Ngọc Trân

Trong một quán cà phê internet ở Sài Gòn. Ảnh: AFP / Hoang Dinh Nam Cuối
tháng 4 vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành một quyết định mới
về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ internet tại các đại lý
internet trên địa bàn Thành phối. Quyết định này đã gây lo ngại cho
Google, công ty cung cấp dịch vụ tìm kiếm lớn nhất thế giới.
Vì sao Google lo ngại về quyết định mới này? Quyết định này phục vụ
cho ai và nó có ảnh hưởng thế nào đối với khách hàng của Google ở Việt
Nam?
Do thám người sử dụng internet?
Có lẽ Google không gặp may trong năm nay, vì từ đầu năm đến giờ công
ty này liên tục gặp rắc rối khi làm ăn ở châu Á. Khởi đầu là cuộc chiến
giữa Google với Trung Quốc, khi công ty này khám phá ra khách hàng của
họ là những nhà hoạt động nhân quyền đã bị tấn công khi sử dụng dịch vụ
email của Google.
Bất đồng giữa Google với chính phủ Trung Quốc đã dẫn đến việc công
ty này buộc phải chuyển sang Hồng Kong, nơi các quy định có phần nới
lỏng hơn ở Hoa lục.
Cuối tháng 3 vừa qua, Google cho biết họ đã tìm thấy thêm các trường
hợp tấn công nhắm vào những tiếng nói bất đồng ở Việt Nam. Các cuộc tấn
công này xuất phát từ một công ty của chính phủ Trung Quốc, có liên
quan tới chính phủ Việt Nam, nhắm vào các trang mạng có tiếng nói đối
lập như, tấn công và đánh sập trang bauxite Việt Nam cùng nhiều trang
mạng khác của người Việt trong và ngoài nước, nhằm bóp nghẹt quyền tự
do bày tỏ ý kiến trên mạng.
Mới đây, Google cho biết, họ lo ngại về một quyết định mới ở Việt
Nam, quyết định số 15/2010/QĐ-UBND do bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Chủ
tịch UBND Thành phố Hà Nội ký ngày 26 tháng 4 năm 2010, Ban hành quy
định về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet, tại các đại lý
internet trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Ngoài các dịch vụ cung cấp internet công cộng, quy định này cũng áp
dụng cho tất cả các các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet ở các
nhà hàng, khách sạn, văn phòng, sân bay
trên khắp địa bàn Thành phố Hà
Nội.
Theo như nội dung, quyết định này được ban hành nhằm mục đích như:
bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, chống lại khối đại
đoàn kết toàn dân
và chống lại việc tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật
quân sự, an ninh, kinh tế.v.v
Thế nhưng, theo bà Dorothy Chou, chuyên gia phân tích chính sách của
Google cho biết, quyết định này nhằm mục đích ngăn chặn người sử dụng
internet, truy cập vào một số trang web và theo dõi các hoạt động của
họ. Hôm 10 tháng 5, bà Chou đã viết trên Google blog như sau: Người sử
dụng Internet tại Hà Nội sẽ sớm phát hiện ra rằng họ không thể truy cập
các trang web nhất định khi sử dụng internet tại các quán cà phê ở đây.
Một quy định ban hành hồi tháng 4 yêu cầu tất cả các địa điểm cho thuê
internet cài đặt một nhu liệu ứng dụng trong server vào năm 2011. Các
ứng dụng có khả năng cho phép chính phủ Việt Nam chặn truy cập vào một
số trang web, cũng như để theo dõi hoạt động của người sử dụng.
Đứng trên cả luật pháp!
Trong quy định hướng dẫn đi kèm để giải thích thêm về quyết định
này, ở điều 3, phần 4, nhắc lại điều 71 Luật Công nghệ Thông tin, như
sau: Tổ chức, cá nhân không được tạo ra, cài đặt, phát tán virus điện
toán, chương trình gây hại vào thiết bị số của người khác để thực hiện
việc thu thập thông tin của người khác.
Thế nhưng, ở điều 4, phần 1, điểm d, quy định cho tất cả các đại lý
dịch vụ internet như: Server phải cài đặt nhu liệu quản lý đại lý
internet được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận. Nghĩa là, tất
cả các server tại các dịch vụ internet phải cài đặt nhu liệu quản lý để
giúp các nhà chức trách thu thập thông tin của người sử dụng tại các
dịch vụ internet.
Trong một bài viết có tựa đề nhu liệu theo dõi người dùng Internet
là gì, Blogger Đông A SG cho biết, nhu liệu này có những chức năng như:
ngăn chặn người sử dụng truy cập một số website, có thể xem màn hình
người sử dụng từ server, lưu trữ thông tin cá nhân của người sử dụng
như số CMND, tên họ, các website người đó truy cập cũng như các thao
tác trên máy
Không những thế, các thông tin này bắt buộc lưu trữ trên
server trong 30 ngày và phải cung cấp cho cơ quan chức năng.
Nếu nhu liệu quản lý đại lý internet có các chức năng như thế thì,
câu hỏi được đặt ra là, quyết định này phục vụ cho ai, cho quyền lợi
người dân hay cho những người đang nắm luật pháp? UBND Thành phố Hà Nội
đặt ra luật lệ, ngăn cấm những cá nhân, tổ chức, không được quyền thu
thập thông tin của người khác, trong khi đó, cũng chính UBND Thành phố
này, tự cho phép mình được quyền cài đặt nhu liệu để thu thập các thông
tin cá nhân của những người sử dụng internet!
Một quyết định thiếu minh bạch
Quyết định cho phép các nhà chức trách Việt Nam thu thập thông tin
cá nhân, vi phạm quyền tự do của người dân, đã làm cho Google lo ngại.
Thế nhưng, vì sao Google lại quan tâm đến quyền lợi của người dân ở một
đất nước xa xôi, nhỏ bé như Việt Nam?
Có lẽ cũng nên nhắc thêm, Google luôn ủng hộ quyền tự do bày tỏ quan
điểm, lên tiếng phản đối chính phủ các nước ngăn chặn quyền tự do truy
cập thông tin trên mạng. Trước đây, Google chống lại các quy định kiểm
duyệt internet ở Trung Quốc và đã quyết định đóng cửa dịch vụ tìm kiếm,
rút lui khỏi thị trường Hoa lục hồi cuối tháng 3 vừa qua, là do ông
Sergey Brin, đồng sáng lập và là chủ tịch tập đoàn Google, là người
luôn chống lại sự độc tài, thiếu tự do, dân chủ ở các nước cộng sản như
Trung Quốc và Việt Nam.
Có lẽ vì thế nên Google cảm thấy khó chịu khi Việt Nam, cũng như
Trung Quốc, đưa ra các quy định nhằm bóp nghẹt các tiếng nói đối lập,
ngăn chặn quyền tự do thông tin.
Lên tiếng về quyết định mới của Việt Nam, bà Chou đã viết: Cùng với
các cuộc tấn công về bảo mật mà chúng tôi khám phá liên quan đến các
nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam hồi đầu năm nay, và việc liên tục gây
tắc nghẽn Facebook và các mạng xã hội khác, quyết định mới này là một
ví dụ gây phiền hà của chính phủ, đe dọa quyền tự do bày tỏ ý kiến trên
internet.
Thực hiện nhu liệu ứng dụng này sẽ 'bóp nghẹt' truy cập thông tin
của nhiều người dân ở Hà Nội - những người sử dụng internet tại các
quán café phổ biến ở Việt Nam. Nếu quy định này vượt ra khỏi Hà Nội, nó
sẽ áp đặt những hạn chế không rõ ràng và thiếu minh bạch lên tất cả
những người sử dụng internet trên cả nước.
Để thay lời kết, chúng tôi xin mượn lời của ông Phil Robertson, Phó
Giám Đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), hôm 26 tháng 5 vừa qua, lên
tiếng phản đối Việt Nam ngăn chặn quyền tự do bày tỏ ý kiến trên mạng,
ông cho biết: Chính phủ nhắm vào các cây viết trên mạng internet, đơn
giản chỉ vì họ đưa ra những ý kiến độc lập, chỉ trích các chính sách
của chính phủ và phơi bày những việc làm sai trái. Rõ ràng là chính phủ
lo lắng các blogger sẽ tiết lộ những câu chuyện nội bộ về lạm quyền và
tham nhũng của chính phủ, cũng như đăng tải các tin tức và các vấn đề
mà chính phủ không muốn nó xuất hiện trên các phương tiện truyền thông
do nhà nước kiểm soát.
|