Thứ Sáu, 2025-01-03, 4:34 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2010 » Tháng Sáu » 11 » Về những văn kiện Đại hội XI
4:39 PM
Về những văn kiện Đại hội XI

Bùi Tín



I. Thiếu lập luận chặt chẽ, lẩn tránh thực tế, nói lấy được

Một nhóm bạn sinh viên trẻ ở Hà Nội và Sài Gòn nhắn sang Paris yêu cầu nhà báo Bùi Tín đưa ra vài nhận xét về những văn kiện của đại hội XI đang và sẽ được thảo luận trong các đại hội đảng các cấp cơ sở, quận huyện, tỉnh thành, các ngành quân đội, công an, cơ quan trung ương.

Tôi vui, mừng nhận được yêu cầu này. Tuổi trẻ quan tâm đến các vấn đề chính trị của đất nước là điều quý.

Đáp lại niềm tin yêu của các bạn trẻ, tôi sẽ viết vài bài nhận xét thật khách quan, không định kiến, công bằng về những văn kiện ấy, để tùy các bạn xem xét, suy luận và có chính kiến của chính mình.

Trước hết tôi nghĩ một đảng có ý thức trách nhiệm cao với đất nước, với dân tộc cần có thái độ ngay thật, công khai minh bạch với nhân dân, có tinh thần tự phê bình thật cao, nói rõ cả những thành tích, cả những thiếu sót, lỗi lầm của chính mình, kiến nghị những giải pháp sát đúng, có hiệu quả.

Văn kiện đưa ra trước Đại hội các cấp phải là văn kiện có lập luận chặt chẽ và chính xác, dựa vào thực tiễn là thước đo của chân lý, phản ánh đúng cuộc sống thực tế, đáp ứng đúng nguyện vọng và lợi ích của các tầng lớp nhân dân.

Trong các văn kiện chuẩn bị cho Đại hội XI, ngoài bản "Báo cáo chính trị của Ban chấp hành trung ương khóa X”, có bài "Sự phát triển nhận thức của đảng ta từ Cương lĩnh năm 1991 đến nay” là đáng chú ý nhất.

Vì các văn kiện trên đây mang cái vẻ của một văn kiện để tuyên truyền hơn là một bản báo cáo chính trị trình đại hội đảng, thiên về nêu bật những kết quả, thắng lợi với những tính từ nhấn mạnh có phần quá đáng, còn những thiếu sót, khuyết điểm lầm lỗi thì chỉ như kể qua cho có, thiều sự thành khẩn cần thiết, nên tôi sẽ chú trọng nêu lên điều thiên lệch ấy.

Thiếu lập luận chặt chẽ, lẩn tránh thực tế là nét yếu cơ bản nhất của các văn kiện. Một số luận điểm quan trọng được đưa ra, mà chưa được lập luận chặt chẽ, thiếu sức thuyết phục. Người nghe cứ nghe mãi rồi quen đi, nhưng thực tế chưa hề được chứng minh.

a)- Ví dụ các văn kiện khi đánh giá khái quát quá trình cách mạng trong hơn 60 năm qua, đã nêu bật nhận định : "Cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 đã đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên Độc lập Tự do”.

Nhận định này không có lập luận chứng minh, do không có thực tế để dẫn chứng.

65 năm nay, dân tộc ta đã có độc lập và tự do ngày càng trọn vẹn hay chưa? Độc lập của dân tộc thì có, nhưng tự do của nhân dân, tự do của công dân thì chưa. Một đất nước không có tự do báo chí, công dân không được ra báo, công dân không có điều kiện thực hiện bầu cử tự do, không có quyền tự do ứng cử bầu cử, lựa chọn đại biểu của mình như ở các đất nước tự do dân chủ khác, vậy luận điểm trên đây có giá trị chân lý hay không?

Khi tự do của người công dân trong toàn xã hội không được tôn trọng và phát huy thì nền độc lập của đất nước cũng không vững chắc vì thiếu một sự cố kết dân tộc trước hiểm họa bành trướng và xâm lăng.

Không bao giờ câu châm ngôn "Không gì quý hơn độc lập tự do” – tự do thật sự của xã hội, tự do của mỗi công dân -- lại có ý nghĩa cấp bách như hiện nay.

Khẳng định của văn kiện Đại hội XI rằng nước ta đã bước vào "Kỷ nguyên Độc lập Tự do từ tháng 8 năm 1945” là không đúng với thực tế, là sai so với cuộc sống thật hàng ngày, còn nguy hiểm vì nó che dấu khát vọng tự do cháy bỏng hiện nay của đông đảo nhân dân trong thời kỳ mở cửa hội nhập, còn nhằm bóp ngẹt khát vọng chính đáng về tự do ngôn luận, tự do sáng tạo của hàng chục vạn nhà báo viết, báo nói, báo mạng, cũng như của đông đảo văn nghệ sỹ và của toàn dân hiện nay. Cần công nhận rằng từ năm 1986 quyền tự do kinh tế, tự do kinh doanh đã được thực hiện, quyền tự do công dân có được tôn trọng như tự do di chuyển, tự do xuất ngoại để kinh doanh, du học, du lịch, chữa bệnh…, nhưng quyền tự do chính trị thì vẫn bị hạn chế ngặt nghèo do chế độ độc quyền đảng trị. Đây là một sự thật rành rành mà lãnh đạo không dám khẳng định trước nhân dân. Chính sự thiếu tự do của công dân, của báo chí, của công luận đã làm bế tắc cuộc đấu tranh chống tham nhũng lãng phí (có phỏng đoán tham nhũng lãng phí làm hao tổn 20% thu nhập quốc dân hàng năm ) và làm cho đạo đức xã hội suy đồi, tệ nạn xã hội luôn đạt mức "kỷ lục” cả về số vụ việc và tính chất nghiêm trọng, bất công xã hội lan tràn khắp nơi.

b )- Ví dụ thứ 2 là nội dung nói về "nền dân chủ và pháp quyền xã hội chủ nghĩa”. Văn kiện viết rất chung chung, không có dẫn chứng thực tế, nhưng lại khẳng định là: "trong khi dân chủ và pháp quyền tư bản chủ nghĩa chỉ là công cụ bảo vệ và phục vụ lợi ích của giai cấp tư sản thì dân chủ và pháp quyền XHCN là công cụ thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ lợi ích của nhân dân”.

Thực tế có đúng như thế hay không? Tôi đã nhiều năm sống trên đất Pháp, Đức, Mỹ, Canada…, quan sát tại chỗ nhiều buổi họp Quốc hội, theo dõi khá nhiều phiên tòa ở Paris, Berlin, Houston, San José (Mỹ), Ottawa (Canada), v.v., thì tôi cho rằng dân chủ đạt được mức độ như ở các nước tư bản ấy, xem ra ta sẽ còn lâu, lâu lắm mới đạt.

Ở Pháp, thường cứ vào một chiều thứ năm trong tháng, Quốc hội mở cuộc chất vấn Chính phủ, bất cứ đại biểu quốc hội nào cũng có quyền giơ tay đứng dậy đặt bất cứ một vấn đề gì cho bất cứ thành viên chính phủ nào, từ Thủ tướng, bộ trưởng đến thứ trưởng, và ngay sau đó người bị chất vấn phải trả lời lập tức, rõ ràng, cặn kẽ. Toàn là những vấn đề gai góc, phức tạp, gay cấn, mang kịch tính cao, hấp dẫn công luận, gây tranh luận xôn xao trên báo chí. Ở Hà Nội, bao giờ được như thế?

Ở các nước trên, không thể xảy ra những phiên tòa chính trị bịt mồm bị cáo, nói là xử công khai mà không cho thân nhân, bạn bè, nhà báo tự do, viên chức nước ngoài tham dự, không cho luật sư biện hộ đến cùng, những phiên tòa chỉ xử trong vòng có 3, 4 tiếng đồng hồ, với những bản án bỏ túi tiền chế.

Khẳng định rằng pháp quyền XHCN và dân chủ XHCN là ưu việt như trên đây không những là trái với sự thật, thiếu vắng thực tiễn, là giả dối, coi thường và lừa gạt các đại biểu đại hội, mà còn nguy hiểm là tỏ ra hài lòng thỏa mãn với những việc làm sai đã qua, nghĩa là cứ thế mà làm tiếp!

Ở các nước tư bản, không thể có chuyện một công dân đòi dân chủ nhân quyền bằng phương pháp bất bạo động, hòa bình lại có thể bị nhà nước kết tội kiểu vu cáo là có "âm mưu lật đổ chính quyền”.  Đó là nền "dân chủ" cưỡng ép, nền tư pháp chà đạp công lý, những phiên tòa nhạo báng pháp luật, là dân chủ ngược đời, mang danh xưng "dân chủ XHCN" và danh xưng "pháp quyền XHCN" thì không làm vẻ vang gì cho CNXH cả!

Nhân đây, xin nhắn với các bạn trẻ chớ bị tác động bởi các tràng vỗ tay trong các đại hội đảng CS. Viết cho sướng tay, đọc cho sướng mồm, được nghe vỗ tay sướng tai, lãnh đạo đọc văn kiện chớ vội mừng. Nhân dân thính tai, sáng mắt hơn nhiều. Tại các đại hội đảng CS ở Liên Xô, Ba Lan, Tiệp Khắc, Romania…hồi xưa đều ca ngợi CNXH theo học thuyết Mác-xít, còn dự đoán CNXH Mác-xít sẽ lan rộng ra toàn thế giới, nhưng sau đó tất cả những cương lĩnh XHCN chủ quan, duy ý chí, hoang tưởng ấy đều bị phong trào dân chủ của nhân dân bác bỏ, đến nay không một ai tại đó còn nhắc đến CNXH Mác-xít kiểu độc đảng nữa. Thất bại triệt để chỉ vì những cương lĩnh CNXH Mác-xít ấy không dựa trên những lập luận vững chắc và những cơ sở thực tế của cuộc sống.

Các bạn trẻ hãy có tư duy độc lập, tỉnh táo, sẽ tự tìm ra thêm trong những văn kiện Đại hội XI không ít những luận điểm chủ quan, dễ dãi, giáo điều, không thực tế, thiếu tinh chất khoa học mà nền chính trị hiện đại đòi hỏi.

II. Chủ nghĩa Xã hội loại nào vậy?

 
Một từ được lập đi lập lại nhiếu lần nhất, đến hàng trăm lần trong mọi văn kiện trình Đại hội XI là danh từ ghép xã hội chủ nghĩa (XHCN).

Các văn kiện luôn nhắc đến «Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội» thường gọi tắt là Cương lĩnh năm 1991.

Cương lĩnh năm 1991 được coi là «nền tảng tư tưởng lý luận và ngọn cờ chiến đấu của đảng, của dân tộc trong giai đoạn mới».

Cương lĩnh này hiện được coi là nội dung trung tâm và cơ bản của Đại hội XI, từ các đại hội đảng ở cơ sở, đại hội đảng phường - xã, qua đại hội đảng quận- huyện, đến đại hội đảng tỉnh – thành, các ngành Quân đội, Công an, cho đến Đại hội đảng toàn quốc sẽ diễn ra vào tháng giêng 2011.

Bộ máy tuyên truyền cộng sản cho rằng Bản cương lĩnh năm 1991 sau gần 20 năm thực hiện thắng lợi đã có bước phát triển về nhận thức rất quan trọng, trong đó đáng kể nhất là vấn đề phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, nghĩa là «vừa tuân theo những quy luật của cơ chế thị trường vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của CNXH, thể hiện trên cả ba mặt sở hữu, tổ chức quản lý và phân phối, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh».

Các văn kiện nhấn mạnh trong quá trình đổi mới, lãnh đạo đảng đã không ngừng bổ sung, phát triển trên nhiều vấn đề cơ bản và quan trọng góp phần từng bước làm sáng tỏ thêm nội dung của bản Cương lĩnh.

Bổ sung, phát triển và làm sáng tỏ Cương lĩnh quá độ lên CNXH! Có thật không? Quả thật tôi đọc đi đọc lại hàng chục lần mà vẫn không sao nhận ra. Ngược lại càng tìm hiểu càng suy nghĩ và đối chiếu với thực tế, tôi càng thấy nó mù mờ, không phản ánh thực tế, cũng không sáng sủa chút nào về lý luận.

Vì vấn đề trung tâm của Cương lĩnh là xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thế giới hiện đại, nên tôi đã tìm đọc nhiều sách lý luận, sách giáo khoa cho sinh viên ngành chính trị, thể chế của Pháp, Mỹ, Anh, Úc, Canada…thì thấy rằng các người viết dự thảo đã hình như cố tình tránh né nhiều quan điểm chính trị phổ cập về CNXH của thế giới hiện nay.

Chủ nghĩa xã hội trong thời đại hiện nay là gì? Xưa kia có những quan niệm ấu trĩ, sơ khai, đơn giản về CNXH, CNXH bình quân, rồi đến CNXH Mác-xít, CNXH Mao-ít, chủ nghĩa Xã hội-Quốc gia, và nay là CNXH-Dân chủ, được thực hiện ở một số nước Bắc Âu.

Thời đại đã loại bỏ cái Chủ nghĩa Xã hội- Quốc gia (National-Socialisme) gọi gọn là Chủ nghĩa Quốc Xã của phát xít Hitler.

Thời đại cũng đã loại bỏ phe XHCN gồm một loạt gần 20 nước XHCN Mác-xít một thời rộng lớn, bao gồm hầu khắp các lục địa, gồm nước rộng nhất và nước đông dân nhất hành tinh, với một số nước XHCN Mác-xít «dự bị» ngấp nghé gia nhập phe này như Nicaragua ở Trung Mỹ, Ghana, Guinea, Ethiopia, Angola, Mozambique ở châu Phi, ngay trước khi toàn phe XHCN tan vỡ.

Các nước Đông Âu XHCN cũ, đồng minh thân thiết một thời của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, không những đã cam kết từ bỏ học thuyết Mác-xít, còn coi CNXH Mác-xít là nhầm lẫn bi thảm nhất của lịch sử cận đại; Nghị viện châu Âu còn ra «Nghị quyết cấm tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội Mác-xít trên lãnh thổ châu Âu do những tội ác nó gây ra trên thực tế đã vượt quá tội ác của bọn phát xít Hitler».

Vậy các đại biểu dự Đại hội XI có đủ lý lẽ thuyết phục nhân dân để thông qua Cương lĩnh xây dựng kiểu CNXH Mác-xít độc đảng đã bị loại bỏ và lên án như trên hay không?

Theo sách lý luận và giáo khoa chính trị về CNXH, có rất nhiều chế độ mang danh hiệu, danh nghĩa XHCN, có khi là nước tư bản, có khi là nước XHCN Mác-xít, có khi là chế độ Hồi giáo, có khi theo chế độ quân chủ lập hiến…

Trung Quốc, Việt Nam, Cuba, Bắc Triều Tiên là 4 nước XHCN Mác-xít, độc đảng; ngoài ra nước cộng hòa Libya cũng tự nhận là nước XHCN Hồi giáo; nước Miến Điện cũng có lúc tự nhận là nước XHCN Myanmar, các nước Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy đều là vương quốc theo thể chế quân chủ lập hiến cũng được xếp vào loại chế độ XHCN– Dân chủ, hay Xã hội- Dân chủ.

Theo thống kê chính trị của Liên Hợp Quốc và các tổ chức truyền thông quốc tế có uy tín nhất, tuy có nghiều kiểu CNXH khác nhau, nhưng người ta chỉ xếp tất cả các nước XHCN theo 2 loại đối nghịch là: XHCN dân chủ và XHCN độc đoán hay độc tài.

Có những nước mang danh «cộng hòa nhân dân» như Trung Quốc, mang danh «cộng hòa dân chủ nhân dân» như bắc Triều Tiên, mang danh «cộng hoà XHCN» như Cuba, hay «cộng hòa XHCN Hồi giáo» như Libya… đều bị xếp chung một loại là các nước XHCN độc đoán, không có dân chủ, chưa có cả dân chủ từng phần. Các nước trên được xếp chung với các nước độc đoán khác là: Congo, Nigeria, Sudan, Angola, Ethiopia, và Zimbabwe ở châu Phi.

Trong khi đó các nước theo chủ nghĩa Dân chủ- Xã hội ở Bắc Âu lại được Liên Hợp Quốc và hệ thống truyền thông quốc tế xếp vào loại các nước dân chủ truyền thống, các nước dân chủ trưởng thành, được xếp hàng rất cao trong các nước dân chủ tiên tiến.

Như Na Uy với 5 triệu dân, thu nhập bình quân đầu người (2009) là 40 ngàn đôla/năm, đứng vào hàng thứ 2 thế giới. Như Thụy Điển với 9 triệu dân, thu nhập bình quân đầu người 29 ngàn đôla/năm, đứng vào hàng thứ 18 của thế giới và hàng đầu về phát triển dân chủ và phát triển con người. Như Đan Mạch với hơn 5 triệu dân, thu nhập bình quân đầu người 37 ngàn đôla/năm(2009), đứng vào hàng thứ 8 thế giới, được coi là một xã hội phúc lợi, mỗi công dân được nhà nước quan tâm chăm sóc chu đáo nhất, từ khi còn là bào thai trong bụng mẹ đến khi chào đời, qua nhà trẻ, mẫu giáo, măng non, cho đến khi học vỡ lòng, lên tiểu học, trung học, đại học hay cao học, hay dạy nghề. Người dân Đan Mạch được chăm sóc y tế hoàn toàn miễn phí, khi ốm đau, tai nạn, thiên tai đều được nhà nước chăm sóc chu đáo. Đan Mạch cũng là nước mà người lao động được nghỉ ngơi, dưỡng bệnh, chăm sóc tinh thần, giữ gìn môi trường, giải trí lành mạnh, và du lịch. Khi về già, người dân Đan Mạch được xã hội chăm sóc chu đáo nhất, nên tuổi thọ bình quân của họ cao bậc nhất thế giới (79). Do đó, dân Đan Mạch được báo Anh the Economist (2-2010) xem là sống hạnh phúc nhất thế giới.

Các nước này đâu có cần bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, cũng chẳng cần mang cái tên CNXH như một nhãn hiệu có tên mà không có thực chất. Họ càng không cần phải «bỏ qua chủ nghĩa tư bản» như Cương lĩnh hiện tại của đảng CS Việt Nam rêu rao nhiều lần trong các văn kiện.

Cuối cùng, tôi xin lưu ý lãnh đạo Đảng CS và ban dự thảo các văn kiện Đại hội XI một đôi điều như sau:

-Quý vị có biết Liên Hợp Quốc xếp nước CHXHCN Việt Nam vào hàng thứ 153 về thực hiện dân chủ, trong các nước độc đoán, người dân chưa có quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do lập đảng và tự do bầu cử, vậy nhân dịp Đại hội XI nước ta có cần phấn đấu để cải thiện cái thứ hạng ấy không? Và bằng cách nào?

-Ta bỏ qua chủ nghĩa tư bản, xây dựng từng bước chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mác – Lênin, vậy Nhà nước XHCN luôn được coi là cao hơn chủ nghĩa tư bản hiện đang làm chức năng chăm lo cho toàn xã hội đang có chương trình phúc lợi ra sao? Đối với trẻ sơ sinh, với người mẹ cô đơn, với gia đình đông con? việc nhà nước XHCN lo cho vườn trẻ, mẫu giáo, cho giáo dục tiểu, trung, lên đại học miễn phí ra sao? Trước mắt và trong tương lai việc chữa bệnh cho mọi công dân được Nhà nước lo liệu ra sao? Rồi đối với người tàn phế, người cao tuổi, thương bệnh binh các cuộc chiến tranh, nạn nhân các thiên tai, Nhà nước sẽ giúp đỡ như thế nào?

Cương lĩnh nhiều lần nói đến dân chủ, đến quyền làm chủ của dân, nhưng trong thực hiện thì không thấy rõ biện pháp nào, thực hiện ra sao.

Nói hàng trăm lần đến chủ nghĩa xã hội, nhưng trong thực hiện, không thấy nội dung và biện pháp ở đâu cả. Lẽ ra Nhà nước XHCN phải là nhà nước thúc đẩy phát triển đạt dân giàu nước mạnh rồi phân phối hợp lý cho toàn xã hội được hưởng thành quả do xã hội làm ra, nhưng hiện nay Nhà nước vừa không giải nổi bài toán phát triển, vừa không giải nổi bài toán phân phối, phục vụ toàn xã hội.

Tự nhốt mình trong loại CNXH độc đảng, các văn kiện không giải được vấn đề dân chủ là vấn đề cốt lõi thì làm sao giải được vấn đề xã hội công bằng và văn minh là cốt lõi của CNXH!

(còn tiếp nhiều kỳ)

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 619 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 3
Khách: 3
Thành Viên: 0