Gia Minh- RFA
2011-10-20
Các nước có tuyên bố chủ quyền trên biển Đông, như Trung Quốc,
luôn luôn cố tìm mọi cách chứng minh điều tuyên bố của họ là hợp lý. Tại
Việt Nam những nỗ lực tương tự mà không do nhà nước tổ chức thì lại bị
ngăn cản.
AFP file
Hoạ đồ biển Đông với vùng lưỡi bò Trung Quốc áp đặt
Công lý phải "đúng thời điểm”
Cuộc hội thảo tại Việt Nam về Biển Đông mới nhất được dự kiến diễn ra
vào 17 tháng 10 vừa qua tại Nhà khách Quốc hội số 165 Nam Kỳ khởi
nghĩa, quận 1 Thành phố Hồ Chí Minh. Chỉ mấy hôm trước đó thư mời
tham dự cuộc hội thảo này được đăng trên báo Pháp luật thành phố. Thành
phần khách mời tham dự là Liên đoàn luật sư Việt Nam, đoàn luật sư những
địa phương có biển, các chuyên gia nghiên cứu, các giảng viên đại học
Luật, các cơ quan nhà nước có liên quan đến chủ đề hội thảo, rồi các cơ
quan truyền thông của trung ương và địa phương nơi tổ chức hội thảo.
Thế nhưng đến ngày 17 tháng 10 cuộc hội thảo đã không được diễn ra,
và có tin cho biết lý do được từ cơ quan chức năng nói là thời điểm tổ
chức hội thảo không thích hợp.
Đúng một tháng trước đó, một cuộc tọa đàm mang tên ‘Công lý và Hòa
bình trên Biển Đông’ do Câu lạc bộ Phao Lô Nguyễn Văn Bình đứng ra tổ
chức tại số 43 Nguyễn Thông Sài Gòn, cũng không được tiến hành theo kế
hoạch. Trong thời gian qua, có một số cuộc hội thảo về Biển Đông do các
cơ quan chức năng Việt Nam như Học Viện Ngoại giao chủ trì tổ chức. Tuy
nhiên số lượng những cuộc hội thảo cấp quốc gia và quốc tế như thế do
phía Việt Nam đăng cai cũng chỉ mới đếm được trên đầu ngón tay.
Hệ thống hoá kém xa Trung Quốc
Hải quân Việt Nam tập trận bảo vệ biển đảo- AFP photo
Nếu vấn đề nghiên cứu Biển Đông như thế này thì Trung Quốc rất mừng.
Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc.
Một nhà nghiên cứu về Biển Đông của Việt Nam là ông Đinh Kim Phúc nói về công tác nghiên cứu về Biển Đông tại Việt Nam như sau: "Cơ
quan chức năng của Nhà Nước như Ban Biên giới Chính phủ hay Học Viện
Ngoại giao, hoặc Tổng cục Quản lý Biển Đảo của Bộ Tài Nguyên- Môi trường
… có những phần hành nghiên cứu riêng. Họ công bố điều gì cũng không ai
biết vì họ rất ít công bố các công trình nghiên cứu. Mảng khác là những
nhà nghiên cứu nghiệp dư, tự do. Ai mạnh lãnh vực nào thì nghiên cứu
lãnh vực đó. Không trở thành một hệ thống. So sánh thì thấy Trung Quốc
làm rất bài bản.
Hình như thời gian hiện nay, Việt Nam thích hội thảo khoa học vể
Biển Đông, thích nói về Biển Đông mà không đặt tầm quan trọng vào chất
lượng của các công trình nghiên cứu. Tôi ví dụ có những cuộc hội thảo
tốn tiền tỷ nhưng những thông tin, phát hiện tự liệu mới để củng cố cho
việc đấu tranh chủ quyền; hầu hết là những tư liệu cũ, chẳng có tư liệu
mới bao nhiêu. Thay vì tiền tỷ đổ ra để tổ chức hội thảo, quảng bá thì
nên tập trung cho giới nghiên cứu để nghiên cứu sâu từng lĩnh vực, từng
vấn đề sẽ có kết quả cao hơn.
Giới nghiên cứu độc lập thì không thể tập hợp lại với nhau để
thống nhất phương hướng nghiên cứu. Nhà Nước phải có trách nhiệm tập hợp
những đội ngũ chuyên về nghiên cứu Biển Đông để xem những trọng tâm,
trọng điểm nghiên cứu thế nào. Cần làm rõ những vấn đề nào nếu như mình
đang yếu; những vấn đề nào đã mạnh cần phát huy thêm.
Chúng ta thấy hiện nay trong đấu tranh chưa chắc Trung Quốc chấp
nhận ra tòa án quốc tế; chúng ta tọa đàm, nghiên cứu cũng chỉ để tranh
thủ sự ủng hộ của dự luận tiến bộ, các học giả, của các chính phủ khác
trên thế giới ủng hộ chính nghĩa về chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo
Hoàng Sa, Trường Sa. Tôi thấy trong thời gian qua việc nghiên cứu rất
yếu: tản mạn, không tập trung mà tốn rất nhiều tiền.
Thứ hai nữa có những hội thảo đề ra rồi bị dẹp liên tục. Vậy đằng
sau đó là gì? Có phải Nhà Nước sợ nghiên cứu Biển Đông hay không? Hay có
ai đó mượn chuyện nghiên cứu Biển Đông để làm chuyện khác; gọi là ‘đồi
đầu’ với Nhà Nước làm cho Nhà Nước dị ứng. Tôi thấy nếu vấn đề nghiên
cứu Biển Đông như thế này thì Trung Quốc rất mừng. Chúng ta nên làm bài
bản, một cách khoa học"
Lòng sốt sắng cũng thua Trung Quốc!
Trong thực tế vừa qua có những phát hiện cho thấy một số bản đồ trên
thế giới in ‘Đường Lưỡi Bò’ trên Biển Đông mà Trung Quốc đưa ra lâu nay.
Mới vào ngày 17 tháng 10 vừa qua, truyền thông trong nước đăng bài của
tiến sĩ Lê Văn Út, đại học Oulu Phần Lan, nói về tấm bản đồ của Google,
phiên bản tiếng Hoa, có đường lưỡi bò. Đường này được vẽ 10 đoạn, bắt
đầu từ Đài Loan, chạy dọc xuống bờ đông Biển Đông, xuống gần đến bờ biển
Malaysia trên đảo Borneo, rồi lên gần dọc bờ biển Việt Nam đến cửa Vịnh
Bắc Bộ. Đường này bao gồm hết các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, bãi cạn
Scarborough.
Trước đây, Google Maps cũng từng có những lần đưa ra những sai lệch
về đường biên giới Việt- Trung; có lần dịch vụ này cài cơ chế tự động
trên website để khi người sử dụng đánh chữ Paracel Islands thì mạng tự
động hiển thị ‘Paracel Islands, Hainan’. Điều đó cho thấy phía Trung
Quốc tỏ ra chú ý về việc đưa vào các văn bản đủ loại mọi hình thức cho
thấy tuyên bố chủ quyền của họ tại khu vực Biển Đông.
Tạp chí National Geographic, có trụ sở tại thủ đô Washington, D.C của
Hoa Kỳ, hồi đầu năm ngoái từng in bản đồ mà tên Paracel Islands thành
ra Xisha Qundao (China). Sau đó một số người Việt quan tâm trong và
ngoài nước có ý kiến yêu cầu phải chỉnh sửa. Ông Nguyễn Duy An, một
người làm việc tại National Geographic cho biết trong khi Trung Quốc rất
mau lẹ, sốt sắng lúc được National Geographic đưa ra những yêu cầu liên
quan, thì phía các cơ quan chức năng Việt Nam như Đại sứ quán tại Hoa
Kỳ... im lặng và chậm trễ trước những yêu cầu liên quan của National
Geographic trong việc chỉnh sửa.
không biết mất gì, được gì, Nhà Nước có bảo vệ chủ quyền hay không, hay chỉ có lực lượng nào đó bảo vệ chủ quyền?
nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc
Hoạt động tuyên truyền về biển đảo tại Việt Nam lâu nay cũng được nói đến, tuy nhiên nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc nhận định:
Bản đồ của Hòa Lan năm 1754 vẽ bờ biển Trung Quốc và Việt Nam- Courtesy Wikipedi
"Trong một năm trở lại đây, báo chí Nhà Nước đẩy mạnh việc tuyên
truyền về Biển Đảo, có thể nói mạnh nhất từ trước đến giờ. Đơn cử như tờ
Pháp Luật, Đại Đoàn Kết có những bài gọi là ‘sắc sảo’, cũng có những
loạt bài rất ‘nảy lửa’ nhưng cũng không phải là một hệ thống để tuyên
truyền như Trung Quốc đã làm.
Lý do không có sự phối hợp, không có người
cầm chịch khẳng định tài liệu nào dùng để tuyên truyền, những tài liệu
nào dùng để đấu tranh, những tài liệu nào dùng để nghiên cứu chuyên sâu…
Chưa thấy được điều đó.
Còn người dân có thể nói họ rất muốn tìm hiểu vấn đề Biển Đông; nhưng
mình không có một hệ thống tuyên truyền cách rõ ràng. Do đó người ta
nghĩ rất mơ hồ: không biết mất gì, được gì, Nhà Nước có bảo vệ chủ quyền
hay không hay chỉ có lực lượng nào đó bảo vệ chủ quyền. Từ đó xảy ra sự
nghi kỵ lẫn nhau giữa nhân dân với Nhà Nước, giữa giới nghiên cứu độc
lập với giới nghiên cứu của Nhà Nước"
Quan tâm đến dân
Một đơn cử khác về việc lơ là cảnh giác trong vấn đề tuyên truyền là
chuyện hình Đường Lưỡi Bò vẫn bị sót ngay cả trong những tài liệu phổ
biến ở Việt Nam. Đó là trong giáo trình "Luyện kỹ năng đọc hiểu Tiếng
Hoa” tồn tại ở Việt Nam cả sáu năm, mãi đến giữa năm nay mới được phát
hiện.
Tiến sĩ Nguyễn Nhã, một nhà nghiên cứu Biển Đông khác ở Việt Nam,
cũng kể lại kinh nghiệm cho thấy mong muốn mở mang kiến thức về Biển
Đông của nhiều người nhất là giới trẻ tại Việt Nam:
"Tôi có một buổi giao lưu với thanh niên, tổ chức ở một nhà hàng.
Tôi không ngờ số lượng đông như vậy. Có một số sự việc xảy ra- không có
điện, nhưng mọi người lại chăm chú hơn, và hỏi tôi nhiều câu hỏi và tôi
thấy vui lắm"
Nhiều người dân quan tâm cho rằng vấn đề chủ quyền biển đảo, đất liền
là quan trọng cần có sự tham gia của toàn dân. Một số từng xuống đường
biểu tỏ lòng yêu nước qua các cuộc tuần hành chống hành động gây hấn của
phía Trung Quốc. Tuy nhiên, trong những dịp như thế , các cán bộ an
ninh nói với họ là đã có Đảng và Nhà nước lo, người dân không nên bày tỏ
ý kiến khiến cho tình hình thêm phức tạp.
Vấn đề Biển Đông trở nên ‘tế nhị, nhạy cảm’ ở Việt Nam, và thực tế
chứng minh quan điểm đó của Nhà Nước Việt Nam qua việc không để các tổ
chức, cá nhân ngoài chính quyền tiến hành những cuộc hội thảo như vừa
qua.
|