Thứ Năm, 2024-11-21, 7:19 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2012 » Tháng Tám » 3 » Úc làm được gì cho nhân quyền VN?
11:41 AM
Úc làm được gì cho nhân quyền VN?

Ngoại trưởng Úc Bob Carr bắt tay Chủ tịch Trương Tấn Sang ở Hà Nội hồi tháng Ba 2012

Ngoại trưởng Úc Bob Carr bắt tay Chủ tịch Trương Tấn Sang ở Hà Nội hồi tháng Ba 2012

Việt Nam từ sớm đã hằn in trong tâm khảm người Úc. Đầu tiên, có một cộng đồng người Việt lớn và được quý trọng ở Úc, và họ thường xuyên thông báo cho người Úc về những gì xảy ra ở Việt Nam.

Hồi tháng Sáu, họ đệ trình thỉnh nguyện thư lên Quốc hội Úc, kêu gọi chính phủ giúp chấm dứt vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.

Thứ hai, Việt Nam là một phần lịch sử nước Úc và một phần văn hóa hiện nay. Người Úc còn nhớ sự dính líu đến Chiến tranh Việt Nam và người tị nạn Việt Nam đặt chân lên bờ biển nước họ sau 1975. Người Úc chứng kiến trẻ em tị nạn đi học trường Úc, chơi thể thao Úc và trở thành người Úc thành đạt.

Thứ ba, Việt Nam và Úc cùng chung một khu vực. Úc xem Việt Nam là một trong những người bạn và láng giềng của mình. Năm 2009, hai nước ký Hiệp định Đối tác Toàn diện với mục đích tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, chính trị.

Người Úc biết những tin tức về vi phạm nhân quyền ở Việt Nam. Câu hỏi là một nước có sức mạnh hạng trung như Úc có thể làm gì trước những vi phạm này.

Trung Quốc mới là đối tác thương mại chính của Việt Nam. Úc không thể lấy tôn trọng nhân quyền ra làm điều kiện thương mại. Không phải là một đại cường, Úc không thế gây ảnh hưởng bằng "cà rốt và cây gậy” như Hoa Kỳ. Và nhiều người cũng nghi ngờ những phương cách này có đem lại thay đổi hành vi nội tại mà phải xảy ra trước khi một quốc gia thay đổi vĩnh viễn cách nhìn về nhân quyền.

Vì thế Úc, như nhiều nước khác, tiến hành Đối thoại Nhân quyền Song phương với Việt Nam từ 10 năm trước.

Thật khó nói các cuộc đối thoại đã đạt được gì. Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc không thể chỉ ra bất kỳ kết quả cụ thể nào có được nhờ Đối thoại. Không có tiêu chuẩn hay chỉ số đo lường thành công. Không có mục tiêu cụ thể nào đặt ra trước mỗi Đối thoại. Trong 10 năm, chỉ có bốn nghị sĩ Úc tham dự. Từ phía Việt Nam, chưa có một đại biểu Quốc hội nào tham gia Đối thoại.

Chính phủ Úc hiện đang tiến hành cuộc rà soát công khai về tính hiệu quả của các cuộc Đối thoại. Các văn bản do các tổ chức phi chính phủ nộp lên bày tỏ lo ngại Đối thoại đã được xem là Mục đích, chứ không phải Phương tiện. Họ kêu gọi chính phủ bảo đảm tính minh bạch và trách nhiệm, bằng cách để công chúng đánh giá tiến bộ và có sự tham gia nhiều hơn của Quốc hội.

Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc thừa nhận "đánh giá tác động trực tiếp của đối thoại đối với diễn biến tích cực ở các nước đối tác là điều khó”. Nhưng Bộ này vẫn tin rằng "trao đổi thông tin” và "nâng cao nhận thức” qua Đối thoại là có giá trị. Họ nói việc Việt Nam đồng ‎ ý tham gia đối thoại đã là diễn biến tích cực.

Điều tối đa có thể nói về các cuộc Đối thoại có lẽ là chúng khiến người Úc cảm thấy đỡ bất lực về những gì có thể làm để giúp người dân Việt Nam.

Tổ chức đa phương

Nếu song phương trong lĩnh vực nhân quyền là quá trình chậm chạp và không rõ ràng, phải chăng hy vọng là ở các tổ chức nhân quyền đa phương như Liên Hiệp Quốc (LHQ)?

Các tổ chức thuộc Liên Hiệp Quốc có tác động hạn chế đến nhân quyền các nước

Nhưng sau hơn 60 năm với những cố gắng của LHQ, ta biết không đủ khi chỉ buộc các nước ký vào hiệp định quốc tế.

Không có cơ chế hiệu quả để thực thi các hiệp định nhân quyền. Các vi phạm được báo lên cho nhiều ủy ban LHQ, hay Hội đồng Nhân quyền, hay Đại Hội đồng. Các cơ quan này có thể bày tỏ "lo ngại sâu sắc” về hành vi của một nước và kêu gọi chính phủ cải tổ.

Nhưng các cơ quan LHQ không thể làm nhiều hơn. Khi xảy ra vi phạm nhân quyền đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế, Hội đồng Bảo an có thể thông qua can thiệp quân sự như Libya năm 2011. Nhưng chính trị trong Hội đồng thường cản trở phản ứng hiệu quả ngay cả khi xảy ra vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất. Hội đồng Bảo an đã không hành động trong trường hợp Rwanda 1994 hay Nam Tư 1995.

Xấu hổ?

Có người hy vọng các nước vi phạm nhân quyền có thể "bị xấu hổ” mà phải thay đổi hành vi, khi họ bị nêu tên ở diễn đàn quốc tế.

Nhưng không có nhiều bằng chứng là điều này xảy ra. Các nước tự xem mình là thành viên đàng hoàng trong cộng đồng quốc tế, như Úc, thường phản đối khi phần còn lại của thế giới phán xét công việc nội bộ. Ví dụ, Úc từng bị LHQ chỉ trích vì các vấn đề liên quan người thiểu số. Cựu Thủ tướng Úc John Howard đã nói các vấn đề nhân quyền Úc nên để người Úc giải quyết.

Nếu các nước "đàng hoàng” còn không bị làm xấu hổ, hy vọng càng ít hơn cho các nước khác. Các chính phủ tồi tệ nhất thường mất nhiều nhất nếu thay đổi. Họ thường chẳng xấu hổ gì. Đôi khi vấn đề này được gọi là "nghịch lý bạo chúa”: các biện pháp quốc tế nhằm bảo vệ nhân quyền lại ít hiệu nghiệm nhất trước các chính phủ xấu xa.

"Đối thoại song phương, nơi các danh sách bí mật được chuyền qua tay những giới chức cấp thấp, và kết quả không bao giờ được nói rõ ràng, có lẽ không phải là cách hay nhất cho một nước hạng trung đạt được các mục tiêu nhân quyền."

Một số học giả nói cam kết trong hiệp định quốc tế giúp các nhà hoạt động xã hội dân sự và tổ chức phi chính phủ vận động cho cải cách. Các hiệp định giúp dễ dàng hơn để buộc các chính phủ chịu trách nhiệm trước các vi phạm. Có lẽ điều này có thể xảy ra ở một nước mà xã hội dân sự năng động được phép tồn tại, có truyền thông tự do và chính phủ chịu trách nhiệm với dân qua phòng bỏ phiếu. Nói cách khác, ở trong một nền dân chủ tự do. Nhưng lập luận này vô lý khi áp dụng cho một nước có chính phủ đàn áp.

Các học giả khác lại nói luật nhân quyền quốc tế là công cụ quan trọng để biến các nước thành quốc gia tôn trọng nhân quyền. Họ nói các trừng phạt nhiều năm với Nam Phi, và sự lên án thường xuyên của LHQ, đã dần dần chuyển hóa đầu óc của người da trắng ở Nam Phi. Nhưng chế độ apartheid cũng tồn tại được gần nửa thế kỷ. Và trong thời gian nó tồn tại, nhiều người da trắng Nam Phi bỏ qua sự lên án của các nước như Úc và Mỹ.

Úc nhận thức được các hạn chế của các định chế nhân quyền tại châu Á – Thái Bình Dương. Úc cũng biết các diễn đàn nhân quyền của LHQ gặp khó khăn, tốn thời gian và phức tạp về chính trị. Vì thế Úc tiếp tục tiến hành Đối thoại với Việt Nam. Họ cảm thấy hài long vì "làm được điều gì đó” – ngay cả nếu không thấy có kết quả.

Có lẽ đó là sai lầm. Đóng góp lớn nhất của LHQ có lẽ là đó là diễn đàn nơi tên những người "vô danh” có thể được xướng lên, là nơi những quốc gia không có nhiều tiền hay vũ khí vẫn có thể đứng lên nhắc nhở rằng những người trong tù không cô đơn. Vẫn có chút sức mạnh trong đó.

Một quốc gia như Úc có thể dùng sức mạnh này khi hành động chung với các quốc gia tôn trọng nhân quyền khác. Khi đó Úc nói được tiếng nói mạnh nhất cho những người bị vi phạm nhân quyền. Khi đó sức mạnh đạo đức của Úc mới lớn nhất.

Đối thoại song phương, nơi các danh sách bí mật được chuyền qua tay những giới chức cấp thấp, và kết quả không bao giờ được nói rõ ràng, có lẽ không phải là cách hay nhất cho một nước hạng trung đạt được các mục tiêu nhân quyền.

Catherine Renshaw đang làm luận án tiến sĩ về luật nhân quyền quốc tế ở Trung tâm Luật Quốc tế Sydney của Đại học Sydney. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 605 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 87
Khách: 87
Thành Viên: 0