Thứ Bảy, 2024-12-21, 11:14 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2012 » Tháng Ba » 2 » Tinh Thần Diên Hồng 2012
7:13 AM
Tinh Thần Diên Hồng 2012


Tre Xanh (Danlambao) - Những ngày này trên đất Mỹ đi tới đâu cũng nghe xôn xao về việc ký thỉnh nguyện thư gửi đến Tòa Bạch Ốc.

Chuyện cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản mở những cuộc vận động cho nhân quyền, cho dân chủ tại Việt nam không phải là điều hiếm hoi. Cuộc vận động lần này, tuy mục tiêu không khác những lần trước, nhưng lại có nhiều điều mới mẻ, đáng mừng, đáng khích lệ.

1. Sự ủng hộ toàn tâm, toàn ý, toàn lực của mọi thế hệ người Việt từ mọi miền trên đất nước Hoa Kỳ.

Đây là lần đầu tiên có một cuộc vận động được sự tham gia nhiệt thành, tích cực của nhiều thế hệ trong từng gia đình, từ bậc ông bà cha mẹ cho đến các con các cháu. Một điều đáng khích lệ hơn nữa là sự dấn thân của thế hệ tiếp nối: thế hệ một rưỡi – giới trẻ không sinh ra tại Hoa Kỳ nhưng đến đây từ khi còn rất nhỏ, có nhiều em thông thạo cả hai thứ tiếng. Các em đã mạnh dạn và năng nổ tiến lên tiếp tay với thế hệ đi trước và sẵn sàng để tiếp tục nhiệm vụ đấu tranh cho nhân quyền, cho tự do dân chủ tại quê nhà.

Thật cảm động khi thấy các em, các cháu hàng hàng lớp lớp sau những giờ làm việc, những giờ học là rủ nhau ôm laptops tràn ngập các trung tâm sinh hoạt cộng đồng, trong nhà thờ, trong chùa, trước cửa chợ. Bất cứ nơi nào có quy tụ người Việt là có mặt các em, các cháu nhiệt tình giúp đỡ các cô bác, các bậc cao niên không quen sử dụng internet ký tên vào thỉnh nguyện thư.

Thật cảm động khi có những hôm trời lạnh dưới 0 độ mà các cụ già tóc bạc như bông vẫn kiên nhẫn xếp hàng ngoài trời lạnh giá chờ ghi tên ký thỉnh nguyện thư.

Thật cảm động trước hình ảnh những người vợ, người mẹ, những bà nội trợ tất tả đẩy từng chiếc xe chất đầy thịt, rau, bánh mì, trái cây ra khỏi chợ nhưng vẫn không quên ghé lại ký tên. Có một chị không biết làm việc ở một hãng xưởng nào đó đưa đến một danh sách 97 tên chị vận động được tại hãng làm. Những người mẹ, người vợ, người chị đó có lẽ chưa biết internet là gì, nhưng điều đó không ngăn được lòng chân thành của họ đối với đồng bào trong nước.

Những ngày này khi bạn bè người quen gặp gỡ, thay cho câu chào nhau, lời thăm hỏi chuyện gia đình, chuyện công việc thì lại hỏi nhau, "Tôi ký rồi. Anh, chị ký chưa?”

Cái tinh thần đó, sự nhiệt tâm đó như lây lan sang cả những em bé. Có ai xem đoạn phim ngắn trên youtube của một em bé 2 tuổi hát bài Anh Là Ai mà không cảm động? Ở cái độ tuổi ngây thơ đó dĩ nhiên là em không thể hiểu hết được những khổ đau, oan khuất của đồng bào trong nước dưới ách thống trị của đảng cộng sản Việt Nam. Nhưng cứ trông em hát bằng tất cả sự nhiệt thành thì có ai có thể nói em không hát từ trái tim của mình?



2. Đây là lần đầu tiên có sự phối hợp hiệu quả của các phương tiện thông tin truyền thống như báo, đài, TiVi lẫn phương tiện truyền thông thời đại @, thời đại của internet, của forums, của facebook, twitter, IM, ….

Mỗi người một tay, mỗi người một phương tiện, già trẻ lớn bé đều phấn khích vì cảm thấy mình được đóng góp một phần nhỏ cho một công cuộc lớn.

Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ, hiệu quả đó mà cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ đã đạt được những thành quả đáng khích lệ. Theo quy định, thỉnh nguyện thư phải có được ít nhất 25 ngàn chữ ký trong vòng 30 ngày. Nhưng chưa đầy 4 ngày chúng ta đã vượt con số đó. Chưa đầy 10 ngày chúng ta đã có số chữ ký kỷ lục, nhiều nhất trong số tất cả các thỉnh nguyện thư từ trước tới giờ. Bước sang ngày thứ 20, con số đó đã lên tới gần 100 ngàn. Nếu tính trung bình, không kể ngày đêm cứ mỗi giờ có khoảng 200 chữ ký, mỗi phút có 3 chữ ký, mỗi 20 giây có một chữ ký. Nếu nghĩ đến cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ không phải là một cộng đồng lớn so với các sắc dân khác thì thành quả này là một điều đáng hãnh diện.

3. Đây là lần đầu tiên không những các phương tiện truyền thông đã giúp cho đồng bào "biết” mà còn "biết cách”.

Trước đây bà con tại hải ngoại biết được tin tức trong nước qua báo đài, qua TiVi, qua internet, nhưng chưa biết cần phải làm gì để có thể giúp thay đổi cuộc sống của đồng bào trong nước, thay đổi vận mệnh đất nước.

Trong cuộc vận động lần này, không những chúng ta đã đặt ra được một mục tiêu chung rõ rệt mà chúng ta còn giúp nhau biết cách hành động một cách hiệu quả.

Trong cuộc vận động lần này, thông điệp chúng ta đưa ra rất đơn giản, rất rõ ràng và chính đáng. Chúng ta đòi hỏi chính quyền cộng sản Việt Nam (CSVN) phải trả lại quyền làm người căn bản cho đồng bào của chúng ta ở trong nước. "Nhân Quyền” là thông điệp chung của nhân loại tiến bộ, là điều được tôn trọng và bảo vệ hàng đầu ở mọi quốc gia tự do dân chủ và phát triển trên thế giới. Đưa ra thông điệp này là chúng ta sẽ có được sự đồng tình ủng hộ của thế giới. Chính phủ CSVN đã ký kết bản Tuyên Ngôn Toàn Thế Giới Về Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc thì bổn phận trách nhiệm của họ là phải tôn trọng và thực thi cam kết đó. Chúng ta không đòi hỏi điều gì quá đáng hoặc "có ảnh hưởng tới an ninh quốc gia” hay "can thiệp vào nội bộ của Việt Nam” cả. Việt Nam đã gia nhập Liên Hiệp Quốc thì phải ứng xử theo luật pháp quốc tế, chỉ đơn giản vậy thôi.

Hơn thế nữa, chúng ta còn biết cách trích dẫn những điều luật giao thương có liên quan đến vấn đề tự do nhân quyền để vận động sự ủng hộ của giới Hành Pháp và Lập Pháp Hoa Kỳ. Chúng ta không đòi hỏi điều gì cao xa, cũng không kêu gọi họ phải sửa đổi hiến pháp. Chúng ta chỉ đơn giản yêu cầu họ áp dụng luật pháp đang hiện hành của Hoa Kỳ trong quan hệ đối tác với chính phủ CSVN. Về phía Việt Nam, một khi đã tham gia WTO thì phải tuân thủ theo tiêu chuẩn luật pháp quốc tế. Không có một đất nước tự do dân chủ tiến bộ nào lại có lợi ích ngoại giao khi giao dịch làm ăn, bắt tay với những bàn tay đẫm máu đồng bào của mình như bàn tay của chính phủ CSVN.

Một thỉnh nguyện thư phải tóm tắt trong 800 mẫu tự, bao gồm từng dấu chấm dấu phẩy, thì không thể chuyên chở hết những nguyện vọng của 1 triệu rưỡi người Việt tại Hoa Kỳ và của tuyệt đại đa số trong số gần 90 triệu người Việt Nam trong nước. Nhưng cuộc hội kiến với nội các chính phủ Obama tại Tòa Bạch Ốc ngày thứ Hai, 5 tháng 3 tới đây và cuộc vận động tại Quốc Hội Hoa Kỳ ngày kế tiếp, thứ Ba 6 tháng 3, sẽ là một bước khởi đầu, sẽ là một tiền đề cho nhiều cuộc đối thoại sau này giữa chính phủ Hoa Kỳ và cộng đồng người Việt. Thước đo đầu tiên cho thiện chí hợp tác của chính phủ CSVN sẽ là danh sách của hơn 600 tù nhân chính trị, tôn giáo, và lương tâm hiện đang bị giam cầm hay quản chế, bức hại tại gia. Với ống ngắm của giới Hành Pháp và Lập Pháp Hoa Kỳ đang đặt vào chính phủ CSVN, liệu bọn họ còn có thể tiếp tục ứng xử bằng luật rừng như một lũ côn đồ được bao lâu nữa?

Có thể nói cơ may đang đến với chúng ta. Cuộc vận động lần này có nhiều khả năng thành công và có cơ hội mở ra một con đường sáng cho dân tộc Việt Nam vì chúng ta hội đủ 3 điều kiện: thiên thời, địa lợi, nhân hòa.

Thiên thời:

Với cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan đã vào hồi kết thúc và phong trào dân chủ Arab Spring đang dần dần đem lại sự ổn định ở Trung Đông, Hoa Kỳ đã tạm rảnh tay để chuyển chính sách ngoại giao sang phía Châu Á Thái Bình Dương.

Cũng là một sự tình cờ mà chương trình thỉnh nguyện thư "We The People” được nội các của chính phủ Obama đưa ra chưa lâu, vào tháng 9 năm ngoái. Nhờ vậy mà chúng ta có được một phương tiện để kêu gọi đồng bào tham gia vào cuộc vận động trực tuyến trên bình diện rộng khắp cả nước, và đồng bào ở những nơi xa xôi, ít người Việt cũng có cơ hội tham gia.

Năm nay là năm bầu cử. Không những là nội các của Tổng Thống Obama mà các chính trị gia, các ứng cử viên Tổng Thống cũng phải chú ý tới hiệu quả tích cực của cuộc vận động của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ và những phương cách mà chúng ta sử dụng để đạt được sự ủng hộ đông đảo và nhiệt tình của cộng đồng người Việt từ khắp mọi nẻo đường trên đất nước Hoa Kỳ trong một thời gian ngắn kỷ lục.

Địa lợi:

Tham vọng bá quyền của cộng sản Trung Quốc ngày càng lộ rõ và gây e ngại cho các quốc gia trong vùng. Từ Úc Đại Lợi tới Ấn Độ, từ Nam Hàn đến Nhật Bản, từ Philippines đến Thái Lan, các nước đều mong muốn Hoa Kỳ sẽ trở lại khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Chúng ta kêu gọi thì cứ kêu gọi, vận động thì cứ vận động, nhưng dĩ nhiên là Hoa Kỳ phải đặt quyền lợi quốc gia của họ lên trên hết. Nhưng ngày nay, với Miến Điện đang dần bước vào quỹ đạo dân chủ thì mục tiêu kế tiếp sẽ là Việt Nam cũng là điều dễ hiểu. Khi những nguyện vọng của chúng ta phù hợp với chính sách quốc gia của Hoa Kỳ thì cơ hội thành công cũng tăng lên nhiều lần.

Nhân hòa:

Trong nhiều thập niên, chính phủ CSVN đã áp dụng chính sách "chia để trị”, không ngừng đưa ra những chính sách bất công, những điều tuyên truyền bóp méo sự thật để gây phân hóa trong chính đồng bào của chúng ta, tạo sự nghi kỵ chia rẽ giữa miền Nam miền Bắc, giữa đồng bào trong nước và "thế lực thù địch hải ngoại”. Nhưng ngày nay, phương tiện internet đã trở thành đại chúng; người dân trong nước đã có thể vượt tường lửa, ung dung lướt mạng trước mũi bọn an ninh. Những thông tin một chiều, thậm chí sai sự thật, của hơn 700 báo đài trong nước đã trở thành lạc hậu và kệch cỡm. Bàn tay kiểm duyệt không còn có thể che được ánh mặt trời của chính nghĩa. "Sự thật sẽ giải phóng cho bạn” ("The truth will set you free”); câu này thật chí lý. Đồng bào trong nước đã có thể nhận định được đúng sai, sự thật và dối trá. Và sự nhận thức chính là vòng tay liên kết những người Việt Nam yêu nước, yêu chuộng tự do dân chủ công lý từ khắp nơi trên thế giới. Chúng ta sẽ dần quên đi được quá khứ, bỏ đi được những định kiến để hướng tới tương lai. Những cuộc đấu tranh của đồng bào trong nước được sự theo dõi ủng hộ của bà con tại hải ngoại. Ngược lại, những cuộc vận động của bà con tại hải ngoại cũng được sự đồng tình, gởi gắm hy vọng của đồng bào từ trong nước.

Trong một ý nghĩa nào đó, cuộc hội kiến tại Tòa Bạch Ốc và cuộc vận động tại Quốc Hội Hoa Kỳ tuần tới cũng giống như một Hội Nghị Diên Hồng đương đại. Đại diện của người Việt từ khắp 50 tiểu bang, thuộc đủ mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề, đại diện của giới báo chí truyền thông, của các hội đoàn, đoàn thể sẽ cùng hòa bước, cùng một nhịp tim, cùng một tấm lòng "Giòng Lạc Hồng xin thề liều thân liều thân”. Cũng có một số anh chị em trong nước buồn vì cảnh nồi da sáo thịt mà phải đi kêu gọi đến nước ngoài giúp đỡ. Nhưng biết làm sao hơn khi những kẻ mang danh "trị nước, chăn dân” nơi cái xứ CHXHCH VN cứ tai ngơ mắt lấp trước thống khổ của đồng bào, cứ tiếp tục dùng bạo quyền để áp chế dân lành, để cầm tù bức hại những người yêu nước thế cô? Điều nghịch lý là chúng ta lại phải đi xin người khác đòi lại cho dân ta điều mà chính cái nhà nước văn minh dân chủ gấp vạn lần bọn tư bản giẫy chết đã cướp mất của dân ta. Chúng ta chỉ mong sao người dân trong nước được trả lại quyền căn bản làm người. Một khi đã có được nhân quyền rồi tôi tin rằng, giống như một nút thắt lớn dược mở ra, những vấn nạn chính trị, kinh tế, giáo dục, xã hội … sẽ lần lượt được giải quyết. Tôi tin tưởng vào trí tuệ, vào bản lãnh, và quyết tâm của tuyệt đại đa số đồng bào trong nước sẽ đem lại những đổi thay khả quan cho đất nước, nếu như cho họ cơ hội – và điều đó phải bắt đầu từ quyền làm người. Họ phải thực sự được sống chứ không phải chỉ hiện hữu như những bóng mờ, không có tiếng nói, thậm chí không có quyền được ước mơ.

Ngày thứ Ba tới đây, khi hòa bước cùng dòng người tiến vào các văn phòng của toàn bộ các vị dân cử liên bang tại Quốc Hội Hoa Kỳ: 435 dân biểu và 100 thượng nghị sĩ, tôi biết trong tim tôi sẽ mang theo hình ảnh của chị Bùi Thị Minh Hằng, của anh Cù Huy Hà Vũ, của anh Điếu Cày, của anh Huỳnh Công Thuận, của Phạm Thanh Nghiên, của Paulus Lê Sơn, Đỗ Thị Minh Hạnh, Tạ Phong Tần, Việt Khang, của Huỳnh Thục Vy, Huỳnh Trọng Hiếu, và còn nhiều nữa, những người con đất Việt. Tôi sẽ cảm thấy như các anh, các chị, các em, các bạn sẽ hòa bước cùng tôi, mặc dù các anh chị em, các bạn không biết tôi là ai. Nhưng điều đó không thành vấn đề. Miễn là khi trái tim chúng ta còn một nhịp đập, khi trong trái tim chúng ta còn hình ảnh một đất nước Việt Nam, còn nuôi ước mơ cho một quê hương tự do dân chủ thì chúng ta đã rất gần nhau trong tâm tưởng rồi, có phải không?

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 568 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 2
Khách: 2
Thành Viên: 0