Thứ Ba, 2025-01-21, 6:13 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2012 » Tháng Giêng » 19 » Viễn ảnh đột biến Nhâm Thìn
2:13 PM
Viễn ảnh đột biến Nhâm Thìn


2012-01-18

Còn chưa đầy một tuần, nhân loại sẽ chào mừng Tết Nhâm Thìn, và với nhiều sắc dân thế giới, người ta chờ mong năm con rồng sẽ đem lại nhiều điều may mắn hơn năm Tân Mão sóng gió sắp cáo chung.

AFP

Biểu đồ phát triển kinh tế từng vùng năm 2010-2011 và dự đoán đến năm 2013.

Diễn đàn Kinh tế không ra khỏi thông lệ với bài tổng kết về dự báo cho năm mới. Xin quý thính giả theo dõi cuộc trao đổi của Vũ Hoàng với nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa của đài Á châu Tự do về những dự báo này.

Thay đổi để thích ứng

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Thưa ông, người ta cứ nói rằng "kinh tế học là một khoa học u ám" vì thiên hạ chỉ chú ý đến kinh tế khi tình hình thiếu khả quan. Suốt năm Tân Mão thì tình hình quả là thiếu khả quan, thậm chí còn đặc biệt đen tối cho một số quốc gia. Qua năm Nhâm Thìn, liệu hồ sơ kinh tế của thế giới sẽ có chiều hướng sáng sủa hơn không, khi mà trong một chương trình trước đây ông nói đến dự đoán của giới kinh tế là đa số các nước sẽ "cùng nhau hạ cánh". Trong một chương trình tất niên, chúng ta có tin gì vui hơn cho thính giả không, thưa ông?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thói thường thì thiên hạ không thích tin xấu và nhiều khi kẻ báo tin lại là người có tội! Nhưng trong lĩnh vực kinh tế của chúng ta, có lẽ mình sẽ phải châm thêm một yếu tố khác vào cách suy luận của mình - về những chuyện gọi là "xấu" và "tốt", hoặc nói cho dễ hiểu là "trong cái rủi lại có cái may". Kỳ này, chúng ta sẽ nhắc đến cái may ấy. Trước hết, ta nên nhìn vào các trục thời gian để đặt vấn đề của một năm vào một khung cảnh dài hạn hơn.

Chúng ta đang ở giữa một chu kỳ điều chỉnh chung, vài chục năm mới xảy ra một lần. Từ hai chục năm nay, nhân loại sinh hoạt trong khuôn khổ nhất định sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc cuối năm 1991 với sự sụp đổ của Liên bang Xô viết. Khuôn khổ ấy khiến người ta lạc quan tin rằng từ nay thế giới đã đổi khác, như tại Việt Nam, rằng nền kinh tế đã thực sự đổi mới.

Đến năm 2008, tự nhiên thiên hạ thấy ra một đợt khủng hoảng tài chính rồi nhiều biến động dây chuyền cả kinh tế lẫn chính trị khiến những gì mình tưởng là bình thường đều bị đảo lộn. Những vất vả xoay trở trong bốn năm liền đã gây hoang mang và thất vọng, thậm chí một sự khủng hoảng phổ biến về niềm tin mà chương trình của chúng ta đã nói đến vào cuối năm dương lịch.

Qua năm Nhâm Thìn 2012, mọi người và hầu hết mọi quốc gia đều ý thức được là sẽ không thể tiếp tục như xưa, cho nên hầu như quốc gia nào cũng đang cố gắng thay đổi để thích ứng với hoàn cảnh mới.

Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa

Qua năm Nhâm Thìn 2012, mọi người và hầu hết mọi quốc gia đều ý thức được là sẽ không thể tiếp tục như xưa, cho nên hầu như quốc gia nào cũng đang cố gắng thay đổi để thích ứng với hoàn cảnh mới. Vì vậy, nhìn vào cái trục thời gian thì Nhâm Thìn sẽ là một năm thay đổi, và đấy là "cái may" trong "cái rủi" nếu mình có khả năng lùi lại để thấy ra toàn cảnh....

Vũ Hoàng: Ông có một lối phân tích khá lạnh lùng về cái lẽ tương đối của mọi chuyện. Nếu có thể thì xin đề nghị ông đưa ra một số thí dụ cho thính giả của chúng ta cùng hiểu được thế nào là "không thể tiếp tục như xưa mà phải thay đổi" và đấy là điều may?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Chúng ta chứng kiến một sự lạ tại Hoa Kỳ, vốn dĩ là đầu máy kinh tế của thế giới vì trong nhiều thập niên liền đã đóng góp tới 60% vào đà tăng trưởng của toàn cầu - ví dụ như kinh tế thế giới có tăng trưởng bình quân là 5% một năm thì có 3% là do sức tiêu thụ và nhập khẩu của thị trường Hoa Kỳ. Bây giờ, nước Mỹ đang phải tiết kiệm để trả nợ và lãnh đạo tranh luận suốt năm về những giải pháp kinh tế và chính trị chưa từng thấy từ mấy chục năm. Đó là một thí dụ.

Gần với chúng ta hơn và đặc biệt là chi phối Việt Nam rất nặng là tình hình Trung Quốc. Năm qua, Trung Quốc đã vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế đứng hạng nhì thế giới sau nước Mỹ. Vậy mà động loạn đã bùng nổ suốt năm và lãnh đạo xứ này phải công nhận là mô hình kinh tế của họ là "không cân đối, không công bằng, không ổn định và không bền vững" và ngày càng có nhiều người cho rằng xứ này sẽ bị loạn to sau một vụ hạ cánh nặng nề.

Thí dụ thứ ba là ngay tại Việt Nam là nơi mà lãnh đạo cũng đã công khai nói đến việc tái cơ cấu, nôm na là phải đổi mới lần nữa sau hai chục năm đổi mới vừa qua. Nếu không thì chế độ có thể sụp đổ. Khi mà cả Hoa Kỳ, Trung Quốc, chưa nói gì đến Âu Châu, mà đều thấy là phải chuyển hướng thì ta rất dễ đoán ra sự thể của Nhâm Thìn, là những đổi thay từ gốc rễ.

Một chuyện cụ thể nhất là nếu các nước giàu có đều co cụm và nhập khẩu ít hơn thì kinh tế Trung Quốc, Việt Nam hoặc cả khối châu Á sẽ làm sao để tăng trưởng? Nếu không có tăng trưởng mà cơ cấu xã hội lại bất công và bất ổn như mọi người đã thấy tại Trung Quốc và Việt Nam thì phải chuyển hướng. Mà nếu không xoay thì sẽ có đổi thay chính trị hay cách mạng!

Động loạn Trung Quốc

035_pau587880_10-250.jpg
Ông Zhou Xiaochuan, Thống đốc Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBOC) phát biểu tại một diễn đàn kinh tế tổ chức tại Bắc Kinh hôm 25/12/2011. AFP
Vũ Hoàng: Ông trình bày như vậy thì thính giả của chúng ta có thể thấy ra toàn cảnh của bài toán và vì sao chuyện rủi về kinh tế có khi lại là cái may. Cũng trong khung cảnh đó và dù là ta không có thời giờ phân tích cho rõ ràng hơn, hôm Thứ Tư 11 vừa qua, ngân hàng Hongkong & Shanghai Bank của Anh quốc có công bố một dự báo khá lạc quan về tình hình kinh tế thế giới vào năm 2050, với đà tăng trưởng rất mạnh của các quốc gia thuộc vào nhóm "đang phát triển". Trong khối 26 quốc gia có đà tăng trưởng mạnh nhất vào năm 2050, Việt Nam đứng hạng chín và sẽ nằm trong 50 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới. Phải chăng đấy cũng là một cách nhìn về khuôn khổ thời gian ngắn hay dài?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa đúng vậy và... sang năm có khi ta sẽ đề cập tới dự báo ấy.
Tôi chỉ xin tóm lược rằng ngân hàng này dùng một mô thức kinh toán học để phóng chiếu sức mạnh của các nền kinh tế vào tương lai, với động lực là tài nguyên quốc gia. Trong loại tài nguyên này, quan trọng nhất là nhân lực, hay dân số. Trong dân số là vài chục hay cả trăm triệu, quan trọng nhất là phẩm chất - tức là giáo dục, đào tạo và khả năng tổ chức để cải thiện năng suất kinh tế - chứ không phải là số lượng, đông dân hay ít người.

Nếu lạc quan và thực tế thì phải nghĩ rằng một người dân là một đơn vị sản xuất có trí não và bắp thịt để đóng góp cho sản xuất hơn là chỉ có cái miệng ăn và là một đơn vị tiêu thụ. Dù sao, dự phóng ấy của ngân hàng HSBC cũng giúp ta nhìn xa hơn chân trời của một năm: nếu không cải cách giáo dục thì Việt Nam khó vươn tới vị trí lạc quan đó mà còn bị tụt hậu, và thua Philippines là quốc gia được dự báo có nền kinh tế đứng hạng thứ 19 của thế giới vào năm 2050!

Vũ Hoàng: Trở lại chuyện Nhâm Thìn, thưa ông, đâu là những yếu tố khiến người ta có thể lạc quan?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi xin được nhắc đến những sự việc nhỏ mà báo hiệu nhiều chuyển động lớn vì có thể là điển hình của tình trạng ta gọi là "thay đổi tất yếu", và cũng lại bắt đầu từ Trung Quốc vì là xứ láng giềng mà nhiều lãnh đạo tại Hà Nội lại coi là mẫu mực. Trong năm Mão này, chính là người Trung Hoa đã thấy mô thức của họ hết là mẫu mực và phải thay đổi.

Lãnh đạo Bắc Kinh phải rà soát lại toàn bộ chính sách nông nghiệp, đô thị hóa và công nghiệp hoá trong khung cảnh đầy khó khăn của các tỉnh đã phát đạt ở vùng duyên hải.

Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa

Trước hết là "sự cố Ôn Châu" trong ngoặc kép. Ôn Châu thuộc tỉnh Chiết Giang được coi là "cái nôi của tư bản chủ nghĩa với màu sắc Trung Hoa" do phản ứng làm ăn rất biến báo linh động của người dân. Trong năm qua, tư doanh Ôn Châu phá sản hàng loạt và dân chúng biểu tình liên tục. Điều ấy cho thấy giới hạn và sự sụp đổ của chiến lược xây dựng xã hội chủ nghĩa bằng kinh tế thị trường nhưng dưới sự lãnh đạo của một đảng độc quyền. Hình thái kinh tế tự do ở dưới một chế độ chính trị độc tài không thể tồn tại, như người ta cũng đã có thể thấy trong thế giới Á Rập Hồi giáo. Ngược lại, chế độ dân chủ có thể là nhiêu khê rắc rối nhưng vẫn đem lại hy vọng sửa sai và chọn lựa giải pháp kinh tế linh hoạt hơn.

Vũ Hoàng: Tức là ông nhìn thấy những yếu tố tích cực từ sự suy sụp của mô hình phát triển kiểu Ôn Châu, là nơi mà năm qua cũng bị động loạn khi có tai nạn thảm khốc của đường xe lửa cao tốc. Ngoài ra còn sự việc nhỏ nào mà báo hiệu nhiều chuyện lớn theo cách suy luận của ông?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Chuyện thứ hai là "sự cố Ô Khảm" cũng trong ngoặc kép. Ô Khảm thuộc tỉnh Quảng Đông là một biểu hiện của bài toán không thể không giải quyết của hồ sơ nông dân và chính sách đô thị hóa để công nghiệp hoá của Trung Quốc. Người dân tại đây bị chính quyền địa phương cướp đất cho yêu cầu gọi là đô thị hóa nên đã nổi loạn. Họ đấu tranh trong mấy tuần liền và thực tế đã cướp chính quyền và quản lý lấy khu vực sinh hoạt của họ. Cuối cùng thì chính quyền ở trên đã bị động, phải cứu xét và quyết định là trao quyền quản lý cho chính những người biểu tình! Trung ương không chỉ nhượng bộ mà thực tế là truất bãi đảng viên cán bộ làm bậy, nếu không thì động loạn sẽ còn lan rộng.

Xuyên qua chuyện nhỏ đó, ta thấy ra chuyển động lớn sau đây. Khi bắt đầu cải cách năm 1979, Đặng Tiểu Bình trước tiên nâng đỡ thành phần nông dân, vốn dĩ là chủ lực của cách mạng. Mươi năm sau, tức là từ hai chục năm qua, nông dân lại bị bóc lột, trước hết là từ giá thực phẩm mua vào quá rẻ để nuôi thành phố, kế tiếp là từ việc lấy đất đai để phát triển đô thị và công nghiệp. Mà kẻ lấy đất đai lại là thiểu số có đặc quyền về chính trị và đặc lợi về kinh tế. Tình trạng bóc lột đó vì không đền bù thoả đáng đã dẫn tới nguy cơ ta gọi là "cách mạng" nông dân qua mâu thuẫn lan rộng giữa nông dân và cả dân công bị xiêu tán để kiếm việc và bị chết kẹt trong chính sách "hộ khẩu" của họ. Vì vậy, lãnh đạo Bắc Kinh phải rà soát lại toàn bộ chính sách nông nghiệp, đô thị hóa và công nghiệp hoá trong khung cảnh đầy khó khăn của các tỉnh đã phát đạt ở vùng duyên hải. Vụ Ô Khảm phản ảnh tình trạng gọi là "đổi thay tất yếu".

Việt Nam năm Nhâm Thìn

Vũ Hoàng: Từ hai thí dụ Ôn Châu và Ô Khảm của Trung Quốc ta chuyển tầm nhìn về Việt Nam. Thưa ông, đâu là những yếu tố khiến người ta có thể lạc quan và là cái may trong cái rủi như ông trình bày vào đầu câu chuyện?

canh-sat-1-250.jpg
Công an cưỡng chế khu đất của ông Đoàn Văn Vươn hôm 05/1/2012.
Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ rằng Việt Nam đi sau Trung Quốc và có lẽ chỉ thay đổi khi thấy Trung Quốc đổi thay. Cho nên những khó khăn hoạn nạn của xứ láng giềng có vấn đề này là một hồi chuông cảnh báo có lợi cho Việt Nam, trước hết là về nhận thức.

Đầu tiên, do bất cập về khả năng và thái quá về đối sách, Việt Nam bị lạm phát mạnh và năm qua cả vạn doanh nghiệp tư nhân bị phá sản, hệ thống ngân hàng bị nguy cơ sụp đổ. Thế rồi việc tái cơ cấu hoặc sát nhập là cơ hội trục lợi cho các doanh nghiệp nhà nước hoặc tay chân của họ, vốn dĩ là thiểu số được ưu đãi và vì đặc lợi mà còn cản trở việc cải cách hay chuyển hướng. Đấy cũng là một vụ Ôn Châu, với màu sắc và kích thước Việt Nam. Trung Quốc đã gặp tình trạng đó như giới trí thức của họ, ở ngay trong đảng, đã phê phán rất nặng. Trong một kỳ khác, ta sẽ nói đến sự phê phán đó, nó còn triệt để và dữ dội hơn những gì đã thấy từ thành phần gọi là chuyên gia hay trí thức của Việt Nam.

Chuyện thứ hai là "sự cố Tiên Lãng" của thành phố Hải Phòng. Nó cho thấy sự bất lực và bất công của bộ máy nhà nước trước hiện tượng ngang nhiên bóc lột khiến nạn nhân bị đẩy vào đường cùng sau khi đổ mồ hôi và thậm chí xương máu để khẩn hoang và tìm đất canh tác. Vụ đó tất nhiên gây rúng động và thậm chí căm phẫn cho nhiều người, kể cả thành phần trong quân đội, trước sự lộng hành của công an và tay chân thân tộc. Khi một cựu chủ tịch nước mà cũng chủ động lên tiếng than phiền về vụ này, ta phải liên tưởng đến sự cố Ô Khảm của Trung Quốc. Nói nôm na là tình trạng tức nước vỡ bờ, hoặc lời cảnh báo không thể lầm lẫn được về hoàn cảnh ta gọi là không đổi mới thì chết! Đấy cũng là một dấu hiệu của cái may trong cái rủi.

Vũ Hoàng: Chúng ta không đủ thời giờ để phân tích thêm, nhưng kết thúc về hồ sơ Việt Nam trong năm Nhâm Thìn, ông nhận xét ra sao?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Chu kỳ biến động từ năm 2008 khiến cho từng quốc gia phải xoay bằng nhiều cách và sau hai lần xoay ngược 180 độ thì nhiều nơi đã trở về chốn cũ và nay đã biết rằng không thể tiếp tục như xưa.

Việt Nam đi sau Trung Quốc và có lẽ chỉ thay đổi khi thấy Trung Quốc đổi thay. Cho nên những khó khăn hoạn nạn của xứ láng giềng có vấn đề này là một hồi chuông cảnh báo có lợi cho Việt Nam, trước hết là về nhận thức.

Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa

Tôi mong rằng Việt Nam đã đi tới chỗ đó và phải rà soát lại quan niệm chiến lược rất mơ hồ mà bất công và bất lực, đó là cái gọi là "định hướng xã hội chủ nghĩa", lồng bên trong là vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế nhà nước. Nó là nguyên nhân của khủng hoảng trong bối cảnh suy trầm của thế giới. Ngày càng có nhiều người, kể cả trong đảng Cộng sản, đã ý thức ra nhược điểm ấy và kêu đòi cải cách. Năm năm trước, vào năm Đinh Hợi 2007 thì không mấy ai nghĩ như vậy vì cái đảng độc quyền lãnh đạo cứ tưởng rằng họ đi đúng hướng.

Ngày nay, sự chọn lựa trước mặt là phải thay đổi. Về kinh tế thì sẽ vất vả mất năm năm, về chính trị có khi là 10 năm bất ổn, mà nếu không đổi thì văn hoá sẽ sụp đổ, trăm năm chưa chắc đã phục hồi và chắc chắn là sẽ tụt hậu. Vì vậy, nếu có viễn ảnh đột biến năm Thìn thì có lẽ đấy mới là điều may mắn cho Việt Nam. Có lẽ đấy cũng là lời chúc của bản thân cho năm mới.

Vũ Hoàng: Xin trân trọng cảm tạ ông Nghĩa về cuộc phỏng vấn cuối năm này.
Category: Chính trị | Views: 1726 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 8
Khách: 8
Thành Viên: 0