Thứ Sáu, 2024-11-22, 6:20 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2010 » Tháng Sáu » 4 » Trí thức làm tiếng nói cho nông dân
8:01 AM
Trí thức làm tiếng nói cho nông dân

Ngô Nhân Dụng

Một trong những nhà cách mạng đầu tiên lên tiếng vận động cho quyền lợi của nông dân Việt Nam là Trần Văn Thạch. Trước 1975, ở Sài Gòn có con đường mang tên ông, nằm ngang chợ Tân Ðịnh. Khi còn du học bên Pháp, từ 1926 đến 1930, ông Thạch đã tham gia các phong trào đòi độc lập cho nước ta. Ông đã tổ chức và viết trên nhiều tờ báo của giới sinh viên; dần dần ông theo khuynh hướng cách mạng xã hội chủ nghĩa, nhưng không theo Stalin.

Năm 1928, ông viết trên tờ báo Tương Lai An Nam (L'Avenir de L'Annam - An Nam là tên hay dùng để gọi nước ta thời đó): "Muốn phát động được quảng đại quần chúng nông dân thì không phải chỉ cần hứa hẹn nền độc lập hình thức cho xứ sở là đủ, mà phải gắn bó cuộc đấu tranh giành độc lập ấy vào cuộc thỏa mãn những nhu cầu cơ bản của nhân dân, mà cái nhu cầu cơ bản cấp thiết nhất là vấn đề ruộng đất... Muốn được tự do thực sự, giành độc lập về chính trị chưa đủ đâu. Ðồng thời phải giành được độc lập về kinh tế, đối với kẻ áp bức là người Pháp đồng như đối với kẻ bóc lột là người đồng hương.” Trần Văn Thạch cũng là người viết trên tờ báo Sinh viên An Nam (Journal des Étudiants Annamites) kêu gọi giới trí thức và giới lao động phải đoàn kết với nhau trong cuộc đấu tranh cách mạng. (Trích dẫn theo Ngô Văn, trong cuốn "Việt Nam 1920-1945”, Chuông RÈ xuất bản năm 2000, trang 78, 79.)

Ðến năm 2010 này, nông dân Việt Nam vẫn còn phải đối phó với những "người đồng hương bóc lột” mà Trần Văn Thạch lo ngại. Cái chết của em Lê Xuân Dũng và ông Lê Hữu Nam ở Thanh Hóa trong tuần qua cho thấy hình thức bóc lột đã thay đổi nhưng những "kẻ đồng hương bóc lột” vẫn sẵn sàng dùng súng đạn giết các nông dân đứng lên đòi quyền lợi chính đáng của họ. Nhiều nhà trí thức đã góp công phổ biến những tin tức về các biến động ở Thanh Hóa qua các blog, trong số đó một người là nhà báo tự do Tạ Phong Tần ở Sài Gòn đã bị công an xếp đặt cho người hành hung, rồi lại bị bắt để tra hỏi. Những điều Trần Văn Thạch tranh đấu cho quyền lợi nông dân chưa thành sự thật; nhưng ước nguyện của ông đoàn kết giữa giới trí thức và giới lao động vẫn được thể hiện, mặc dù cả hai đều bị những "kẻ đồng hương bóc lột” đàn áp.

Vụ giết người ở Thanh Hóa xẩy ra khi mấy chục đồng bào xã Tĩnh Hải, huyện Tĩnh Gia tỉnh Thanh Hóa biểu tình suốt ba ngày để đòi được bồi thường thỏa đáng, sau khi đất đai của họ đã bị trưng dụng từ mấy năm trước để xây nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Ðến ngày 25 tháng 5 tuần trước, công an đã nổ súng, khiến em Lê Xuân Dũng, 12 tuổi, chết ngay tại chỗ, ông Lê Hữu Nam, 43 tuổi thiệt mạng năm ngày sau khi được đưa tới bệnh viện, và bà Lê Thị Thanh bị thương. Thanh Hóa là đất khởi nghiệp của nhà Lê, cả ba nạn nhân đều cùng họ Lê! Năm ngoái, nhân dân ở đây đã sánh nhau với các công nhân Trung Cộng được đưa vào làm việc tại công trường Nghi Sơn, vì họ tỏ ra kiêu căng, vô lễ.

Một tờ báo trong nước loan tin để giải thích vụ giết người trên đây, nói rằng chỉ có một viên công an tên Nguyễn Mạnh Thư nổ một phát súng ngắn "chỉ thiên,” sau đó bị dân giành cướp súng cho nên đạn "nổ cướp cò” lần thứ hai làm hại đến ba người. Trong bản tin trên một blog cỡ Việt Nam người ta đã đặt câu hỏi tạo sao một phát súng cướp cò lại làm cho ba người chết và một người bị thương được? Blog trên KD cũng chứng minh rõ là công an Thanh Hóa đã tìm cách chạy tội cho Nguyễn Mạnh Thư, che giấu chức vụ chỉ huy công an huyện của ông ta, và định truy tố về tội giết người "trong khi làm công vụ” để tội được rất nhẹ.

Bản tin của blog Kami viết: "Cùng với giai cấp công nhân đang bị bóc lột đến tận xương tủy trong các khu chế xuất của tư bản nước ngoài được đảng CSVN và chính quyền hậu thuẫn và tiếp tay cho sự bóc lột; hôm nay đã đến lúc toàn thể những người nông dân, công nhân và những người yêu chuộng công lý và tự do phải đoàn kết triệu người như một để làm tiếp câu khẩu hiệu của K. Mác để đào mồ chôn bọn quái vật tư bản đỏ giả danh Cộng Sản.”

Cuối tuần qua, hàng ngàn đồng bào lại tổ chức biểu tình trước các trụ sở hành chánh và công an Cộng Sản huyện. Trong lúc đó, theo bản tin trên blog Tumasic, ngày Thứ Hai vừa qua nhà báo Tạ Phong Tần, người đã tổng hợp nhiều bản tin trên báo chính thức và trên các blog tự do trong nước về vụ này để phổ biến, khi đến nhà một người quen để lấy lại giấy tờ, tiền bạc gửi đó, đã bị lôi vào nhà, đóng cửa, hành hung; cô còn bị lột áo và chụp hình quay phim, đe dọa sẽ dùng hình để bêu xấu. Sau đó những người kia còn gọi công an đến bắt Tạ Phong Tần. Bà Dương Thị Tân, vợ của nhà làm blog dân chủ Ðiếu Cày, người đang cho cô Tạ Phong Tần tạm trú, nhận xét với đài Á Châu Tự Do rằng vụ hành hung này là có sự "dàn dựng” của công an Cộng Sản.

Cùng trong thời gian này, công an Cộng Sản đã đe dọa, sách nhiễu các nhà trí thức khác bằng hành động cũng như bằng lời nói, vì họ đã lên tiếng đòi tự do dân chủ và bênh vực người lao động. Tiến Sĩ Hà Sĩ Phu đã bị công an cắt điện thoại, không thể dùng máy vi tính lên mạng lưới nữa. Luật Sư Lê Trần Luật bị báo công an đăng bài nói xấu về đời tư không chứng cớ.

Ngày Thứ Sáu vừa qua cô Lê Thị Công Nhân đang ngồi trong quán cà phê tiếp chuyện mấy người ngoại quốc thì bị 6 viên công an tới kéo ra ngoài, "lôi như một cái bao tải” theo lời tường thuật của cô luật sư 31 tuổi này. Cô và Luật Sư Nguyễn Văn Ðài đã bị đưa ra tòa kết án 3 và 4 năm tù, vì họ tranh đấu cho tự do dân chủ và bênh vực người lao động. Tổ chức quốc tế tranh đấu cho nhân quyền Human Rights Watch vẫn quan tâm đến ba nhà trí thức trẻ khác đã bị công an Cộng Sản Việt Nam bắt từ lâu, cũng chỉ vì tranh đấu cho các nông dân bị cướp đất mà không bồi thường đầy đủ. Ðó là các ông Ðoàn Huy Chương, 25 tuổi, bị bắt ở Trà Vinh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, 29 tuổi, và cô Ðỗ Thị Minh Hạnh, 25 tuổi, bị bắt ở Lâm Ðồng.



Ông Ðoàn Huy Chương đã thành lập Hiệp Hội Ðoàn Kết Công Nông từ năm 2006, nhưng mọi hoạt động đều bị công an phá. Ông Nguyễn Hoàng Quốc Hùng đã tốt nghiệp đại học về công nghệ tin học; cô Ðỗ Thị Minh Hạnh đã tốt nghiệp Ðại Học Kinh Tế là hai người bạn cùng tham dự tranh đấu cho nông dân và người lao động. Cả hai bị công an kết tội "phá hoại trật tự xã hội.”

Thứ trật tự xã hội mà công an muốn bảo vệ là trật tự của chế độ độc quyền độc đảng theo lối Lenin mà Hồ Chí Minh đã nhập cảng vào nước ta. Tất cả mọi người dân Việt Nam phải chịu cho đảng Cộng Sản cầm đầu, mà hiện nay thì chính các lãnh tụ đảng đó cũng không cần biết chủ nghĩa Mác là gì nữa. Nhưng họ vẫn "bảo vệ trật tự” để cho các quan chức cán bộ tham nhũng và tư bản đỏ làm giàu rồi chia nhau. Nông dân và người lao động không có quyền thành lập những tổ chức độc lập để tự bảo vệ quyền lợi, vì chỉ có đảng Cộng Sản mới có quyền đó. Báo chí, truyền thông đều do đảng Cộng Sản nắm giữ, kiểm soát gắt gao; cho nên nông dân và công nhân không có tiếng nói độc lập. Trong hoàn cảnh đó, chỉ có những nhà trí thức độc lập như Lê Thị Công Nhân, Tạ Phong Tần, bà Dương Thị Tân, ông Ðiếu Cày, Ðoàn Huy Chương, Nguyễn Văn Ðài, vân vân, đã tự đứng ra lên tiếng bảo vệ các nông dân và người lao động. Chính các bloggers đang lên tiếng giúp các đồng bào lao động và nông dân, đòi quyền lợi kinh tế và đòi tự do dân chủ. Họ nối tiếp tấm gương của những người như Trần Văn Thạch trước đây gần một thế kỷ.

Một thế kỷ qua, những ước mơ của Trần Văn Thạch vẫn chưa được thể hiện. Mặc dù theo chủ nghĩa Mác, nhưng ông đã bị đảng Cộng Sản Việt Nam, theo Stalin và Ðệ Tam Quốc Tế, giết chết từ năm 1946. Cũng bị giết trong thời gian đó là các nhà cách mạng Ðệ Tứ khác như Hồ Văn Ngà, Lê Văn Thử, Lê Văn Vững, Phan Văn Hùm, Nguyễn Văn Vàng, Nguyễn Văn Tiền, Tạ Thu Thâu, Nguyễn Văn Số, vân vân. Họ lần lượt bị công an Cộng Sản sát hại ở khắp nơi, trước khi lo đối đầu với thực dân Pháp. Họ cũng là những người muốn thực hiện chủ nghĩa Cộng Sản, đã suốt đời hy sinh tranh đấu cho giới lao động, nhưng không chấp nhận các chính sách tàn khốc của Stalin. Hồ Chí Minh đã theo lệnh Stalin, phải tiêu diệt hết những người Ðệ Tứ, trong lúc toàn dân Việt Nam đang cần đoàn kết chống Pháp.

Các cuộc biểu tình đang diễn ra ở trong nước, như vụ Thanh Hóa; và những mạng lưới loan tin về phong trào đó, cho thấy những ước nguyện của Trần Văn Thạch vẫn còn được giới trẻ ở Việt Nam theo đuổi. Năm 1927, Trần Văn Thạch viết trên báo Sinh Viên, tưởng tượng một tương lai "xa vời” vào năm 1953, sau khi nước nhà độc lập; ông hô hào: "Sự đoàn kết của người An Nam (sic) là cần thiết và sự đoàn kết này chỉ có thể thực hiện được bằng cách giai cấp tư sản An Nam tự nguyện hy sinh cho giai cấp vô sản, bằng cách chìa tay nhân đạo và thân ái ra với họ.” (Sách dẫn trên, trang 78) Nhà cách mạng Ðệ Tứ này không thể tưởng tượng giai cấp "tư sản đỏ” ngày nay không chìa tay thân ái mà còn cho công an bắn chết các nông dân bị bóc lột ở Thanh Hóa!

Khi Trần Văn Thạch, một sinh viên triết học ở Paris vào cuối thập niên 1920, viết những lời kêu gọi tranh đấu cho quyền lợi của nông dân trích dẫn trên đây, ông mới 25 tuổi, bằng tuổi Ðoàn Huy Chương và Ðỗ Thị Minh Hạnh ngày nay, cũng bằng tuổi Lê Thị Công Nhân hay Nguyễn Văn Ðài khi họ bắt đầu ý thức trách nhiệm phải giúp đồng bào tranh đấu đòi sống trong tự do dân chủ. Bất cứ trong thế hệ nào, những thanh niên Việt Nam có ý thức sẽ đẩy cho lịch sử chuyển mình, các chế độ tàn bạo sẽ không thể ngăn cản được họ. Giới trí thức trẻ Việt Nam lại tự nguyện làm tiếng nói cho nông dân và người lao động. Nhờ kỹ thuật thông tin hiện đại tiếng nói của họ mạnh mẽ hơn nhiều so với trước đây một thế kỷ.

 
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 575 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 2
Khách: 2
Thành Viên: 0