Luật sư Trần Lâm, người sẽ bảo vệ nhà bất đồng chính kiến Vi Đức Hồi trong phiên phúc thẩm ngày 26/4 nói ông cũng chịu cách xử của tòa như ông Hà Vũ.
Ông Lâm sẽ lên Lạng Sơn trong ngày mai để gặp thân chủ, người từng là giám đốc một trường đảng cấp huyện tại tỉnh, trước phiên xử vào thứ Ba tuần tới.
Trong phiên sơ thẩm, ông Vi Đức Hồi bị tuyên án tám năm tù giam và năm năm quản chế tại gia vì tội tuyên truyền chống nhà nước.
Vị luật sư nói với BBC về phiên xử sơ thẩm ông Vi Đức Hồi:
"Cũng như vụ Cù Huy Hà Vũ, cùng làm theo kiểu cho nó xong đi, rồi năm câu ba chữ thôi, không đi sâu gì, không có nghiệp vụ, không có nghề nghiệp gì đâu.
"Ở trên đã quyết định mức án, thế họ cũng làm một cái hình thức ở tòa nọ, tòa kia rồi nói mấy câu nhưng thực ra nó cũng chẳng vào đâu cả, rồi cuối cùng tuyên án là xong.
"Ông Cù Huy Hà Vũ là thấp hơn ông Hồi, lý do là vì chiếu cố nhân thân, chiếu cố gia đình. Và trong khi tuyên án thì cái ông án ông ấy tuyên rằng là được chiếu cố nên mới được bẩy năm chứ không còn nặng hơn.
"Thế còn ông Vi Đức Hồi thì anh em ở địa phương họ xử thì họ cũng không chặt chẽ lắm thì chắc là 'trên' bảo như thế.
"Nhiều người người ta đang nghi ngờ số tám này, tại sao lại lên đến số tám.
"Tôi thì tôi chưa cho rằng là tất cả các vụ án ở các nước tư bản đã tốt...nhưng ít ra người ta cũng có những nguyên tắc, những trình tự, những lề lối, những ép buộc để người ta làm cho nó suôn sẻ.
"Còn ở mình nó tùy tiện lắm."
Giám đốc thẩm
Ông Vi Đức Hồi, 56 tuổi, gia nhập Đảng cộng sản năm 1980 và bị khai trừ năm 2007 vì các bài viết phê phán đảng.
Ông được Human Rights Watch trao giải Hellman/Hammett năm 2009 vì đã "thúc đẩy tự do ngôn luận".
Nói về mục tiêu của các cuộc tiếp xúc trong hai, ba ngày tới với thân chủ, ông Trần Lâm cho biết:
"Anh Hồi là người trong cuộc, luật sư là người ngoài cuộc thế thì mình không hiểu rõ, những việc gì chưa rõ ràng phải tìm hiểu.
"Việc thứ hai nữa, đôi bên, giữa người luật sư và người bị cáo, nói rằng vậy thì trong vụ án này chúng ta đặt mục tiêu nào."
"Hiện nay tôi định đến cái mức là nói rằng vô tội. Nhưng mà thực ra nếu có chút ít thì cũng phải nhận thôi, chứ còn nặng như thế này [mức án tám năm tù] thì không thể được, tôi không chấp nhận.
"Mà tôi không chấp nhận thì tôi còn một cửa thứ ba nữa là tôi đề nghị với anh Hồi cùng với tôi làm giám đốc thẩm, tức là đề nghị xét lại cái bản phúc thẩm."
"Giám đốc thẩm chỉ khi nào có sai lầm mà sai lầm tương đối đậm đậm, tương đối nặng thì mới sửa.
"Nhưng vụ án này nếu mà cứ tám năm thì cũng phải làm giám đốc thẩm."
'Đẹp đẽ'
Khi được hỏi về tình hình của ông Vi Đức Hồi trong trại giam ở Lạng Sơn, ông Trần Lâm nói:
"Hôm nọ có hơi bị đau cái gì trong người nhưng sau vợ con gửi thuốc vào, uống xong người cũng khá rồi, không đến nỗi nào.
"Còn về tinh thần thì anh ấy là người trầm tĩnh, vững vàng lắm cho nên đứng về mặt tinh thần không có gì phải lo ngại cả."
Anh ấy nói với tôi là cũng có chăn, có màn ở nhà mang đến, quần áo ở nhà mang đến, thuốc men ở nhà mang đến.
Luật sư Trần Lâm cũng nói ông vẫn giữ liên hệ thường xuyên với gia đình của ông Vi Đức Hồi.
"Cô ấy [vợ ông Vi Đức Hồi - bà Hoàng Thị Tươi] là một cô giáo, cũng chân thật như chồng, giống tính nhau lắm.
"Thế còn cô ấy chả hiểu biết gì về luật pháp đâu, cô ấy cứ ngồi ở nhà như thế, an phận, được đến đâu hay đến đấy.
"Bây giờ thì cũng tỏ vẻ cũng yên tâm hơn vì cái trại giam nó đối với anh ấy hình như cũng tốt.
"Thiếu cái gì vợ mang đến là được đưa vào hết.
"Anh ấy nói với tôi là cũng có chăn, có màn ở nhà mang đến, quần áo ở nhà mang đến, thuốc men ở nhà mang đến.
"Còn mọi nơi thì đừng hòng, mọi nơi khó được gặp lắm.
"Vợ vẫn lên vẫn gặp chồng, mang đồ đạc lên.
"Hình như quan hệ giữa trại giam với lại gia đình bị cáo với bị cáo tương đối cũng đẹp đẽ."