Thanh Quang, phóng viên RFA
2011-12-21
Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến Việt Nam, mở đầu
chuyến viếng thăm chính thức 3 ngày bắt đầu từ thứ Ba 20 tháng 12 này.
AFP
Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Hợp tác chiến lược Việt-Trung
Câu hỏi cần được nêu lên là chuyến đi của nhân vật sắp lãnh đạo đảng và
nhà nước Trung Quốc có ý nghiã ra sao? Và Việt Nam nhân dịp này có mang
lại ích quốc lợi dân gì không?
Lên tiếng với giới truyền thông
Trung Quốc hôm thứ Hai (19 tháng 12), Phó Chủ tịch Nước Việt Nam, bà
Nguyễn Thị Doan, cho biết chuyến viếng thăm Việt Nam của Phó Chủ tịch
Trung Quốc Tập Cận Bình góp phần đáng kể trong việc xúc tiến sự hợp tác
chiến lược Việt-Trung trong tình hình mới, mang ý nghiã lớn nhằm đẩy
mạnh hơn nữa sự phát triển thường xuyên, lành mạnh và ổn định mối quan
hệ song phương.
Tờ Wall Street Journal số ra hôm thứ Bảy vừa rồi
qua tựa đề "Ông Tập Cận Bình của Trung Quốc bắt đầu thử nghiệm ngoại
giao” cho biết Phó Chủ tịch họ Tập tới Việt Nam, và cả Thái Lan, trong
khi một viên chức cao cấp khác của Hoa Lục là Uỷ viên Quốc Vụ Viện Đới
Bỉnh Quốc tới Miến Điện, được giới ngoại giao và các phân tích gia xem
là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm cải thiện quan hệ với các xứ láng giềng Á
Châu sau khi Hoa Kỳ khẳng định "quay trở lại” khu vực này và tuyên bố
vẫn là cường quốc Thái Bình Dương.
Theo nhà báo Nguyễn Minh Cần
cư ngụ tại Matxcơva, từng là phó Chủ tịch Uỷ ban Hành chính thành phố Hà
Nội, thì sự hiện diện của ông Tập Cận Binh tại Việt Nam nhằm gây ảnh
hưởng cho cá nhân trong khu vực, đồng thời ra sức siết chặt hơn nữa mối
quan hệ Việt-Trung:
Ông Tập Cận Bình là người sắp lên thay ông Hồ Cẩm Đào trong cương vị
chủ tịch nước tương lai. Chuyến đi Việt Nam lần này của ông, theo tôi,
có ý nghiã là ông ta nhằm gây ảnh hưởng cho chính mình, để làm nổi bật
vai trò của mình đối với các nước chung quanh
Ô. Nguyễn Minh Cần
Ông Tập Cận Bình thân mật bắt tay Phó Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn
Thị Doan. Tham gia lễ đón chính thức Phó Chủ tịch Trung Quốc còn có
Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh (giữa).Theo VnE
"Ông Tập Cận Bình là người sắp lên thay ông Hồ Cẩm Đào trong cương vị
chủ tịch nước tương lai. Chuyến đi Việt Nam lần này của ông, theo tôi,
có ý nghiã là ông ta nhằm gây ảnh hưởng cho chính mình, để làm nổi bật
vai trò của mình đối với các nước chung quanh; chuyến đi này cũng có một
ý nghiã nữa là các Uỷ viên Bộ chính trị của đảng CSTrung Quốc để cho
ông Tập Cận Bình thực tập vai trò chủ tịch nước nữa.
Đây là điều
thứ nhất. Thứ nhì là vừa qua, TBT đảng CS Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã
đi Trung Quốc. Thì chuyến đi Việt Nam này của ông Tập Cận Bình là để
thắt chặt hơn những điều đã được thoả thuận giữa Trung Quốc và Việt Nam,
có cả vấn đề tránh gây căng thẳng thêm cho mối quan hệ 2 nước.
Chẳng
hạn sau chuyến Hoa du của ông Nguyễn Phú Trọng, thì Việt Nam cố dẹp cho
được những cuộc biểu tình chống Trung Quốc. Lần này ông Bình sang Việt
Nam để siết chặt hơn nữa mối quan hệ song phương. Đặc biệt vấn đề Hoàng
Sa-Trường Sa chắc chắn sẽ được 2 bên nói đến."
Giáo sư
Nguyễn Mạnh Hùng dạy môn Bang giao Quốc tế tại Đại học George Mason,
tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ, nhận định rằng chuyến đi của ông Tập Cận
Bình sang Việt Nam là để "đánh bóng” ông ta trước khi trở thành Chủ tịch
nước, cũng như "đáp lễ” chuyến Hoa du vừa qua của TBT đảng CS Việt Nam
Nguyễn Phú Trọng. Nhưng, quan trọng hơn cả, theo GS Nguyễn Mạnh Hùng:
"Theo
tôi nghĩ điều quan trọng nhất là Trung Quốc cũng muốn phản ứng lại
trước một loạt những cuộc viếng thăm của các nhà lãnh đạo Mỹ sang Châu Á
như của bà ngoại trưởng Hillary Clinton, rồi tổng trưởng quốc phòng
Leon Panetta, và của cả tổng thống Barack Obama.
Lần này Trung
Quốc đưa ông Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam, Thái Lan và đồng thời ông
Đới Bỉnh Quốc sang thăm Miến Điện. Đặc biệt trong tháng này ông Đới Bỉnh
Quốc lại đi gặp bà Aung San Suu Kyi nữa. Điều đó cho thấy Trung Quốc
liệu theo chiều phát triển ở Á Châu mà đi theo họ chứ không còn cưỡng
lại như xưa nữa."
Trung Quốc cũng muốn phản ứng
lại trước một loạt những cuộc viếng thăm của các nhà lãnh đạo Mỹ sang
Châu Á như của bà ngoại trưởng Hillary Clinton, rồi tổng trưởng quốc
phòng Leon Panetta, và của cả tổng thống Barack Obama.
GS Nguyễn Mạnh Hùng
Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama duyệt hàng quân danh dự khi đến Úc. 16/11/2011. AFP photo.
Qua bài "Vài suy nghĩ trước chuyến viếng thăm Việt Nam của ông Tập Cận
Bình”, phân tích gia Trần Kinh Nghị, từng là nhà ngoại giao, lưu ý rằng
đây là "chuyến công cán đầy toan tính của giới lãnh đạo Bắc Kinh”, cho
thấy "mối quan tâm đặc biệt của Bắc Kinh trước diễn biến tình hình quốc
tế và khu vực buộc Trung Quốc phải có những bước đi kịp thời tại một số
địa bàn trọng điểm, trong đó Việt Nam là 1 mắt xích”.
Theo tác
giả Trần Trung Nghị thì nguyên nhân ông Tập Cận Bình – nhân vật sắp đứng
đầu đảng và nhà nước Trung Quốc "hạ cố” thăm Việt Nam vì Trung Nam Hải
sau thời gian "tự tung tự tác” nay bắt đầu nhận ra sai lầm khiến lãnh
"hậu quả nhãn tiền” là tạo cớ cho Hoa Kỳ quay trở lại vùng Á Châu-TBD,
triển khai quân đội phiá Bắc nước Úc, tăng cường vòng đai án ngữ sự bành
trước quân sự Trung Quốc từ Nhật Bản, Nam Hàn xuống Philippines,
Singapore, liên kết ngày càng chặt chẽ với Ấn Độ giữa lúc các chư hầu
truyền thống của Bắc Kinh là Việt Nam và Miến Điện có nguy cơ "vuột khỏi
tầm tay” của phương Bắc.
"Nhu” và "Cương” với Trung Quốc
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý rằng hiện Trung Quốc muốn xoa dịu Việt
Nam vì sợ Việt Nam "đi gần với Mỹ” trong khi "những tuyên bố gần đây của
các nhà lãnh đạo Việt Nam cho thấy họ khó có thể nhượng bộ hơn được
nữa”.
Nếu Việt Nam biết lợi dụng tình hình, khai thác chuyến đi này của
ông Tập Cận Bình để có thái độ cứng rắn đặt ra những vấn đề cụ thể, chứ
không phải để nhân nhượng, thì đó có thể là điều thuận lợi cho Việt Nam
.
Ô. Nguyễn Minh Cần
Theo phân tích gia Trần Trung Nghị thì diễn biến tình hình biển Đông
nói riêng và vùng Á Châu-TBD nói chung trong thời gian gần đây trong
chiều hướng có lợi cho Việt Nam và cả những tiểu quốc từng bị Hoa Lục
chèn ép.
Trong tình hình như vậy, có lẽ câu hỏi cần được nêu lên
là Việt Nam cần ứng phó thậm chí khai thác ra sao nhân khi Phó Chủ tịch
Tập Cận Bình có mặt tại Việt Nam ?
Nhà báo Nguyễn Minh Cần
khẳng định rằng điều này tuỳ vào thái độ của giới lãnh đạo Việt Nam.
Theo ông thì nếu lần này phía Việt Nam đặt ra những yêu sách cụ thể,
chẳng hạn như Hà Nội đã ngăn chận những cuộc biểu tình chống Trung Quốc
rồi thì bên Trung Quốc cũng phải có thái độ như thế nào đối với những tờ
báo, như tờ Hoàn Cầu Thời báo vốn hay có luận điệu chống và đe doạ Việt
Nam nhiều nhất. Hoặc trong lúc vấn đề biển Đông chưa được giải quyết
thì phiá Việt Nam phải đấu tranh sao cho bảo vệ được quyền lợi của ngư
dân Việt Nam ở vùng biển Đông. Nhà báo Nguyễn Minh Cần nhận xét:
TBT Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại Bắc Kinh hôm 11 tháng 10 năm 2011. China Central TV
"Nếu Việt Nam biết lợi dụng tình hình, khai thác chuyến đi này của ông
Tập Cận Bình để có thái độ cứng rắn đặt ra những vấn đề cụ thể, chứ
không phải để nhân nhượng, thì đó có thể là điều thuận lợi cho Việt Nam .
Nhưng nếu những người lãnh đạo Việt Nam tiếp tục có thái độ nhu nhược,
nhân nhượng, thì theo tôi, họ sẽ không đạt được điều gì tốt cả.
Tôi
nghĩ rằng ít nhất, những việc như vậy Việt Nam có thể đạt được – và
phải làm cho bằng được. Còn những vấn đề lớn, toàn cục, là việc giải
quyết vấn đề biển Đông như thế nào, đó là vấn đề còn lâu dài. Nhưng nếu
xét lại thái độ lâu nay của những người lãnh đạo CSViệt Nam thì tôi
cũng rất e ngại là những người lãnh đạo này dám "đứng thẳng người” để
nêu lên những vấn đề cụ thể như vừa nói."
GS Nguyễn Mạnh Hùng xem chừng như cũng đồng quan điểm này:
"Thứ
nhất trong cuộc gặp giữa ông Nguyễn Phú Trọng và Hồ Cẩm Đào, họ ký
thông cáo chung nói để làm giảm căng thẳng - dân chúng không còn tạo
căng thẳng hơn, Việt Nam đã dẹp biểu tình rồi, báo chí Việt Nam không
chỉ trích Trung Quốc nhiều nữa.
Nếu có thể được, Việt Nam có thể
yêu cầu Trung Quốc điều thứ nhất là ra lệnh cho tờ Hoàn Cầu Thời Báo
chấm dứt những luận điệu và đe dọa đánh Việt Nam.
Tương lai của mối quan hệ song phương tuỳ thuộc đường lối cương-nhu để
bảo vệ quyền lợi cho mình. Còn nếu Việt Nam tiếp tục nhân nhượng, nhu
nhược với Trung Quốc thì tình hình chắc chắn sẽ càng sa sút.
Ô. Nguyễn Minh Cần
Ít nhất đây là chỉ dấu có thể làm được. Thứ hai, trong điều đình họ
có thể định lại một cách bán chính thức vùng đánh cá gần đảo Hoàng Sa;
bớt đòi hỏi của Trung Quốc kéo dài ra, để cho ngư dân Việt Nam có thể
đánh cá, kiếm sống gần Hoàng Sa hơn, khỏi bị bắt bớ. Đó là hai điều mà
Trung Quốc nếu có thiện chí thì có thể làm được."
Theo nhà
báo Nguyễn Minh Cần thì trong hoàn cảnh của đất nước hiện nay, giới lãnh
đạo Việt Nam phải vừa duy trì quan hệ giữa 2 nước vừa tỏ rõ thái độ,
lập trường của mình là quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và quyền lợi dân
tộc. Nên tương lai của mối quan hệ song phương tuỳ thuộc đường lối
cương-nhu để bảo vệ quyền lợi cho mình. Còn nếu Việt Nam tiếp tục nhân
nhượng, nhu nhược với Trung Quốc thì tình hình chắc chắn sẽ càng sa sút.
Nhân
chuyến đi Việt Nam của Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, phân
tích gia Trần Kinh Nghị lưu ý rằng "hơn lúc nào hết, giờ đây lợi ích
sống còn của dân tộc đang một lần nữa bị nước láng giềng phương Bắc đe
dọa và xâm phạm buộc người Việt Nam phải lựa chọn phương thức mới thích
hợp để đấu tranh sinh tồn.
Đại đa số nhân dân đã bày tỏ ý chí
sẵn sàng dấn thân bằng cách phát huy thế mạnh nội lực kết hợp với sức
mạnh tổng hợp của thời đại, kiên quyết đấu tranh vì mục tiêu tối thượng
là bảo vệ toàn vẹn chủ quyền quốc gia... Đó là nguyên tắc bất di bất
dịch không thể nhân nhượng”.
|