Khánh An, phóng viên RFA
2012-08-25
Vụ bắt "bầu Kiên”, tức ông Nguyễn Đức Kiên, người được xem là ông
trùm đầu tư trong lĩnh vực ngân hàng, đã gây chấn động dư luận và làm
biến động thị trường tài chính Việt Nam trong suốt mấy ngày qua.
AFP photo
Ông Nguyễn Đức Kiên phát biểu tại một sự kiện bóng đá tại Hà Nội vào ngày 16 Tháng 2 năm 2012.
Người dân Việt Nam nói gì về vụ việc này? Liệu việc bắt giữ "bầu
Kiên” có là một tín hiệu tích cực trong suy nghĩ của những người dân
bình thường không?
Ồ ạt đi rút tiền
Phản ứng đầu tiên của người dân ngay sau khi ông Nguyễn Đức Kiên bị
bắt vào chiều ngày 20/8 là kéo nhau đi rút tiền! Ngân hàng ACB, nơi ông
bầu Kiên từng giữ Phó chủ tịch và nắm giữ rất nhiều cổ phiếu, ngay sáng
hôm sau đã phải đối diện lập tức với dòng người lũ lượt đi rút tiền ở
tất cả các chi nhánh của ngân hàng. Chỉ trong vòng hai ngày, 21 và 22/8,
số tiền mà khách hàng đã rút ra khỏi ngân hàng ACB lên đến hơn 8000 tỷ
đồng.
Anh Cao Hà Trực, một người dân tại TPHCM, cho biết:
Khi đến rút, người ta đòi hỏi nhiều vấn
đề, chẳng hạn như phải về đúng nơi anh ta gửi tiền, phải chờ bao nhiều
tiếng đồng hồ mới được rút, rồi có những người muốn thì bảo là phải chờ
đúng thời hạn mới cho rút.
Anh Cao Hà Trực
"Rất nhiều bạn bè của em kể là gia đình họ đi rút tiền hết sức khó
khăn. Khi đến rút, người ta đòi hỏi nhiều vấn đề, chẳng hạn như phải về
đúng nơi anh ta gửi tiền, phải chờ bao nhiều tiếng đồng hồ mới được
rút, rồi có những người muốn thì bảo là phải chờ đúng thời hạn mới cho
rút. Đó là một trong những cái khó khăn mà người ta không thể rút tiền.”
Lãnh đạo của ACB đã phải liên tục lên tiếng trấn an khách hàng rằng
số cổ phần ông bầu Kiên đang nắm giữ là dưới 5%, hiện ông không còn giữ
chức vụ gì trong ACB, cũng không tham gia hội đồng quản trị và ban điều
hành và việc ông bầu Kiên bị bắt giữ là do sai phạm cá nhân, không liên
quan gì đến hoạt động của ngân hàng. Tuy vậy, lượng người rút tiền tăng
đột biến đã khiến Ngân hàng Nhà nước phải bơm tiền đồng ra thị trường và
giảm giá tiền đô-la để ổn định thị trường.
Lạm phát, cổ phiếu rớt giá, vàng tăng giá
Các nhà đầu tư chứng
khoán theo dõi giá cổ phiếu tại Ngân hàng Thương mại Châu Á (ACB) của
sàn giao dịch chứng khoán tại Hà Nội vào ngày 22 tháng 8 năm 2012. AFP
photo.
Quý, một sinh viên kinh tế tại TPHCM, tỏ ra lo lắng về những hệ lụy có thể xảy ra từ việc can thiệp trên:
"Hiện tại hệ thống ngân hàng của Việt Nam, theo nhiều báo cáo, số
nợ xấu đã lên rất cao. Đối với người dân gửi tiền ngân hàng, người ta
cũng ý thức được là phải đầu tư vào cái gì cho chắc chắn. Thường thì
người ta không cảm thấy an tâm khi gửi tiền ngân hàng nữa đâu.
Như Quý thì Quý nghĩ người ta sẽ mua ngoại tệ hoặc tích trữ vàng.
Khi ngân hàng ACB gặp chuyện, người ta ồ ạt đi rút tiền, nghe tin là
ngân hàng nhà nước cũng đã bơm vào thị trường mở hơn 18.000 tỷ để hỗ trợ
thanh khoản. Quý nghĩ số tiền bơm ra ồ ạt bất chấp quy luật cung cầu
tiền tệ như vậy thì nó sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy mà trước tiên là lạm
phát. Người dân bình thường họ không quan tâm nhiều đến vấn đề vĩ mô mà
họ quan tâm tới cơm áo gạo tiền. Hôm nay lại có tin là xăng lại chuẩn bị
đề xuất tăng giá tới 1.200 đồng/lít, tức là lần thứ tư trong vòng một
tháng. Nếu đề xuất này được chấp nhận thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến túi
tiền của người dân nhiều lắm.”
Giới bị ảnh hưởng ngay lập tức và nặng nề nhất vẫn là giới đầu tư tài
chính. Báo chí Việt Nam cho biết 5 đại gia giàu nhất sàn chứng khoán đã
mất gần 1500 tỷ đồng khi phiên giao dịch ngày 23/8 kết thúc. Cổ phiếu
của ACB và các ngân hàng khác có liên quan đã bị bán tống bán tháo khiến
cho thị trường chứng khoán Việt Nam bị thất thoát đến 5,6 tỷ USD chỉ
sau 3 ngày bầu Kiên bị bắt. Giá vàng liên tục tăng, đỉnh cao là gần 45
triệu đồng/lượng vào ngày 23/8 và được cho là cao nhất trong vòng 5
tháng qua.
Đấu đá nội bộ
Riêng đối với người dân, sau khi rút tiền xong, tâm lý đám đông vẫn
là theo dõi và chờ xem những diễn biến tiếp theo của vụ án gây chấn động
này sẽ là gì, bầu Kiên thực chất là người như thế nào và những ai là kẻ
đứng đằng sau lưng bầu Kiên trong những phi vụ kinh doanh được cho là
vi phạm pháp luật hiện nay.
Những người hiểu biết hơn thì nói: "Thực ra đằng sau ông Kiên là những vấn đề khác ở thượng đỉnh, chóp bu."
Ông Vĩnh
Ông Vĩnh, một cư dân của Hà Nội, kể:
"Mấy hôm nay tôi có dịp làm việc ở một vài nơi Hải Dương, Hải
Phòng, Thái Bình, tôi thấy nhiều người người ta biết chuyện này. Có
người không biết thông tin trên mạng, ít biết những chuyện đằng sau thì
họ bảo: "Ông này hay, ông làm bóng đá, ông dũng cảm, có tiền nhưng làm
ăn ở đất nước này thì không biết như thế nào. Có khi đang nổi tiếng lại
bị trở thành tội phạm”. Những người hiểu biết hơn thì nói: "Thực ra đằng
sau ông Kiên là những vấn đề khác ở thượng đỉnh, chóp bu. Qua việc đó
thì đo được chuyện đấu đá nội bộ như thế nào vì ông ấy là sân sau của
các ông lớn hơn”.’
Giọt nước tràn ly
Nhà báo tự do Trương Minh Đức thì cho rằng vụ việc "bầu Kiên” đã được
tiên đoán trước, vấn đề chỉ là thời điểm xảy ra mà thôi. Ông nói:
"Đây là giọt nước tràn ly của nền kinh tế Việt Nam đang trên đà sa
sút. Trong Đảng Cộng Sản Việt Nam có hai phía, một phía muốn lấy lại
phong độ của mình để thực hiện nghị quyết trung ương IV của Nguyễn Phú
Trọng, một phía thì lo thâu tóm ngân hàng, vơ vét, gây ra sự bất bình
trong dư luận. Một số chuyên gia hải ngoại cũng đã tiên đoán vụ này sẽ
xảy ra thôi nhưng hết sức bất ngờ vì nó xảy ra hơi sớm. Đây là dấu hiệu
rất tích cực, lột tả những gì mà bấy lâu nay ĐCSVN giấu diếm.”
Không đơn thuần vụ án kinh tế
Ông Nguyễn Đức Kiên, còn được biết dưới tên "Bầu Kiên”, ảnh chụp trước đây. AFP file photo.
Với sự xuất hiện và cập nhật tin tức nhanh nhạy của nhiều trang
tin điện tử "ngoài chính thống” trong thời gian gần đây, những người dân
có điều kiện tiếp thu thông tin đa chiều đều cho rằng vụ bầu Kiên không
chỉ đơn thuần là một vụ án về kinh tế. Ông Vĩnh nói thêm:
Hôm nay trên đường về nhà, tôi có nghe chương trình VOV – Đài Tiếng
nói Việt Nam – đọc bài của ông Trương Tấn Sang về cách mạng tháng Tám,
2/9, tôi lưu ý thấy ông ấy nói rất ít về Đảng Cộng Sản, về CNXH, mà nói
về dân tộc, về đoàn kết.
"Đặc biệt, ông có lưu ý nói hẳn sự kiện mới đây thôi là Tiên Lãng –
Hải Phòng, Văn Giang – Hưng Yên, Vụ Bản – Nam Định, thì có thể nói ông
Sang rất quan tâm đến vấn đề xã hội, vấn đề trên mạng mà thậm chí báo
chí nhà nước không bao giờ nói tới, đệ tử không báo cáo. Mới thấy là có
vẻ như các ông ấy đang lập một trật tự nào đó chăng?! Một người cũng
trao đổi với tôi và thấy có vẻ phấn khởi.”
Tín hiệu tốt
Nhà báo Trương Minh Đức cũng cho biết ngoài những người dân lo lắng
đi rút tiền, một số doanh nghiệp tư nhân lại tỏ ra lạc quan về tương lai
hậu bầu Kiên:
"Những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, thất thoát chẳng hạn đi vay
khó khăn, những doanh nghiệp tư nhân thì đây là tín hiệu vui. Họ tin
tưởng rằng có thể sau cuộc cải cách, "bão” ngân hàng này thì sẽ có những
luồng gió mới khác. Tôi không biết ĐCSVN có thể cải thiện vấn đề này
hay không. Tôi nghĩ đã đến lúc mà trong nội bộ họ phải tính toán với
nhau để dứt điểm những nhóm thu tóm lợi ích từ ngân hàng gây thiệt hại
lớn cho doanh nghiệp và người dân Việt Nam.”
Tôi nghĩ đã đến lúc mà trong nội bộ họ
phải tính toán với nhau để dứt điểm những nhóm thu tóm lợi ích từ ngân
hàng gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và người dân Việt Nam.
Nhà báo Trương Minh Đức
Bên cạnh những người dân đặt hy vọng vào một nhóm người tử tế trong
hàng ngũ lãnh đạo có thể kiểm soát được tình hình sau trận bão lớn, một
số người khác cho biết họ lo lắng về khả năng bất ổn chính trị và sụp đổ
tài chính nếu không kiểm soát được tình hình.
Đang hy vọng một số người tử tế có thể kiểm soát được tình hình. Nếu
vậy cũng tốt cho dân, cho nước. Không thì sợ cánh kia nó lôi kéo đi.
Nhưng tất nhiên, cũng có một phản ứng trái chiều là cổ phiếu rớt giá,
vàng tăng giá, các hoạt động kinh tế khác gặp khó khăn hiện tại thì
không biết sẽ thế nào. Người ta đoán rằng chắc chắn câu chuyện không
dừng lại ở chỗ ông Kiên, mà còn những ông khác nữa, nhiều người khác
nữa.
Có thể nói, chờ đợi, lo lắng, hy vọng, cẩn trọng là những sắc thái trộn lẫn trong tâm trạng của nhiều người dân hiện nay.
|