doanh, làm ăn, tại cơ sở cố định cũng như giao thông vận chuyển trên đường. Vô số, không kể ra hết được.

Chính những cái ấy đã làm nên bộ mặt sáng hơn trong mức sống, cách sinh hoạt, tiện nghi của lớp cán bộ công chức mà có lẽ những người cầm quyền lấy đó làm mừng, làm tự hào. Chính cái phương thức ăn cắp và tham nhũng đó đã tích cực giúp nhà nước trong việc phân phối lại phúc lợi xã hội mà công cụ tiền lương không làm được hoặc cố tình không làm. Nó cũng tạo ra một sự lưu chuyển sinh động đồng tiền, từ các nguồn viện trợ và tổng đầu tư xã hội, trong đó có FDI, ngấm vào các tầng lớp xã hội, thông qua hệ thống các dịch vụ trung gian ăn theo. Nó chứng minh mặt trái của kết cấu không minh bạch từ GDP, lợi nhuận đến tiền lương và trả lời câu hỏi tại sao đến nay với mức tăng GDP hàng năm như vậy, đất nước đã tiến lên giai đoạn thu nhập trung bình, song lương công chức lại giảm đi về giá trị sức mua: phần dôi ra ấy đã đi theo đường ngầm để tạo ra thu nhập bất minh cho một tầng lớp; nó không mất đi đâu cả theo định luật bảo toàn. Ấy vậy nên đã có ý kiến rằng chỉ cần giảm lãng phí, chống được tham nhũng thì thừa tiền để xây trường học, bệnh viện và tăng lương cho giáo viên, bác sĩ, tăng phụ cấp cho người già, tàn tật

Điều khái quát đang quan tâm của toàn bộ quá trình trên là sự giả dối vĩ đại của cả một đất nước qua bộ mặt của lớp "tinh hoa” là những trí thức đang làm công chức, viên chức. Chỉ cần lấy câu nhận xét của một ông Bộ trưởng là nếu chỉ với lương, đừng mơ đến việc mua được nhà ở Hà Nội so với căn nhà hiện có của đến cả nguyên Tổng bí thư thì không bao giờ có thể giải thích được khoảng chênh ra đó. Hiệu số của phép toán (tổng tài sản hiện có của tổng cán bộ công chức) trừ đi (tổng tích luỹ bình quân từ lương nhân với tổng số lượt năm/tháng làm việc + các nguồn thu nhập chính đáng minh bạch khác) chính là sự giả dối vĩ đại ấy. Cuối cùng, nó tích tụ trong cái tên nước: Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa. Hiện nay, đó là phần kèm phản ánh mục tiêu, định hướng chính trị của quốc hiệu Việt Nam duy nhất trên thế giới. Lịch sử của quốc hiệu bắt đầu như là những tên riêng về ngữ pháp, tuy các từ tố tạo ra nó có thể có ý nghĩa gì đó (ngôn ngữ học gọi là võ đoán tương đối). Đến thời xuất hiện chế độ Cộng hoà thay cho chế độ Phong kiến, tên riêng đó gắn thêm phần kém cộng hoà; đây là định thức quốc hiệu phổ biến trên thế giới. Càng về sau, nhất là sau 1917, 1945…,ở một số khu vực khác trên thế giới, phần kèm kéo dài ra phức tạp, như trường hợp của Libya, Miến Điện trước đây, Brunei, Bắc Triều Tiên, Lào, Trung Quốc, …và nước ta. Ở một số nước, ngoài phần kèm tên riêng, còn có dòng slogan nhấn mạnh thêm tính quyết tâm của mục tiêu chính trị.

Với Việt Nam, từ 2/9/45, dòng slogan thống nhất cho đến nay là Độc lập – Tự do – Hạnh phúc. Thời 1969 – 1975, slogan kèm "quốc hiệu” Chính phủ lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam là độc lập – dân chủ - hoà bình – trung lập. Đến thời gian gần đây, không thoả mãn với sự ngắn gọn của slogan kèm quốc hiệu, đảng nghĩ ra thêm cụm từ "dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” được đảo đi đảo lại như phù chú.

Suy cho cùng, những cái đó chẳng ích gì. Những nước có tên dài, với dằng đặc những từ to tát, lại phần lớn là nhược tiểu, mới giành độc lập, được một đoạn tự chủ rồi đi dần đến độc tài, độc quyền, tham nhũng, thối nát. Khi nó vỡ ra, người ta mới thấy tên nước chỉ là chiếc áo, và chiếc áo không làm nên được thầy tu. Hình như đó cũng là kết quả của kiểu tư duy tiểu nông phổ biến toàn cầu ở những nước nghèo và bị xâm lược, giống như câu chuyện tiếu lâm Việt Nam về một người mất lợn chạy đi tìm lại hỏi người qua đường rằng có thấy con lợn mới mua làm đám cưới cho con trai chạy qua không, trong khi chi tiết "mới mua làm đám cưới cho con trai” không phải là chỉ dấu khu biệt để nhận diện, tìm liếm. Với nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa chẳng hạn, đó là gọi tên cái tồn tại hiện thực hay một khả năng, một mơ ước. Khả năng, mơ ước thì bấp bênh, vô vọng, vô khả; tồn tại hiện thực thì giả dối. Một nước phát triển đến hình thái "làm theo năng lực, hưởng theo lao động” lại trả lương cho thần dân công chức của mình như vậy suốt mấy chục năm sao? Một xã hội công bằng, văn minh, không bóc lột, có đảng lãnh đạo lại không giải thích được sự giả dối thể hiện ở sự chênh lệch giữa lương – hình thức với kết quả ăn cắp, tham nhũng để tạo ra thu nhập thực như vậy sao?

Xích Tử

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 439 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0