Thứ Tư, 2024-04-24, 6:55 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2010 » Tháng Sáu » 22 » Tiến trình dân chủ hóa, phải có ngay Tòa án Hiến pháp (phần 1)
9:02 PM
Tiến trình dân chủ hóa, phải có ngay Tòa án Hiến pháp (phần 1)

Kami

Lời giới thiệu: Ngày Chủ nhật, 20 tháng 6 năm 2010 trên trang voanews.com tiếng Việt có bài viết quan trọng có tựa đề "TS Cù Huy Hà Vũ, từ khởi kiện Thủ tướng đến yêu cầu xóa bỏ điều 4 Hiến pháp".[1]. Bài viết được nhiều bạn đọc quan tâm và đã có nhiều thắc mắc xung quanh vấn đề này, họ cho rằng ngoài các giải pháp của TS Luật Cù Huy Hà Vũ đã đưa ra  như Quốc hội hủy bỏ hay tổ chức trưng cầu dân ý thì còn có giải pháp nào dễ dàng hơn không?.

Việc xây dựng một nhà nước dân chủ pháp trị với một xã hội dân sự như hoàn cảnh Việt nam hiện nay không nhất thiết là phải đập bỏ để thay đổi toàn bộ, mà có thể cải tạo từ từ về mặt luật pháp. Như vậy sẽ đảm bảo sự chuyển đổi hòa bình không đổ máu và đảm bảo hài hòa quyền lợi của các bên. Sửa đổi Hiến pháp là một trong những bước quan trọng nhất làm nền tảng thay đổi các vấn đề liên quan về bộ máy nhà nước. Nếu như có một giải pháp thiết lập Tòa án Hiến pháp ở Việt nam thì sẽ giải quyết điều 4 như đòi hỏi của TS Luật Cù Huy Hà Vũ hiện nay hết sức nhẹ nhàng và phù hợp với chủ trương của đảng CSVN.

Nhân sự kiện Quốc hội bác bỏ Dự án ĐSCT, sao chúng ta không tính tới một khả năng Quốc hội sẽ đồng thuận cho việc tổ chức một Tòa án Hiến pháp nếu vấn đề này được đưa vào chương trình nghị sự của Quốc hội theo tinh thần Nghị quyết đại hội đảng CSVN lần thứ X?

Bắt đầu từ hôm nay, trong loạt bài liên quan đến vấn đề Sửa đổi Hiến pháp sắp tới này, Kami xin lần lượt giới thiệu các vấn đề quan trọng cần đề cập tới, với hy vọng giúp cho bạn đọc hiểu được sự cần thiết và các biện pháp tiến hành để xây dựng một nền luật pháp cho một nhà nước pháp trị. Đó là giải pháp duy nhất để đảm bảo sự công bằng và để mọi người bình đẳng trước pháp luật. Nếu đạt được điều đó thì đương nhiên điều 4 Hiến pháp sẽ là một điều vi phạm Hiến pháp, nhưng vấn đề là tổ chức nào có quyền phán quyết và ra quyết định hủy điều đó.

Hôm nay xin đề cập tới nội dung Tòa án Hiến pháp bao gồm:
1. Sự cần thiết của Tòa án Hiến pháp.
2. Quyền hạn và trách nhiệm của Tòa án Hiến pháp.
3. Cơ cấu tổ chức và biện pháp xây dựng Tòa án Hiến pháp ở Việt nam thế nào?


Các thành viên Thẩm phán Tòa án Hiến pháp

Phần I: Sự cần thiết của Tòa án Hiến pháp:

Ở Việt nam người ta thường hô hào khẩu hiệu sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, mọi người bình đẳng trước luật pháp v.v.. đã nhiều chục năm nay, đặc biệt là sau khi đảng CSVN tiến hành công cuộc đổi mới đất nước vào năm 1986. Thực ra những người lãnh đạo đảng và chính quyền phần nào hiểu  được tầm quan trọng của việc thượng tôn luật pháp trong việc quản lý nhà nước đối với một quốc gia. Nhưng ở một nước thoát ra khỏi chủ nghĩa Marx-Lenin để đi theo nền kinh tế thị trường như Việt nam thì gặp phải muôn vàn trở ngại, nhưng điều trở ngại cơ bản nhất là sự chuyển đổi từ việc sử dụng nền chuyên chính vô sản thay cho luật pháp để quản lý nhà nước kéo dài nhiều chục năm như ở Việt nam.

Trong nghị quyết Đại hội đảng CSVN toàn quốc lần thứ X đã ghi rõ ""Xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp trong các hoạt động và quyết định của cơ quan công quyền” và nghị quyết trên cũng xác định phải "Xây dựng cơ chế phán quyết về những vi phạm hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp”. Như vậy khi Đảng đã đặt mục tiêu xây dựng một nhà nước pháp quyền nghĩa là đã định hướng mọi tổ chức và cá nhân đều phải tuân theo pháp luật.

Người Việt nam chúng ta nói chung chưa có thói quen tuân thủ pháp luật một cách triệt để, bởi bộ máy nhà nước của chúng ta vẫn đang ở dạng nhân trị chứ chưa phải pháp trị, người ta hay mang cái tình để áp đặt lên cái lý (luật pháp) từ đó nảy sinh ra tình trạng "phép vua thua lệ làng", do kéo dài dẫn đến tình trạng phép nước thua chỉ thị của đảng . Như cán bộ địa phương thì vẫn rất ngại đụng đến quyết định của lãnh đạo địa phương mình, dù biết ý kiến chỉ đạo của vị ấy sai luật thậm chí chỉ thị của lãnh đạo mình là vi phạm pháp và trái pháp luật họ cũng phải chấp hành.

Lý do chính bởi nó chịu ảnh hưởng của một hệ thống tổ chức chính trị nhà nước theo trục dọc, với đảng CSVN là tổ chức lãnh đạo toàn diện nhà nước trên cả ba hệ thống hành pháp - tư pháp - lập pháp. Đồng thời trong ngành tư pháp, các cơ quan tư pháp cũng tổ chức theo trục dọc từ trung ương đến địa phương, theo nguyên tắc cấp dưới phục tùng cấp trên, địa phương phục tùng trung ương.

Một điều bất hợp lý hơn cả do hệ thống tổ chức này Hiến pháp hiện tại quy định tòa án và VKS tổ chức theo địa hạt hành chính. Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao có trách nhiệm báo cáo công tác trước Quốc hội và chánh án, viện trưởng ở địa phương phải báo cáo công tác trước HĐND địa phương. Về mặt văn bản nghị quyết của đảng CSVN khẳng định là tư pháp phải độc lập, cấp ủy không làm thay, nhưng đồng thời cũng khẳng định sự lãnh đạo toàn diện của Đảng (!?) ở mọi cấp. Điều đó dẫn tới thực trạng hiện nay là cơ quan tư pháp vừa chịu chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ của trên, vừa chịu trách nhiệm và dưới sự lãnh đạo của cấp ủy địa phương. Đó chính là nguyên nhân và lý do vì sao các vụ án điểm và mang tính nhạy cảm thường được các cấp lãnh đạo đảng phán quyết thay cho tòa án, mà người ta gọi là các bản án bỏ túi.

Từ những lý do trên tạo ra một lỗ hổng lớn, tạo điều kiện cho đảng CSVN đứng trên và đứng ngoài pháp luật, điều này đồng nghĩa với việc đảng CSVN có quyền lực cao nhất nhưng không hề bị ràng buộc và khống chế của một tổ chức có quyền tài phán (phân định phải trái và xử lí theo luật pháp) cần thiết. Đảng lãnh đạo toàn diện mọi mặt trên mọi lĩnh vực kể cả lãnh đạo cả Quốc hội và Chính phủ nhưng không ai hay tổ chức nào giám sát hoạt động của đảng

Hệ thống tổ chức chính trị bất hợp lý trên ở Việt nam cũng đã nhiều lần có việc các cơ quan nhà nước ban hành các quy định theo kiểu cứ làm mà không nghĩ đến hiến pháp (như việc cấm đăng ký xe máy trước đây), việc nhiều bộ ngành làm sai luật, việc ban hành giấy phép, điều kiện kinh doanh, hạn chế quyền kinh doanh của người dân... mà không bị một cơ quan nào phán xét cả.

Từ những nguyên nhân và các vướng mắc nói trên đòi hỏi có một tổ chức của nhà nước hoạt động độc lập, có quyền lực để phân xử và xử lý mọi hành vi trong hoạt động của bất kể tổ chức nào. Kể cả đảng CSVN là tổ chức đảng chính trị duy nhất nắm toàn bộ quyền lực của nhà nước theo quy định của điều 4 Hiến pháp đó là "Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật".

Tổ chức đó sẽ được trao quyền để giải thích Hiến pháp và xem xét tính hợp hiến của tất cả các đạo luật, đưa ra các quyết định tư pháp để buộc tội hoặc giải thể một đảng chính trị hoặc đưa ra phán quyết đối với những tranh chấp về thẩm quyền xét xử và những khiếu nại về hiến pháp. Sự có mặt của tổ chức này sẽ giúp hoàn thiện vòng tròn giám sát, đưa luật lên vị trí tối thượng, tạo một nhà nước pháp quyền, không cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào đứng trên pháp luật.

Tổ chức đảm nhận vai trò đó chính là Tòa án Hiến pháp.

Xin bạn đọc chớ vội phân vân và đừng nên quên rằng, một khi Tòa án Hiến pháp được thành lập, để đảm bảo các phán quyết của Tòa án này không chịu áp lực hay sự can thiệp của bất kỳ tổ chức và cá nhân nào, thì các thành viên của  Tòa án này sẽ được lựa chọn công khai với sự tham gia của các tổ chức và các cá nhân có uy tín tên tuổi và cuối cùng sẽ được Quốc hội phê chuẩn. Họ sẽ được ở vị trí đó đến hết đời, với một khoản thù lao thỏa đáng của nhà nước, để đảm bảo họ có điều kiện làm việc và xét xử một cách công tâm các vấn đề liên quan tới Tòa án Hiến pháp. Không ai có quyền tước quyền của họ như cách làm của hầu hết các nước khác trên thế giới.

Bạn đọc sẽ nghĩ gì nếu như trong tương lai trong số 9-12 thành viên Thẩm phán Tòa án Hiến pháp có tên nhiều luật gia, học giả có tên tuổi và uy tín xã hội đủ để họ công tâm phụng sự đất nước như TS Luật Cù Huy Hà Vũ,  Nguyễn Quang A, Nguyễn Huệ Chi v.v..là một ví dụ?

(còn tiếp)

21/6/2010
© Kami 2010


-----------
Ghi chú:

[1] http://www1.voanews.com/vietnamese/news/vietnam/hanoi-lawyer-vietnam-needs-a-multi-party-system-06-19-2010-96724789.html
[2] Xem thêm: Sửa đổi Hiến pháp - bước ngoặt quan trọng sự thay đổi của Việt nam!  http://postsbykami.multiply.com/journal/item/77/77

Category: Tiếng nói dân chủ | Views: 521 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0