Thứ Ba, 2024-11-05, 8:56 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2011 » Tháng Mười Một » 9 » Về món nợ của Vinashin
10:53 PM
Về món nợ của Vinashin

Nicecowboy

Tôi xin cung cấp thêm cho bạn đọc một số thông tin chủ yếu về Vinashin, các sự kiện (facts), không bình luận suy diễn chủ quan. Qua đó để bạn đọc có cái nhìn chính xác hơn về khoản nợ Vinashin, hành động của Chính Phủ, dự đoán hậu quả có thể xảy ra.

1. Trước tiên, khoản nợ nước ngoài của Vinashin là nợ có bảo lãnh (của chính phủ) hay không:

Rất nhiều người đã lầm tưởng đây là nợ có bảo lãnh chính phủ. Thật sự, những khoản nợ trên không hề có Thư bảo lãnh (Letter of Guaranty) của Chính Phủ, theo đúng như các qui định về tín dụng quốc tế cũng như Việt Nam. Đó chỉ là các Thư Hậu Thuẫn (Letter of Comfort) do Chính phủ phát hành, để làm yên tâm các chủ nợ khi cho vay về tình hình tài chính, kinh doanh, vị thế, và các yếu tố khác của người vay, nhưng Thư hậu thuẫn hoàn toàn không bao giờ có điều khoản về trách nhiệm phải trả nợ thay của người phát hành Thư này nếu người vay không trả được nợ.

Nay một số chủ nợ nước ngoài, (và một số người dân chưa hiểu) nói rằng Chính Phủ mập mờ hoặc lừa đảo khi thoái thác trách nhiệm trả thay, rằng đây là nợ có bảo lãnh. Thực ra, Thư Hậu Thuẫn cũng không phải là do Chính phủ VN tự sáng chế ra, mà đó cũng là một tập quán, thông lệ quốc tế đã có từ lâu. Do Chính phủ VN không cấp Thư bảo lãnh, thì các chủ nợ nước ngoài đành phải chấp nhận Thư hậu thuẫn (mục đích để cho vay được mà thôi).

Xét về mặt kỹ thuật, cũng như về mặt pháp lý, nếu các chủ nợ kiện thưa Chính phủ VN về trách nhiệm bảo lãnh và trả nợ thay ở bất kỳ Tòa án nào (quốc tế hay ở VN), thì đừng nói gì là bị thua kiện, mà hồ sơ thưa kiện như thế cũng sẽ không được thụ lý ngay từ đầu.

2. Do đó, trong trường hợp Vinashin không trả được nợ, thì các chủ nợ chỉ có 3 con đường chọn lựa:

- Đồng ý tái cơ cấu lại nợ (gia hạn vài phân kỳ trả nợ, kéo dài thời gian vay, giảm lãi…) yêu cầu bổ sung tài sản bảo đảm (thế chấp, cầm cố, hoặc bảo lãnh mới của chính phủ…), cho vay mới để trả nợ cũ (cũng là một cách tái cơ cấu nợ). Biện pháp này là con dao hai lưỡi, có khi thành công, có khi vừa mất thời gian, vừa mất thêm công sức tiền bạc mà không cứu vãn được tình hình. Chỉ áp dụng khi nào thấy Vinashin có khả năng phục hồi. Vừa qua, các chủ nợ đã thử áp dụng biện pháp này, nhưng thấy không hiệu quả, và nay buộc phải sang biện pháp khác.

- Thưa kiện Vinashin theo thủ tục tranh chấp nợ vay: sau khi Tòa tuyên án phải trả nợ, nếu không trả được thì thanh lý tài sản còn lại của Vinashin để trả nợ. Trường hợp thưa kiện bình thường này cũng chỉ áp dụng đối với con nợ còn chút hy vọng khả năng chi trả, và chủ nợ không nhiều, tài sản còn lại để thanh lý đủ lớn để trả nợ cho chủ nợ.

- Thưa kiện Vinashin theo thủ tục phá sản : trường hợp Vinashin nhiều chủ nợ, tài sản thanh lý quá nhỏ so với tổng khoản nợ của nhiều chủ nợ, cần có sự phân chia tài sản sau thanh lý rõ ràng để tránh tranh chấp giữa các chủ nợ… thì vụ Vinashin sẽ được tiến hành theo thủ tục kiện phá sản (tương tự như vụ Dược Viễn Đông). Và nếu thế, để hoàn tất toàn bộ vụ án cho đến khi thanh lý hết tài sản, trả lại một phần (chắc chắn là rất rất nhỏ) cho các chủ nợ, thì thời gian sẽ kéo dài không dưới 10 năm. Cho đến nay, tại VN rất nhiều công ty phá sản (thực tế hết hoạt động do thua lỗ không trả được nợ) nhưng chưa có một kiện phá sản nào hoàn tất trọn vẹn. Chỉ đến giai đoạn tòa tuyên bố Công ty đó phá sản, còn chuyện thanh lý tài sản để trả nợ thì chưa biết bao giờ mới xong.

3. Căn cứ vào những sự kiện trên, có thể kết luận sau:

- Về mặt pháp lý, Chính phủ VN không có nghĩa vụ phải trả nợ thay cho Vinashin. Tuy nhiên, nếu thế thì sẽ ảnh hưởng một phần đến đầu tư nước ngoài, nhất là việc xin vay nước ngoài của các tổ chức kinh tế VN sau này sẽ khó hơn và sẽ bị mức lãi suất rất cao vì VN bị đánh giá sụt hạng tín nhiệm. Ngoài ra, sẽ không có bất kỳ phán quyết cuả Tòa án nào buộc CPVN phải trả nợ thay. Do đó, về vấn đề này, CPVN cũng không vi phạm bất kỳ hiệp định, hiệp ước, cam kết quốc tế nào.

- Khi cho vay không có tài sản bảo đảm, các chủ nợ không thể nói là mình bị lừa. Họ đã biết rất rõ khả năng rủi ro xảy ra. Họ biết rõ tính pháp lý và sự khác nhau giữa Thư bảo lãnh và Thư Hậu Thuẫn. Họ đã có các sai lầm chủ quan rất lớn: Một là không phân tích và dự kiến đúng tình hình tài chính của Vinashin. Hai là đã chấp nhận cho vay tín chấp (không có cầm cố, thế chấp đủ, không có bảo lãnh). Ba là đã quá tin tưởng vào các báo cáo thẩm định và đề xuất cho vay của cán bộ tín dụng người VN làm việc tại các chi nhánh, văn phòng đại diện của họ tại VN.

Họ đã chấp nhận nguyên tắc kinh doanh: càng muốn lãi nhiều, thì khả năng xảy ra rủi ro càng cao. Vậy thì phải chịu thôi.

Ngoài ra, họ cũng đã có vài sai lầm trong nhận thức (concept), dẫn đến hậu quả ngày nay:

Thứ nhất, họ cho rằng tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước… đồng nghĩa với nhà nước (chính quyền). Vì thế, khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước là khoản nợ của Nhà nước. Nhận thức này không phải là sai, vì tại một số quốc gia đã qui định như thế. Tuy nhiên, khi đầu tư và làm ăn ở VN, họ nên nghiên cứu kỹ các qui định về nợ công, nợ chính phủ … của VN như thế nào, trong đó hoàn toàn không nói nợ công, nợ chính phủ bao gồm cả nợ của các doanh nghiệp quốc doanh, hay các doanh nghiệp mà CP nắm cổ phần chi phối … (trừ phi có bảo lãnh của Chính phủ).

Sai lầm thứ hai về nhận thức: họ cho rằng dù không có bảo lãnh, thì Chính phủ VN sẽ không dám để một doanh nghiệp nhà nước lớn phải phá sản, sụp đổ… mà sẽ trả thay, hay sẽ có thỏa thuận như thế nào đó để giảm bớt thiệt hại cho họ.

Tuy nhiên, dưới áp lực của các chuyên gia kinh tế, quốc hội, và người dân… không ai muốn Chính phủ phải bao cấp về chuyện này, các doanh nghiệp phải bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ khi hoạt động trong nền kinh tế thị trường. Chính phủ trả thay, có nghĩa là lấy nguồn tiền từ ngân sách, từ nguồn đóng góp của dân. Phải dứt khoát theo nguyên tắc: tự vay, tự trả, trả không được thì xử theo luật phá sản như qui định. Còn người cho vay cũng phải biết nguyên tắc : tự đánh giá, tự thẩm định, tự chịu trách nhiệm về khoản cho vay, lời ăn lỗ chịu. Chứ nếu khoản cho vay cho doanh nghiệp quốc doanh nào cũng được Nhà nước trả thay, thì làm ngân hàng quá dễ, chả cần biết thẩm định, phân tích tình hình tài chính… cũng có thể cho mấy doanh nghiệp quốc doanh này vay, và kiếm lãi dễ ợt.

Đây là bài học lớn cho tất cả, không riêng gì ban lãnh đạo Vinashin mà cả Chính phủ VN, cả những ông chủ nợ cho vay, và những bộ phận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát…

Mất mát trong vụ Vinashin đã quá nhiều rồi, không thể lại sử dụng ngân sách nhà nước để trả nợ thay và mất mát thêm nữa (câu này là ý kiến riêng của tôi, có thể có nhiều người có ý kiến khác, là nên trả nợ thay để tránh mất uy tín, khó khăn về sau cho các doanh nghiệp khác đi vay quốc tế…).

Nicecowboy

Category: Kinh tế | Views: 1609 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 545
Khách: 545
Thành Viên: 0