Cánh Cò - Dĩ
nhiên muốn trảm tướng thì bản thân của người ra lệnh phải cao hơn tướng
mới trảm được! Mà trảm theo kiểu của ông Đinh La Thăng thì phải nói ông
đã dùng mã tấu bằng ..gỗ! Kiểu trảm của ông khiến người đọc báo có cảm
giác đang xem một phim hài trong thời đại kinh tế cực kỳ... "phản động".
Nguyên văn bài viết đăng trên nhiều tờ báo có nội dung hoàn toàn giống nhau như sau: "Trong
đợt thị sát việc xây dựng công trình nhà ga hành khách sân bay quốc tế
Đà Nẵng ngày 4/10, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã thay ngay tổng chỉ
huy công trình. Việc "trảm tướng” ngay giữa công trường của bộ trưởng
Thăng quả thật xưa nay hiếm. Ngay chiều hôm đó, bộ trưởng Thăng đưa ông
Đỗ Tất Bình - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng HK miền Nam, từ 5/10,
thay ông Đặng Hồng Cương -Trưởng BQL dự án xây dựng nhà ga hành khách
sân bay quốc tế Đà Nẵng."
Đọc bài báo xong nghe sướng cả người. Ít ra thì sau bao năm cũng có một
người đủ can đảm để ... sa thải nhân viên của mình, hơn rất nhiều bộ
trưởng khác! Cái cơ chế khôi hài này đã tạo cho xã hội thói quen dửng
dưng trước thời cuộc vì sự thật cho thấy cả nước chỉ chú ý tới giá gạo,
giá thịt và nhất là giá học phí vào đầu năm cũng như tiền học thêm cho
thầy cô mỗi tháng.
Chuyện vui chưa ráo...mực thì cái nội dung phía sau bài báo làm mình mất hứng!
Báo Dân Trí cho ghi lại một chi tiết mà người đọc nếu không để ý rất dễ
bị ... qua mặt! Đó là ông Đỗ Tất Bình, người được bộ trưởng Thăng chỉ
định là tổng chỉ huy công trình thay cho "tướng" Đặng Hồng Cương là
người bị "trảm", chỉ nhận làm "cố vấn bên cạnh BQL dự án”. Tuy nhiên, Bộ
trưởng Thăng tuyên bố ông Bình sẽ làm tổng chỉ huy điều hành các nhà
thầu, quyết định mọi vấn đề, còn ông Cương vẫn làm trưởng BQL dự án
nhưng chỉ ký các văn bản, giấy tờ theo quyết định của ông Bình.
Vậy là ông Cương thoát chết, vụ trảm tướng như báo chí bốc thơm chẳng
qua là cách "lách" rất khéo tránh xa sự thật. Thì ra trảm một ông tướng
dưới quyền khó hơn lên làm ... bộ trưởng nữa!
Bộ trưởng Đinh La Thăng còn có những màn ảo thuật khác hay không kém. Số
là mấy ngày nay, ông luôn tuyên bố phải "tiêu diệt" đám xe máy đang làm
cho các thành phố lớn ngập ngụa khói xăng, kẹt xe trầm kha và theo ông
Thăng thì chỉ có cách sử dụng phương tiện công cộng là phương cách giải
quyết hữu hiệu.
Ông Bộ trưởng tuyên bố sẽ là người đi ... xe buýt trước tiên đến chỗ làm
việc! Ông còn ra lệnh nhân viên của Bộ GTVT phải noi gương ông đi làm
bằng xe buýt thay vì xe máy để làm gương cho người dân! Mình thấy buồn
cười và ngán ngẩm cho cái việc làm mị dân này. Nhà báo Huy Đức gọi ông
là Thăng Thích tư lệnh thật không sai một mảy may nào.
Ông Bộ trưởng cũng tâm sự rằng hơn 7 năm nay ông không có dịp ngồi xe
buýt nên chưa biết ra sao. Ngay khi bài báo lên khuôn, người dân tới tấp
gửi phản hồi về vui đáo để! Người khen, kẻ ngờ vực và cũng không ít
người cho là ông đang lừa thiên hạ! Của đáng tội, ngài bộ trưởng nếu đọc
báo chắc không khỏi chạnh lòng vì những lời của bá tánh nói về mình.
Còn nữa, ông Đinh La Thăng hình như đã chuẩn bị những câu chuyện giật
gân sau ngày nhậm chức nên liên tục đưa ra các quyết định có thể nói là
hội chứng "hứa". Ông quên hẳn mình là Bộ trưởng của Bộ Giao thông Vận
tải nên ngay lập tức tuyên bố sẽ nhận kỹ sư Lê Văn Tạch vào làm việc cho
Bộ của ông vì công ty Toyota không thu nhận kỹ sư Tạch!
Người ta cho rằng ông Bộ trưởng lại hứa lèo như ông Thứ trưởng Bộ GTVT
trước đây đã từng hứa với anh Tạch y như ông Thăng nhưng đâu vẫn còn
đấy.
Kể cả việc nếu ông Thăng bố trí một vị trí nào đó cho kỹ sư Tạch cũng là
làm trái với nguyên tắc nhân sự. Lời hứa bốc đồng của một bộ trưởng cho
thấy khả năng điều hành của ông là hạn hẹp trong tư duy lèo lái sinh
hoạt của một nhóm người hơn là nắm chính sách và tổ chức theo dõi quy
trình thực hiện chính sách của các cơ quan dưới quyền một bộ. Ông Thăng
xài hơi nhiều và không đúng chỗ quyền lực của một bộ trưởng vào các
quyết định lẩm cẩm có hình thái khoa trương hơn là chú ý đến thực chất
của vấn đề.
Ông bắt chước nước Nhật trong việc vận động công chức nơi công sở tắt
hết máy điều hòa không khí để tiết kiệm điện. Việc này đã được người
Nhật thực hiện nghiêm túc. Họ thực hiện vì thấy đề nghị hợp lý, sự hy
sinh của họ là nhỏ bé so với kết quả to lớn cho đất nước. Còn việc đi xe
buýt theo gương ngài bộ trưởng thì sao? Hai việc khác nhau hoàn toàn!
Không có máy lạnh thì chỉ nóng và làm việc khó khăn một chút, nhưng bỏ
xe máy đi xe buýt sẽ lập tức xáo trộn mọi sinh hoạt gia đình của một
công chức ngay lập tức.
Đồng lương kém cỏi không cho phép họ thuê người đưa rước con đi học. Một
chiêc xe máy phải cõng cả gia đình mỗi sáng là chuyện thường. Buổi sáng
hai vợ chồng đèo thêm hai đứa con đến trường và sau đó cha mẹ tới sở
làm mỗi nơi cách nhau hàng chục cây số là việc thường ngày ở nhiều thành
phố. Nếu đi xe buýt theo gương ông Thăng thì đi bằng cách nào đây?
Ông Thăng giả vờ leo lên xe cửa trước và bước xuống xe cửa sau cũng
không ai để ý cho mệt, đó là việc của ông. Còn cán bộ công nhân viên
dưới quyền ông thì cứ lấm lét gọi nhau coi chừng có kẻ theo dõi, rồi lại
bước xuống xe buýt để leo lên chiếc xe máy mà vợ hay chồng chạy theo
đuôi để tới sở làm cho kịp giờ kẻo ngài bộ trưởng lại cho thôi việc vì
đến sở trễ giờ.
Có tờ báo so sánh việc trảm tướng của Bộ trưởng Đinh La Thăng và hành
động cứng rắn trước yêu cầu tăng giá xăng của Bộ trưởng Tài chánh Vương
Đình Huệ. Thât ra so sánh như vậy hoàn toàn sai khi ông Huệ đối phó với
cả một nhóm lợi ích với mầm mống bắt rễ chồng chéo và có khả năng thay
ông Huệ vào bất cứ lúc nào nếu ông không thỏa hiệp với cái cơ chế hiện
có. Còn ông Thăng toàn quyền thay thế nhân viên dưới dưới trướng mà
không sợ bất cứ hậu quả nào. Vậy mà ông chỉ chém...gió chứ không chém
tướng như báo chí bốc thơm. Hai câu chuyện khác nhau xa như vậy làm sao
so sánh?
Mình tự nhủ trong lúc chờ nồi cơm sôi: Ông Thăng có thể ví với mấy ông
quan trong truyện Tàu: Khi hứng lên có thể làm mọi thứ mà chừng như
không làm gì cả, vì tiểu thuyết Tàu nổi tiếng là... xạo!